1. Khái quát về văn hóa và văn hóa chính trị
Khái quát về văn hóa:
Văn hoá là một khái niệm đa nghĩa, do vậy, luận giải về văn hoá có nhiều cách tiếp cận khác nhau theo mục tiêu nghiên cứu. Tuy nhiên, dù tiếp cận với mục tiêu nào thì văn hóa đều phản ánh các nội dung: do con người sáng tạo qua hoạt động thực tiễn; văn hóa phục vụ nhu cầu của con người và xã hội; văn hóa làm cho con người hoàn thiện bản thân, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ; văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia có những đặc điểm riêng biệt.
Với ý nghĩa như vậy, một trong những khái niệm được nhiều nhà khoa học và các tổ chức quốc tế trích dẫn là khái niệm của nhà nhân học người Anh E.B Tylor khi quan niệm văn hóa là: "toàn bộ phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và những khả năng, những tập quán mà con người có được với tư cách là thành viên xã hội" (1). Ngoài khẳng định những phương thức sáng tạo, giá trị của văn hóa, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) trong "Tuyên bố về chính sách văn hóa" tại Hội nghị quốc tế về Chính sách văn hóa tại Mexico năm 1982 còn khẳng định tính chất đặc thù của văn hóa các dân tộc khi quan niệm: "Văn hóa là tổng thể những nét đặc thù về tinh thần và vật chất, về trí tuệ và cảm xúc quy định tính cách của một xã hội hay một nhóm xã hội" (2). Đến năm 2006, "Công ước quốc tế về đa dạng văn hóa" của UNESCO được thông qua, vấn đề tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia càng được tôn trọng, là cơ sở để các quốc gia tôn trọng những nét khác biệt trong quá trình phát triển và hợp tác quốc tế. Từ đó, văn hóa trở thành động lực, nguồn lực thực sự trong chiến lược phát triển bền vững của các quốc gia và được nghiên cứu sâu sắc.
Cũng như khái niệm văn hóa, cấu trúc văn hóa được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Một quan niệm được nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận là phân chia văn hóa thành ba lĩnh vực cơ bản, bao gồm: văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần. Trong mỗi lĩnh vực, có thể chia nhỏ hơn nữa, phản ánh sự phong phú, đa dạng của hoạt động, thành tựu văn hóa trong đời sống xã hội. Theo hướng tiếp cận này, văn hóa chính trị thuộc văn hóa xã hội.
Khái quát về văn hóa chính trị:
Thực hành văn hóa chính trị xuất hiện rất sớm trong lịch sử nhân loại, gắn liền với quá trình phân hóa giai cấp, được thể hiện rõ rệt khi hình thành nhà nước. Tuy nhiên, thuật ngữ văn hóa chính trị (Political Culture) chỉ được đề cập từ cuối thế kỷ XVIII trong cuốn sách "Các phương pháp triết học lịch sử nhân loại" (1784) của I.G.Gerzer và được đề cập đến như một khái niệm vào nửa cuối thế kỷ XIX trong tác phẩm "Văn hóa công dân" (1963) của G.Almond và S.Verba. Các quan niệm đề cập đến văn hóa chính trị vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, từ đó chỉ ra cách thức ứng xử của con người đối với quyền lực.
Tại Việt Nam, văn hóa chính trị được tập trung nghiên cứu từ sau đổi mới (1986). Các công trình khẳng định "văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa; nói lên tri thức, năng lực sáng tạo trong hoạt động chính trị" (3), "là một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, thể hiện ở tầm tư tưởng, tầm trí tuệ của tổ chức và con người chính trị; thể hiện rõ trong tổ chức thiết chế và thể chế chính trị; thể hiện trong tổ chức hoạt động chính trị"(4)... Dù các quan điểm về văn hóa chính trị còn có điểm khác biệt do mục tiêu nghiên cứu. Nhưng nhìn chung đều dựa trên tính chất khoa học của văn hóa, xem văn hóa chính trị là hình thái ý thức xã hội quan trọng trong kiến trúc thượng tầng, chịu sự chi phối của cơ sở hạ tầng. Chính trị phản ánh trình độ văn hóa của một giai cấp ở phương diện tổ chức và điều hành xã hội. Trong tác phẩm "Hệ tư tưởng Đức", C.Mác - Ph.Ăngghen khẳng định: "Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị" (5). Chính trị được xem là văn hóa khi gắn với trình độ, năng lực sáng tạo của con người, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị" (6). Trong quá trình lãnh đạo xây dựng, phát triển văn hóa, Đảng ta xác định: "Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc", "cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh", "do Đảng lãnh đạo" (7).
