TNV - Vừa bước sang tuổi 70vớiHuy hiệu 50 năm tuổi Đảng, nhưng Cô Đào Thị Hạnh – Cựu tù Côn Đảo (bí danh là Năm Trinh) ngụ tại số nhà 162/13 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in về một thời hào hùng khói lửa.
Tình yêu dành cho Đảng
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Thời thơ ấu, cô Năm Trinh đã chứng kiến ba mình bị địch bắt tra tấn đến bại liệt và suýt chết, nhiều lầnbọn giặc ngang nhiên càn chết những người dân vô tội trên đường trong tiếng cười hả hê, man rợ.Từ đó, trong cô đã dấy lên lòng căm thù giặc sâu sắc. Cùng với tình yêu quê hương mãnh liệt, đã thúc giục cô luôn mạnh mẽ xông lên phía trước để chiếu đấu với kẻ thù, dù có hy sinh cũng chẳng màng.Cô Năm Trinh đã tham gia nhiều hoạt động xuống đường, biểu tình, rải truyền đơn, vận chuyển vũ khí, rồi đến xây dựng cơ sở cách mạng. Đến năm 18 tuổi, cô bắt đầu thoát ly gia đình tham gia kháng chiến. Đếnbốn lần bị địch bắt cùng những đòn tra tấn tàn khốc nhưng cô không hề hé môi khai báo điều gì.
Cô Đào Thị Hạnh (tức Năm Trinh) tại nhà riêng ở đường Nguyễn Văn Lượng, phường 7, quận Gò Vấp.
Người bạn đời của cô cũng bén duyên khi cùng tham gia hoạt động cách mạng ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Đó là chú Lê Văn Tỏ, tức Sáu Niên, với Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng 3 (vừa qua đời hơn một năm).Cô Năm Trinh nhớ lại: “Lúc đó, chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều, nhưng tôi rất ấn tượng vì thấy anh ấy là người thanh niên chững chạc, lịch lãm, vui tính nhưng rất gan lì”. Và có lẽ vìcùng chung một lý tưởng sống, đều trung thành với Đảng và luôn yêu quê hương, dân tộc mà hai ngườiđã nhanh chóng xích lại gần nhau.Lễ cưới đượcđơn vị tổ chức đơn sơ nhưng cô Năm Trinh nhớ rất rõ hôm đó là ngày 5/4/1971 vì được cử hành chung với tiệc cưới của vợ chồng của Liệt sĩ Lê Quang Lộc và cô Huỳnh Quang Thư.Bên nhau chưa lâu thì cô đã vội lên đường làm nhiệm vụ của tổ chức giao.
Những năm tháng không quên
Trong quá trình hoạt động cách mạng, cô Năm Trinh nhiều lần bị địch bắt tra tấn đến nôn ra máu hay bị viêm phổi đến hôn mê sâu. Rồi cô cũng may mắn được đồng đội cứu giúp thoát được “ải tử thần”.Khi được hỏi vì sao đã trải qua nhiều lần “thập tử nhất sinh” mà cô vẫn không thấy sợ hãi hay chùng bước, cô Năm Trinh trả lời ngay bằng chất giọng đanh thép: “Khi tham gia cách mạng, ai cũng được huấn luyện để thấm nhuần phương châm “Nhất lý, nhì lỳ, tam suy, tứ tử”. Tức là đã xác định đi kháng chiến thì phải đủ can đảm đối mặt với cái chết nên không còn sợ gì cả”.
Chú Sáu Niên (người ngồi bên phải), cô Năm Trinh (người ngồi bên trái), anh Lê Nguyên Tiệp - PGĐ TTPP Saigon Co.op tại Bình Dương (người cùng bên trái hàng thứ 2) và chị Nguyễn Thị Kim Thuỷ (người thứ 2 trái qua hàng thứ 2) - GĐ Co.opmart Hóc Môn (vợ anh Tiệp) cùng gia đình.
Tuy nhiên, cô Năm Trinh cho biết thêm, trong tổ chức nào cũng có người này người khác. Chẳng hạn như trường hợp vì có một phần tử “chiêu hàng” chỉ điểm mà có giai đoạn quân ta bị phản kích và tiêu hao lực lượng rất lớn. Có lúc tổ chức cán bộ Thành Đoàn phải tạm di tản sang Campuchia để củng cố lực lượng.Cô cũng bần thần nhớ lại hình ảnh người thượng sĩ bên kia chiến tuyến đã nhận cô cùng hai đồng đội làm em, để cứu các cô thoát khỏi sự truy kích của địch ở căn cứ Hồng Ngự trong một lần làm nhiệm vụ. Anh ấy đã bảo vệ các cô suốt đêm hôm đó và âm thầm rời khỏi tàu cá khi trời hừng sáng, mà mọi người chưa kịp hỏi nhau cái tên.
