Trong vài tuần qua, đường nét của chính sách đối ngoại nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden đã trở nên rõ nét.
Phát biểu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Mỹ sẽ giới hạn viện trợ quân sự cho Saudi Arabia và ngừng ủng hộ các nỗ lực của Saudi Arabia đối phó với phái Houthi ở Yemen. Trong khi đó Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã rút lại các nỗ lực của chính quyền Trump tiền nhiệm là cố đưa Iran “về trạng thái bình thường”. Trên thực tế, điều này đồng nghĩa với việc để cho Iran được nhập vũ khí.
Như vậy Mỹ đã thực hiện động tác kép: Giảm sự hậu thuẫn cho Saudi Arabia và dọn đường cho Iran tăng cường quân lực.
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: The Wire.
Trong lúc đó các lực lượng được cho là ủy nhiệm của Iran tiếp tục mở các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở và các đối tác của Mỹ, bao gồm loạt tấn công bằng rocket vào hôm 15/2/2021 nhằm vào Erbil, Kurdistan, Iraq, gây thiệt hại cho cả người Mỹ.
Sự “ưu ái” đặc biệt của các quan chức Mỹ đối với Iran
Trong một bài viết về chính sách đối với vùng Vịnh đăng trên tờ Foreign Affairs vào ngày 19/2, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy đã đề ra một tầm nhìn cho việc xét lại chính sách Mỹ đối với khu vực, bao gồm cả triển vọng rút quân khỏi Trung Đông. Tác giả hầu như không đề cập tham vọng của Iran muốn làm thủ lĩnh khu vực này; ông cũng không xem xét hậu quả nếu Mỹ bỏ rơi các đối tác trong vùng. Ngoài ra, mặc dù cho rằng Mỹ cần giữ cho Saudi Arabia tuân thủ các chuẩn mực về quyền con người, tác giả lại im lặng về các cáo buộc liên quan đến nhân quyền ở Iran, như vụ nhà hoạt động người Lebanon, Luqman Salim, mới được cho là đã bị du kích Hezbollah (được Iran hậu thuẫn) hành quyết.
Có một chi tiết đáng chú nữa là Murphy mắc một lỗi thông tin (không hiểu là cố tình hay vô ý), đó là ông này tuyên bố rằng các nước vùng Vịnh duy trì một hệ thống “giám hộ khắc nghiệt hạn chế quyền đi lại của phụ nữ”, nhưng lại không nêu ra thực tế cách đây vài năm, Saudi Arabia đã bãi bỏ việc cấm lái ô tô đối với phụ nữ - đây là một trong các nỗ lực cải cách của Thái tử Bin Salman.
Murphy là thành viên nổi bật trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, do vậy ông chính là một trong các nhân vật chính xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ. Do vậy một bài báo của ông được cho đăng tải tên tờ Foreign Affairs nổi tiếng có thể là một chỉ dấu về thái độ của Mỹ hiện nay xa lánh Saudi Arabia và xích lại gần với Iran.
Trong một diễn biến khác, ngày 10/2, Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công vào vùng Kurdistan tại Iraq với mục tiêu giải phóng các con tin bị lực lượng PKK bắt giữ. Khi quân Thổ Nhĩ Kỳ tiến lại gần, lực lượng PKK được cho là hành quyết chóng vánh các con tin đó bằng bắn súng thẳng vào đầu ở cự ly gần.
Nhưng trước diễn biến đó, chính quyền Biden đã không lên tiếng ngay về vấn đề nhân quyền dù Mỹ vốn có truyền thống về theo dõi nhân quyền và Thổ Nhĩ Kỳ dẫu sao cũng là một thành viên của khối quân sự NATO. Thông cáo ban đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 14/2 tỏ thái độ nửa vời. Mãi đến ngày 15/2, phát ngôn viên bộ này mới đưa ra lời lên án cứng rắn nhằm vào hành động xử bắn nói trên.
Giằng co trong nội bộ
Hai phát ngôn từ phía ông Murphy và Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy sự giằng co trong đội ngũ làm chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden.
Một số muốn che chắn cho đảng PKK vì cho rằng PKK đóng vai trò thiết yếu đối với chiến lược người Kurd từ thời Tổng thống Obama trong cuộc chiến chống tổ chức Hồi giáo cực đoan IS. Những người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác tiềm năng trong cuộc chiến chống khủng bố mà lại không đối đầu với Iran.
Những người khác trong Bộ Ngoại giao Mỹ thì lại cố duy trì lập luận rằng có thể tách bạch cái họ gọi là các phần tử khủng bố PKK (mà họ coi là người Kurd xấu) với các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) (mà họ xem là người Kurd tốt đáng được Mỹ ủng hộ).
Trong bối cảnh bạo lực gia tăng trong vùng (chiến tranh ở Yemen và Syria, rocket phóng trúng mục tiêu ở Saudi Arabia, rồi bạo lực chính trị ở Iraq và Lebanon) thì bài viết của Thượng nghị sĩ Murphy và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về PKK có thể rốt cuộc chỉ là lời nói. Tuy nhiên đây vẫn là biểu tượng cho xu hướng trong Quốc hội và chính quyền Mỹ nghiêng về phía Iran và bên ủy nhiệm của họ, đồng thời rời xa các đối tác truyền thống, bao gồm cả Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Đâu là nguồn cơn của sự thay đổi này, ngay cả khi Iran đã có lịch sử 40 năm chống Mỹ? Câu trả lời có thể là: Đặc tính cách mạng của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vẫn hấp dẫn với các bộ phận trong đảng Dân chủ tự do, trong khi đa phần đảng viên Cộng hòa bảo thủ hơn thì lại thích các chế độ quân chủ ổn định hơn./.
Trung Hiếu/VOV.VN lược dịchNguồn: National Interest