Như vậy, văn hóa có quan hệ mật thiết với chính trị, mang đậm dấu ấn chính trị, chịu sự định hướng của chính trị, thể hiện ở mục tiêu, động lực của chính trị. Văn hóa và chính trị thống nhất hữu cơ, tác động qua lại, phản ánh văn hóa chính trị của một dân tộc.
Từ đó, có thể quan niệm: văn hóa chính trị là một thành tố của văn hóa xã hội, thể hiện trình độ, tính chất văn hóa của một cộng đồng người trong việc tổ chức, quản lý đời sống và thực thi quyền lực của cộng đồng, biểu hiện cho một nền chính trị nhất định trong lịch sử. Văn hóa chính trị thuộc văn hóa xã hội, liên quan đến hoạt động tổ chức, quản lý đời sống cộng đồng, nhưng là đời sống cộng đồng gắn liền với việc nắm giữ và thực thi quyền lực. Vì vậy, văn hóa chính trị thể hiện trình độ, tính chất văn hóa của một cộng đồng nhất định.
Từ quan niệm trên, cấu trúc của văn hóa chính trị có thể chia thành 4 thành tố chính như sau:
Một là định hướng giá trị trong chính trị, được thể hiện qua lý tưởng chính trị, triết lý chính trị và đường lối chính trị.
Hai là sự vận hành chính trị, thể hiện qua công cụ vận hành và phương thức vận hành của một nền chính trị.
Ba là nhân cách chính trị, bao gồm nhân cách của chủ thể nắm, thực thi quyền lực chính trị và người chịu sự tác động của quyền lực chính trị.
Bốn là ngoại hiện chính trị, thể hiện qua hình thức, cách thức, biểu tượng.
Từ cấu trúc của văn hóa chính trị, khi soi chiếu vào một nền văn hóa cụ thể, có thể nhìn thấy cái chung và cái riêng về văn hóa chính trị của các cộng đồng, dân tộc, quốc gia khác nhau. Đồng thời, nhìn thấy cái thiểu số và cái đa số trong mỗi quốc gia, từ đó có thể phân biệt đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu, định hướng giá trị cho con người hướng đến và hành động thực tế để phát triển theo dòng văn hóa chủ lưu mà cộng đồng, quốc gia đó đã lựa chọn, gây dựng, phát triển từ trong quá trình phát triển của lịch sử.
Các yếu tố cấu thành văn hóa chính trị có mối quan hệ chặt chẽ, tác động với nhau, trong đó, yếu tố định hướng giá trị là yếu tố cốt lõi định hướng sự vận hành chính trị, nâng cao nhân cách chính trị và tạo ra những biểu tượng văn hóa có tính chất thời đại, trường tồn, đại diện cho văn hóa dân tộc.
2. Văn hóa chính trị trong Chiến thắng 30/4/1975 phủ nhận các quan điểm xuyên tạc
Nhận diện luận điệu xuyên tạc về Chiến thắng 30/4/1975
Dưới góc nhìn văn hóa chính trị, có thể thấy do sự khác biệt về tư tưởng chính trị, sự thù hằn về chính trị và cơ hội chính trị, cứ đến dịp kỷ niệm Chiến thắng 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường sử dụng thủ đoạn đăng tin, bài, video clip, tổ chức phỏng vấn, trao đổi... lên các kênh truyền thông mạng xã hội. Nội dung tập trung là: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là "cuộc nội chiến", ở đó "chính quyền cộng sản đã cướp chính quyền dân chủ miền Nam"; "Cộng sản đã cướp đoạt thành quả và đẩy lùi sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội miền Nam", "gây ra mâu thuẫn văn hóa", hậu quả để lại là "sự nghi kỵ, mất đoàn kết dân tộc vùng miền âm ỉ, kéo dài"... Từ đó, họ kết luận ngày 30/4/1975 là "Ngày Quốc hận" và tháng 4/1975 là "Tháng tư đen"... Mục đích của họ là thông qua truyền thông xã hội tác động đến tư tưởng, văn hóa của người dân Việt Nam, gây ra sự chuyển biến từ bên trong, bắt đầu bằng văn hóa, thông qua văn hóa để định hướng hành động và chuẩn bị kịch bản kích động thành hành động trong thực tế, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chế độ, phủ nhận và lật đổ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta khi có thời cơ.
Tuy nhiên, dù có sử dụng những luận điệu ngụy tạo, hình thức, thủ đoạn thâm sâu, xảo quyệt nào cũng không thể đổi trắng thành đen, hạ thấp, phủ nhận giá trị lịch sử to lớn, ý nghĩa thời đại Chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân ta. Dưới góc độ văn hóa chính trị trong Chiến thắng 30/4/1975, mọi luận điệu xuyên tạc đều vô nghĩa, không có giá trị.
Giá trị phủ nhận luận điệu xuyên tạc Chiến thắng 30/4/1975
Trước hết, về định hướng giá trị
Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả của lý tưởng chính trị Việt Nam, lý tưởng phấn đấu cho dân tộc độc lập, nhân dân được hạnh phúc, tự do. Hiến pháp năm 1946 "khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam quyết tâm "bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ"" (8). Hiến pháp năm 1959 "khẳng định ý chí của nhân dân ta quyết đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm căn cứ vững mạnh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc" (8). Lý tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong Di chúc về điều mong muốn cuối cùng của Người là: "Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới" (9). Lý tưởng của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là lý tưởng, ước vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam về độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, phù hợp với xu thế tiến bộ của cách mạng thế giới.
Triết lý chính trị trị xác định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thể hiện quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền độc lập, tự do của con người. Đảng ta đã xác định: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa", "nhằm xã hội chủ nghĩa mà tiến" (10). Chỉ có tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhân dân mới có quyền tự do thực sự, điều đó thể hiện tính chất cách mạng và nhân văn của mục tiêu chính trị, phù hợp với văn hóa dân tộc. Vì vậy, đường lối chính trị của Đảng ta từ năm 1954 trở đi đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược là "xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà" (11).
Như vậy, dưới góc độ định hướng giá trị của văn hóa chính trị, Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả của ý chí, nguyện vọng tha thiết, quyết tâm của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng chống đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta đã khẳng định "nhân dân miền Nam cũng muốn xã hội chủ nghĩa, trừ một số người chống quyền lợi nhân dân" (12). Điều đó phủ nhận quan điểm xuyên tạc gian xảo cho rằng Chiến thắng 30/4/1975 là "chủ nghĩa cộng sản xâm lược miền Nam dân chủ" để bôi đen tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến thống nhất đất nước của nhân dân ta, xem cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai, thống nhất đất nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh xâm lược.
