I. Đặt vấn đề
Thành tựu của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua (1986 - 2024) đã chứng minh cho tính đúng đắn của chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; cũng như các phong trào hành động cách mạng thiết thực, cụ thể của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước, của Trung ương Đoàn có vai trò không nhỏ của các hoạt động điều tra xã hội học trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; đề xuất các giải pháp, chương trình, đề án, phong trào công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong từng giai đoạn.
Sử dụng các phương pháp điều tra xã hội học một cách hiệu quả, sắc bén; kịp thời phát hiện các vấn đề mới, "vấn đề nóng", "vấn đề nhạy cảm"; kịp thời tham mưu, khuyến nghị, đề xuất giải pháp… dựa trên kết quả điều tra, khảo sát nghiên cứu thực địa; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng thời gian qua.
1. Vai trò xã hội học và phương pháp điều tra xã hội học trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thuật ngữ "Xã hội học" (sociology) bắt nguồn từ gốc chữ latin: Societas (xã hội) và chữ Hy Lạp: Lógos (ngôn từ, học thuyết). Khái niệm này được chính A. Comte xây dựng và đưa vào hệ thống tri thức khoa học lần đầu tiên vào năm 1838.
Xã hội học là môn khoa học xã hội còn rất non trẻ. Trước thế kỷ XIX, xã hội học chưa tồn tại như một môn khoa học độc lập mà bị hòa tan vào trong các khoa học khác như: nhân chủng học, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, tâm lý học xã hội và đặc biệt là triết học - môn khoa học của mọi khoa học. [1]
Ở Việt Nam, đến những năm đầu thập niên 1970, Xã hội học vẫn còn là một ngành khoa học khá xa lạ trong nền khoa học xã hội Việt Nam. Vào năm 1977, Ban Xã hội học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam được thành lập do Giáo sư Vũ Khiêu làm Trưởng ban. Đây là cơ quan chuyên môn xã hội học đầu tiên được xây dựng trong Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
Phương pháp điều tra xã hội học là cách thu thập thông tin từ quần chúng thông qua các phiếu hỏi, bảng hỏi (ankét) giúp cho việc nhìn nhận, đánh giá về những vấn đề, sự kiện, diễn biến của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời là một phương pháp thường được dùng trong công tác nghiên cứu. Kết quả điều tra xã hội học về các vấn đề thanh thiếu niên quan tâm có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội; góp phần quan trọng trong việc cung cấp thực chứng khoa học giúp Đảng bộ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban Chỉ đạo 35 của Trung ương Đoàn và Đảng bộ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam nhận diện các chiêu trò chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch trong và ngoài nước hiện nay.
2. Thực trạng sử dụng các chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch và hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra xã hội học bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Trung ương Đoàn
Hiện nay các thế lực thù địch không ngừng sử dụng các công cụ, phương tiện, nhất là không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, vu khống, bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội,…hòng xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động là lợi dụng các trang mạng xã hội như: Zalo, Tiktok, Facebook/Fanpage, Youtube, Twitter, blog… đăng tải, chia sẻ những tin bài, hình ảnh bịa đặt, thông tin xấu độc, xuyên tác, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch… Nội dung thông tin xuyên tác của các thế lực thù địch hết sức đa dạng, phức tạp, trên mọi lĩnh vực (tư tưởng, chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn/Hội…). Theo đó, các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng; phê phán quy luật giá trị thặng dư, bác bỏ chủ nghĩa duy vật khoa học về chủ nghĩa xã hội và xuyên tạc mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thành tựu phát triển xã hội gần 40 năm đổi mới (1986 - 2024) đã chứng tỏ vai trò to lớn của các phương pháp điều tra xã hội học trong tìm hiểu, kiến giải và dự báo về các sự kiện và tiến trình phát triển đất nước, khẳng định vai trò cầu nối giữa các nhà lãnh đạo, quản lý với xã hội. Các kết quả nghiên cứu xã hội ứng dụng giúp nhận thức đầy đủ, khoa học, thực chứng các vấn đề xã hội cấp bách, giải quyết các vấn đề bức xúc mà thực tiễn đang đặt ra với tổ chức Đảng, Đoàn/Hội/Đội và của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Các phương pháp điều tra xã hội học có đóng góp to lớn trong việc cung cấp bằng chứng để khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Đoàn, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề về nhu cầu, nguyện vọng, cũng như các vấn đề thanh thiếu niên đang quan tâm hiện nay [2].
Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/11/2014 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030" của Trung ương Đoàn [3]; trong 10 năm qua, với vai trò là bộ phần thường trực Hội đồng khoa học cơ quan Trung ương Đoàn, Viện Nghiên cứu thanh niên đã phối hợp với các các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Đoàn chủ trì thực hiện nhiều nghiên cứu lý luận và thực tiễn có liên quan đến các vấn đề xã hội trong thanh niên; đồng thời phối hợp với một số ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu có liên quan đến thanh niên. Trong đó, tổ chức Đoàn đã thực hiện 176 đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều loại hình khoa học như tổ chức hội thảo/tọa đàm khoa học; biên soạn, xuất bản tài liệu, giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo; xuất bản tạp chí hoặc sinh hoạt chuyên đề Đảng. Các đề tài đã nghiên cứu các khía cạnh của thanh niên và công tác thanh niên trong các lĩnh vực: tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, học tập, lao động việc làm,... Cụ thể như sau:
* Đề tài khoa học cấp Bộ: Triển khai thực hiện 114 đề tài khoa học cấp bộ từ năm 2014 đến nay bao gồm: 19 đề tài nghiên cứu về khoa học thanh niên và 95 đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
* Đề tài khoa học cấp cơ sở: Triển khai thực hiện 62 đề tài từ năm 2014 đến nay bao gồm: 41 đề tài nghiên cứu về khoa học thanh niên và 21 đề tài nghiên cứu về công tác thanh niên của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Các đề tài này đã nghiên cứu chuyên sâu những vấn đề lý luận và thực tiễn về các vấn đề tồn tại trong thanh niên và công tác thanh niên; từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giúp Đoàn thanh niên có căn cứ để xây dựng các chương trình, phong trào và chính sách phát triển thanh niên phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước theo từng giai đoạn.
Những kết quả nghiên cứu khoa học, điều tra xã hội học nêu trên đã góp phần giúp Đảng bộ, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo 35 Trung ương Đoàn, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, thanh niên, sinh viên; kịp thời nắm bắt âm mưu, thủ đoạn chia rẽ, kích động, đặc biệt là các phương thức hoạt động mới của các thế lực thù địch, các tổ chức chính trị phản động tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và các tổ chức Chính trị- xã hội, trong đó của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Hiện nay các thế lực thù địch đang cố tình khoét sâu những hạn chế trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước; công cuộc phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong khởi xướng và phát động; chúng tuyên truyền, quy kết và cho đó là hành động đấu đá nội bộ, phe nhóm, đổ lỗi của những hạn chế ấy là do thể chế chính trị, sự yếu kém trong thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó làm giảm sút niềm tin của người dân, của thanh niên với Đảng, với tổ chức Đoàn/Hội, kích động chia rẽ nội bộ để chống phá Đảng, Nhà nước và thành quả của gần 40 năm đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam phát động.
Chính vì những lý do trên, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà thực chất là bảo vệ sự lãnh đạo tuyệt Đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cương lĩnh chính trị, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, việc đẩy mạnh và nâng cao vai trò của các phương pháp điều tra xã hội học của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, thiết thực và cấp bách hiện nay.
II. Một số giải pháp đẩy mạnh phương pháp điều tra xã hội học trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch
Để phát huy hơn nữa vai trò của phương pháp điều tra xã hội học trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, Đảng bộ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Chi bộ Viện Nghiên cứu thanh niên và mỗi cán bộ, đảng viên (nghiên cứu viên) cần làm tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tích cực chủ động tham dự đầy đủ các cuộc học tập Nghị quyết của Đảng, các hoạt động sinh hoạt chính trị do Đảng bộ Trung ương Đoàn, Đảng bộ Học viện Thanh thiếu niên tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức, nhận diện đúng vấn đề, nắm bắt kịp thời những vấn đề mới, vấn đề "nóng", nhạy cảm phát sinh trong thực tiễn; tránh để các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, hòng bóp méo nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc tăng cường và nâng cao chất lượng các cuộc học tập, sinh hoạt chính trị tạo ra sức đề kháng, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần làm rõ, bổ sung và hoàn thiện nền tảng tư tưởng; cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước và chủ trương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức về các phương pháp nghiên cứu khoa học, điều tra xã hội học…cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Trên cơ sở đó kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, mong muốn cũng như đề xuất của thanh thiếu niên từ những vấn đề phát sinh của thực tiễn cuộc sống. Làm tốt hoạt động điều tra xã hội học từ những vấn đề phát sinh chính là cầu nối giữa nhà khoa học với tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn/Hội trong bảo vệ, phát triển và làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữa vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, xã hội Việt Nam. Đồng thời làm vô hiệu hóa các luận điệu và hoạt động phá hoại tư tưởng, lý luân của các thế lực thù địch, cơ hội, thủ đoạn chính trị; bảo vệ thành công các quan điểm, tư tưởng đổi mới của Đảng trên không gian mạng.
