Phản bác những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ nhật, 11/08/2024 - 14:00

Tóm tắt: Ra sức chống phá, công kích và thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" với mục đích xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là âm mưu và hành động lâu dài, liên tục, có tính hệ thống của các thế lực thù địch.


Một trong những mũi nhọn mà chúng hướng tới là lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, xuyên tạc, chống phá nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta và gây mất ổn định an ninh trật tự. Bài viết này chỉ rõ và phản bác những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp nhằm phòng, chống âm mưu thâm độc trên, góp phần bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nền tảng tư tưởng của Đảng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: An ninh trật tự; Bảo vệ nền tảng tư tưởng; Đại đoàn kết; Tôn giáo.

Lịch sử cách mạng hào hùng của Đảng và Nhân dân ta đã minh chứng cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, sống "tốt đời đẹp đạo", các tổ chức tôn giáo và đồng bào có đạo đã luôn ủng hộ Đảng, Nhà nước, đoàn kết, chung sức một lòng thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cách mạng. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nhất quán quan điểm về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân và đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện mưu đồ chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, các thế lực thù địch hiểu rõ phải tấn công vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó, vấn đề liên quan đến tôn giáo luôn là trọng điểm để chúng lợi dụng chống phá. Các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta đã được tiến hành thường xuyên, liên tục và có tính hệ thống từ lâu. Với âm mưu chia rẽ, kích động, reo rắc tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm gây ra nhiều bất ổn chính trị, từ đó tạo cớ để các thế lực từ bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam. Tuy các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo không phải là mới nhưng với "sức mạnh mềm" mà các tôn giáo có, các thế lực thù địch vẫn coi đây là mũi nhọn chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng tập trung lợi dụng vấn đề tôn giáo trên ba phương diện chủ yếu: (1) xuyên tạc, vu khống, bịa đặt, vu cáo về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; (2) lợi dụng các vụ việc phức tạp hoặc các vấn đề tiêu cực trong xã hội để kích động chức sắc, tín đồ gây mất ổn định an ninh chính trị; (3) gắn vấn đề tôn giáo với nhân quyền và dân tộc để kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.

Dù với phương diện nào thì mục đích mà các thế lực thù địch đều muốn phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ khối đoàn kết máu thịt giữa Đảng, các lực lượng vũ trang nhân dân với đồng bào theo tôn giáo; chia rẽ đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo; giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra nhiệm vụ "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch"[1], coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Vì lẽ đó, việc nhận diện, phân tích đầy đủ và phản bác những quan điểm sai trái, vu cáo, bịa đặt, giả dối, phản cách mạng, phản khoa học của các thế lực thù địch là vô cùng quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân vững bước theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

1. Những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và gây bất ổn về an ninh trật tự

Tổng kết thực tiễn các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, có thể thấy, chúng sử dụng tổng hợp các vấn đề từ chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, dân tộc, tôn giáo… để kích động, chia rẽ, chống phá cách mạng Việt Nam. Các phương thức của chúng có thể tổng hợp lại ở bốn mặt: (1) lấy chính trị, tư tưởng làm trọng tâm; (2) lấy kinh tế làm mũi nhọn; (3) lấy đối ngoại, ngoại giao làm hậu thuẫn; (4) lấy nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm "ngòi nổ". Trong đó, các vấn đề về chính trị, tư tưởng, kinh tế được các đối tượng lợi dụng nhằm tạo mâu thuẫn âm ỉ, dai dẳng, kéo dài, đến khi có "ngòi nổ" là các sự kiện liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo thì sự rạn nứt sẽ nổ ra, tiến tới hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đặc biệt, những vấn đề dân tộc, tôn giáo mà nhất là tôn giáo thường được các tổ chức bên ngoài quan tâm, chú ý, dễ dàng tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nhìn chung, hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo rất đa dạng, phức tạp, nhiều màu sắc, có sự đan xen cấu kết nhiều thủ đoạn khác nhau về dân tộc, nhân quyền, văn hóa, dân chủ… Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ mục đích của các hoạt động thì có thể phân chia thành các dạng sau:

Một là, sử dụng danh nghĩa của các tôn giáo đã được công nhận, các thế lực thù địch tạo lập hội, nhóm mang danh tôn giáo, hình thành các lực lượng có màu sắc tôn giáo truyền bá trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kích động đồng bào đòi ly khai, tự trị, thành lập nhà nước riêng. Với hoạt động này, các đối tượng lợi dụng sự sa sút về tính chân truyền trong các tôn giáo chính thống để xuyên tạc, bịa đặt giáo lý, giáo luật, hình thành các "tôn giáo riêng", "tổ chức tôn giáo mới", lôi kéo đông đảo các tín đồ, sử dụng tổ chức đó như một chiêu bài chính trị để chống phá Đảng, Nhà nước. Bởi mang danh các tôn giáo đã được công nhận, chúng dễ dàng kêu gọi sự can thiệp từ các tổ chức nhân quyền và tổ chức tôn giáo ở bên ngoài. Thủ đoạn này từng được thực hiện và chịu thất bại ở Tây Nguyên vào những năm 2001, 2004, 2008 với việc thành lập "Nhà nước Đề Ga độc lập" ở bên ngoài, dùng tổ chức "Tin lành Đề ga" làm công cụ lôi kéo, dụ dỗ, phát triển lực lượng chống phá trong nước. Gần đây, vẫn với chiêu bài cũ, chúng hoạt động trở lại với tên mới "Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam", "Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên". Chịu sự chỉ đạo của các đối tượng Fulro lưu vong ở Mỹ, các tổ chức này hoạt động với mục tiêu kích động thành lập "tôn giáo riêng" nhằm ly khai, tự trị, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Từ đó đòi thành lập "nhà nước riêng" của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Rõ ràng, những tổ chức này không phải tổ chức chính thống của đạo Tin Lành, chúng lợi dụng đạo Tin Lành như công cụ để truyền bá, kêu gọi, lôi kéo tín đồ.

Với hoạt động tương tự như ở Tây Nguyên, từ năm 2018 đến nay, tại Điện Biên xuất hiện một số hiện tượng mang tên "Giê Sùa", "Bà Cô Dợ". Thủ đoạn của chúng là biến tướng đạo Tin Lành, xuyên tạc Kinh Thánh, tuyên truyền giáo lý Tin Lành nhưng có sự thay đổi cho phù hợp với văn hóa, tập tục để lôi kéo, kích động người Mông thành lập "Vương quốc Mông". Nhiều kẻ cầm đầu chỉ đạo các đối tượng trong nước, thu thập thông tin, cắt ghép, bịa chuyện, dựng chuyện để vu cáo chính quyền đàn áp người Mông, người Mông bị phân biệt, đối xử… rồi gửi cho các tổ chức phản động ở bên ngoài nhờ can thiệp, giúp đỡ. Hoạt động này còn gây nguy hại hơn gấp nhiều lần khi các thế lực thù địch gắn tôn giáo với dân tộc, nhân quyền, dân chủ và kêu gọi sự hỗ trợ, hậu thuẫn, can thiệp của các thế lực ở bên ngoài. Ngoài những ví dụ kể trên, còn nhiều địa phương khác cũng xuất hiện những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo như tổ chức "Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom" (KKF) ở khu vực Tây Nam Bộ, Hà Mòn ở Tây Nguyên…