Hai là, về vận hành chính trị
Để đi đến Chiến thắng 30/4/1975, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, đặc biệt quan trọng là hai bản Hiến pháp (năm 1946 và 1959), góp phần quan trọng hoàn thiện thể chế chính trị Việt Nam, là nền tảng chính trị, đoàn kết toàn dân tộc vào nhiệm vụ giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Trong thực tiễn cách mạng, sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng ta đã nhận thức rõ Hiến pháp năm 1946 đã bộc lộ hạn chế, bất cập, thể hiện chế độ chính trị, kinh tế, xã hội không được rõ ràng; cơ cấu nhà nước quá đơn giản; quyền lợi và nghĩa vụ công dân chưa quy định đầy đủ. Vì vậy, Hiến pháp năm 1959 là "Hiến pháp xã hội chủ nghĩa phù hợp với hiện thực và ý chí nguyện vọng của nhân dân ta" (13). Hiện thực lúc bấy giờ là nước ta còn bị chia cắt, nguyện vọng tha thiết của nhân dân hai miền là độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Xây dựng nhà nước phải "thực sự do nhân dân bầu ra" và "chịu sự giám đốc của nhân dân, và phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân" (13). Hiến pháp năm 1959 khẳng định đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng, thống nhất phần "lãnh thổ không thể chia cắt" của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, dưới góc độ văn hóa chính trị, công cụ và phương thức vận hành đã thể hiện rõ nền tảng và định hướng chính trị, thấm nhuần văn hóa dân tộc, vì lợi ích của toàn thể nhân dân là độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, phát huy được tối đa sức mạnh cả dân tộc để đi đến Chiến thắng 30/4/1975. Thực tế này phủ nhận hoàn toàn quan điểm cho rằng Chiến thắng 30/4/1975 là "cuộc nội chiến", vì bản chất Đảng, Nhà nước Việt Nam là lực lượng lãnh đạo, là chính thể duy nhất của dân tộc Việt Nam, bao gồm cả phần lãnh thổ miền Nam đang bị đế quốc Mỹ và tay sai thống trị.
Ba là, về nhân cách chính trị
Nổi bật lên trong nhân cách chính trị là uy tín của Đảng và phẩm chất đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Báo cáo chính trị tại Hội nghị lần thứ 23 của Trung ương Đảng (10/1974) thẳng thắn chỉ ra chỗ mạnh, yếu của Đảng. Chỗ mạnh là Đảng ta đã "luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin", "đề ra đường lối đúng đắn và sáng tạo về cách mạng dân tộc dân chủ..., xây dựng chủ nghĩa xã hội" (14). Chỗ yếu là "không kịp thời hoàn chỉnh và cụ thể hóa đường lối của Đảng về một số mặt trong cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; sự lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam cũng còn những lúc thiếu kịp thời, thiếu chặt chẽ" (14). Chính sự thẳng thắn này mà Đảng ta luôn được quần chúng tin yêu và ủng hộ, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng. Đối với mỗi Đảng viên, thực sự "xứng đáng là chiến sĩ tiên phong cách mạng của giai cấp công nhân, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của quần chúng" (14). Trong Chiến thắng 30/4/1975, hình ảnh người đảng viên tỏa sáng trên mỗi chiến trường, trong mỗi mặt trận, tiên phong dẫn dắt quần chúng, thổi bùng ý chí quyết tâm của cả dân tộc, không ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành khát vọng thống nhất đất nước.
Biểu hiện nhân cách chính trị trong Chiến thắng 30/4/1975 phủ nhận hoàn toàn quan điểm "đồng hóa văn hóa miền Nam", để lại "mâu thuẫn vùng miền kéo dài". Về bản chất, văn hóa miền Nam là bộ phận của văn hóa dân tộc Việt Nam, sâu bên trong, lắng đọng, kết tinh lại là những giá trị bất biến của tinh thần yêu nước, đoàn kết, cần cù, chịu khó, khoan dung, cởi mở, tình nghĩa, tình cảm. Những giá trị đó được phát huy cao độ dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả tất yếu của giá trị văn hóa dân tộc đã được phát huy trong thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân.
Bốn là, về ngoại hiện chính trị
Chiến thắng 30/4/1975 là mốc son chói lọi, bổ khuyết, tô thắm các biểu tượng văn hóa chính trị của dân tộc ta. Lá cờ đỏ sao vàng từ đây tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thực hiện thống nhất trong cả nước, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân trong một nhà nước độc lập, thống nhất, tiến bộ; giai điệu hào hùng của Quốc ca trở thành niềm kiêu hãnh, tự hào của cả dân tộc mãi về sau; hình ảnh chiếc xe tăng T-59 mang số hiệu 390 húc tung cổng chính dinh Độc lập mãi mãi là hình ảnh đẹp đẽ, biểu tượng hào hùng kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước hơn 20 năm, mở ra thời kỳ lịch sử mới của dân tộc, cả nước chung chí hướng, lý tưởng, con đường cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ IV của Đảng ta đã khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc" (15).