Khoảng thời gian cô Năm Trinh ấn tượng nhất trong quá trình hoạt động cách mạng của mình chính là tại nhà tù Côn Đảo. Vì nơi đó, cô đã được gặp lại chú Sáu Niên – người bạn đời của mình sau nhiều năm thoát ly gia đình đi kháng chiến. Lúc đó chú Sáu Niên là tử tù, bị nhốt trong chuồng cọp trá hình số 7. Cô Năm Trinh thì bị giam ở trại 6, còn gọi là trại “chống đối”. Tuy mỗi ngày phải sống với cơm chan mắm dòi, uống nước từ khe suối độc, hay thường xuyên phải đối mặt với những đòn tra tấn đã man, đúng nghĩa với tên gọi “Địa ngục trần gian”, nhưng cô chưa hề nao núng. Đến ngày Côn Đảo giải phóng, cô Năm Trinh được đồng đội khiêng lên chuyến tàu đầu tiên để về đất liền trong tình trạngkiệt sức trầm trọng.
Chú Lê Văn Tỏ (tức Sáu Niên) và cô Năm Trinh.
Lương duyên với ngành Hợp tác xã
Hòa bình lập lại, cô Năm Trinh tình cờ gặp đượccô Chín Ngân, người đồng đội năm xưa (tức cô Nguyễn Thị Nghĩa – nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Thương mại TP. Hồ Chí Minh – Saigon Co.op) và bắt đầuchuyển về cộng tác cùng với cô Chín.Cô Năm Trinh từng giữ chức vụ Phó Phòng Tổ chức nhân sự Saigon Co.op. Trước đó, cô là Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự Xí nghiệp Chế biến thuộc Ban Quản lý HTX Mua bán Thành phố (tiền thân của Saigon Co.op). Trước khi về nghỉ hưu, cô giữ chức vụ Chủ nhiệm UBKT Liên minh HTX TP. Hồ Chí Minh.
Từ đây, cô cảm nhận được nét nhân văn cao đẹp của tổ chức Hợp tác xã “Mình vì mọi người – Mọi người vì mình” mà cô cho rằng đây là mầm móng của chủ nghĩa xa hội, chứ không phải như cáccông ty cổ phần “cốt yếu kinh doanh để làm giàu” . Vì vậy, cô đã định hướng con trai của mình là anh Lê Nguyên Tiệp tham gia cộng tác với Saigon Co.op từ những ngày Co.opmart đầu tiên được thành lập trên đường Cống Quỳnh (quận 1). Hiện nay, anh Tiệp là Phó Giám đốc Trung tâm Phân phối của Saigon Co.op tại Bình Dương. Vợ của anh Tiệp là chị Nguyễn Thị Kim Thủy cũng là Giám đốc của siêu thị Co.opmart Hóc Môn.
“Ba mẹ tôi ít khi kểcho chúng tôi nghe về những chiến công của hai người năm xưa mà luôn dạy con cháu phải luôn sống giản dị, chuẩn mực, biết hy sinh vì lợi ích chung của tổ chức. Và chính ba mẹ là những tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo” - Anh Lê Nguyên Tiệp chia sẻ.
Sống xứng danh “Bội đội cụ Hồ”
Trong suốt quá trình công tác của mình, cô Năm Trinh vẫn kiên trì xây dựng lực lượng kế thừa cho tổ chức. Chị Trà Thị Thơ – nguyên Phó Phòng Quan hệ Thành viên của Saigon Co.op, từng là đồng nghiệp cấp dưới của cô Năm Trinh, bồi hồi nhớ lại: “Chị Đào Thị Hạnh (tức Năm Trinh) là một người nhiệt tình, giản dị, luôn quan tâm đến nhân viên cấp dưới. Chị không bao giờ vụ lợi mà luôn thẳng thắn đấu tranh với những sai trái. Vì thế, tôi luôn kính trọng chị và rất hãnh diện vìđược chị giới thiệu tôi vào Đảng”.
Đánh giá về vai trò của lớp trẻ trong thời đại mới, cô Năm Trinh cho rằng: “Tuổi trẻ thời nào cũng vậy, khi chạm tới lòng tự tôn dân tộc và khi Tổ quốc lâm nguy thì ai cũng sẽ vùng lên đánh giặc. Điểm mạnh của thanh niên ngày nay là đa phần đều có tri thức, có chí khí nên khi thấy được việc nào đúng và chính nghĩasẽlập tức vươn lên làm chủ ngay”.
Các Huy hiệu Đảng và Huân chương của Cô Năm Trinh và Chú Sáu Niên.
Đưa mắt nhìn về di ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc nhà, cô Năm Trinh rưng rưng bày tỏ: “Trong những ngày cả nước hân hoan đón chào 75 năm Ngày thành lập Quân Đội Nhân dân Việt Nam, tôi luôn bồi hồi nhớ đến Bác Hồ với lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Vì Bác Hồ là người khai sinh và huấn luyện nên tổ chức Quân đội ta – Quân đội của toàn dân. Chính vì vậy, tôi rất tự hào, hãnh diện khi được gọi là “Bộ đội cụ Hồ” và nguyện sống sao cho xứng đáng với danh xưng đó.Cuộc đời tôi đã nhiều lần chết đi sống lại trong thời chiến nên tôi thấm thía được những cơ cực, mất mátdo chiến tranh mang lại. Chính nhờ có Bác, có Đảng màđất nước Việt Nammới được độc lập và dân tộc ta mới có đượcmột hạnh phúctrường tồn như ngày nay”.
Lê Thanh