Hai là, chúng thành lập các tổ chức, loại hình mang danh tôn giáo mới, hiện tượng tôn giáo lạ, đạo lạ gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và mất ổn định chính trị - xã hội. Thủ đoạn gây mất ổn định an ninh trật tự của chúng ở chỗ, các đối tượng tuyên truyền những luận điệu xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đi ngược lại với tín ngưỡng cổ truyền như thờ cúng ông bà, tổ tiên; chúng hứa hẹn những điều xa rời thực tế, reo rắc những ảo vọng về tương lai tốt đẹp để lôi kéo tín đồ bỏ gia đình để đi truyền đạo, tu đạo. Đi liền với những thủ đoạn đó là những chiêu trò mê tín, dị đoan như chữa bệnh nan y bằng "nước thánh" của "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ"; thờ Bác Hồ để chữa bệnh của điện thờ "Hoàng Thiên Long"; chữa bệnh bằng dùng "nguồn thánh tiên" của nhóm "trừ quỷ Bảo Lộc"… Đặc điểm của hoạt động trên là không bộc lộ rõ bộ mặt chống phá Đảng, Nhà nước nhưng những hoạt động này gây mâu thuẫn trong quần chúng, ảnh hưởng sâu sắc tới các tầng lớp nhân dân, tạo tác động tiêu cực đối với sự ổn định của xã hội. Đặc biệt, có những hiện tượng tôn giáo, hiện tượng tín ngưỡng tâm linh lợi dụng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc để hoạt động thờ cúng như: "Đạo Hoàng Thiên Long" ở Ứng Hòa, Hà Tây; "Đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh" ở An Lão, Hải Phòng; nhóm "Long hoa Di Lặc" ở Sóc Sơn, Hà Nội… Nhìn chung, khi chúng ta xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các nhóm trên đều vấp phải sự can thiệp, cản trở của các thế lực thù địch từ bên ngoài, vu cáo Việt Nam không có "tự do tín ngưỡng, tôn giáo".

Ba là, lợi dụng một số sự kiện chính trị - xã hội phức tạp, một số chức sắc, tín đồ tôn giáo cực đoan đã kích động tín đồ xuống đường biểu tình, gây mất ổn định an ninh trật tự, chia rẽ đoàn kết giữa đồng bào theo đạo và không theo đạo. Điển hình như, khi sự cố về môi trường xảy ra ở các tỉnh miền Trung do công ty Formosa Vũng Áng gây ra, một số linh mục tại Nghệ An đã kích động giáo dân tổ chức nhiều cuộc biểu tình dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, đòi bồi thường môi trường… Đỉnh điểm, một số đối tượng kích động đã đốt cờ Đảng, dẫm đạp ảnh Bác Hồ… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khối đoàn kết lương – giáo, gây mất ổn định chính trị trên địa bàn. Bên cạnh đó, số vụ việc liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai, cơ sở thờ tự trái phép có chiều hướng gia tăng. Một số chức sắc cực đoan trong các tôn giáo và một số cá nhân thiếu thiện chí với Nhà nước ta đã triệt để lợi dụng để "chính trị hóa", "quốc tế hóa" sự việc, xuyên tạc, vu cáo chính quyền "lấy đất đai của tôn giáo, bao che cho doanh nghiệp, tàn phá môi trường", kích động tâm lý so bì, cho rằng tồn tại bất bình đẳng giữa các tôn giáo.

Bốn là, với cớ "bảo vệ nhân quyền", "tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo", một số tổ chức nước ngoài đã ban hành các báo cáo, phúc trình, danh sách, nghị quyết để cáo buộc không đúng về tình hình nhân quyền và tự do tín ngưỡng ở Việt Nam. Các tổ chức này có thể kể đến như: ‘Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ", "Cục Dân chủ, nhân quyền và lao động", Tổ chức "Theo dõi nhân quyền", Tổ chức "Ân xá quốc tế", Tổ chức "Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ", "Hội đồng liên tôn quốc tế", "Ủy ban cứu người vượt biển (BPSOS)"… Trong đó, phải kể đến Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), tổ chức này đều đặn ra các báo cáo thường niên xuyên tạc về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam, từ đó tạo cớ hỗ trợ, can thiệp sâu vào các hoạt động này. Thâm chí, với những cáo buộc phi lý, thiếu khách quan, một chiều về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, USCIRF đã đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (CPC). Với luận điệu tương tự USCIRF, Cục Dân chủ, nhân quyền và lao động (DRL) - Bộ Ngoại giao Mỹ - trong các Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế hàng năm đã nêu quan điểm rất phiến diện, cho rằng chính phủ Việt Nam hạn chế nhiều tổ chức tôn giáo, thậm chí, các Báo cáo này còn vu cáo Việt Nam đàn áp, bắt giữ những người theo tôn giáo, được họ gọi là "tù nhân tôn giáo", "tù nhân lương tâm". Với mục đích tương tự các tổ chức trên, "Ủy ban cứu người vượt biển" (BPSOS) đã thực hiện cái gọi là "Đề án dân quyền Việt Nam", trong đó tiến hành "Dự án khảo sát tôn giáo Việt Nam". Ngày 28/12/2023, dưới sự bảo trợ của USCIRF, tổ chức BPSOS công bố đối tượng khảo sát là những thành phần thuộc các tổ chức, cá nhân chức sắc tôn giáo không được pháp luật công nhận như nhóm Phật giáo Việt Nam thống nhất, Cao Đài Chơn truyền 1926 và Phật giáo Hòa Hảo độc lập (đều là những nhóm, tổ chức có vấn đề về nguồn gốc lịch sử, không được pháp luật thừa nhận, nhiều tín đồ, chức sắc thuộc các nhóm, tổ chức đó có hoạt động chống phá chính quyền nhân dân).

