TNV - Nhạc sỹ Phạm Tuyên là tác giả rất nhiều bài hát quen biết với nhiều thế hệ công chúng Việt Nam như Miền Nam anh dũng và bất khuất (hợp xướng), Bài ca người thợ rừng, Gửi nắng cho em, Chiếc gậy Trường Sơn, Con kênh ta đào, Như có Bác trong ngày đại thắng, Gẩy đàn lên hỡi ngời bạn Mỹ, Bám biển que hương, Yêu biết mấy những con đường, Điện Biên Phủ trên không …Đặc biệt, ông có tới 3 bài hát đều hay, nổi tiếng về Đảng là Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho ta cả một mùa xuân và Màu cờ tôi yêu .
Phạm Tuyên rất sở trường viết về những vấn đề thời sự, chính trị. Ông tỏ ra rất nhạy cảm với những biến động, những sự kiện trọng đại của đất nước. Sự ra đời đặc biệt của bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng là một minh chứng. Trước giây phút lịch sử của ngày30/4/1975, ông tiên liệu chiến thắng cuối cùng đã đến rất gần nên lập tức ngồi vào đàn viết nên bài này chỉ trong một giờ để kịp đưa xuống Đoàn ca nhạc dàn dựng, thu thanh với ý định sau khi thông báo tin thống nhất đất nước, bài hát sẽ được vang lên trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam.(Lúc này, ông là trưởng Ban biên tập âm nhạc của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam). Và đúng như vậy. Ngay sau bản tin đầu tiên loan báo chúng ta đã giải phóng Sài Gòn, đất nước từ nay đã vẹn tròn một dải, bài hát đã vang lên trên lan sóng khiến 50 triệu người khi ấy rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào vì sung sướng.
Sáng tác cho tuổi thơ cũng là một thế mạnh của Phạm Tuyên khi ông có rất nhiều bài hát hay, hầu như không em nào không thuộc như Trường của em là trường mầm non, Chiếc đèn ông sao, Tiến lên đoàn viên, Chú voi ở bản Đôn …Những bài hát thiếu nhi của ông hồn nhiên, trong sáng, rất phù hợp với tâm, sinh lý của trẻ thơ.
Có một bài hát cứ mỗi độ xuân về hoặc diễn ra các kỳ đại hội Đảng là lại được vang lên ở khắp nơi bỏi sự cuốn hút của giai điệu cộng với sự sâu sắc nhưng lại giản dị của lời ca. Đó là Bài Đảng đã cho ta cả một mùa xuân - một trong 3 bài hát hay viết về Đảng của Phạm Tuyên như đã có dịp nói.
Khi ấy là những năm tháng thanh bình dựng xây đất nước sau kháng chiến chống Pháp ở miền Bắc (miền Nam vẫn nằm trong sự cai trị của Mỹ - Diệm). Ai sống ở thời gian ấy sẽ chứng kiến một sức thanh xuân phơi phới khắp nơi với những phong trào thi đua yêu nước thật sôi nổi, hào hứng bằng “gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải, Cờ Ba Nhất” (ba điển hình trong ba đối tượng công, nông, binh lúc bấy giờ: Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, Nhà máy cơ khí Duyên Hải và phong trào thi đua ba nhất trong quân đội). Ai lúc ấy cũng tươi vui, hồ hởi cùng nhìn về tương lai tươi sáng. Người ta đơn giản trong mọi suy nghĩ và hành động bởi một ý chí thống nhất của khối đại đoàn kết toàn dân. Ngày ấy, tội phạm rất ít và có nhiều nghĩa cử hào hiệp ở khắp nơi. Người ta sống với nhau nhân ái trong đùm bọc yêu thương.
Tôi khi ấy là một cậu bé hơn 10 tuổi đang học cấp 2. Vào một ngày kia, giữa mùa xuân năm 1960 tôi nghe được một bài hát trên Đài phát thanh qua giọng của một tốp nữ. Bài hát thật rộn ràng, lại được hát bè nên nghe rất thú vị: “Đảng đã cho ta một muà xuân đầy ước vọng. Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi. Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non. Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời…”. Lúc đó, mặc dù đang ở tuổi thiếu nhi nhưng tôi lại thích nghe và hát những bài người lớn hơn là cho lứa tuổi của mình. Trong khi các bạn cùng trang lứa say mê các trò chơi đánh khăng, đánh đáo, bi, quay… thì tôi lại chỉ thích nghe ca nhạc. Ngày ấy muốn nghe chỉ có thể ở hai nguồn: Nghe ra-đi-ô ( từ các đài phát thanh) và nghe đĩa (nhưng không phải là đĩa CD,VCD hay DVD như bây giờ mà là đĩa loại to hai cỡ số 33 hoặc 45, đặt vào máy quay gọi là máy hát hoặc kèn hát). Bài hát trong những ngày tháng hoà bình ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất hai miền khi ấy thường có một không khí bao trùm: du dương, êm ả hoặc nhớ thương thâm trầm. Những bài đặc biệt rộn rã, náo nức không nhiều. Cho nên nghe bài trên tôi bỗng ấn tượng