Một phần ba cuộc đời, NSND Kim Đức gắn liền với chèo
Nghệ sĩ Kim Đức tên đầy đủ là Phó Thị Kim Đức, sinh năm 1931 tại Hà Nội. Từ nhiều năm qua, tiếng hát của bà đã quen thuộc với thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam qua những làn điệu chèo mượt mà, ngọt ngào. Nhưng thực ra, nghệ nhân Kim Đức lại được sinh ra và lớn lên trong cái nôi nghệ thuật ca trù.
Cha, anh trai, bác, cô, chú ruột của bà đều là những nghệ nhân ca trù ở phố Khâm Thiên - một “địa danh ca trù” đất Bắc những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Bà của Kim Đức là cụ Phó Thị Yến, một nghệ nhân ca trù nổi tiếng ở Hà Nội và bố là ông Phó Đình Ổn, quản ca giáo phường ca trù Khâm Thiên.
Ngay từ khi còn nhỏ, Kim Đức đã được cha mình dạy cho từng lời ca, nhịp phách. 7 tuổi, Kim Đức đã chính thức bước chân vào hát ả đào, 13 tuổi Kim Đức bắt đầu theo cha và anh đi hát ở Khâm Thiên như một đào nương chính thức.
Nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức (tháng 11/2011). Ảnh: Tất Sơn
Chiến tranh loạn lạc khiến gia đình bà phải bỏ nghiệp hát đi tản cư khỏi Hà Nội. Bố mất, các anh vào bộ đội, Kim Đức đã phải tạm dừng hát và làm đủ việc để giúp mẹ nuôi gia đình. Nhưng niềm đam mê nghệ thuật của người nghệ sĩ không bao giờ tắt.
Năm 1960, bà trúng tuyển lớp đào tạo giáo sinh trường Ca kịch dân tộc Trung ương ở Hà Nội. Sau đó, nghệ sĩ Kim Đức làm cộng tác viên, rồi được tuyển là diễn viên đội chèo, Đoàn ca nhạc, Đài TNVN. Trong khoảng thời gian hát chèo ở Đài TNVN, bà nhận được nhiều tình cảm của thính giả qua những bức thư gửi về chương trình. Bà cũng tự nhận mình có giọng hát tốt và cũng đã hát chèo từ khi còn bé, nên khi đi biểu diễn cùng các nghệ sĩ, bà cũng được khán giả quý mến.
Từ ngày nghỉ hưu (1986), nghệ sĩ Kim Đức vẫn tiếp tục cộng tác thu thanh với Đài TNVN, đem tiếng hát của mình phục vụ thính giả trong và ngoài nước. Ở nghệ nhân Kim Đức, ta thấy một sức lao động bền bỉ và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng. Một phần ba cuộc đời, Kim Đức gắn liền với chèo và bà được phong tặng danh hiệu NSƯT ngành chèo chứ không phải là ca trù. Mới đây, bà cũng được phong tặng danh hiệu NSND - danh hiệu cao quý nhất trong cuộc đời người nghệ sĩ.
Ở tuổi 88, NSND Kim Đức vui mừng vì những nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật của bà trong suốt những năm qua được đền đáp: “Cả cuộc đời tôi, từ năm 7 tuổi bắt đầu học chèo, ca trù cho đến giờ đã gần 90 tuổi, nhận được danh hiệu NSND thì tôi mừng lắm. Tôi chỉ mong mình sống lâu hơn nữa để còn theo nghề. Tôi quá yêu nghệ thuật. Khi làm ở Đài TNVN, tôi cũng làm hết sức mình với chèo. Sau khi về hưu, tôi quyết tâm làm thế nào để phát triển ca trù một cách chuyên nghiệp và tìm cho ca trù một chỗ đứng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Kim Đức. (Ảnh: Hòa Nguyễn)
“Hy vọng đến lúc tôi ra đi, ca trù có một chỗ đứng trong xã hội”
NSND Kim Đức tâm sự, nghệ thuật ca trù đã bị mai một suốt một thời gian dài. Mặc dù hiện nay, ca trù đã hồi sinh và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, song “hồn” của ca trù dường như không còn được như xưa.
Ca trù xưa là nghệ thuật sang trọng, bác học, ngày nay không còn nhiều người thưởng thức ca trù, thậm chí đây còn là môn nghệ thuật kén người nghe. Ca trù chưa có chỗ đứng trong xã hội hiện đại, nghệ nhân ca trù cũng không sống được bằng nghề. Người theo ca trù bây giờ cũng không còn niềm đam mê đến mức đắm đuối, sống chết với nghề như xưa.
Nhìn thấy được hiện trạng của ca trù, với trách nhiệm của một nghệ nhân, sự đau đáu với nghề, ngay từ khi nghỉ hưu, NSND Kim Đức đã dành thời gian, tâm sức để nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật ca trù, vừa để giữ “nghề” của gia đình, vừa để ca trù không “thất truyền”.
“Tôi yêu ca trù lắm, nếu không yêu thì làm sao có thể duy trì đến bây giờ! Cuộc sống của tôi không quá dư dả, về hưu cũng không kiếm ra tiền nhưng tôi vẫn dạy ca trù miễn phí. Tôi nghĩ, mình phải giữ nghề của ông cha mình, giữ hồn cốt của ca trù cho con cháu sau này” – NSND Kim Đức chia sẻ.
Bà cũng cho biết, có nhiều người tìm đến xin truyền nghề nhưng bà nhận lời rất ít, bởi bà muốn dành tâm sức để dạy cho những ai thực sự dành tâm huyết với nghề.
"Muốn theo đuổi môn nghệ thuật này, phải thực sự yêu thích và có niềm đam mê. Dù có năng khiếu đến đâu mà không bỏ công rèn luyện, trau dồi giọng hát thì cũng không thành tài được. Ca trù là môn nghệ thuật rất khó, miệng hát, tay phải đánh phách theo đàn. Có những người học 20 năm nhưng khi trộn phách vẫn nhầm lẫn. Vì vậy, tôi dạy học trò rất nghiêm, chỉ bảo từ kĩ thuật hát cho đến dáng ngồi, cách ăn mặc...”.
NSND Kim Đức cho biết thêm, bà đã bỏ thời gian để nghe lại những băng ca trù cổ, ghi lại các phách, cô đọng lại thành tổng thể đàn, phách và hát để đưa vào giáo trình. Bà lấy đó làm cơ sở để dạy cho các học trò một cách khoa học, chứ không để ca trù bị “tam sao thất bản” theo lối dạy “truyền khẩu”.
“Tôi đang làm giáo trình nhưng còn phải biên soạn lại. Tôi mong sau này có một trường tư thục để dạy bài bản cho các cháu về ca trù. Nếu còn sức, tôi sẽ làm nhiều hơn. Trước sau tôi cũng phải ra đi, tôi hy vọng đến lúc đó, ca trù sẽ có một chỗ đứng trong đời sống văn hóa - nghệ thuật của Việt Nam”./.
Thanh Thanh/VOV