Từ khóa: Chuẩn mực đạo đức quân nhân; Đức hy sinh; Bộ đội Cụ Hồ
“Bộ đội Cụ Hồ”- danh hiệu nhân dân vinh tặng, đó là sự kết tinh những giá trị văn hóa - chính trị - đạo đức của thời đại, do các thế hệ cán bộ, chiến sĩ dày công vun đắp, xây dựng nên. Nhiều phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành chuẩn mực để mỗi cán bộ, chiến sĩ lấy đó làm tiêu chí phấn đấu, hoàn thiện nhân cách. Trong đó đức hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những phẩm chất đạo đức hàng đầu của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Phẩm chất đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện ngay trong quá trình thực hiện các chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Có lệnh là đi, có địch là đánh, nhiệm vụ nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Trước hết, trong thực hiện chức năng chiến đấu, đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện sâu sắc ngay ở nhận thức tư tưởng của người quân nhân cách mạng là tuyệt đối trung thành, nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Ngoài mặt trận dũng cảm, ngoan cường, quyết tâm giành và giữ vững độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu; trên thao trường hăng say luyện tập, không quản khó khăn, gian khổ, "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu". Là tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”...biết đánh, biết thắng mọi kẻ thủ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có bao tấm gương chiến đấu kiên cường, dũng cảm: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội nhả đạn vào quân thù; Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Phan Đình Giót lao người vào lấp lỗ châu mai, bịt hoả lực của quân thù để tạo thời cơ cho toàn đơn vị xông lên giết giặc; Nguyễn Viết Xuân "nhằm thẳng quân thù mà bắn"; Nguyễn Văn Trỗi, Lê Thị Hồng Gấm... một mình cũng tiến công, đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Hồ Chí Minh đã khen ngợi phẩm chất tuyệt vời của tướng sĩ ta là cội nguồn thắng lợi: " Tuy khí giới ta còn kém, kinh nghiệm ta còn ít, nhưng lòng kiên quyết, chí hy sinh của tướng sĩ ta đã lập những chiến công oanh liệt, vẻ vang có thể nói là kinh trời động đất" (1).
Trong thời chiến là vậy, còn trong thời bình thì đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện chức năng chiến đấu cũng không kể hết, như đại biểu Quốc Hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đã nói: Bộ đội “Không chỉ trực 24/24 giờ tại đơn vị mà bộ đội phải luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống, sẵn sàng làm nhiệm vụ ứng cứu, giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, cứu hộ-cứu nạn, khắc phục các sự cố, thảm họa... trong bất kể thời gian, địa điểm, sự hiểm nguy nào. Phần lớn quân nhân cùng gia đình chịu rất nhiều thiệt thòi về tình cảm, vì bộ đội thường biền biệt xa nhà, ít được gặp bố mẹ, vợ con, ngay cả khi ốm đau, hoạn nạn... Bộ đội cũng không thể chọn nơi công tác và chọn việc nhẹ nhàng; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, luôn xông pha vào những nơi gian khổ, nguy hiểm nhất-nhiều đồng chí đã không thể trở về. Lao động của Quân đội là lao động xương máu!” (2).
Trong thực hiện chức năng đội quân công tác : Cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, hiểm nguy, thực hiện nghiêm túc 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, khi có lệnh là lên đường, sẵn sàng xông pha vào những nơi gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao; sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Sau năm 1954, hoà bình lập lại ở Đông Dương, nhưng miền Nam chưa được giải phóng. Đồng bào miền Bắc, đặc biệt là các đồng bào công giáo, nhiều người bị địch tuyên truyền, dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào Nam. Khi đó, quân đội ta đã được Đảng, Nhà nước tin cậy trao nhiệm vụ khó khăn, các đoàn công tác đã kiên trì tuyên truyền, giải thích, giác ngộ đồng bào, làm thất bại chủ trương cưỡng ép di cư của địch. Quân đội đã tích cực trong việc cử người tham gia các đoàn công tác củng cố hợp tác xã (1963); tích cực tham gia cuộc vận động ba xây, ba chống (1963): Xây dựng tính tiền phong, gương mẫu trong học tập, lao động và công tác; xây dựng lối sống trong sạch, giản dị, quần chúng; xây dựng tinh thần đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương. Chống tham nhũng; chống lãng phí; chống quan liêu.
Trong những năm vừa qua, đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ” còn được thể hiện rõ nét trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn xung kích đi đầu, đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”. Từ sĩ quan cấp tướng đến người chiến sĩ sẵn sàng xông pha nơi hiểm nguy, chấp nhận hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Tinh thần, ý chí và những việc làm sinh động, cụ thể trên thực tế ấy đã được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, ngày càng làm sâu sắc hơn, tỏa sáng hơn phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”trong tình hình mới. “Dân quý, dân yêu vì anh là lính. Hy sinh cả đời không hề toan tính. Đẹp sao anh: Bộ đội Cụ Hồ!”
