Phát hiện sớm ung thư, có thể được chữa khỏi hoàn toàn

Thứ năm, 10/02/2022 - 08:35

TNV - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) triển khai Đơn vị Tầm soát và Phát hiện sớm ung thư, bao gồm ung thư phổi, gan, dạ dày, vú, cổ tử cung…

Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư trở thành gánh nặng toàn cầu khi vào năm 2020, thế giới có 9,9 triệu ca tử vong vì ung thư, 19,2 triệu trường hợp ung thư mới được chẩn đoán. Còn tại Việt Nam, theo một thống kê của Bộ Y tế, trung bình 300 ca ung thư tử vong/ngày.

Bs CKII Trần văn Khanh giám đốc BV Lê Văn Thịnh

BS.CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ, mục đích thành lập Đơn vị Tầm soát và Phát hiện sớm Ung thư là truy tìm ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện, khi các khối u còn rất nhỏ.

Việc tầm soát ung thư là vô cùng cần thiết. Nếu phát hiện sớm, những căn bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung,… tầm soát ung thư là phương thức chẩn đoán nhằm phát hiện ra mầm mống ung thư hoặc khi các khối u còn rất nhỏ. Phát hiện sớm ung thư giúp điều trị dể dàng, không cần hỗ trợ hóa trị hoặc xạ trị, không tốn nhiều chi phí, đồng thời tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.

Trên cơ sở đó các gói khám tầm soát ung thư được các chuyên gia, đội ngũ chuyên môn sâu các chuyên khoa như: Nội tổng quát, Tiêu hoá gan mật tuỵ, Mắt, Răng-Hàm-Mặt, Tai-Mũi-Họng, Hô hấp, Sản phụ khoa ... của Bệnh viện Lê Văn Thịnh được xây dựng theo nguyên tắc: có tính khoa học, chất lượng, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, thiết thực, có tính thực tiễn cao, tiết kiệm chi phí cho khách hàng.

Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư triển khai tầm soát các loại ung thư thường gặp bằng các xét nghiệm cơ bản đến chuyên sâu, ứng dụng hình ảnh học như CT đa lát cắt, cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra, đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư còn sử dụng công nghệ gene để tầm soát các loại ung thư di truyền.

Trước đây Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng đã thành lập 5 đơn vị chuyên khoa sâu như : Đơn vị Ngoại niệu, Đơn vị Hô hấp, Đơn vị Tiêu hoá, Đơn vị Lồng ngực-Mạch máu, Đơn vị khám sức khoẻ ngoại viện. Và tiếp theo là Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư tổng cộng là 6 đơn vị trực thuộc các khoa phòng nhằm triển khai thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân. Đây cũng là nền tảng ban đầu trong chiến lược phát triển các chuyên khoa sâu của bệnh viện giai đoạn 2020 – 2025 theo định hướng phát triển của bệnh viện đa khoa hạng I trung tâm thành phố Thủ Đức.

Mục đích thành lập Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư là: truy tìm ung thư trước khi các triệu chứng xuất hiện, tầm soát các loại ung thư dễ điều trị và có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm, giảm tỉ lệ tử vong do bệnh lý ung thư.

Ban giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh tặng hoa cho Ths BS Nguyễn Thái Duy trưởng đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư

Bên cạnh đó, theo ThS.BS Nguyễn Thái Duy, Trưởng Đơn vị Tầm soát và Phát hiện sớm Ung thư, một điểm nổi bật trong chương trình tầm soát chủ động là tầm soát cho những loại ung thư có tính chất di truyền. Các đột biến gene có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên 10 - 40 lần.

Một điểm nổi bật trong chương trình tầm soát chủ động là tầm soát cho những loại ung thư có tính chất di truyền. Những xét nghiệm tầm soát ung thư di truyền có khả năng phát hiện ra những cá thể trong gia đình có mang gene bệnh, từ đó họ sẽ được theo dõi chủ động hơn nhằm phát hiện sớm ung thư nếu có xảy ra. Những ai trong gia đình có nhiều thành viên bị ung thư là đối tượng trong các chương trình tầm soát ung thư chủ động bằng phương pháp xét nghiệm di truyền.

Tấn Tài- Trần Châu