ngay và thấy có một không khí mới mẻ như là mở ra một cái gì mà trước đó chưa hề có. Cùng thời kỳ đó, bọn tôi chỉ hay tìm kiếm bài hát mình ưa thích mà chẳng mấy để ý đến tác giả, thậm chí cả cái tên bài nhiều khi cũng không nhớ mà thay vì cứ gọi bằng câu mở đầu, ví dụ gọi bài Câu hò bên bến Hiền Lương là “ Bên ven bờ Hiền Lương ”, gọi Bài ca hy vọng là “ Từng đôi chim bay đi ”…Lại có một thói quen nữa là rất lười chép nhạc, chỉ chép lời vào sổ tay mặc dù đang được học nhạc ở trường. Vì rất thích bài hát trên mà nghe qua vài lần tôi đã thuộc. Trong những lần văn nghệ ở trường, tôi thường hay mang bài này ra đơn ca. Nhiều bạn nữ trêu: “ - Cậu là con gái hay sao mà hát bài ấy. Thiếu gì bài hát khác. Bài đấy vừa của nữ, lại là hát tốp ca”. Tôi tự ái lắm mà rằng: “ - Ơ các bạn hay nhỉ. Có ai quy định bài hát phải nam hay nữ hát đâu. Ai thích bài gì cứ việc hát chứ sao”. Lại một kỷ niệm khác: Tôi đăng ký hát bài này trong một hội diễn toàn trừơng nhân ngày 20/11. Thầy giáo phụ trách văn nghệ nói với tôi: “ - Em có thể tìm những bài về các thầy cô giáo, còn bài này nói về Đảng, để kỷ niệm sinh nhật Đảng sẽ phù hợp hơn”. Tôi nói với thầy: “ - Thưa thầy, bài về đề tài sư phạm các bạn khác hát cả rồi, em rất thích bài này. Em nghĩ là hát về Đảng thì lúc nào cũng phù hợp, cũng có ý nghĩa.” Sau đó, tôi được chấp nhận và còn đựơc biết thầy giáo đó đã nói với các thầy cô khác: “ - Cái thằng mới ngần ấy tuổi đầu mà nói như ông cụ non, khiến mình đành phải chịu”. Vâng, khi ấy tôi mới 13,14 tuổi. Sau này kể lại câu chuyện đó với nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả bài hát - ông cười thú vị lắm và nói với tôi: “ -Đúng là từ bé đã báo hiệu một nhà lý luận trong tương lai”.
Phải mấy năm sau, khi tôi học hết phổ thông, vào đại học, một lần tình cờ đọc báo có thấy đăng bài hát trên, mới biết rõ đó là bài Đảng đã cho ta cả một muà xuân của Phạm Tuyên. Và mãi tới sau này, gần đây, một lần ông kể cho tôi nghe về sự ra đời của bài hát:
“Vào dịp Tết năm Canh Tý 1960, cũng đúng lúc chúng ta kỷ niệm lần thứ 30 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Khi ấy tôi còn nhớ không khí nhộn nhịp lắm. Nhà thơ Tố Hữu thì có bài “30 năm đời ta có Đảng” vừa xuất hiện đã được đông đảo công chúng hưởng ứng. Tôi cũng muốn viết một bài hát đánh dấu mốc lịch sử này. Giữa bối cảnh xã hội như vừa nói trên, tôi bỗng nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà Cách mạng Pháp PaulVaillant về Chủ nghĩa Cộng sản: “Chủ nghĩa cộng sản là tuổi thanh xuân của thế giới”. Thế là đã gợi ý cho tôi hình thành nội dung bài hát. Và tứ văn học sẽ là: Có Đảng, ta sẽ có cuộc đời, sự sống, tất cả. Đảng là khởi thủy của mọi thành công. Đảng đã cho chúng ta mùa xuân bất tận. Vậy là tên bài hát đồng thời cũng là câu đầu tiên dẫn vào bài đã hình thành: Đảng đã cho ta cả một muà xuân.”
Bài hát nghe nhẹ nhàng mà sâu sắc, dung dị như chính tình cảm trong sáng, thiêng liêng của mỗi chúng ta dành cho Đảng. Đó là tiếng hát vút lên từ khát vọng trẻ trung nhất của cuộc sống có Đảng định hướng. Tiết tấu valse của nhịp ¾ vốn dĩ phù hợp với sự điệu đà, uyển chuyển đã được tác gỉa sử dụng để biểu hiện sắc thái tình cảm bài hát này. Tính đại chúng với việc dễ hát, dễ biểu hiện của giai điệu đã giúp cho bài hát nhanh chóng đến được với mọi tầng lớp công chúng.
Tôi có dịp dự nhiều hội diễn văn nghệ chuyên nghiệp cũng như quần chúng được tổ chức vào những dịp chào mừng ngày sinh nhật Đảng, thường thấy rất nhiều đơn vị đưa bài hát này lên sân khấu. Có khi một buổi có đến 3- 4 nơi cùng hát cũng đủ thấy người ta ưa thích bài hát như thế nào. Riêng về phần thể hiện bài hát, có điều đáng chú ý là sẽ rất hiệu quả nếu được dàn dựng cho hát tập thể sẽ hiệu quả hơn và bài hát sẽ trở thành giai điệu đẹp thể hiện được không khí hứng khởi, tươi vui cần có của ca khúc.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi nghe lại bài hát này, lòng ta lại rộn lên những cảm xúc phấn hứng, dạt daò niềm tin yêu vào Đảng, vào tương lai đất nước. Cảm xúc mà tác giả truyền đến cho người nghe qua bài hát vẫn nguyên vẹn sức trẻ trung, tươi mới như sức sống bất diệt của những mùa xuân.
Thanh Thủy