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên, nghiên cứu viên cần chủ động nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình; có kỹ năng nhận biết tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng; có sàng lọc, kiểm chứng nguồn thông tin rõ ràng; lựa chọn đăng tải, chia sẻ từ các trang mạng xã hội chính thống; không tham gia bình luận thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Khi phát hiện các tin giả, tin xấu độc, sai sự thật cần kịp thời báo cáo phản ánh với chi ủy, người đứng đầu cấp ủy, thành viên Tổ công tác 35 của đơn vị để hạn chế, tiến tới vô hiệu hóa các nguồn phát tán qua website, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội.
Lồng ghép các hoạt động điều tra online để nắm bắt tình hình dư luận thanh niên; từ đó phát hiện sớm hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thông qua website, facebook/fanpage, youtube,.. thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, độc. Trên cơ sở đó phòng ngừa từ sớm từ xa, góp phần cùng tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn/Hội làm thất bại âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Thứ tư, nâng cao chất lượng các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và khả năng dự báo trên cơ sở điều tra xã hội học từ nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn thông qua phương pháp điều tra xã hội học tại Viện Nghiên cứu Thanh niên; từ đó đề xuất các biện pháp định hướng, hình thành dư luận xã hội tích cực, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động trong tổ chức Đoàn thanh niên các cấp và xã hội.
Bên cạnh đó, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hướng nghiên cứu, quan tâm đến các yếu tố tác động đến các vấn đề xã hội, các biến đổi xã hội. Nội dung nghiên cứu xã hội học cần bám sát việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị. Điều tra xã hội học phải đảm bảo tính đại diện của các đối tượng thanh niên, các vùng miền; đảm bảo độ tin cậy, khoa học, chính xác; khắc phục những hạn chế, sai sót trong các khâu: chọn vấn đề, phương pháp và hình thức điều tra; xây dựng phiếu câu hỏi điều tra; chọn mẫu điều tra; tập huấn cán bộ đi điều tra; nhập dữ liệu, xử lý và phân tích số liệu, xây dựng báo cáo điều tra.
Thứ năm, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên (nhất là giảng viên giảng dạy chính trị học; giảng viên tâm lý học, xã hội học) tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam trong đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Đoàn; qua đó góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện và tình hình mới.
Thứ sáu, tăng cường hiệu quả của các hội thảo, diễn đàn, trao đổi khoa học; qua đó, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, tài liệu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thường xuyên công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học, trên báo in, báo điện tử của Đảng, Đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".
ThS. Vũ Thành Phương
Viện Nghiên cứu thanh niên
ThS. Phạm Quang Chính
Tạp chí Thanh niên
--------------------
Tài liệu tham khảo
1. Xã hội học là gì? Phương pháp điều tra xã hội học? https://vi.wikipedia.org/wiki/X%C3%A3_h%E1%BB%99i_h%E1%BB%8Dc
2. Ban Tuyên giáo Trung ương (2023), Ứng dụng phương pháp điều tra xã hội học trong nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu chiến lược của các ban, cơ quan Đảng Trung ương https://www.tuyengiao.vn/ung-dung-phuong-phap-dieu-tra-xa-hoi-hoc-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-phuc-vu-cong-tac-tham-muu-chien-luoc-cua-cac-ban-148418
3. Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/11/2014 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030"
4. https: //khoahocchinhtri.vn/phat-huy-vai-tro-cua-xa-hoi-hoc-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich/
5. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về "tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới".