Người dân cần hiểu định nghĩa nơi tạm trú là gì và nắm rõ thủ tục đăng ký tạm trú để khai báo chính xác nơi sinh sống hiện tại của mình với cơ quan nhà nước. Đồng thời qua đó, các cơ quan chức năng cũng quản lý nơi cư trú của công dân hiệu quả hơn và giúp người dân dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Sổ tạm trú. Ảnh: Hiểu luật
1. Nơi Tạm Trú Là Gì?
Theo khoản 9 điều 2 Luật Cư trú 2020, “Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.”
Tại điều 27 Luật Cư trú, các điều kiện đăng ký tạm trú gồm:
- Công dân chuyển đến sinh sống tại đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường và thị trấn) khác với đơn vị đã đăng ký thường từ 30 ngày trở lên bắt buộc phải thực hiện đăng ký tạm trú.
- Sau thời gian tối đa là 2 năm, công dân được phép gia hạn đăng ký tạm trú hết hiệu lực.
Một số địa điểm không được phép đăng ký tạm trú:
- Chỗ ở thuộc địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng, di tích lịch sử văn hóa,…
- Chỗ ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép hoặc không được cấp phép xây dựng theo quy định pháp luật.
- Chỗ ở thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khu vực đang diễn ra tranh chấp đất đai.
- Chỗ ở đã có quyết định tịch thu từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chỗ ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định phá bỏ.
2. Vì Sao Cần Khai Báo Địa Chỉ Tạm Trú?
Đối Với Người Dân
Công tác đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn liên quan trực tiếp đến quyền lợi công dân. Một số thủ tục hành chính được phép thực hiện tại nơi đăng ký tạm trú gồm:
- Đăng ký làm Căn cước công dân
- Đăng ký kết hôn
- Đăng ký làm hộ chiếu
- Đăng ký khai sinh cho trẻ em
Không bao gồm các thủ tục hành chính, người dân cũng có thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tham gia bầu cử, … tại địa phương đăng ký tạm trú.
Khai báo địa chỉ tạm trú đầy đủ với cơ quan chức năng. Ảnh: Pexels
Đối Với Cơ Quan Nhà Nước
Thông tin cư trú của công dân luôn gắn liền với các nhu cầu về công việc, học tập,… Đăng ký tạm trú là công cụ hiệu quả giúp các cơ quan chức năng quản lý nơi cư trú của nhân dân và từ đó, hỗ trợ đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân liên quan đến nơi tạm trú. Đối với Nhà Nước, các chính sách quản lý xã hội và quản lý cư dân được hình thành chủ yếu dựa trên dữ liệu cư trú của công dân.
Hiện nay, Bộ Công an là đơn vị quản lý nơi tạm trú thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú từ mạng internet.
Trong trường hợp người dân thực hiện đăng ký tạm trú hoặc có những thay đổi thông tin về nơi cư trú, cơ quan có thẩm quyền sẽ cập nhật dữ liệu mới nhất trên Cơ sở dữ liệu quốc gia và tiến hành thu lại Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu của công dân.
3. Điểm Khác Nhau Giữa Cư Trú, Tạm Trú, Và Thường Trú Là Gì?
Nơi cư trú của công dân là địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc cấp huyện mà công dân sinh sống. Với câu hỏi nơi cư trú là tạm trú hay thường trú? Dựa trên định nghĩa đã nêu trước đó, nơi cư trú bao gồm cả nơi thường trú và tạm trú.
Dựa vào Luật Cư trú 2020, hãy cùng tìm hiểu nơi thường trú và tạm trú là gì?
Nơi thường trú | Nơi tạm trú | |
Khái niệm | “Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú” | “Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.” |
Thời hạn | Ổn định, lâu dài | Tối đa là 02 năm, được gia hạn nhiều lần |
Đối tượng | Công dân là chủ sở hữu hợp pháp của chỗ ở (nhà riêng/ căn hộ chính chủ) Chủ sở hữu hợp pháp cho phép công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở của mình, cụ thể: – Vợ chồng – Anh chị em ruột – Cha mẹ và con… |
Công dân đến sinh sống tại đơn vị hành chính cấp xã ngoài nơi đã đăng ký thường trú |
Kết quả đăng ký | Thông tin về nơi thường trú sẽ được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu về cư trú | Thông tin về nơi và thời hạn tạm trú sẽ được cập nhật tại Cơ sở dữ liệu về cư trú |
4. Thủ Tục Đăng Ký Tạm Trú
Đăng ký tạm trú online qua ứng dụng VNeID. Ảnh: phunu.phutho.gov.vn
Có 3 cách chính để thực hiện đăng ký tạm trú, cụ thể như sau:
- Thực hiện thủ tục trực tiếp tại cơ quan Công an cấp xã/phường nơi tạm trú và thanh toán lệ phí theo quy định. Công dân cần chuẩn bị:
- Tờ khai cung cấp thông tin cư trú
- Giấy tờ nhằm mục đích chứng minh chỗ ở là hợp pháp
- Bản sao thẻ CCCD kèm bản gốc (để đối chiếu thông tin)
- Đăng ký qua internet tại Cổng dịch vụ công:
- Công dân cần tạo tài khoản hoặc đăng nhập vào tài khoản tại Cổng dịch vụ công quốc gia
- Đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công và cung cấp thông tin vào mẫu tờ khai thay đổi thông tin cư trú
- Tải lên hệ thống các giấy tờ minh chứng chỗ ở hợp pháp
- Thanh toán lệ phí online qua cổng thanh toán điện tử
- Người dân cập nhật thông tin xử lý hồ sơ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia
- Đăng ký tạm trú online qua VNeID:
- Đăng nhập vào VNeID trên điện thoại
- Chọn nhóm dịch vụ ‘Thủ tục hành chính’ và ‘Đăng ký tạm trú’
- Chọn ‘Tạo mới yêu cầu’ và tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn
Trung bình thời gian giải quyết thủ tục đăng ký tạm trú kéo dài 03 ngày làm việc. Sau khi được duyệt đăng ký tạm trú thành công, công dân có thể dùng kết quả này để thực hiện các thủ tục hành chính khác liên quan.
5. Xóa Đăng Ký Tạm Trú
Nhằm mục đích quản lý an sinh xã hội, thông tin tạm trú cần được cập nhật liên tục, đặc biệt là các trường hợp cần xóa đăng ký tạm trú:
- Người có quyết định tuyên bố mất tích của tòa hoặc đã chết
- Kết quả đăng ký tạm trú không tuân thủ theo quy định của Luật Cư trú 2020 sẽ bị hủy bỏ và cơ quan đăng ký có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người đăng ký tạm trú
- Công dân vắng mặt trong 6 tháng liên tục tại nơi đăng ký tạm trú như phòng trọ, nhà cho mượn,… và đồng thời không đăng ký tạm trú tại nơi khác
- Đã đăng ký thường trú tại nơi tạm trú
- Công dân đăng ký tạm trú tại nơi cho thuê, mượn nhưng đã chấm dứt hợp đồng và không đăng ký tạm trú tại nơi khác
- Chỗ ở bị phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- …
Cơ quan thực hiện xóa đăng ký tạm trú có nghĩa vụ cập nhật lý do và thời điểm xóa đăng ký tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Công dân cần nắm rõ định nghĩa nơi tạm trú là gì và nắm vững thủ tục đăng ký tạm trú để dễ dàng khai báo chính xác với cơ quan nhà nước, và giúp người dân dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Việc tuân thủ đúng quy trình đăng ký tạm trú còn giúp đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho mỗi cá nhân trong cộng đồng.
Hoài Tăng