Phần Lan - Từ đối tác 3 thập kỷ đến thành viên NATO trong tương lai

Thứ sáu, 13/05/2022 - 08:38

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều là những đối tác gần gũi với NATO trong 3 thập kỷ qua. Khi thực tế thay đổi, hai nước này đều có những động thái thích nghi khi mới đây, Phần Lan đã xác nhận mong muốn trở thành một phần của NATO.

Phần Lan không thường xuất hiện trên những tin tức quốc tế. Nếu có, quốc gia này thường được nhắc tới nhiều hơn qua hệ thống giáo dục nổi tiếng thế giới hay nằm trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Những cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề an ninh của Phần Lan rất hiếm hoi.

Ảnh minh họa: Lực lượng Quốc phòng Phần Lan

Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và cục diện an ninh châu Âu đã thay đổi chỉ qua một đêm. Đột nhiên, khả năng Phần Lan gia nhập NATO trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới.

Ngày 11/5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng nước này Sanna Marin đã đưa ra tuyên bố chung, xác nhận mong muốn của Phần Lan trở thành một phần của NATO.

Phần Lan luôn theo đuổi hướng tiếp cận thực tế và thực dụng về quốc phòng. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong khi hầu hết các nước châu Âu đều dịch chuyển trọng tâm của mình sang những chiến dịch viễn chinh, giảm chi tiêu quân sự và phát triển những đội quân nhỏ hơn nhưng chuyên nghiệp hơn thì Phần Lan lựa chọn một con đường khác, ít nhất là bởi vì đường biên giới trải dài gần 1.300 km giữa nước này và Nga.

NATO sẽ được gì nếu Phần Lan gia nhập?

Helsinki duy trì một lập trường quốc phòng mạnh mẽ với cơ sở là chế độ quân dịch bắt buộc và một lực lượng dự bị lớn được huấn luyện bài bản. Hệ thống quân dịch bắt buộc với chi phí rẻ hơn và một lực lượng dự bị lớn thay vì lực lượng quân thường trực lớn đã giúp Phần Lan duy trì khả năng quốc phòng vững chắc thậm chí cả khi tỷ lệ GDP dành cho quốc phòng thấp hơn mức mong đợi.

Vào cuối giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã dành khoảng 1,6% GDP cho quốc phòng và vào đầu những năm 1990, con số này tăng lên 1,9% do Phần Lan mua 64 tiêm kích F-18 từ Mỹ năm 1992. Sau đó, ngân sách quốc phòng của Phần Lan tiếp tục giảm và ở mức thấp nhất vào năm 2001 (với 1,1% GDP). Kể từ đó, chi tiêu quốc phòng bắt đầu tăng cho tới năm 2012, tới khi quân đội Phần Lan bắt đầu giai đoạn cải cách 3 năm, trong đó bao gồm cắt giảm ngân sách quốc phòng từ 1,4% xuống còn 1,2% GDP và giải tán một số căn cứ quân sự.

Dù vậy, trong khi các quốc gia khác bán đi các thiết bị quân sự của họ thì Phần Lan liên tục mua các hệ thống mới và cập nhật những thiết bị hiện đại. Cùng với tiêm kích F-18, nước này đã có nhiều thương vụ mua bán lớn như tên lửa không đối đất AGM-158 từ Mỹ (2012), hệ thống tên lửa phóng hàng loạt và các xe tăng chiến đấu Leopard 2A6 từ Hà Lan (2014), lựu pháo K9 từ Hàn Quốc (2017) và gần đây nhất là tiêm kích F-35 từ Mỹ (2021).

Hải quân Phần Lan cũng đã hiện đại hóa các tàu lớp Hamina cách đây một vài năm và các khả năng chiến đấu dưới nước được cải thiện với sự tích hợp giữa hệ thống sonar độ sâu thay đổi và các ngư lôi. Hiện nay, Phần Lan đang trong quá trình thay thế các tàu chiến vũ bằng 4 tàu hộ tống đa nhiệm hiện đại có khả năng tiến hành các nhiệm vụ trên biển quanh năm.

Số lượng quân nhân thường trực của Phần Lan tương đổi nhỏ, khoảng 19.000 người, cùng với 3.000 người là lực lượng bảo vệ biên giới bán quân sự, khi được huy động sẽ hợp nhất một phần hoặc toàn bộ với lực lượng quốc phòng Phần Lan.

Tuy nhiên, do chế độ quân dịch bắt buộc, số lượng quân dự bị của Phần Lan lại rất lớn. Quân đội chiến đấu được huy động tổng lực là 280.000 người cùng hàng trăm nghìn quân dự bị sẵn sàng lấp đầy những vị trí trống.

Các đơn vị có thể được chia thành 3 loại chính gồm: các đơn vị chiến đấu được trang bị và huấn luyện bài bản, các lực lượng khu vực và các đơn vị địa phương (một vài đơn vị được huấn luyện thường xuyên và có khả năng sẵn sàng cao). Lực lượng không quân và hải quân vận hành những thiết bị công nghệ cao như tên lửa không đối đất (JASSM - Joint Air-to-Surface Standoff Missile), tên lửa chống hạm Gabriel và các tên lửa RIM-162, tất cả đều trong trạng thái sẵn sàng.

Ngân sách quốc phòng năm nay của Phần Lan đặt ra là 5,1 tỷ euro - tương đương với 1,9% GDP trong khi chỉ 2 năm trước đó, tỷ lệ GDP dành cho quốc phòng là 1,3%. Sự gia tăng nhanh chóng này có thể được lý giải qua thương vụ mua các tiêm kích F-35 mới và cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến nhu cầu này tiếp tục tăng lên. Quân đội Phần Lan sẽ nhận được ngân sách bổ sung là 700 triệu euro vào năm 2022 và 788 triệu euro vào năm 2023, đưa ngân sách này lên 2,2% GDP.

Sự sẵn sàng và khả năng của quân đội Phần Lan đã được tăng cường trên mọi mặt. Phần Lan sở hữu một trong những hệ thống pháo mạnh nhất ở châu Âu (1.500 hệ thống). Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy, thậm chí trong thế kỷ 21, việc duy trì lực lượng theo quy ước mạnh vẫn là một nhân tố then chốt nhằm đảm bảo khả năng răn đe cho các quốc gia phi hạt nhân.

Từ đối tác 3 thập kỷ đến thành viên NATO tương lai

Trong khi thảo luận về vai trò của Phần Lan trong cấu trúc an ninh châu Âu, một điều không thể bỏ qua là liệu Phần Lan có tiếp tục là quốc gia trung lập, hay không liên minh quân sự nữa hay không.

Với Phần Lan, quyết định gia nhập NATO dựa trên thực tế địa chính trị. Trong Chiến tranh Lạnh, trung lập là một yêu cầu chứ không phải một lựa chọn. Phần Lan đã không trung lập từ đầu những năm 1990.

Trên thực tế, Phần Lan không phải là một quốc gia trung lập trong hơn 30 năm qua. Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia vào Chương trình Đối tác vì Hòa bình của NATO vào năm 1994 và Liên minh châu Âu năm 1995, cũng như duy trì quan hệ với các nước phương Tây. Dù vậy, những tuyên bố chính trị mà Phần Lan đưa ra từ suốt những năm 1990 đến đầu những năm 2000 đều nhấn mạnh đến lập trường không liên minh quân sự của nước này.

Khi sự hợp tác của Phần Lan với NATO ngày càng sâu sắc và EU khẳng định vai trò mới về an ninh và quốc phòng, lập trường không liên minh quân sự của Phần Lan đã bị đặt câu hỏi. Phần Lan là một trong những đối tác Cơ hội Tăng cường của NATO và tham gia vào Quy trình Đánh giá và Hoạch định trong NATO từ năm 1995, nhắm đến việc thúc đẩy sự phát triển của các lực lượng và tăng khả năng hợp tác với các đồng minh NATO.

Ngoài ra, Phần Lan đã tham gia vào một số chiến dịch quản lý khủng hoảng do NATO dẫn đầu và thường xuyên được mời tới các cuộc họp của NATO, đặc biệt từ khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. Vào tháng 2/2022, Phần Lan đã tham gia cuộc tập trận Cold Response của NATO ở Na Uy.

Trong EU, Phần Lan là một trong những thành viên chủ động nhất trong việc phát triển Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung những năm gần đây của liên minh, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của EU với tư cách là một cộng đồng an ninh.

Khi thực tế thay đổi, cả Phần Lan và Thụy Điển đều thích nghi, bởi an ninh, suy cho cùng, là thực tế chứ không phải hệ tư tưởng.

Về mặt chính trị, sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng nhưng lại không tạo ra nhiều biến động thực tế. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều là những đối tác gần gũi với NATO trong 3 thập kỷ qua, tham gia vào các chiến dịch quản lý khủng hoảng trên thế giới và những cuộc tập trận chung vùng Baltic.

Rủi ro gia nhập NATO

Tuy nhiên, Phần Lan cũng nhận thức rõ những rủi ro của việc gia nhập NATO. Trong một báo cáo gửi tới Nghị viện Phần Lan vào giữa tháng 4, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã nhận định rằng: "Nếu Phần Lan gia nhập NATO, nước này sẽ phải chuẩn bị cho những nỗ lực gây ảnh hưởng và những rủi ro khó có thể đoán trước, chẳng hạn như việc căng thẳng gia tăng ở biên giới giữa Phần Lan và Nga".

Nga cũng cho biết nước này phải "tái cân bằng tình hình" nếu Phần Lan trở thành thành viên NATO. Phản ứng trước việc Phần Lan gia nhập NATO, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/5 cho biết, điều này "chắc chắn" sẽ gây ra mối đe dọa cho an ninh của Nga và Moscow sẽ phân tích những hệ quả của bước đi này đối với an ninh của mình.

Trong trường hợp xung đột nổ ra liên quan đến Phần Lan, việc cung ứng hậu cần của Nga sẽ ngắn hơn đáng kể so với NATO. Tất cả lãnh thổ Phần Lan, tất cả khu vực hướng ra biển Baltic và một phần đáng kể khu vực đất liền từ Na Uy tới phía Bắc Phần Lan hoặc qua Thụy Điển đều nằm trong tầm bắn của các hệ thống quân sự Nga được đặt gần biên giới Nga - Phần Lan ở Kaliningrad, Bán đảo Kola và Biển Barents. Những hệ thống này bao gồm tên lửa đất đối không, tên lửa chống hạm và tên lửa tấn công mặt đất với một vài hệ thống có khả năng hạt nhân.

Quan trọng hơn, nỗ lực của Phần Lan nhằm gia nhập NATO có thể thúc đẩy Thụy Điển có bước đi tương tự. Phát biểu vào tháng trước, cùng với người đồng cấp Phần Lan, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết nước này đang phân tích tình hình tương tự như Phần Lan về việc gia nhập NATO./.

Theo VOV