Rút khỏi hàng loạt các tổ chức quốc tế, Tổng thống Trump liệu có phải có ý định "vẽ lại" chính sách đối ngoại của nước Mỹ?.
Sau 2 năm đương nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có những động thái nhằm đánh giá lại việc kiểm soát các vấn đề quốc tế trong thời gian qua. Các thành viên chủ chốt trong đội ngũ chính sách đối ngoại ban đầu của Tổng thống Trump, từ Rex Tillerson, H.R. Mc Master cho tới James Mattis và Nikki Haley đều lần lượt ra đi.
Quyết định của họ đã khiến nhiều người bất ngờ, nhất là những người am hiểu về chính sách đối ngoại vốn xem các quan chức trên là những "người trưởng thành trong căn phòng" Nhà Trắng sẵn sàng can thiệp và kiềm chế những quyết định bốc đồng của ông Trump.
Trong 2 năm đầu tiên, ông Trump đã có những bước đi nhằm thu hút những người ủng hộ, từ việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cho tới ra khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, áp đặt các loại thuế thương mại và yêu cầu các đồng minh NATO phải đóng góp tài chính nhiều hơn. Tuy nhiên, về cơ bản, Tổng thống Trump không hề có ý định "vẽ lại" chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Trong những tháng gần đây, với tuyên bố rút quân khỏi Syria và Afghanistan, Tổng thống Trump cho thấy rằng ông đang chuyển hướng để thực hiện những phát ngôn ông từng hứa hẹn năm 2016. Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Trump đang phải "đau đầu" trong cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử cùng với hàng loạt vấn đề trong nước thì ông cũng phải đối mặt với những kẻ thù thực sự từ bên ngoài và những câu hỏi về việc liệu ông có thể hoàn thành được tham vọng củng cố sức mạnh Mỹ trong hàng thập kỷ qua?.
Lợi ích quốc gia là vĩnh cửu
Một điều không thể phủ nhận là bản thân ông Trump dường như vẫn trụ vững trước hàng loạt các tranh cãi và chỉ trích đối với chính quyền của ông. Tổng thống Mỹ thậm chí từng tuyên bố rằng ông có thể làm lu mờ cả Tổng thống Reagan - một "tượng đài" trong "ngôi đền thiêng" đảng Cộng hòa. Theo ông Trump, "điều đáng ngạc nhiên là việc có những người bảo thủ trung thành trong đảng Cộng hòa mà dù tên tôi không phải là Trump, thì họ cũng sẽ nói rằng tôi là Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử và tôi sẽ vượt qua cả Ronald Reagan".
Như vậy, ông Trump thực sự đặt dấu chấm hết cho một kỷ nguyên? Hay ông chỉ là người thực hiện nhiệm vụ chuyển giao cho cuộc chinh phục vị trí bá chủ thế giới của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh? Nói về mục đích của Mỹ, bản thân ông Trump đã khẳng định nhiều lần rằng ông sẽ tìm cách loại bỏ những điều mà ông cho là những chính sách "lỗi thời" trong quá khứ. Khác với những người tiền nhiệm, Tổng thống Trump nhiều lần bác bỏ quan niệm nước Mỹ là "độc nhất vô nhị". Trong bài phát biểu nhậm chức, ông đã chỉ ra rằng kỷ nguyên của chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ mà một số người cho rằng nước Mỹ là một quốc gia quan trọng và không thể chỉ lo cho an ninh của riêng mình một cách vị kỷ mà còn phải có trách nhiệm lãnh đạo thế giới, đã kết thúc.
Tháng 7/2018, Tổng thống Trump thậm chí đã coi EU là một "đối thủ" thay vì đồng minh khi khẳng định rằng ông muốn đàm phán với các quốc gia trên tư cách cá nhân đối với các vấn đề thương mại. Đó là lý do vì sao ông hối thúc nước Anh cũng như các quốc gia khác giải quyết thỏa thuận Brexit phải bao gồm một thỏa thuận riêng với Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ thậm chí còn gọi các đồng minh EU là chỉ biết lợi dụng Mỹ về kinh tế và không tuân thủ các nghĩa vụ về tài chính với NATO. Giống như Lord Palmerston, người từng tuyên bố rằng: "Không có đồng minh vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu và những lợi ích đó là trách nhiệm mà chúng ta phải tuân theo", Tổng thống Trump có hướng tiếp cận độc lập chứ không phải hướng tiếp cận phụ thuộc trong quan hệ quốc tế.
Trong một bài bình luận trên Foreign Affair, Thomas Wright Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ và Châu Âu tại Viện Brookings nhận định rằng: "Lần đầu tiên, các nhà quan sát đã có thể xác định được chính sách đối ngoại dù vẫn chưa hoàn thiện của Tổng thống Trump. Đó là không có bạn bè vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chính sách này giống như những hợp đồng thương mại của Mỹ với các quốc gia, không quá coi trọng những giá trị về sự gắn kết lịch sử mà chỉ chú trọng đến những lợi ích ngay lập tức từ thương mại, các thủ tục cho tới sự ủng hộ về mặt ngoại giao”.
