Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và ứng cử viên Joe Biden ngày càng trở nên nóng hơn khi chỉ còn chưa đầy 80 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống chính thức.
Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden. Ảnh: CNBC.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của Joe Biden
Vào hôm qua (17/8), Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ đã khai mạc dưới hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Nội dung chính của đại hội năm nay là chính thức đề cử cựu Phó Tổng thống Joe Biden làm ứng viên đại diện Đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới. Sự kiện này cũng là cơ hội để đảng này củng cố mức độ ủng hộ dành cho ứng viên Phó Tổng thống Kamala Harris, người vừa được ông Joe Biden chọn làm liên danh tranh cử hôm 11/8 vừa qua.
Trước thềm bầu cử, ứng cử viên Joe Biden và các đồng minh của ông có nhiều lý do để lạc quan. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ ở gần như mọi bang chiến địa mà ông Trump đã giành chiến thắng sít sao trước bà Hilary Clinton trong cuộc bầu cử năm 2016. Lần đầu tiên sau một thập kỷ, triển vọng giành quyền kiểm soát Thượng viện và toàn quyền kiểm soát Quốc hội của đảng Dân chủ đang nằm trong tầm ngắm.
Tuy vậy, ông Biden cũng phải đối mặt với nhiều yếu tố vượt ngoài tầm kiểm soát. Các cuộc phỏng vấn với nhiều quan chức của đảng Dân chủ, các nhà hoạt động xã hội và các cử tri đã cho thấy mối lo ngại rằng, cuộc bỏ phiếu giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành có thể trở nên khó khăn hơn bao giờ hết và nếu Tổng thống Trump thua, ông ấy sẽ không bao giờ chấp nhận kết quả này. Bản thân Joe Biden cũng tiết lộ đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của ông.
Trong một bài viết đăng tải trên trang Twitter tuần trước, Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng chính quyền Tổng thống Trump “quan tâm đến việc ngăn chặn cuộc bỏ phiếu hơn là ngăn chặn dịch bệnh”. Một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos cuối tháng 7 vừa qua cho biết, cứ 10 thành viên của đảng Dân chủ thì có tới 8 người lo ngại về vấn đề này.
Ông Trump đã phản đối việc bỏ phiếu qua thư suốt nhiều tháng qua, cho rằng hình thức này có thể dẫn đến gian lận. Tim Murtaugh, phát ngôn viên ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ muốn “một cuộc bầu cử tự do và công bằng”, đồng thời cáo buộc phe Dân chủ đang “tạo điều kiện cho sự hỗn loạn và biến nguy cơ gian lận thành thực tế”.
Trái lại phe Dân chủ cho rằng, hình thức bỏ phiếu qua thư có thể giúp bảo vệ cử tri Mỹ khỏi sự lây nhiễm Covid-19 và việc phản đối hình thức bỏ phiếu này trong thời kỳ dịch bệnh sẽ tước đi quyền bỏ phiếu của hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là người nghèo và người Mỹ gốc Phi có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ.
Một số chính trị gia cho biết, lợi thế dẫn đầu của ông Biden trong các cuộc thăm dò chỉ khiến họ thêm lo lắng. Cần phải nhắc lại rằng vào thời điểm này năm 2016, ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton đã dẫn trước ông Trump 5 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò dư luận nhưng bà vẫn thua ông Trump trong cuộc bầu cử diễn ra 3 tháng sau đó, một phần do sự sụt giảm số lượng cử tri Mỹ gốc Phi. Phe Dân chủ lo ngại, nếu bỏ phiếu trực tiếp, thì việc gia tăng số ca mắc Covid-19 có thể khiến các cử tri ủng hộ đảng này tránh xa các địa điểm bỏ phiếu.
"Đừng theo các cuộc thăm dò dư luận”
Nghị sỹ Dân chủ bang Michigan, bà Patty Leitzel cho biết, bà vẫn chưa hết bàng hoàng bởi chiến thắng của ông Trump ở bang này cách đây 4 năm, đồng thời lo ngại kịch bản này có thể diễn ra một lần nữa. “Nếu tôi có thể thuyết phục Joe Biden, tôi sẽ nói với ông ấy điều này: Đừng theo các cuộc thăm dò dư luận”.