Những yếu tố mang tính biểu tượng của văn hóa chính trị trong Chiến thắng 30/4/1975 đã đập tan luận điệu xuyên tạc cho rằng ngày 30/4/1975 là "Ngày Quốc hận" và tháng 4/1975 là "Tháng tư đen" của các thế lực thù địch. Dù họ có cố tình dùng mọi thủ đoạn, sử dụng những lời lẽ thô thiển để bôi đen Chiến thắng 30/4/1975 thì cũng không bao giờ xâm lấn được những biểu tượng có giá trị trường tồn của dân tộc trong Chiến thắng 30/4/1975.
3. Văn hóa chính trị Việt Nam tiếp tục là nền tảng tinh thần, động lực, mục tiêu phát triển đất nước từ Chiến thắng 30/4/1975 đến nay
Sau 50 năm thống nhất đất nước, văn hóa chính trị tiếp tục được phát triển, tỏa sáng dưới sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ nhất, về định hướng giá trị, được thể hiện trong lý tưởng chính trị là xây dựng nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, "cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" (16). Triết lý chính trị lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho định hướng xây dựng văn hóa, con người. Đường lối xây dựng văn hóa chính trị được xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu, một trong bốn trụ cột trong chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, định hướng giá trị văn hóa chính trị Việt Nam hướng đến tự do, ấm no, hạnh phúc và phát triển toàn diện con người, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thứ hai, sự vận hành chính trị, được thể hiện qua công cụ vận hành là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân được tinh gọn, "ngày càng hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn" (17). Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được khẳng định trong các bản Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp 1982, 1992, 2013). Nhà nước được ủy quyền để thực thi quyền lực của nhân dân, theo đa số, nhằm mục tiêu thực hiện lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi người dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Việc bình đẳng trước pháp luật thể hiện tính chất dân chủ, quyền con người, quyền công dân trong tất cả các lĩnh vực xã hội, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Phương thức vận hành chính trị được quy định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước là "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ".
Thứ ba, nhân cách chính trị được thể hiện trước hết ở chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên. "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả rõ rệt" (17) đáp ứng yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Thực hiện đề cao trách nhiệm của cấp ủy, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Vì vậy, Đảng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Nhân cách chính trị còn được thể hiện trong nhân cách mỗi công dân, có phẩm chất, năng lực toàn diện, có lý tưởng và mục tiêu cống hiến vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thứ tư, về ngoại hiện chính trị, được biểu hiện ra bên ngoài thông qua các biểu tượng có ý nghĩa văn hóa, như: Quốc hiệu; Quốc kỳ; Quốc ca; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; hình ảnh xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975... Tất cả những yếu tố mang tính biểu tượng đó đều toát lên giá trị của văn hóa chính trị, mang lý tưởng của cả dân tộc với triết lý độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc, dưới góc nhìn văn hóa chính trị đã phủ nhận cơ bản, thấu đáo các quan điểm sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận giá trị Chiến thắng 30/4/1975. Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 mãi mãi là sự kiện vĩ đại, là biểu tượng sáng ngời của văn hóa Việt Nam, là nền tảng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống, phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.
Thượng tá, Ths Nguyễn Bá Thanh
Trường Sĩ quan Chính trị (Bộ Quốc phòng)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đinh Xuân Dũng (2004), Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.15.
2. Dương Phú Hiệp (2012), Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr.36.
3. Phạm Ngọc Quang (1995), Văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.19.
4. Đinh Xuân Dũng (1999), Văn hóa trong chiến lược phát triển của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.121.
5. C.Mác và Ph.Ăng-ghen (2002), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.66.
6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.246.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.55, 56, 57.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.179, 180.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.614.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.225.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.772.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.834.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 66, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.834, 835.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 35, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.209, 210, 25115. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.147.
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khoa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.55-56.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tr.71, 73.