Sự chia rẽ về chính sách đối ngoại trong chính quyền Mỹ
uy nhiên, trong nhiều vấn đề khác nhau, từ Syria tới Nga, sự bất đồng, chứ không phải sự nhất quán dường như mới là đặc điểm chính cho các lập trường của chính quyền Tổng thống Trump. Giám đốc Tình báo Quốc gia Daniel Coats đã đưa ra những bằng chứng trước Thượng viện Mỹ rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Giám đốc CIA Gina Haspel cũng tuyên bố rằng Iran vẫn đang tuân thủ Kế hoạch Hành động chung. Những khẳng định đó đều trái với những gì Tổng thống Trump tuyên bố. Ông Trump đã đáp lại những nhận định trên bằng một loạt tweet chỉ trích các cơ quan tình báo.
Một số quan chức nội các của Tổng thống Trump thường tìm cách thỏa hiệp với ông hơn là tham gia vào những cuộc đối đầu công khai. Trong bài phát biểu tại Brussels hồi tháng 12/2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng ngầm ủng hộ Tổng thống Trump khi ông chỉ trích những thiếu sót của các tổ chức quốc tế từ EU tới Liên Hợp Quốc và cho rằng chủ nghĩa đa phương một ngày nào đó sẽ "tự mình kết thúc". Trong cuộc phỏng vấn ngày 24/1 trên Fox News, ông Pompeo trả lời một cách nước đôi khi được hỏi rằng liệu Mỹ có ủng hộ và hỗ trợ cho thành viên Montenegro của NATO hay không rằng: "Mỹ sẽ luôn có mặt khi những lợi ích quan trọng của Mỹ và của toàn cầu bị đe dọa".
Xuyên suốt bài phỏng vấn, ông Pompeo dường như muốn khẳng định rằng ông coi Mỹ là "ông lớn". Tại Brussels, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định:
"Đây là những điều Tổng thống Trump đang làm. Ông ấy đang muốn biến Mỹ có vai trò lãnh đạo trung tâm trên thế giới. Ông ấy coi thế giới như nó vốn vậy và không phải lúc nào cũng như chúng ta mong muốn. Ông ấy hiểu không gì có thể thay thế nước Mỹ với tư cách là một "người bảo vệ" tự do dân chủ và lợi ích quốc gia. Ông ấy hiểu một thế giới an toàn hơn luôn đòi hỏi sự có mặt của Mỹ trên trường quốc tế”.
Giống như Tổng thống Trump – người từ chối chủ nghĩa đa phương, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cũng ủng hộ việc chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Washington và Moscow. Tuy nhiên, không phải trong mọi vấn đề về chính sách đối ngoại, ông Trump và các quan chức của ông đều có tiếng nói chung.
Gần đây, ông Bolton đang tìm cách cản trở quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Trump. Trong khi gặp gỡ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem hồi tháng 12/2018, ông Bolton đã công khai bác bỏ tuyên bố của ông Trump. Cố vấn An ninh Quốc gia đã chỉ ra rằng chính quyền Mỹ sẽ không rút quân khỏi Syria ngay lập tức. Theo ông Bolton, "có những mục tiêu chúng tôi muốn thực hiện phải đi kèm với điều kiện về việc rút quân. Sẽ luôn cần thời gian và lịch trình cụ thể từ chính sách đến thực tế".
Ngoài ra, tờ Wall Street Journal cho biết ông Bolton đã nhiều lần đề xuất kế hoạch về một cuộc tấn công quân sự vào Iran, bắt đầu từ mùa thu năm 2018, một động thái dấy lên hồi chuông cảnh báo với các quan chức quốc phòng Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump không phải là chính quyền đầu tiên có những chia rẽ về các vấn đề như vậy. Chính quyền Tổng thống Reagan từng xảy ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữa Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weomberger và Ngoại trưởng George Shultz về vấn đề quân đội Mỹ hiện diện tại Lebanon năm 1983. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump dường như là chính quyền đầu tiên mà Tổng thống và đội ngũ chính sách đối ngoại của ông làm việc với những mục đích trái ngược nhau.
Antony J. Blinken và Robert Kagan đã đưa ra đánh giá về chính sách đối ngoại của ông Trump trên tờ Washington Post rằng: "Nếu Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo trong việc định hình các luật lệ và thể chế thế giới thì một trong hai khả năng có thể xảy ra: Thứ nhất là một số cường quốc cũng sẽ nối bước Mỹ và đặt lợi ích quốc gia cũng như các giá trị của họ lên trên hết. Thứ hai, thế giới sẽ rơi vào xung đột và mớ hỗn độn này sẽ xảy ra với chúng ta như những gì từng diễn ra vào những năm 1930”.
Vì thế, việc Tổng thống Trump có thể đưa ra một chính sách đối ngoại hiệu quả đến đâu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế sẽ được đánh giá dựa trên việc ông duy trì ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới như thế nào./.
Theo National Interest