Hơn 50% các doanh nghiệp hài lòng về sự đa đạng về hình thức và về độ chính xác, kịp thời của việc cung cấp thông tin từ phía Hải quan. Những con số này là một phần trong những kết quả đạt được sau 10 năm phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp, vừa được công bố tại Diễn đàn thường niên Hải quan - Doanh nghiệp năm 2024 mới đây. Tham dự diễn đàn có đại diện của nhiều Hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA); Hiệp hội Chế biến & xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)… cùng các doanh nghiệp khắp cả nước.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, năm 2023 lực lượng đã hoàn thành thu ngân sách nhà nước đạt 135% chỉ tiêu, đã xử lý nhanh chóng hơn 98% hồ sơ thông quan, trong thời gian ngắn hơn 5% so với quy định, qua đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ lại kỷ niệm với ngành hải quan những ngày đầu Đổi mới, công nghệ máy móc soi chiếu còn rất thô sơ. Tập đoàn Liên Thái Bình Dương khi đó đã tặng ngành hải quan máy soi chiếu và hỗ trợ tích cực cho ngành hải quan. Điều thú vị là ngành hải quan khi đó rất cởi mở, đón nhận những góp ý từ phía doanh nghiệp. Cùng với đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất 6 kiến nghị đối với ngành Hải Quan như sau:
Thứ nhất, Hải quan cần hoàn thiện hơn nữa khung tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Thứ hai cần đơn giản hóa thêm thủ tục hơn nữa để tiết kiệm thời gian và nguồn lực của doanh nghiệp.
Thứ ba cần tăng cường giám sát và kiểm tra việc chống gian lận thương mại, giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ổn định.
Thứ tư là tăng cường tự động hóa và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI).
Thứ năm, cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Thứ sáu là nghiên cứu phát triển cơ chế chính sách bán lẻ trong khu thương mại tự do và khu phi thuế quan, có chính sách thương mại bán lẻ rõ ràng, hợp lý, bao gồm việc thiết lập định mức mua hàng miễn thuế có tính cạnh tranh so với quốc tế và khu vực, nhằm thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bắt kịp với các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia,... nơi mà các chính sách này đang được áp dụng hiệu quả.
Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về hải quan để hướng tới đơn giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục hải quan và từng bước nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát và kiểm soát hải quan; chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp và các bên liên quan sẽ tiếp tục được ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai; coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan.
Minh Tuệ