Tên tuổi đạo diễn NSND Trần Phương gắn liền với những vai diễn để đời như A Phủ trong “Vợ chồng A Phủ”, hay vai chồng của chị Tư Hậu trong phim “Chị Tư Hậu”. Có thể coi đây là người đàn ông đẹp nhất của điện ảnh Việt Nam một thời, một vẻ đẹp khỏe khoắn đầy nam tính và giàu chất trí tuệ. Nhưng ông cũng đồng thời là một đạo diễn đã sáng tạo nên những bộ phim lừng lững cả về giá trị thời đại lẫn chất lượng nghệ thuật như “Tội lỗi cuối cùng”, “Hy vọng cuối cùng”, “Đứng trước biển”, “Thủ lĩnh áo nâu”…
NSND Trần Phương trong vai A Phủ.
Các phim của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử điện ảnh nước nhà, trước hết bởi với mỗi phim ấy, ông đều tạo dựng nên những chân dung nhân vật đầy phức tạp nội tâm, có đất diễn phong phú làm điểm tựa cho diễn viên, và từ đó tạo dựng nên những gương mặt diễn viên không bao giờ phai mờ trong tâm trí khán giả như Phương Thanh… Đồng thời tạo nên những khúc ngoặt bất ngờ về diễn xuất cho những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Trà Giang. Người trong nghề chúng tôi hay nhắc đến chân dung mới đặc biệt xuất sắc của nhân vật do NSND Trà Giang đóng trong phim “Đứng trước biển” (1985). Lúc này chị Trà Giang gần như đã định vị với gương mặt chuyên đóng vai những nữ chiến sĩ cách mạng hoạt động trong vùng địch chịu nhiều đau khổ hy sinh… như Dịu Trong “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” hay Chị tư Hậu trong phim “Chị Tư Hậu”… Tuy nhiên, với vai bà Chín Tâm trong “Đứng trước biển”, chị Trà Giang đã lột xác thật sự, thể hiện xuất sắc vai diễn một “bà lớn” đầy tham vọng và âm mưu thủ đoạn, nghiện quyền lực.
NSND Trần Phương đã để lại một di sản nghệ thuật lớn lao cho điện ảnh nước nhà.
Không thể phủ nhận tài năng diễn xuất của một tượng đài điện ảnh cách mạng như chị Trà Giang, nhưng rõ ràng việc đặt chị vào một vai trò mới là một cuộc phiêu lưu táo bạo. Và có lẽ chỉ đạo diễn Trần Phương mới nhận thấy sắc thái tiềm ẩn trong năng lực của người bạn diễn một thời. Với các phim khác, đạo diễn Trần Phương luôn tìm được những khả năng bất ngờ của diễn viên để đặt họ vào một vai diễn có lối diễn xuất không quen thuộc. Có lẽ đây là một trong những bí quyết khiến các phim của ông luôn gây ấn tượng mạnh, và không thể trộn lẫn.
Khi biết tin NSND Trần Phương được chăm sóc ở một Viện dưỡng lão, chúng tôi đã ngay lập tức đến thăm ông, và còn đến hai lần. Khi ông trở về nhà sống với con cái ở Hà Nội, vì những lý do bận bịu mà tôi không đến thăm ông được, thì tôi sẽ còn tự trách mình mãi mãi. Tôi kính yêu ông không phải chỉ vì ông là bậc tiền bối đáng ngưỡng mộ, mà còn vì chúng tôi đã cùng nhau thực hiện những dự án phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam. Cái sự bắt đầu đầy gian nan ấy để lại trong chúng tôi một mối thâm tình gần như ruột thịt, chứ không chỉ là đồng nghiệp đơn thuần. Tôi sẽ không bao giờ quên thời gian ấy, khi chúng tôi đang phải sửa ngôi nhà vườn cũ thì cầu thang lên tầng hai phải đập đi để cải tạo lại. Ông đem kịch bản vừa nhận đến trao đổi với biên kịch, và phải leo lên phòng làm việc của chúng tôi bằng một chiếc thang tre bắc từ sân nhà lên ban công.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.
Tôi đứng nhìn ông già hơn 60 tuổi hăng hái leo thang tre mà rợn người, nhưng ông đang mải nghĩ về cái kịch bản đó nên không hề để ý. Chưa bước chân vào phòng ông đã nói luôn: “Tao thích quá chúng mày ạ, nhưng mà…”. Cái “nhưng mà” ấy khiến chúng tôi tranh luận từ mười giờ sáng đến hai giờ chiều, quên bữa ăn trưa. Đến khi ông quát lên: “Ơ bọn mày không cho tao ăn à? Ngất bây giờ!” thì tôi mới cuống cuồng xuống bếp…
Hoặc khi đang làm phim, ông nhận ra bối cảnh thực tế đã thay đổi so với bối cảnh trong kịch bản, thì ông cũng gọi ngay biên kịch đòi “sáng tác đầu bờ” chứ không tùy tiện sửa theo ý mình. Thực ra ông vốn thân với chồng tôi nên thích gọi chúng tôi ra để có gì cùng vui buồn với những việc ông đang làm. Không thể quên người đã từng đồng cam cộng khổ, dù thời gian khó đã qua lâu rồi./.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã