Phân luồng hướng nghiệp - Những giải pháp đột phá

Thứ bảy, 21/09/2019 - 10:30

TNV - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/TTg ngày 14/5/2018 về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Nhiều chỉ tiêu của Đề án đặt ra khá cao, vì vậy cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ mới hiện thực hóa các mục tiêu đề ra .

Những giải pháp đột phá về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng

Trước hết, đó là hệ thống văn bản về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học và giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ, cũng như của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) khá đầy đủ.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường trung học chuyển dần từ hoạt động ngoài giờ lên lớp (HĐNGLL) sang hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các giải pháp đột phá

Giải pháp thứ nhất, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh và trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh...

Thứ hai, đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và điều chỉnh chỉ tiêu mà Đề án đặt ra vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã ban hành.

Thứ ba, xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề...

Thứ tư, đổi mới nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, đổi mới nội dung dạy học trong chương trình theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi...

Thứ năm, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động...

Thứ sáu, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp...

Doãn Mai