TNV - Sau làn sóng Covid-19 lần thứ nhất, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) bắt đầu thực hiện dự án “ Cắt đứt vòng xoáy ” - hỗ trợ 146 em nhỏ tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh có hoàn cảnh khó khăn duy trì việc học tập. Sắp tới, SCDI sẽ tiếp tục hỗ trợ 70 trẻ ở Đà Nẵng, Bình Dương và Bến Tre.
Chương trình trao quà tại Hà Nôi.
Trước tình hình bệnh dịch dai dẳng, nhiều em nhỏ không có thiết bị để học tập trực tuyến, dự án phát động chiến dịch “ Cùng em đến trường ” huy động đóng góp từ cá nhân và doanh nghiệp để các em có thể được tiếp tục học tập cùng bạn bè đồng trang lứa.
Câu chuyện về Ngọc Ngân - một cô bé đầy nghị lực:
Ngọc Ngân năm nay lên lớp 8. Em sống cùng bà nội và gia đình người bác ruột tại thành phố Hải Phòng. Gia đình em vô cùng khó khăn. Bác trai của Ngân bị liệt, nằm một chỗ đã nhiều năm. Người bác dâu là lao động tự do phải xoay xở thay chồng lo cho người con trai 23 tuổi bị chấn thương cột sống và một cô con gái cũng đang tuổi đi học.
Dịch Covid-19 ập đến, cuộc sống của họ càng trở nên khốn khó. Tuy nhiên, Ngân vẫn ước ao có cách nào đó để không bỏ dở việc học hành. Năm học trước, tình nguyện viên dự án “Cắt đứt vòng xoáy” đã mượn một chiếc điện thoại cũ cho Ngân học online. Nhưng không may, chiếc điện thoại này mới đây đã bị hỏng, không thể sửa được, khiến em đã phải bỏ lỡ một số buổi ôn tập kiến thức chuẩn bị cho năm học mới.
Ngân từng viết trong lá thư kể về ước mơ của mình rằng em mong ước có một chiếc máy tính, bởi “ Nó sẽ giúp em biết được bao điều tò mò bấy lâu nay. Giúp em trò chuyện với các bạn qua ứng dụng và còn giúp em tìm được công việc tốt để phụ giúp đỡ đần gia đình. ”
Câu chuyện về Gia Huy – vượt lên trên hoàn cảnh:
Gia Huy bước vào lớp 4 với niềm háo hức về một năm học mới nhiều niềm vui, nhưng đó có thể chỉ là điều mà em mong ước...
Gia đình Huy sống tại xóm Phao, trong một căn nhà nổi trên sông Hồng với 4 thành viên: bố, mẹ, Huy và em gái 4 tuổi. Cả nhà em sống phụ thuộc vào công việc bán hàng buổi sáng với mức lương 4.000.000 VNĐ/ tháng của mẹ em và hàng nước của bà ngoại. Dịch COVID ập tới, thành phố giãn cách, dần dần thu nhập của cả nhà quay về con số 0. Vay mượn tiền ở đâu để sống tiếp và để Huy được tiếp tục đi học vẫn luôn là câu hỏi thường trực, nhất là khi em gái Huy mắc chứng động kinh, mỗi tháng đều tốn thêm chi phí để mua bỉm, sữa mỗi khi lên cơn hoặc ốm đau.
Cuối học kì II năm học trước, Huy đã từng bập bõm học được những buổi cách quãng, vì không phải lúc nào bố mẹ cũng mượn được điện thoại để nhận được thông báo của thầy cô. Năm học mới sẽ sớm bắt đầu trực tuyến, mong muốn hiện tại của Huy chỉ là sẽ được lên lớp đều đặn hơn, em không muốn học lực cứ kém dần, rồi có thể sẽ không được lên lớp nữa.
Học trực tuyến - thách thức với học sinh nghèo
Còn rất nhiều trẻ em khác trong độ tuổi đi học vốn đã ở trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, nay càng thêm chồng chất do ảnh hưởng của đại dịch. Một số vấn đề SCDI tìm hiểu được bao gồm:
-
Gia đình không có trang thiết bị học tập online (điện thoại/ máy tính/ Internet).
-
Số thiết bị trong gia đình không đủ cung cấp để nhiều trẻ cũng học khi giờ học bị trùng.
-
Trẻ nhỏ không có người hướng dẫn học tập.
Những vấn đề này dễ dàng dẫn đến việc các em học sinh khó khăn không theo được lớp và có thể dẫn đến việc bỏ học.
Những hỗ trợ kịp thời để trẻ em nghèo được học trực tuyến:
SCDI khi phát động chiến dịch “ Cùng em đến trường ” huy động thiết bị học trực tuyến cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự chung tay, hỗ trợ của các cá nhân cùng doanh nghiệp. Đến nay, dự án đã tiếp nhận tổng cộng 54 thiết bị, trong đó:
-
14 máy tính bảng mới do Công ty CellphoneS tài trợ, dự kiến thêm 47 chiếc trong tháng 9 dành riêng cho trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh.
