TNV - Có nhiều ý kiến cho rằng phân luồng học sinh (PLHS) sau trung học cơ sở (THCS) là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), hướng nghiệp là con đường duy nhất để thực hiện được điều đó. Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn cho thấy PLHS nói chung và PLHS sau THCS nói riêng là vấn đề hết sức phức tạp, không chỉ là vấn đề của ngành GD&ĐT như nhiều ý kiến đã lầm tưởng, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, không chỉ là trách nhiệm điều tiết của nhà nước các cấp, của Chính phủ, của các bộ ngành và địa phương, mà còn là nhiệm vụ của các trường phổ thông, của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH), của các doanh nghiệp - đơn vị sử dụng nhân lực và của cả học sinh, phụ huynh học sinh. Trong những năm qua, PLHS sau THCS đã có những kết quả bước đầu.
Sơ đồ phân luồng học sinh, sinh viên của Đài Loan
Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động (TTLĐ), tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân HS và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.
Phân luồng học sinh sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội, nó góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tơí xây dựng xã hội học tập (XHHT).
Phân luồng HS sau THCS nhằm định hướng cho HS lựa chọn hướng đi: 1) Phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của của bản thân học sinh, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập có hiệu quả; 2) Phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế; góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục qua mọi thời kỳ; 3) Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng XHHT. Phân luồng HS sau THCS rất có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Vì vậy, PLHS sau THCS đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước, được ngành GD&ĐT và toàn xã hội quan tâm.
Mô hình trường “Trung học nghề” (THN) đã được triển khai xây dựng và thử nghiệm từ thập niên 80 của thể kỷ trước, khẳng định chỗ đứng trong hệ thống GD một thời gian dài, được xã hội đánh giá cao, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của học sinh và phụ huynh học sinh. Trường THN tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, sau thời gian đào tạo 3 năm, người học vừa có trình độ công nhân kỹ thuật/nhân viên nghiệp vụ lành nghề để có thể trực tiếp tham gia TTLĐ, đồng thời có trình độ văn hóa tương đương THPT, để khi có nhu cầu và điều kiện các em có thể học liên thông (LT) tiếp lên CĐ, ĐH. Thật là đáng tiếc, từ khi chuyển đổi vai trò quản lý nhà nước về dạy nghề từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ,TB&XH năm 1998 mà mô hình trường THN đã bị xóa sổ mà không rõ nguyên nhân.
Để thực hiện phân luồng, thu hút HS tốt nghiệp THCS vào học trung cấp thì điều đặc biệt quan trọng là bản thân các cơ sở GDNN nâng cao sức hấp dẫn đối với học sinh và các bậc phụ huynh, thu hút HS tốt nghiệp THCS vào học thông qua việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và đổi mới tổ chức đào tạo; gắn đào tạo với sử dụng và TTLĐ, nâng tỷ lệ HS tốt nghiệp GDNN có việc làm và làm việc đúng ngành nghề đào tạo.
Công tác PLHS sau THCS còn nhiều hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân chủ quan của ngành GD&ĐT và những nguyên nhân khách quan. Để thực hiện thành công và hiệu quả PLHS sau THCS, trước hết đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội, của mọi người dân, của chính bản thân HS và phụ huynh học sinh về nghề nghiệp và GDNN; kết hợp giữa các giải pháp chính sách, giải pháp can thiệp và điều tiết của nhà nước, cùng với các giải pháp trực tiếp của các cơ sở giáo dục, đào tạo và cơ sở sử dụng nhân lực sau đào tạo; sự điều tiết một cách tự nhiên của thị trường lao động và việc làm, thế giới nghề nghiệp. Để thực hiện thành công PLHS sau THCS đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành GD&ĐT và LĐ, TB&XH, mà của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn xã hội.
T.A