Pháp luật quy định có những biện pháp nào để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Chủ nhật, 26/12/2021 - 10:00

TNV - Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định có liên quan, Tạp chí điện tử ThanhnienViet xin giới thiệu đến các bạn trẻ và độc giả cả nước tài liệu hỏi đáp một số nội dung cơ bản về chính sách sở hữu trí tuệ để tham khảo, áp dụng khi cần thiết.

Vải thiều Lục Ngạn và thanh long Bình Thuận được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Câu hỏi 34. Pháp luật quy định có những biện pháp nào để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: Theo Khoản 1, Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 4 Nghị định 105/2006/NĐ-CP, để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật quy định ba biện pháp để xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Tuỳ theo tính chất và mức độ xâm phạm, hành vi xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự và theo quy định sau đây:

1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật SHTT, theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.

Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Nghị định 106/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.

3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Câu hỏi 35. Ngoài ba biện pháp nêu trên, còn có biện pháp nào được áp dụng để ngăn chặn và xử lý hành vi xâm phạm quyền không?

Trả lời: Theo Điều 199, Điều 207, Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, trong trường hợp cần thiết các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính.

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là các biện pháp dưới đây được áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, gồm: thu giữ, kê biên, niêm phomg, cấm thay dổi hiện trạng, cấm di chuyển, cấm dịch chuyển quyền sở hữu.

Biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính là các biện pháp tạm giữ người, tạm giữ hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm, khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật, khám nơi cất giấu hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm về sở hữu công nghiệp và các biện pháp hành chính khác quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Biện pháp kiểm soát hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp được áp dụng khi chủ thể quyền sở hữu công nghiệp trực tiếp hoặc thông qua người đại diện nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc nộp đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Câu hỏi 36. Những cơ quan nào có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: TheoKhoản 1, Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 17 Nghị định 106/2006/NĐ-CP và theo quy định hiện hành, phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước và chức năng xét xử, những cơ quan dưới đây có chức năng bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xét xử. Thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính của cơ quan xử lý vi phạm được quy định cụ thể như sau:

1. Cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biệp pháp hành chính thông qua việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, quảng cáo, lưu thông, trừ hành vi xảy ra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

2. Cơ quan Quản lý thị trường các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường.

3. Cơ quan Hải quan các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa.

4. Cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp.

5. ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các quan có thẩm quyền khác.

Câu hỏi 37. Toà án có vai trò gì trong hoạt động xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp?

Trả lời: theo Khoản 2, Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ, Toà án có vai trò xét xử các vụ kiện dân sự, hình sự và hành chính liên quan đến sở hữu công nghiệp như sau:

Toà hành chính: Xét xử các vụ kiện hành chính liên quan đến quyết định hành chính trong việc xác lập, huỷ bỏ văn bằng bảo hộ quyền và vụ kiện đối với quyết định xử phạt hành chính hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Toà dân sự: Xét xử  theo thủ tục tố tụng dân sự các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Toà hình sự: Xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự các vụ án liên quan đến hàng hoá giả mạo sở hữu công nghiệp có dấu hiệu tội phạm.

 

Lê Nguyễn