Pháp, Đức và Anh gửi công hàm lên LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ sáu, 18/09/2020 - 07:40

Các nước Pháp, Đức và Anh đã lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định sẽ hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép với Bắc Kinh trước những hành động của nước này trong khu vực.

3 nước châu Âu trên, còn được gọi là E3, đã tái khẳng định lập trường của mình trong một công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc hôm 16/9, nhấn mạnh đến yêu cầu cần tuân thủ luật pháp tại Biển Đông. Pháp, Anh và Đức đều là các nước tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Ảnh: Gettty.

Trong các công hàm được 3 nước trên gửi lên Liên Hợp Quốc, lực lượng hải quân của các nước này nhấn mạnh, UNCLOS đặt ra "khuôn khổ pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và trên đại dương", đồng thời cho rằng Công ước này cần được duy trì một cách toàn vẹn.

3 nước trên cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp cận cởi mở và không bị cản trở ở vùng biển chiến lược này. Pháp, Anh và Đức bác bỏ nỗ lực của Trung Quốc nhằm độc chiếm hầu hết Biển Đông qua các tuyên bố phi pháp về đường cơ sở và vùng nội thủy giữa các đảo.

"Tiến hành bồi đắp hoặc dùng các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi sự phân định dựa trên UNCLOS", tuyên bố của các quốc gia trên khẳng định.

Bên cạnh đó, Pháp, Anh và Đức còn bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định việc này không phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh, "quyền lịch sử" mà Trung Quốc nêu ra đã bị bác bỏ trong phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế.

Tuyên bố của các nước châu Âu được đưa ra giữa lúc căng thẳng Mỹ - Trung leo thang trên một loạt lĩnh vực, thậm chí nhiều nhà phân tích còn cho rằng đây là dấu hiệu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Washington và Bắc Kinh.

Lập trường này cũng được thể hiện sau cuộc gặp Thượng đỉnh trực tuyến giữa EU và Trung Quốc, nơi mà các nước châu Âu ngày càng có lập trường cứng rắn hơn trong chính sách với Trung Quốc./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Nguồn: Rapple