Tham dự chương trình có sự hiện diện của các đồng chí: GS.TS Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; Dương Trung Quốc, nhà Sử học - Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. GS.TS Trần Văn Phòng, nguyên Viện Trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Trưởng ban Giám khảo cùng các đồng chí trong Ban Giám khảo và đại diện lãnh đạo các Nhà trường, giảng viên, sinh viên của 05 đơn vị dự thi.
Phát biểu tại cuộc thi, GS.TS Phạm Văn Đức - Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học, Trưởng Ban tổ chức kỳ vọng cuộc thi Olympic sẽ tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, góp phần tạo động lực tích cực, khích lệ, phát huy niềm yêu thích, đam mê học tập, nghiên cứu Triết học của sinh viên, học viên; Tăng cường hoạt động giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm học tập, nghiên cứu; đồng thời lan toả tinh thần và niềm yêu thích Triết học trong cộng đồng. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hiểu biết chuyên sâu Triết học, rèn luyện kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn.
Thay mặt lãnh đạo Trường Đại học KHXH&NV, GS.TS Hoàng Anh Tuấn bày tỏ niềm vinh dự khi được được phố hợp đăng cai tổ chức cuộc thi Olympic Triết học năm 2024. Cuộc thi với chủ đề "Triết học góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực Thanh niên Việt Nam hiện nay" và sự góp mặt của các chuyên gia Triết học hàng đầu Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các bạn trẻ có thể tiếp cận Triết học một cách sâu sắc, toàn diện – GS.TS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Cuộc thi năm nay nổi bật với bốn phần thi nhỏ: Lời chào triết học, Hiểu biết triết học, Tài năng triết học, Hùng biện triết học. Nội dung các phần thi xoay quanh Lịch sử triết học phương Đông, Lịch sử triết học phương Tây, Lịch sử triết học Mác - Lênin, Triết học Mác - Lênin và sự vận dụng của Đảng, Nhà nước ta trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, nhất là trong việc giáo dục đạo đức, khơi dậy khát vọng cống hiến, xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của thanh niên Việt Nam hiện nay.
Các đội thi đã lần lượt thể hiện được bản lĩnh, tài năng và kiến thức vững chắc của mình. Cùng với đó, chủ động truyền tải, tranh tài thông qua những hình thức mới mẻ, phù hợp xu hướng của giới trẻ để tạo nên một chương trình nhiều màu sắc, mang lại sự sôi động, hấp dẫn, kịch tích cho cuộc thi. Kết quả chung cuộc, đội thi của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã giành giải Nhất; đồng giải Nhì cuộc về Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền là hai đơn vị đồng giải Ba.
Ngoài ra, để ghi nhận và động viện sự cố gắng của các đội thi, Ban tổ chức đã trao Giải "Tài năng" cho Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; Giải "Lời chào triết học xuất sắc" cho Đại học Sư phạm Hà Nội; Giải "Hùng biện triết học xuất sắc" cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Giải "Ấn tượng" cho Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Giải "Cổ động sôi động nhất" cho Đại học Sư phạm Hà Nội.
Olympic Triết học không chỉ là cuộc thi bổ ích, thiết thực dành cho sinh viên, học viên ngành Triết học, ngành Lý luận Chính trị mà còn dành cho các sinh viên ở chuyên ngành khác có niềm đam mê tìm hiểu Triết học. Bên cạnh mục đích nâng cao nhận thức, hiểu biết chuyên sâu Triết học, rèn luyện kỹ năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, Ban tổ chức cuộc thi mong muốn thông qua cuộc thi sẽ khích lệ, phát huy niềm đam mê nghiên cứu Triết học của giới trẻ, lan tỏa tinh thần, niềm yêu thích Triết học đến cộng đồng. Cùng với đó, góp phần xây dựng hệ giá trị chuẩn mực thanh niên Việt Nam để khẳng định được vai trò và sứ mệnh trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
P.V