Vụ sát hại dã man một thầy giáo dạy lịch sử-địa lý tại Pháp cuối tuần qua là lời cảnh báo rõ ràng nhất cho thấy, nước Pháp còn phải đối mặt lâu dài với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, vốn đang xâm nhập ngày càng sâu hơn vào từng lĩnh vực của đời sống chính trị-xã hội nước này.
Cú sốc lớn
Trong ngày Chủ nhật, 18/10, mặc dù nước Pháp đang trong tình trạng y tế khẩn cấp vì đại dịch Covid-19, chính quyền Pháp vẫn cho phép tiến hành các cuộc mít-tinh, tưởng niệm giáo viên vừa bị sát hại, đồng thời lên án chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Hàng chục nghìn người đã xuống đường, trong đó tập trung đông nhất ở Quảng trường Cộng hòa ở thủ đô Paris, nơi từng diễn ra nhiều cuộc xuống đường phản đối các vụ khủng bố năm 2015. Hàng nghìn người khác cũng đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại trường học ở thành phố Conflans Sainte-Honorine, nơi hôm 16/10 đã diễn ra vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty, 47 tuổi, giáo viên lịch sử-địa lý.
Cảnh sát Pháp tại hiện trường vụ án. Ảnh: Le Monde
Vụ sát hại man rợ này tạo nên một cú sốc rất lớn cho nước Pháp. Tất cả các đảng phái chính trị, người dân, kể cả các tổ chức của đạo Hồi hay của cộng đồng người Chechnya tại Pháp, đều lên án vụ khủng bố man rợ này. Hành động chặt đầu một giáo viên vào ban ngày, ngay trên đường phố tại một thành phố ngoại ô rất yên bình là điều mà người Pháp khó có thể tưởng tượng nổi.
Ngay trong tối 16/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến hiện trường và có những phát biểu trong trạng thái cảm xúc bị kích động rất mạnh, trong đó ông Macron cho rằng vụ sát hại này là một sự tấn công vào nền Cộng hòa. Đây là điều dễ hiểu bởi người Pháp bao lâu nay luôn coi hệ thống trường học của mình là một trong những giá trị cao quý nhất của nền Cộng hòa Pháp, với triết lý giáo dục công bằng, bình đẳng và phi tôn giáo, nơi các thế hệ học sinh được dạy về các giá trị nhân bản.
Do đó, vụ sát hại với hình thức dã man này tạo nên một chấn động tâm lý cực lớn. Trước đây người Pháp chỉ nhìn thấy những hình ảnh dã man như thế trên TV, khi IS hành hình các con tin ở Syria hay Iraq, nhưng nay một giáo viên lịch sử-địa lý Pháp bị chặt đầu chỉ vì đã có các tiết dạy về phi tôn giáo và quyền tự do ngôn luận.
Cú sốc do vụ tấn công này tạo ra lớn tương tự các vụ khủng bố 2015, dù chỉ có một nạn nhân thiệt mạng.
Hai mặt trận
Vụ tấn công khủng bố có tính chất man rợ này diễn ra vào đúng thời điểm dịch Covid-19 tại Pháp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong ngày 16/10, vụ tấn công này diễn ra chỉ vài giờ trước khi thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn tại Pháp, với tổng dân số lên tới 19,2 triệu người, tức gần 1/3 dân số Pháp, chính thức bước vào đêm đầu tiên thực hiện lệnh giới nghiêm từ 21h tối cho đến 6h sáng để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Chính phủ Pháp, vì thế, phải đối phó cùng lúc với hai cuộc chiến, vừa phải huy động khoảng 12.000 cảnh sát-hiến binh để bảo đảm việc thực thi lệnh giới nghiêm, vừa phải tăng cường an ninh cho các cơ sở công cộng, đặc biệt là các trường học, sau vụ tấn công khủng bố.
