Hình minh họa
Danh sách 102 phường mới tại TP HCM
Ngày 18/4, HĐND TP.HCM khóa X tổ chức kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), xem xét tờ trình của UBND TPHCM về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo phương án UBND TPHCM trình HĐND TP.HCM thì TP.HCM sắp xếp từ 273 phường, xã, thị trấn còn 102 phường, xã. TP Thủ Đức sáp nhập 34 phường thành 12 phường: Hiệp Bình, Tam Bình, Thủ Đức, Linh Xuân, Long Bình, Tăng Nhơn Phú, Phước Long, Long Phước, Long Trường, An Khánh, Bình Trưng, Cát Lái.
Quận 1 sáp nhập 10 phường thành 4 phường: Sài Gòn, Tân Định, Bến Thành, Cầu Ông Lãnh. Quận 3 sáp nhập 10 phường thành 3 phường: Bàn Cờ, Xuân Hòa, Nhiêu Lộc. Quận 4 sáp nhập 10 phường thành 3 phường: Vĩnh Hội, Khánh Hội, Xóm Chiếu.
Quận 5 sáp nhập 15 phường thành 3 phường: Chợ Quán, An Đông, Chợ Lớn. Quận 6 sáp nhập 14 phường thành 5 phường: Bình Tiên, Bình Tây, Bình Phú, Phú Lâm, Phú Định. Quận 7 sáp nhập 10 phường thành 4 phường: Tân Mỹ, Tân Hưng, Tân Thuận, Phú Thuận.
Quận 8 sáp nhập 10 phường thành 3 phường: Chánh Hưng, Bình Đông, Phú Định. Quận 10 sáp nhập 10 phường thành 3 phường: Vườn Lài, Diên Hồng, Hòa Hưng. Quận 11 sáp nhập 10 phường thành 4 phường: Hòa Bình, Phú Thọ, Bình Thới, Minh Phụng. Quận 12 sáp nhập 11 phường thành 5 phường: Đông Hưng Thuận, Trung Mỹ Tây, Tân Thới Hiệp, Thới An, An Phú Đông.
Tuyến đường 4.800 tỷ đồng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ấn định ngày thông xe
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa là một trong những công trình trọng điểm của TP.HCM với tổng vốn đầu tư lên đến 4.848 tỷ đồng. Tuyến đường dài khoảng 4km, đóng vai trò then chốt trong việc giảm tải giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt khi nhà ga T3 chính thức đi vào hoạt động.
Tuyến đường bao gồm các hạng mục: Đường chính và các tuyến nhánh kết nối; Cầu vượt kết nối trực tiếp vào nhà ga T3; Hầm chui Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (thoát nước, đèn chiếu sáng, cây xanh)
Tính đến ngày 17/4, gần như toàn bộ tuyến đường đã hoàn thiện. Đặc biệt là đoạn từ đường C12 đến Hoàng Hoa Thám đã cho xe lưu thông; Đoạn tuyến ra khu vực nút giao Cộng Hòa – Trường Chinh đã được thảm nhựa hoàn toàn; Cầu vượt nhà ga T3 đã hoàn tất phần xây lắp, chờ đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu.
Ngoài ra, đoạn qua ga hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất, đã cho xe chạy từ cuối năm 2024, đồng thời rút ngắn lộ trình di chuyển và thông suốt vào các khung giờ cao điểm.
Cấm cho thuê ngắn ngày trong chung cư, phân khúc căn hộ dịch vụ hưởng lợi
Theo quy định mới của TP.HCM, chỉ những chung cư xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp mới được kinh doanh cho thuê lưu trú du lịch (thuê ngắn hạn, theo ngày, giờ,airbnb...). Căn hộ chung cư chỉ được cho thuê để ở, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích khác.
Quy định này nhận được sự ủng hộ từ nhiều cư dân, với lý do hoạt động cho thuê ngắn hạn tiềm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và sinh hoạt chung trong chung cư.
Thực tế, mô hình cho thuê ngắn hạn qua các nền tảng như Airbnb từng bùng nổ tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM. Sau khi UBND TP.HCM cấm lưu trú ngắn ngày trong căn hộ chung cư, nhiều dự án đã ra thông báo yêu cầu các chủ nhà dừng kinh doanh dịch vụ này. trước thông tin này, không ít nhà đầu tư đã giảm giá để chuyển sang cho thuê dài hạn.
Theo Avison Young Việt Nam, hoạt động cho thuê ngắn hạn tại các khu chung cư dưới hình thức theo ngày, theo giờ qua các nền tảng như Airbnb... đang ngày được quy định quản lý chặt chẽ hơn. Trong bối cảnh đó, căn hộ dịch vụ được cấp phép lưu trú và vận hành chuyên nghiệp có thể trở thành lựa chọn thay thế phù hợp hơn, nhất là với nhóm khách quốc tế lưu trú ngắn hoặc trung hạn.
Tin vui cho người dân quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh
Người dân các khu vực quận 6, quận 8 và huyện Bình Chánh sắp được hưởng lợi lớn từ cây cầu gần 6.300 tỉ đồng. Đây là tuyến giao thông chiến lược nối liền trung tâm TP.HCM với khu Nam sẽ chính thức khởi công vào đầu năm 2026, giúp giảm kẹt xe, rút ngắn thời gian di chuyển và mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho toàn khu vực phía Tây và Nam thành phố.
UBND TP.HCM vừa trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu đường Bình Tiên. Tuyến đường có điểm đầu tại đường Phạm Văn Chí (quận 6), đi qua quận 8 và kết thúc tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Toàn tuyến dài khoảng 3,66km, mặt cắt ngang rộng 30–40m, được thiết kế 4–6 làn xe, đóng vai trò là trục chính đô thị hướng tâm kết nối trung tâm thành phố với khu Nam.
Dự án được chia thành hai thành phần. Thành phần 1 bao gồm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật, với tổng kinh phí khoảng 3.369 tỉ đồng. Thành phần 2 là phần thi công xây lắp cầu đường, dự kiến đầu tư khoảng 2.915 tỉ đồng.
Từ quý III/2025 đến quý III/2026, TP.HCM sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, tái định cư. Sau đó, việc lựa chọn nhà thầu và khởi công sẽ diễn ra vào quý I/2026. Theo UBND TP.HCM, tuyến cầu đường Bình Tiên sẽ giúp phân luồng lưu thông, giảm tải cho các trục giao thông hiện hữu như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y và cầu Kênh Tẻ. Đây là những tuyến thường xuyên quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Giao thông Bình Dương sẽ thay đổi thế nào với tuyến metro 56.000 tỷ?
UBND tỉnh Bình Dương vừa kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư tuyến metro số 1 TP Bình Dương - Suối Tiên. Được biết, dự án metro số 1 (TP mới - Suối Tiên) có chiều dài tuyến chính dự kiến là 29km, đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương là Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Tuyến đường sắt này có điểm đầu tại ga S1, thuộc phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Điểm cuối là ga bến xe Suối Tiên (tuyến metro số 1 TP.HCM) thuộc phường Bình Thắng, TP Dĩ An, Bình Dương.
Metro số 1 của Bình Dương được thiết kế đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 120km/h. Tuyến sử dụng đoàn tàu công nghệ động lực phân tán, có 19 ga, khoảng cách giữa các ga khoảng 1,7km.
Cử tri huyện Nhơn Trạch nêu kiến nghị về việc xây dựng cầu Cái Lái
Cử tri huyện Nhơn Trạch đã nêu 11 ý kiến trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cầu Cát Lái, nhằm giảm tải cho phà Cát Lái hiện tại và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch đã trao đổi, làm rõ những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Trước đó, tỉnh Đồng Nai vừa đề xuất xây dựng Cầu Cát Lái thay phà hiện hữu để tạo thành tuyến đường kết nối giao thông liên vùng giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM.
Cụ thể, Đồng Nai đưa ra phương án điểm đầu dự án xây Cầu Cát Lái nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m. Ở điểm cuối dự án kết nối vào đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại khoảng km33 500 (lý trình cao tốc Bến Lức - Long Thành).
Hoàng An