Đáng nói nhất, trong những năm gần đây, Bộ Ngoại giao, Nghị viện và các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ thường cử các phái đoàn vào Việt Nam để theo dõi, quan sát về tình hình tự do tôn giáo. Việt Nam hoàn toàn hoan ngênh tinh thần hợp tác này và tạo điều kiện hết sức để các cơ quan, tổ chức trên hiểu rõ tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, trong đó có bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được cộng đồng quốc tế thừa nhận, Hoa Kỳ thường xuyên đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo. Ngày 4/1/2024, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tiếp tục tuyên bố liệt Việt Nam vào danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL). Có thể nói, đây là nhận định thiếu căn cứ, bất chấp những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, Mỹ thường cử phái đoàn đến thăm gặp, tiếp xúc với cá nhân là chức sắc, tín đồ tôn giáo có những hoạt động vi phạm pháp luật hoặc những hội nhóm chưa đủ điều kiện công nhận về tổ chức tôn giáo theo quy định pháp luật. Đơn cử vào tháng 5 và tháng 10/2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử phái đoàn vào Việt Nam để khảo sát tình hình tự do tôn giáo chỉ tiếp xúc với các hội nhóm tôn giáo chưa được công nhận, thường xuyên vi phạm pháp luật như "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất", "Pháp luân công", "Tin lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam", "nhóm Cao Đài, Hòa Hảo độc lập", "tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình"… Họ lên tiếng bênh vực những cá nhân vi phạm pháp luật như: đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh, Lê Đình Lượng, Hồ Đức Hòa… trong đạo Công giáo; đối tượng Nguyễn Trung Tôn, Y Hin Niê, A Ga, A Đảo… trong đạo Tin lành; đối tượng Thích Không Tánh, Thích Tuệ Sỹ trong "Phật giáo Việt Nam thống nhất". Thậm chí, những kẻ cố tình lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo như đối tượng Lê Tùng Vân tại "Thiền am bên bờ vũ trụ" (còn gọi là Tịnh thất Bồng Lai), tỉnh Long An cũng được phía Mỹ liệt kê vào danh sách cần "quan tâm, bảo vệ".

Một trong những lý do mà những tổ chức trên đưa ra các nhận định không đúng đắn về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam là bởi, những thông tin mà họ nhận được là từ những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam, như những tổ chức phản động lưu vong, những nghị sĩ cực đoan ở Mỹ, những cá nhân chống phá chính quyền ở trong nước. Đồng thời, việc tiếp xúc, gặp gỡ, khảo sát, thu thập thông tin của họ thường hướng đến những hội nhóm tôn giáo chưa được công nhận như: "Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất", "Pháp luân công", "Tin lành Đấng Christ các dân tộc Việt Nam", "nhóm Cao Đài, Hòa Hảo độc lập", "tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình"… Ngoài ra, việc thu thập số liệu còn được thực hiện bởi thông qua gặp gỡ, tiếp xúc số chức sắc, tín đồ có tư tưởng cực đoan, quá khích, thậm chí là đối tượng vi phạm pháp luật trong các tôn giáo như: Nguyễn Năng Tĩnh, Lê Đình Lượng, Hồ Đức Hòa (Công giáo); Nguyễn Hồng Quang, Nguyễn Trung Tôn, Y Hin Niê, A Ga, A Đảo (Tin lành); đối tượng Thích Không Tánh, Thích Tuệ Sỹ trong "Phật giáo Việt Nam thống nhất"… Thậm chí, những kẻ cố tình lợi dụng danh nghĩa tín ngưỡng, tôn giáo có những hành vi vi phạm pháp luật hình sự như đối tượng Lê Tùng Vân tại "Thiền am bên bờ vũ trụ" (Tịnh thất Bồng Lai) cũng được liệt vào danh sách bảo vệ của Mỹ. Với việc tiếp xúc, khảo sát, lấy thông tin những hội nhóm, đối tượng như trên thì việc đưa ra những nhận định thiếu khách quan, đúng đắn về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam là điều dễ hiểu. Rõ ràng, những luận điệu đó không đúng, phản ánh hoàn toàn sai về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đầu tháng 11 vừa qua, khi tham dự hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: "Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai về nhân quyền của Việt Nam". Điều đó không chỉ thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người mà bên cạnh đó thông điệp đanh thép của người đứng đầu Chính phủ còn có ý nghĩa khẳng định những thành quả to lớn về nhân quyền ở Việt Nam được minh chứng từ cơ sở thực tiễn.

2. Không thể phủ nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố "Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết"[2]. Khi hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Người đã ký Sắc lệnh 223/SL, ngày 14/6/1955, khẳng định: "Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện, chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo". Xuyên suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, coi trọng đoàn kết lương - giáo. Các bản Hiến pháp được ban hành năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều khẳng định chắc chắn quan điểm tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Mới nhất, Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Thể chế quan điểm này, năm 2016, Quốc hội đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đây là cơ sở pháp lý quan trọng thể hiện sự tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm hơn nữa quyền tự do tôn giáo của nhân dân. Trong đó, tại Khoản 1, Điều 3 quy định rõ "Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật", đây là luận cứ quan trọng đập tan những luận điệu xuyên tạc, cho rằng Việt Nam không có "tự do tôn giáo", hoặc cho rằng Việt Nam không thực hiện "bình đẳng tôn giáo".

Không chỉ ban hành các khuôn khổ pháp lý để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong thực tế, Việt Nam đã và đang có những bước tiến vượt bậc về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Theo Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giao ở Việt Nam[3], từ 6 tôn giáo với 16 tổ chức tôn giáo vào năm 2005, tính đến tháng 3/2023, Việt Nam đã có 41 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, trong đó có gần 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; 54.000 chức sắc tôn giáo, 135.000 chức việc, 29.658 cơ sở thờ tự; 15 tờ báo, tạp chí. Tại Quốc hội khóa XV, có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội, 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026. Số lượng đảng viên là người có đạo chiếm hơn 102.310 người. Các tổ chức tôn giáo luôn được Đảng và Nhà nước tạo thuận lợi trong hoạt động tín ngưỡng và ngày càng được phát triển về mọi mặt. Phật giáo hiện nay đã có 4 học viện, 35 trường cao đẳng, trung cấp Phật học để đào tạo cho các nhà tu hành. Công giáo đã có 7 đại chủng viện; đạo Tin Lành có 1 viện và 1 trường Thánh Kinh Thần Học… Những số liệu trên của các tổ chức tôn giáo hiện đang hoạt động càng minh chứng rõ hơn nữa về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Hiến pháp và các văn bản pháp luật được ban hành và thể hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tổ chức sinh hoạt tôn giáo của đồng bào. Đồng bào theo tôn giáo luôn tích cực đồng hành, góp sức trong khối đại đoàn kết dân tộc nhằm xây dựng đất nước. Thời gian qua, một số đại lễ của tôn giáo đã được tổ chức thành công như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008, 2014 và 2019; Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI vào năm 2010 tại Hà Nội; Năm Thánh 2011 của Giáo hội Công giáo; Kỷ niệm 100 năm đạo Tin Lành vào Việt Nam; Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á châu được tổ chức tháng 12-2012 với sự tham dự của nhiều Giám mục các nước ở châu Á và đại diện Tòa thánh Vaticăng; Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai năm 2019; …

Với những dẫn chứng về chính sách, pháp lý và thực tiễn kể trên, rõ ràng tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh trật tự là hoàn toàn sai trái, đáng lên án. Để hạn chế tối đa những hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo này, thời gian tới cần đòi hỏi thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, quán triệt vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cần thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo cho nhân dân. Đảm bảo các tôn giáo bình đẳng và quyền sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo khuôn khổ pháp luật. Muốn vậy, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo, nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác tôn giáo, nhất là ở cơ sở.

Hai là, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện đoàn kết tôn giáo. Kịp thời giải quyết các vụ, việc chính trị - xã hội phức tạp và có công tác tuyên truyền đúng đắn để quần chúng nhân dân hiểu rõ, tránh để các thế lực lợi dụng, kích động chống phá.

Ba là, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai có liên quan đến tôn giáo kéo dài nhiều năm, hạn chế cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc. Quan tâm giải quyết các nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự, hoạt động tôn giáo, tránh để các đối tượng cực đoan tạo cớ tụ tập tín đồ, tạo "điểm nóng", tuyên truyền xuyên tạc, gây phức tạp về an ninh, trật tự.

Bốn là, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đi liền với đó cần chăm lo giáo dục về mọi mặt, nâng cao dân trí để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo. Phát huy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong việc đấu tranh với các thế lực thù địch. Làm tốt công tác dân vận, tập trung vào các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng.

Năm là, làm tốt công tác đối ngoại về tôn giáo, tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo một cách rộng rãi. Chủ động tham gia các diễn đàn tôn giáo quốc tế và khu vực để cộng đồng quốc tế hiểu đúng đường lối, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cung cấp thông tin chính thống phục vụ đấu tranh với các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam về vấn đề "tự do tôn giáo".

Sự nghiệp đổi mới đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được những thắng lợi nhất định, chưa bao giờ đất nước của chúng ta có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày hôm nay. Điều đó càng khẳng định sự đúng đắn và tính chân lý của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Hơn bao giờ hết, để bảo vệ những thành quả cách mạng đã đạt được và tiếp tục vững bước phát triển, chúng ta cần quán triệt tốt việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có kiên quyết đấu tranh, phản bác các hoạt động sai trái, lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc và gây mất ổn định an ninh trật tự. Cần nhận thức rõ rằng, các hoạt động này tuy không mới nhưng sẽ luôn được các thế lực thù địch tiến hành thường xuyên, liên tục dưới nhiều vỏ bọc khác nhau. Vì lẽ đó, việc nhận diện, bóc trần và phản bác những hoạt động này phải được tiến hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Cần tránh việc chủ quan, lơ là trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những yêu cầu cấp bách, quan trọng, góp phần giữ vững ổn định xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc, vững bước trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội./.

Thiếu tá Vũ Thị Thu Hằng

Phó đội trưởng, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đăk Nông

TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (2019), Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật. 

     2, Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. 

     3, Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. 

     4. Đỗ Lan Hiền (2021), An ninh tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, dự báo và tư vấn chính sách, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Ngọc Anh (2020). 

    5. Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. 

    6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia. 

    7.  Hội đồng lý luận trung ương (2017). Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về chính trị trong nước, Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. 

     8. Nguyễn Văn Ngọc (2020), Quan điểm, định hướng công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Tạp chí Khoa học và Giáo dục an ninh, số 16, 12/2020, 7-18. 

     9. Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Toàn (Đồng chủ biên, 2021). Công an nhân dân đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật. 

     10. Vũ Chiến Thắng (2020), Kiên quyết đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản, nguồn truy cập: https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/e-ton-giao-va-cong-tac-ton-giao-nham-chia-re-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-gay-mat-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-nuoc-ta-hien-nay, ngày truy cập: 13/5/2022.