Tuy nhiên, nước Pháp cũng đã có sự chuẩn bị. Hai tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày các chính sách mới của nước Pháp trong việc ngăn chặn “chủ nghĩa ly khai”, trong đó trụ cột là việc làm sao để đạo Hồi thích ứng được với hệ thống chính trị-xã hội và văn hóa Pháp. Đây là một chính sách lâu dài nhằm ngăn chặn việc các nhân tố bên ngoài gây ảnh hưởng đến nước Pháp qua tôn giáo, đặc biệt là đạo Hồi.
Trước đó, các Bộ trưởng Pháp đã liên tục đưa ra các cảnh báo rằng mối đe dọa khủng bố tại Pháp vẫn đang ở mức rất cao. Vì thế, nước Pháp ý thức rõ được việc phải tiến hành một cuộc chiến phức tạp và gian nan để chống lại các hành vi khủng bố, các học thuyết reo rắc hận thù, ly khai, phân biệt tôn giáo và chủng tộc ngay trong lòng nước Pháp.
Xung đột giá trị
Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã bùng phát từ hơn 2 thập kỷ qua tại các nước phương Tây và ngày càng có những biến tướng khó kiểm soát hơn. Đây không phải là một cuộc chiến quy ước, có ranh giới rõ ràng, có kẻ thù rõ ràng.
Điều phức tạp nhất đối với Pháp hay các nước phương Tây, đó là các yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan này lại nằm trong chính xã hội các nước này, chứ không phải là các kẻ thù đến từ bên ngoài như Al Qaeda hay IS trước kia.
Nhiều năm qua, nhiều phần tử khủng bố tại các nước phương Tây là những công dân sinh ra, lớn lên trong các nước này, đa số là trong các gia đình nhập cư từ thế hệ trước, nhưng cũng có cả những người bản địa. Vì thế, để diệt trừ tận gốc chủ nghĩa cực đoan, không chỉ của Hồi giáo mà còn cả các tôn giáo khác, cần phải có những chính sách triệt để, lâu dài về kinh tế-xã hội, văn hóa… nhằm xóa bỏ các rào cản về bất công xã hội, về bất bình đẳng cơ hội và thu nhập, cũng như xóa bỏ dần các định kiến về chủng tộc, tôn giáo. Điều này phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ mới có thể hoàn tất.
Với nước Pháp, tình trạng rạn nứt trong xã hội Pháp kéo dài nhiều thập kỷ qua đang tạo ra các cộng đồng biệt lập, như các khu ngoại ô nghèo của các thành phố lớn, nơi nhiều công dân trẻ rất dễ bị lôi kéo vào con đường tội phạm, khủng bố vì cảm giác bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề xã hội.
Đó là nguyên nhân đẩy các phần tử khủng bố vụ Charlie Hebdo năm 2015 vào con đường phạm tội. Ngoài ra, trong hai vụ khủng bố gần đây nhất là vụ chặt đầu giáo viên hôm 16/10 và vụ tấn công trước tòa soạn cũ của tờ Charlie Hebdo hôm 25/9, các phần tử khủng bố đều là các thanh niên rất trẻ có gốc gác nhập cư, từ Chechnya và Pakistan, đến Pháp dưới hình thức tị nạn. Những người này không hòa nhập được vào xã hội Pháp và đi theo con đường cực đoan.
Cuối cùng, không thể không đề cập đến xung đột văn hóa. Các nước phương Tây đề cao tự do ngôn luận cũng như nguyên tắc phi tôn giáo trong giáo dục và hành chính công, vì thế nên có những sự việc như vẽ tranh biếm họa các lãnh tụ tôn giáo, chính trị hay cấm thể hiện các dấu hiệu tôn giáo nơi công cộng.
Điều này đối với một số cộng đồng là không thể chấp nhận vì các cộng đồng này xem đó là sự phỉ báng, xúc phạm, từ đó dẫn đến các hành động phản kháng cực đoan. Đây là xung đột giá trị khi nền tảng văn hóa và tôn giáo của các cộng đồng khác nhau.
Và sự khác nhau càng được đẩy mạnh hơn trong thời đại ngày nay thông qua sự bùng nổ của truyền thông mạng xã hội. Với phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng, cuộc chiến này sẽ còn dai dẳng và căng thẳng trong một thời gian rất dài./.
Quang Dũng/VOV