Trong thực hiện chức năng lao động sản xuất: Mỗi quân nhân luôn nhận thức sâu sắc rằng, quân đội không những là đội quân chiến đấu giỏi, mà còn là đội quân lao động sản xuất giỏi. Với phẩm chất đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ”, Quân đội ta luôn là đội quân xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, tích cực tham gia nhiều công trình lớn kinh tế trọng điểm của đất nước như công trình Bắc Hưng - Hải; thủy điện Sông Đà, tham gia xây dựng các khu kinh tế mới, làm tốt chức năng đội quân lao động sản xuất. Thực hiện quân đội không chỉ biết đánh thắng mà còn biết làm giàu cho đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cùng nhân dân cả nước tích cực tham gia "xoá đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Biểu dương phẩm chất đức hy sinh vô bờ bến của quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đại đa số chiến sĩ cách mạng là người có đạo đức. Cả đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, sinh hoạt, ngày thường thì gương mẫu: gian khổ, chất phác, kính trọng của công…Đạo đức ấy có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng mỹ tục thuần phong” (3).
Ngày nay, trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận bản chất, phẩm chất tốt đẹp của quân đội ta. Đồng thời, trước nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, đặc biệt trước những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm đặt ra nhiều vấn đề trước sự sống và cái chết, cống hiến và hưởng thụ, cái chung và cái riêng. Do vậy, Để tiếp tục phát huy những phẩm chất đạo đức cách mạng nói chung và phẩm chất đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ” cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Tập trung tuyên truyền, giáo dục những giá trị cơ bản của phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” trong toàn quân, như: lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; yêu thương con người; tình đoàn kết quân dân, “quân dân như cá với nước”; nếp sống kỷ luật, dân chủ, kỷ cương, tình đồng đội, đồng chí cao cả; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng. Giáo dục cho các quân nhân hiểu biết sâu sắc và giải quyết đúng đắn hài hoà mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đẩy mạnh truyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử hào hùng, bách chiến, bách thắng của quân đội; về những tấm gương hy sinh của bao lớp lớp cán bộ, chiến sĩ qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về chức năng, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới, làm cơ sở bồi dưỡng phẩm chất đức hy sinh của Bộ đội Cụ Hồ, làm cho mỗi quân nhân luôn có ý thức thực hiện nhiệm vụ không chỉ là mệnh lệnh của người chỉ huy, mà còn là “mệnh lệnh từ trái tim”. Đó là những nội dung cốt lõi mà công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ" phải tập trung thực hiện có hiệu quả, phải được quán triệt và giáo dục sâu rộng ở tất cả các cơ quan, đơn vị trong toàn quân hiện nay.
Hai là, Quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết 847 của QUTW về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Đây vừa là yêu cầu, vừa là biện pháp rất quan trọng trong nâng cao phẩm chất đạo đức người quân nhân cách mạng trong quân đội nói chung và phấm chất đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ”nói riêng. Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải tự nguyện, tự giác nói đi đôi với làm, nghiêm khắc nhìn lại những thiếu sót để tự sửa mình, bồi dưỡng đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ" cho chính bản thân mình. Thực hiện tốt phương châm: “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”. Đặc biệt sự mẫu mực, mô phạm, nói đi đôi với làm, đề cao lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, đi đầu trong những việc mới, việc khó, đòi hỏi ý chí, nghị lực cao của cán bộ. Có như vậy, bộ đội mới yên tâm, ra sức phấn đấu, rèn luyện, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Ba là , phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giữ gìn và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Tổ chức đảng các cấp, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa yêu cầu, nội dung bồi dưỡng phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, thể hiện trong các chủ trương, nghị quyết lãnh đạo xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị. Gắn chặt yêu cầu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”. Các tổ chức chỉ huy, cần nhận thức đúng và nêu cao vai trò trách nhiệm trong bồi dưỡng phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”, tránh tình trạng ỷ lại, khoán trắng cho tổ chức đảng, cho chính ủy, chính trị viên. Có chương trình, kế hoạch cụ thể bồi dưỡng phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ” gắn với kế hoạch huấn luyện của đơn vị. Các tổ chức quần chúng, hướng dẫn đoàn viên, hội viên đăng ký, cam kết phấn đấu thực hiện nội dung xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, gắn với thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận động của cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của quân nhân.
Bốn là , tích cực đấu tranh với những quan điểm sai trái, xuyên tạc phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Tăng cường giáo dục, định hướng tư tưởng cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của chiến lược “diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội mà các thế lực thù địch đã và đang ráo riết tiến hành; ngăn ngừa văn hóa xấu độc xâm nhập vào đơn vị. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cần tích cực, tự giác phấn đấu, rèn luyện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện lười học tập, ngại rèn luyện, phấn đấu cầm chừng, thỏa mãn, dừng lại, đặc biệt cần phải phê phán những biểu hiện sống vô cảm, ích kỉ, ham sống sợ chết, chỉ biết nghĩ cho lòng hẹp hòi bản thân không biết đặt lợi chung cộng đồng trên lợi ích riêng cá nhân.
Phẩm chất đức hy sinh của “Bộ đội Cụ Hồ” đã hình thành và phát triển không ngừng gắn bó chặt chẽ với đời sống hiện thực, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thực tiễn chiến đấu, xây dựng của quân đội. Đứng trước sự sống và cái chết, cống hiến và hưởng thụ, cái chung và cái riêng... phẩm chất đức hy sinh của quân đội ta đã làm nên biết bao kỳ tích của một quân đội nhân dân “bách chiến, bách thắng”. Xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” (4).
Nguyễn Văn Hanh
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tr.179.
(2) QĐND điện tử Thứ tư, 31/05/2023.
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 9, tr.508.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.435.
Học viên, Hệ 5, Học viện Chính Trị