Giống như hầu hết thành viên của đảng Dân chủ, mối lo ngại lớn nhất của nghị sỹ Patty Leitzel là sự ngăn chặn việc bỏ phiếu qua thư. Nhưng bà cũng cho biết muốn thấy ứng cử viên Joe Biden nỗ lực hơn nữa để truyền tải các thông điệp của ông. Vì vậy, cuộc bầu cử sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi những hành động của Tổng thống Trump khi ông đang trong nhiệm kỳ.
Phe Dân chủ cho rằng, cuộc cạnh tranh đã trở nên quá tập trung vào cách thức ông Trump đối phó với dịch bệnh Covid-19. Điều này thoạt nhìn có vẻ mang lại lợi ích cho Joe Biden nhưng cũng khiến ông dễ bị tổn thương trước sự thay đổi đột ngột liên quan đến vận mệnh của nước Mỹ, chẳng hạn như nền kinh tế được cải thiện đáng kể trước cuộc bầu cử hoặc vaccine Covid-19 được chế tạo thành công và trở nên sẵn có.
Geoffrey Skelley, một nhà phân tích bầu cử của FiveThirtyEight – trang web tập trung phân tích thăm dò ý kiến nhận xét: “Những thay đổi này có thể thu hẹp cuộc đua. Bởi vì tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump ở các bang có nhiều khả năng quyết định cuộc bầu cử vẫn cao hơn so với tỷ lệ ủng hộ của ông trên toàn quốc. Ông ấy không nhất thiết phải nỗ lực quá nhiều để nâng cao cơ hội giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đại cử tri”.
Người phát ngôn ban vận động tranh cử của ông Trump Tim Murtaugh cho rằng: “Tổng thống Trump mong đợi sự phục hồi của đất nước trước bầu cử nhưng ông Joe Biden lại sợ điều đó”.
Ông Joe Biden có quan điểm thận trọng hơn Tổng thống Trump về vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế và nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ các chỉ dẫn về sức khỏe cộng đồng.
Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra ở thành phố Milwaukee thuộc bang Wisconsin, chậm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu. Ông Biden không tới tham dự trực tiếp mà chỉ tiếp nhận đề cử ứng viên Tổng thống chính thức bằng hình thức trực tuyến từ quê nhà của ông ở bang Delaware.
Trong khi đó, ông Trump có kế hoạch thăm các bang chiến địa Minnesota, Wisconsin, Arizona và Pennsylvania trong tuần này để thúc đẩy chiến dịch tranh cử.
Các nỗ lực vận động của ông Biden cũng chủ yếu diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Trái lại, ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết họ đang gõ cửa một triệu ngôi nhà trong một tuần.
Liệu chiến lược của các bên có thực sự hiệu quả hay không thì vẫn chưa thể biết trước và phải chờ đến ngày bầu cử. Nhưng các đồng minh của ông Biden nhận thức rõ rằng, ngay cả khi ông Biden giành được tỷ lệ ủng hộ cao hơn 10% so với Tổng thống Trump trong tháng 8 thì điều này cũng không đảm bảo cựu Phó Tổng thống sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.
Một cuộc thăm dò dư luận mới của CNN, do SSRS thực hiện cho biết, cách biệt về tỷ lệ ủng hộ của ông Biden và ông Trump trong số các cử tri đăng ký bầu cử đã thu hẹp đáng kể từ tháng 6/2020, dù ông Biden duy trì được lợi thế trong một số vấn đề hàng đầu và việc ông lựa chọn Thượng nghị sỹ Kamala Harris làm đối tác tranh cử đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực. Theo cuộc thăm dò, 50% cử tri đã đăng ký ủng hộ liên danh Biden-Harris, trong khi 46% nói rằng họ ủng hộ liên danh Trump – Pence. Tại 15 bang chiến địa, số cử tri ủng hộ ông Biden là 49% còn ông Trump là 48%./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo National Post, CNN