Tạo dựng được thương hiệu du lịch Mường Lò
Theo Báo cáo chính trị trình Đại hội, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc thị xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực, chủ động, tập trung triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện.
Vòng đại xòe. Ảnh: ST
Tổng giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 2.380 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng: Thương mại - dịch vụ chiếm 84,03%, tăng 11,53%; công nghiệp - xây dựng chiếm 11,88%, tăng 2,58%; nông, lâm nghiệp chiếm 4,09%, giảm 14,11% so đầu nhiệm kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Kết thúc nhiệm kỳ, 23/23 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIII đề ra. Kinh tế tiếp tục phát triển; thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà phát triển mạnh, là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; sản xuất công nghiệp phát triển đa dạng; sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đặc biệt, Nghĩa Lộ đã tổ chức thành công các sự kiện văn hóa quy mô, đặc sắc tạo dấu ấn, sức hút với du khách.
Với lợi thế là trung tâm đầu mối khu vực phía Tây của tỉnh, hệ thống các cơ sở thương mại, dịch vụ phát triển mạnh; chợ Mường Lò tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động góp phần quan trọng thúc đẩy giao thương các mặt hàng nông, lâm sản, thủ công mỹ nghệ... phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng năm 2020 ước đạt 1.735 tỷ đồng, vượt 3% mục tiêu Nghị quyết Đại hội, gấp 2,1 lần so với năm 2015.
Các thiếu nữ tham gia đội văn nghệ ở bản. Ảnh: Nlo
Dịch vụ du lịch, hạ tầng du lịch được chú trọng phát triển theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng; hình thành trên 40 cơ sở lưu trú, với 540 phòng nghỉ, hiệu suất khai thác bình quân đạt 48%/năm; có 35 cơ sở homestay phục vụ khách du lịch, nhiều hộ làm du lịch có thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm.
Các sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, đặc sắc, như: Du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm, ẩm thực dân tộc, trang phục dân tộc áo cỏm, khăn piêu..;, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng được du khách ưa chuộng, tiêu thụ như: Thịt hun khói, gạo séng cù, hương chiêm, ngô nếp, rau đặc sản địa phương... cùng với các món ăn truyền thống, đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã tạo được dấu ấn, hấp dẫn du khách.
Nghĩa Lộ cũng đã phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, du lịch với quy mô lớn, đặc biệt là Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với màn đại xòe 5.000 người tham gia, đã tạo dựng được thương hiệu du lịch Mường Lò, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với thị xã.
Khách nước ngoài du lịch cộng đồng tại bản Thái xã Nghĩa An. Ảnh: P. Quỳnh.
Năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 225 tỷ đồng, vượt 36,4% mục tiêu Nghị quyết, gấp 2 lần so với năm 2015; đón, phục vụ trên 135.000 lượt khách, gấp 02 lần mục tiêu Nghị quyết, gấp 3 lần so với năm 2015, trong đó khách quốc tế chiếm 23,6%; doanh thu từ du lịch đạt 96 tỷ đồng.
Hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Bước đầu phát triển được vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích trên 500 ha gắn với chỉ dẫn địa lý “Gạo Mường Lò”; cây rau màu và ngô vụ đông đạt trên 75% diện tích đất 2 vụ lúa; chất lượng 530 ha chè, với sản lượng trên 8.000 tấn/năm được nâng cao. Hình thành một số mô hình, sản phẩm có giá trị, mang lại thu nhập cao cho người dân như: Trồng hoa, cỏ ngọt, bưởi da xanh, bưởi diễn, thanh long, chanh leo, mít thái, mận, hoa đào, mướp đắng, dưa lê, dưa hấu, rau an toàn… gắn với thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển trên 90 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, tỷ lệ đàn gia súc chính tăng bình quân 3%/năm.
Chị Lường Thị Hồng Chung (bản du lịch cộng đồng xã Nghĩa Lợi) chế biến
món nướng đậm đà bản sắc để mời khách.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 150 tỷ đồng, đạt 100% mục tiêu Nghị quyết Đại hội, tăng 14,1% so với năm 2015. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 đạt 9.845 tấn, vượt 11,9% Nghị quyết Đại hội. Giá trị thu nhập trên 01 ha đất 2 vụ lúa năm 2020 đạt 150 triệu/ha/năm, tăng 24 triệu đồng so với năm 2015.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước chiếm 44,6%, huy động đóng góp của các tổ chức và nhân dân chiếm 55,4%. Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn có thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đến năm 2020, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Ân cần và ngon miệng - văn hóa ẩm thực của người Thái luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Đến nay, 100% tuyến đường nội thị và đường trục chính các xã được thảm nhựa và bê tông hóa, 76% tuyến đường giao thông nông thôn, 98% tuyến kênh mương được kiên cố hóa.
Nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn thị xã như: Đường tránh Quốc lộ 32 gắn với tuyến đường vành đai suối Thia; tuyến đường Hoa Ban đi Nhà máy may gắn với xây dựng Sân vận động; dự án chỉnh trị suối Thia, suối Nung, suối Nậm Tộc, xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao thị xã, bến xe khách và các khu đô thị mới, Trung tâm y tế chất lượng cao, Trung tâm đăng kiểm Miền Tây, khu sinh thái nghỉ dưỡng Dragonfly Pú Lo... Giá trị sản xuất xây dựng năm 2020 đạt 231 tỷ đồng, vượt 65% mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Các mục tiêu, nhiệm vụ củaĐề án xây dựng thị xã văn hóa - du lịch, giai đoạn 2013 - 2020 cơ bản hoàn thành. Thị xã Nghĩa Lộ đã phối hợp hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật xoè Thái là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Nghệ thuật xòe Thái và Hội hạn khuống là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đền thờ Cầm Hánh là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Xây dựng Nghĩa Lộ trở thành điểm sáng văn hóa khu vực Tây Bắc
Phát huy lợi thế là trung tâm khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái, cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, hệ thống giao thông kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển của thị xã. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ thị xã xác định “...bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa - xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân;..” và “...phấn đấu đến năm 2025 thị xã Nghĩa Lộ cơ bản đạt đô thị loại III”.
Thổ cẩm và đồ đan nát thủ công của dân tộc Thái xã Nghĩa An. Ảnh: P. Quỳnh.
Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025, bên cạnh việc thực hiện 03 đột phá chiến lược của tỉnh, thị xã cũng tập trung thực hiện 06 chương trình trọng điểm; trong đó có: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc vùng đất Mường Lò; Xây dựng, chỉnh trang và quản lý đô thị; Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch;...
Để thực hiện, Nghĩa Lộ sẽ khai thác hiệu quả lợi thế là trung tâm các huyện phía Tây của tỉnh; phát triển mạnh các loại hình dịch vụ có tiềm năng, lợi thế như: Vận tải, y tế, giáo dục, viễn thông, tín dụng, nhà hàng, khách sạn, thị trường lao động việc làm...; xây dựng chợ Mường Lò thành Trung tâm thương mại miền Tây, xây dựng Chợ C - Mường Lò thành chợ đầu mối nông, lâm sản phía Tây của tỉnh phục vụ cho tiêu thụ nông sản gắn với phát triển du lịch.
Khu sinh thái nghỉ dưỡng Dragonfly Pú Lo
Xây dựng các tuyến phố dịch vụ thương mại theo ngành hàng như tuyến phố ẩm thực, kinh doanh sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công phục vụ du khách. Khuyến khích xây dựng mới các siêu thị, cửa hàng tự chọn tại các khu đô thị mới và trung tâm xã: Sơn A, Phù Nham, Nghĩa An, Nghĩa Lộ;...
Kết nối các tuyến du lịch giữa vùng văn hóa Mường Lò với danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, các điểm du lịch của huyện Văn Chấn, Trạm Tấu. Đồng thời, triển khai thực hiện du lịch xanh cho 4 loại cơ sở dịch vụ du lịch gồm: Nhà hàng, cửa hàng mua sắm, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch và điểm tham quan du lịch với các tiêu chí "Thân thiện môi trường; gần gũi về xã hội và văn hóa; đóng góp về mặt kinh tế cho cộng đồng".
Tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ du lịch trọng điểm, độc đáo như: Khu sinh thái nghỉ dưỡng Dragonfly Pú Lo; Dự án tổ hợp khách sạn 4 sao, thương mại dịch vụ Apec Mandala Nghĩa Lộ; Khu nghỉ dưỡng cao cấp suối nước nóng Bản Bon... Mỗi xã, phường đều có tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất, kinh doanh lĩnh vực dịch vụ du lịch, có ít nhất 01 sản phẩm du lịch. Đến năm 2025, phấn đấu khách du lịch đạt 470.000 lượt người, tăng 25% hàng năm; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt trên 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 420 tỷ đồng.
Xã Sơn A tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng. Ảnh: Nhật Thanh.
Mặt khác, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, đan lát; hỗ trợ nâng công suất Nhà máy may Chiến Thắng - Nghĩa Lộ, các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn. Triển khai dự án đầu tư sản xuất viên gỗ nén, củi trấu quy mô trên 6.000 tấn/năm tại xã Phù Nham. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX liên kết chặt chẽ với nông hộ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm (OCOP).
Ngoài ra, mở rộng vùng trồng cây ăn quả có múi, có cùi và trồng cây hoa, cây cảnh tại xã Phù Nham và xã Nghĩa Lộ; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của vùng Mường Lò; chú trọng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, các sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc Thái phục vụ nhu cầu quanh năm của khách du lịch. Tăng cường truyền dạy các điệu xòe cổ, điệu múa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; tăng thời lượng giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh các cấp, góp phần vào việc xây dựng thị xã văn hóa du lịch xanh, trở thành điểm sáng văn hóa khu vực Tây Bắc.
Thiếu nữ Thái tham gia Cuộc thi người đẹp Mường Lò. Ảnh: ND
Đặc biệt, vùng đất Mường Lò được xem là nơi cư trú đầu tiên của người Thái đen ở Việt Nam và từ đây tỏa đi nhiều quốc gia khác. Những người Thái khắp nơi tìm về Mường Lò như tìm về với đất tổ. Và trong những cuộc hành hương ấy, người ta không thể không tìm về với Nậm Tốc Tát, bởi Nậm Tốc Tát gắn liền với quan niệm về con đường đến với “Mường trời” của tộc người Thái đen. Điều đó đã mở ra hướng khai thác du lịch tiềm năng cho vùng đất Mường Lò, hướng tới xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành trung tâm du lịch của tỉnh Yên Bái./.
Phạm Quỳnh