Hình minh họa
Hơn 65.000 tỷ đồng làm cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Quốc hội đã thông qua điều chỉnh dự án đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tăng vốn hơn 3.700 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư cao tốc Quy Nhơn - Pleiku với tổng mức đầu tư khoảng 43.700 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, tổng mức đầu tư mới của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là 21.551 tỷ đồng, tăng 3.714 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 sẽ bố trí 17.124 tỷ đồng, bao gồm 12.144 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và 4.980 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, với tỉnh Đồng Nai đóng góp 2.969 tỷ đồng và TP.HCM là 2.011 tỷ đồng. Phần vốn còn lại, 4.427 tỷ đồng, sẽ được bố trí từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2026-2030.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đầu tư với tổng chiều dài gần 54km. Điểm đầu tại tuyến tránh Quốc lộ 1 thuộc TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 dài 16km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đầu tư quy mô 4 làn xe.
Dự án thành phần 2 dài hơn 18km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đầu tư quy mô 4-6 làn xe. Còn dự án thành phần 3 dài 19,5km nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tư quy mô 4 làn xe. Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Long An sắp triển khai xây dựng Đường tỉnh 827E kết nối TP.HCM đến Tiền Giang
Tỉnh Long An đang gấp rút hoàn tất thủ tục để chuẩn bị khởi công dự án Đường tỉnh 827E, một trong những tuyến giao thông chiến lược kết nối TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Long An, một số hạng mục của dự án dự kiến sẽ được khởi công vào ngày 19/8 tới đây.
Dự án Đường tỉnh 827E có tổng chiều dài 35,6km, đi qua 4 huyện của Long An gồm Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ và Châu Thành. Tuyến đường này có điểm đầu nằm tại ranh giới xã Long Hậu (huyện Cần Giuộc) giáp TP.HCM; điểm cuối kết nối với tỉnh Tiền Giang tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành.
Đáng chú ý, tuyến đường sẽ bao gồm 3 cây cầu lớn: Cầu bắc qua sông Cần Giuộc, thiết kế kết cấu bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính dạng vòm thép (90m); Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, thiết kế bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính dạng dây văng (90m 150m). Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, thiết kế bằng kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp chính dạng Extradosed (80m 130m 80m).
Hải Phòng sẽ có Khu thương mại tự do, được trao quyền tự thu hồi đất làm trung tâm logistics quy mô trên 50 ha
Sáng 27/6, với 447/449 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hải Phòng, đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Nghị quyết có 12 điều, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây được xem là bước đột phá để TP Hải Phòng bứt phá mạnh mẽ về kinh tế trong giai đoạn tới. Điểm đáng chú ý trong nghị quyết này là việc Quốc hội đồng ý thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng với loạt chính sách đặc thù.
Theo nghị quyết của Quốc hội, Khu thương mại tự do là khu vực có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá. Các chính sách này nhằm thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao thúc đẩy xuất khẩu, công nghiệp, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nghị quyết của Quốc hội quy định, Khu thương mại tự do Hải Phòng sẽ do UBND TP.Hải Phòng quyết định thành lập và điều chỉnh địa giới gắn với Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng.
Việt Nam sắp có trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng
Nghị quyết về phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam được Quốc hội thông qua sáng 27/6, với trên 93,5% đại biểu tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/9.
Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong năm 2025, đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đến năm 2035, trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam thuộc nhóm 75 trung tâm hàng đầu thế giới và top 20 đến 2045.
Với việc thông qua nghị quyết này, Việt Nam sẽ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế, nhưng đặt tại hai nơi là TP.HCM và Đà Nẵng, trên cơ sở thống nhất hoạt động, quản lý, giám sát.
Trung tâm tài chính quốc tế này được định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng thành phố. Theo đó, Trung tâm tài chính tại TP.HCM sẽ tập trung phát triển thị trường vốn, ngân hàng, thị trường tiền tệ, cơ chế thử nghiệm (sandbox) về fintech, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính, cũng như thành lập các sàn giao dịch chuyên biệt, nền tảng giao dịch mới cũng được hình thành tại đây…
Còn tại Đà Nẵng, trung tâm tài chính quốc tế tại địa phương này sẽ phát triển tài chính xanh, ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số… Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ thử nghiệm có kiểm soát tài sản số, tiền số, thanh toán và thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ...
Phú Thọ mới sắp có tổ hợp nghỉ dưỡng – sân golf hơn 1.500 tỷ đồng
Dự án tọa lạc tại xã Độc Lập, TP Hòa Bình (nay thuộc tỉnh Phú Thọ mới), được quy hoạch trên tổng diện tích hơn 104 ha, trong đó: 76,5 ha dành cho sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế; 17,8 ha là khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp.
Phần còn lại là đất phát triển hạ tầng, trong đó có tuyến đường trục chính kết nối trực tiếp đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu. Nguồn vốn đầu tư gồm hơn 230 tỷ đồng vốn góp của nhà đầu tư, phần còn lại huy động từ các nguồn hợp pháp.
Đây được xem là một trong những dự án quy mô lớn đầu tiên được phê duyệt sau khi 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Phú Thọ mới có diện tích và quy mô dân số thuộc top đầu cả nước.
Đầu tư 400 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện tuyến tránh thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng
Dự án do Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, triển khai tại phường B’Lao, tỉnh Lâm Đồng. Thời gian thực hiện là giai đoạn 2025 – 2027. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Phạm vi dự án đầu tư hoàn thiện tuyến tránh thành phố Bảo Lộc từ Điểm đầu Km113 680 thuộc Quốc lộ 20 đến Km128 800 với chiều dài tuyến đường khoảng 15,585km.
Quy mô gồm 02 làn xe cơ giới, 02 làn xe thô sơ, hướng tuyến bám theo đường hiện trạng được bàn giao, quy mô đã được Bộ Giao Thông vân tải (cũ) phê duyệt tại Quyết định số 465/QĐ-BGTVT ngày 05/02/2016.
Việc đầu tư bổ sung hạng mục tuyến tránh thành phố Bảo Lộc để khắc phục tình trạng hư hỏng xuống cấp của tuyến đường, nhằm đáp ứng lưu lượng giao thông, khắc phục tình trạng quá tải, hạn chế vận tải quá cảnh trên Quốc lộ 20 không đi qua thành phố Bảo Lộc; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.
Hoàng An