-
28 điện thoại thông minh, 02 máy tính bảng và 10 laptop đã qua sử dụng được các cá nhân và tổ chức ủng hộ. Trong đó, đa số thiết bị đều trong tình trạng tốt, chỉ có một vài gặp lỗi nhỏ đang được team kỹ thuật của CellphoneS kiểm tra và hỗ trợ sửa chữa.
-
VNPT miền Bắc đồng ý hỗ trợ sim 4G và cước phí cho các trẻ tại Hà Nội cho từ giờ đến hết năm 2021. Việc hỗ trợ internet cho các trẻ tại Tp. Hồ Chí Minh cũng đang được thảo luận và lên kế hoạch.
-
12 triệu đồng do các nhà hảo tâm ủng hộ qua tài khoản của chương trình Mỗi ngày Một quả trứng cho đến ngày 20/9.
Số thiết bị ủng hộ nhanh chóng được cán bộ và tình nguyện viên của chương trình Trẻ em và Thanh niên của SCDI mang đến các gia đình tại Hà Nội và Hải Phòng, cài đặt phần mềm, hướng dẫn các bé và người nhà sử dụng những chức năng cơ bản. Dự kiến trước ngày 30/9, 26 điện thoại thông minh sẽ được chuyển cho các trẻ em ở xóm nghèo tại TP. Hồ Chí Minh và 5 chiếc laptop xinh xắn sẽ được trao tặng cho học sinh cấp II tại Hải Phòng. Còn tại Hà Nội, 29 trẻ trước kia hoàn toàn không có thiết bị học trực tuyến, nay đã có thể “đến trường” trong sự vui mừng của gia đình. Vậy là mục tiêu để “Tất cả trẻ em được đến trường” mà dự án “ Cắt đứt vòng xoáy ” đề ra khi phát động chiến dịch bước đầu có kết quả thật hân hoan với hơn 40% số trẻ trong dự án đã có thiết bị để học online, trong đó có Ngọc Ngân, Gia Huy cùng nhiều bạn nhỏ khác.
Nơi những hạt mầm yêu thương được vun đắp: Câu chuyện về cô bé 7 tuổi Hải Anh và cậu bé 9 tuổi Tùng Linh
Trong thời gian diễn ra chiến dịch “Cùng em đến trường”, dự án đã nhận được sự đóng góp của nhiều cá nhân, bao gồm cả các em bé nhỏ tuổi. Một trong số đó là cô bé 7 tuổi Hải Anh đến từ Bắc Ninh. Em đã rất chu đáo với món quà của mình, không chỉ tặng chiếc điện thoại mới tinh có cả dây sạc, tai nghe và một chiếc sim với thẻ trị giá 100.000 đồng mà còn đính kèm một bức thư chân thành với nét chữ ngay ngắn và hình vẽ xinh xắn.
Món quà từ cô bé 7 tuổi Hải Anh đến từ Bắc Ninh gửi cho bạn nhỏ Tùng Linh hiện sinh sống tại Hà Nội,
Món quà của Hải Anh đã được SCDI chuyển đến em Tùng Linh hiện sinh sống tại Hà Nội. Tùng Linh năm nay học lớp bốn, gia đình em có năm người và cả nhà sống ở một căn nhà nổi bên sông Hồng do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn để có thể thuê được một căn nhà trên mặt đất. Với điều kiện sống như vậy, gia đình em không được tiếp cận nước sạch, điện và đối mặt với nguy cơ nhà bị ngập khi mưa bão. Do dịch bệnh Covid, cả bố và mẹ của Tùng Linh đều mất việc làm và chưa tìm được công việc mới. Cuối năm học trước, Tùng Linh và em trai đã phải học trực tuyến hai tuần mà không có thiết bị do điện thoại của mẹ em quá cũ để có thể sử dụng phần mềm Zoom. Mẹ của Tùng Linh rất lo lắng khi năm học mới bắt đầu. Nên khi nhận được món quà của Hải Anh, không chỉ Tùng Linh mà mẹ em cũng rất vui mừng và cảm động trước tấm lòng của cô bé Hải Anh. Từ giờ em sẽ có những giờ học trực tuyến đúng nghĩa, không còn nỗi sợ không theo kịp được bài vở trên lớp nữa.
-
Bạn Tùng Linh
Hướng phát triển chương trình:
Bước tiếp theo, SCDI sẽ đánh giá tình trạng thiết bị của 60% số trẻ còn lại của dự án, đồng thời mở rộng thêm các nhóm trẻ khác vì có nhiều trường hợp thiết bị đã cũ, hoặc phải đi mượn, cũng sẽ cần được trang bị thiết bị ổn định để dự phòng các kịch bản học trực tuyến khác. Hiện có một doanh nghiệp đang đề xuất 100 laptop đã qua sử dụng, tình trạng tốt để có thể mở rộng chiến dịch “ Cùng em đến trường” đến với nhiều trẻ em hơn. COVID-19 là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để trẻ em nghèo có thể được tiếp cận với công nghệ thông tin và học cách sử dụng công nghệ, trau dồi kiến thức cho bản thân. SCDI cũng lên kế hoạch phối hợp với các đối tác để tổ chức chương trình hướng dẫn sử dụng internet an toàn và hiệu quả dành cho các trẻ và gia đình.
Hoàng Hà