Kể từ thời điểm Sir Alex Ferguson về hưu, giải bóng đá Ngoại hạng Anh đã có những thay đổi lớn, đặc biệt là sự sa sút của Man United. Chỉ trong vòng 9 năm, "Quỷ đỏ" đã thay đến 7 huấn luyện viên (bao gồm tạm quyền) nhưng vẫn chưa thể trở lại ngôi vương xứ sở sương mù, cũng như đánh mất vị thế vốn có tại đấu trường châu Âu.
Điều này chứng minh tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng của vị chiến lược gia huyền thoại người Scotland tại Old Trafford suốt 27 năm gắn bó. Để rồi khi Pep Guardiola cập bến nước Anh, một cuộc cách mạng quy mô lớn chính thức được bắt đầu và sự thống trị chuyển hướng sang hàng xóm Man City.
Trong 7 mùa giải dẫn dắt The Citizens, chiến lược gia người Tây Ban Nha mang 5 chức vô địch Ngoại hạng Anh về sân Etihad. Tổng cộng, nhà cầm quân sinh năm 1971 có 11 lần đăng quang ở các giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha (Barcelona), Đức (Bayern Munich) và Anh (Man City).
Ở chiến dịch năm nay, Pep Guardiola đưa nửa xanh thành Manchester đến gần với cú ăn ba lịch sử - thành tích chỉ có Man United của Sir Alex Ferguson làm được trong mùa 1998/99, dẫn đến việc tạo ra các luồng ý kiến đối lập về sự vĩ đại giữa hai vị thuyền trưởng.
Vậy Sir Alex Ferguson và Pep Guardiola ai xuất sắc hơn? Trên thực tế, mỗi người đều sở hữu những phẩm chất khác biệt, do đó rất khó để tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, để so sánh thì cần những tiêu chuẩn, thống kê danh hiệu, thành tích đối đầu,... nhưng tất cả chỉ ở mức tương đối.
Thế nên, thay vì đặt cả hai lên bàn cân, người hâm mộ cần có cái nhìn khách quan hơn không chỉ liên quan đến các yêu tố kể trên, mà còn là cách Sir Alex lẫn Pep gầy dựng nên một đế chế hùng mạnh tại thành phố Manchester.
1. Không ai được phép lớn hơn CLB
Sir Alex Ferguson là người muốn điều hành toàn bộ khía cạnh hoạt động của CLB, trong khi Pep Guardiola để việc đó cho những người khác và ông chỉ tập trung vào vấn đề chuyên môn. Giữa hai người tồn tại sự tương đồng rõ rệt là áp đặt ý chí bản thân lên đội bóng chủ quản. Cụ thể, họ yêu cầu tất cả các cầu thủ đều phải "tuân lệnh".
Sir Alex và Pep đều là những người có tiếng nói cuối cùng và quan trọng nhất và không một ai được đứng trên tiếng nói của họ. Khi chiến lược gia người Scotland nhận ra tầm ảnh hưởng, cũng như quyền lực của lần lượt Jaap Stam, Ruud van Nistelrooy, Roy Keane vượt ra khỏi phòng thay đồ, ông lập tức ngăn chặn bằng cách loại bỏ họ.
Tương tự như Sir Alex, Pep Guardiola ngay từ chiến dịch đầu tiên đã có động thái gây sốc khi "tiễn" công thần của Man City thời điểm đó - Joe Hart khỏi Etihad. Điều này nhằm mục đích chiêu mộ mẫu thủ môn biết dùng chân, thỏa mãn yêu cầu chiến thuật triển khai bóng từ phần sân nhà.
Gần đây nhất có lẽ là trường hợp của Joao Cancelo. Từng là mắt xích quan trọng của Man City, mở ra "meta" của các Inverted full-back (tạm dịch: hậu vệ biên ngược), nhưng khi cầu thủ này công khai "thách thức" người quản lý đội bóng và cho rằng bản thân xứng đáng được ra sân nhiều hơn, anh lập tức trả giá.
Rất dứt khoát, Pep quyết định đẩy số 7 người Bồ Đào Nha đến Bayern Munich ngay trong kỳ chuyển nhượng mùa đông. Động thái cho thấy uy quyền của nhà cầm quân 52 tuổi lớn thế nào. Nhìn chung, cả Sir Alex và Pep đều là nhà quản trị giỏi, biết cách kiểm soát những cái tôi đang ngày một lớn lên trong phòng thay đồ.
2. Sự tương phản
Có thể dễ dàng nhận thấy được, Pep Guardiola luôn bị lôi cuốn bởi sự đổi mới trong cách vận hành trò chơi. Từ việc nâng tầm "số 9 ảo" cho đến sử dụng hậu vệ biên bó vào nách trung lộ (Half-Space), hay đưa một trung vệ như John Stones lên chơi tiền vệ trung tâm được xem là một trong những phát minh vĩ đại của thuyền trưởng Man City.
Chiến thuật của Pep đề cao tính kỷ luật, giữ cự ly đội hình chặt chẽ, xem việc kiểm soát bóng là cách phòng thủ tối ưu nhất. Từ đây, tập thể Man City đã trở thành một "cỗ máy" thực thụ, chơi thứ bóng đá được truyền thông Anh miêu tả "đến từ hành tinh khác".
Còn Man United của Sir Alex Ferguson dường như không có một hệ thống nhất định mà sẽ thay đổi sao cho phù hợp với "meta". Chính vì vậy, để quyết định ai là người giỏi hơn thật sự rất khó. Sở dĩ, Pep hay ở khía cạnh chuyên môn, chiến thuật, còn Sir Alex giỏi về cách ông quản trị nhân sự.
Điều khiến cả hai trở nên nổi bật so với các đồng nghiệp nằm ở việc thiết lập một sự thống trị ở nơi họ đặt chân tới. Sir Alex khẳng định tên tuổi ở Aberdeen trước khi chinh phục những cột mốc ấn tượng tại "Quỷ đỏ". Pep cũng làm được điều tương tự, biến Barca thành thế lực thống trị ở Tây Ban Nha, tiếp tục gặt hái thành công cùng Bayern Munich để rồi đưa Man City lên đỉnh nước Anh.
Và điểm khác biệt ở đây chính là việc HLV sinh năm 1941 luôn phải đối mặt với cuộc tái thiết đội hình từ CLB Aberdeen đến Man United. Ở chiều hướng ngược lại, Pep may mắn hơn bởi thời điểm ông cập bến Etihad thì đội bóng đã vào guồng và được các ông chủ Trung Đông đáp ứng mọi thứ.
Chiến lược gia người Tây Ban Nha mua những cầu thủ sở hữu tiềm năng lớn với mức giá "khủng" và "nâng trình" lên một đẳng cấp khác. Trong khi đó, nhà cầm quân huyền thoại của "Quỷ đỏ" không nhận được sự hậu thuẫn từ giới chủ đội bóng.
Tóm lại, trong cuộc tranh luận về giữa Sir Alex Ferguson và Pep Guardiola ai giỏi hơn hơn ai, giới mộ điều đều nghiêng về Sir Alex bởi ông ngoài việc hoàn tất bộ sưu tập các cúp quốc nội, cũng đã mang về cú ăn ba "độc nhất vô nhị" cho nền bóng đá nước nhà. Còn Man City của Pep chỉ mới đi được 1/3 chặng đường trong hành trình chinh phục thành tích đáng khâm phục kể trên.
VIDEO: Cùng tìm hiểu cánh Man United giành được cú ăn ba
Nguồn: Tifo Football.