Phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam của nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Thứ bảy, 29/10/2022 - 08:35

TNV - Phát huy phẩm chất phụ nữ Việt Nam của nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là quá trình các chủ thể tích cực, tự giác sử dụng tổng thể cách thức, biện pháp làm cho phẩm chất phụ nữ Việt Nam được khơi dậy, nảy nở, lan tỏa, chuyển hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của nữ quân nhân Việt Nam.

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do, độc lập như: Bà Trưng, Bà Triệu; nữ tướng Bùi Thị Xuân, bà Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch,... Truyền thống đó đã hun đúc nên phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng.

Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phụ nữ Quân đội đã ra sức cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phụ nữ Quân đội đã tích cực thi đua giết giặc lập công, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là sự cụ thể hóa chủ trương của Đảng nhằm thúc đẩy các quan hệ hợp tác về chính trị, kinh tế, thương mại với các nước trên thế giới. Năm 2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đến năm 2017, chúng ta triển khai nữ sĩ quan đầu tiên tại Nam Sudan. Sau hơn 5 năm, các nữ quân nhân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đảm nhiệm ở nhiều vị trí với nhiệm vụ và vai trò khác nhau như: Sĩ quan tham mưu; sĩ quan huấn luyện; quan sát viên quân sự; nhân viên y tế; bác sĩ quân y... dù ở cương vị nào, họ luôn phải giữ bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức hoạt động quân sự và chuyên môn tốt; giỏi ngoại ngữ; sức khỏe bền bỉ, dẻo dai; có kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt; có hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, dân tộc, tôn giáo của các quốc gia sở tại và quốc gia tại Phái bộ… Các nữ quân nhân Việt Nam đã phát huy những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời đại mới, noi gương các thế hệ đi trước, làm giàu thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, qua đó lan tỏa thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt.

Để phát huy hơn nữa phẩm chất phụ nữ Việt Nam của nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, sáng tạo của họ nhằm phát huy yếu tố nội lực, thúc đẩy người phụ nữ quân đội phát triển năng lực nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phẩm chất cần thiết để hoàn thành vai trò của mình trong tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; là sự hiện thực hóa quan điểm: “Tiếp tục phát huy và kế thừa truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của phụ nữ…” và “Khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại; vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, mỗi nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần nhận thức đầy và thực hiện tốt nội dung cụ thể sau:

Một là, tích cực, chủ động, thường xuyên trau dồi phẩm chất , truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội trong thời kỳ mới. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, con người Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp, đó là tinh thần anh dũng, kiên cường, tạo nên sức mạnh cộng đồng để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong tiến trình lịch sử đó, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc của dân tộc ta từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng góp thầm lặng ấy đã dần kết tinh thành những phẩm chất đạo đức tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay để phát huy phẩm chất phụ juwx Việt Nam, trước hết bản thân các nữ quân nhân tham gia lực lượng GGHB LHQ phải nhận thức đúng đắn, trau dồi, rèn luyện phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn mới. Hiểu và phấn đấu thực hiện tốt các phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, chính là góp phần thực hiện chiến lược phát triển con người Việt Nam trong thời đại mới. Bên cạnh đó, cần chuyển hóa các phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam thành phẩm chất riêng có của phụ nữ quân đội. “Yêu nước, Đoàn kết, Sáng tạo, Trung hậu, Đảm đang” chính là phẩm chất sáng ngời, riêng có của phụ nữ quân đội. Phẩm chất đó góp phần tạo hình ảnh người phụ nữ quân đội “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trau dồi phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội giúp cho mỗi chị em thực hiện hài hòa việc nước, việc nhà; vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình, nhằm thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội.

Hai là, tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ , kiến thức, năng lực toàn diện. Các nữ quân nhân của Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở nhiều vị trí với, nhiệm vụ và vai trò khác nhau như: Sĩ quan tham mưu; sĩ quan huấn luyện; quan sát viên quân sự; nhân viên y tế; bác sĩ quân y... Ở tất cả các vị trí, tiêu chuẩn đòi hỏi phải toàn diện, khắt khe, như: Có bản lĩnh chính trị vững vàng; có kiến thức hoạt động quân sự và chuyên môn tốt; giỏi ngoại ngữ; sức khỏe bền bỉ, dẻo dai; có kỹ năng sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt; có hiểu biết nhất định về chính trị, văn hóa, dân tộc, tôn giáo của các quốc gia sở tại và quốc gia tại Phái bộ… Do vậy, để khẳng định và phát huy vai trò của mình trong quá trình làm nhiệm vụ GGHB LHQ, bản thân mỗi nữ quân nhân phải tự tin, vượt khó, tích cực và chủ động trong việc học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức cho bản thân, trau dồi kĩ năng sống, nghệ thuật sống có ý chí phấn đấu cao dần khẳng định vai trò của mình, rút ngắn và tiến tới xóa bỏ khoảng cách giới trong thực hiện nhiệm vụ ở các Phái bộ. Theo đó, bản thân mỗi nữ quân nhân khi tham gia lực lượng GGHB LHQ cần thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để xác định mục tiêu, mức độ phấn đấu nâng cao trình độ tri thức cho bản thân. Việc học tập nâng cao trình độ tri thức thường xuyên có thể thực hiện thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng của đơn vị, của hội phụ nữ và các tổ chức trong đơn vị; qua mở rộng giao lưu với bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp; qua các phương tiện thông tin đại chúng…

Ba là , n êu cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ tự tu dưỡng, rèn luyện theo tiêu chí xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” . Bản thân mỗi phụ nữ quân đội phải hiểu rõ về bản thân mình, thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để xác định mục tiêu, mức độ phấn đấu theo các tiêu chí xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi phụ nữ cần chủ động, tự giác học tập, thường xuyên trau dồi tri thức, không bị tụt hậu, đảm nhiệm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng hội vững mạnh xuất sắc, đơn vị vững mạnh toàn diện. Các nữ quân nhân cần có tinh thần chủ động học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và những giá trị phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước, tự mỗi người suy nghĩ, hành động và tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn trở ngại của bản thân, không ỷ lại, chờ đợi thụ động, không khuất phục trước những khó khăn thử thách, qua đó giúp họ tự điều chỉnh hoạt động nhận thức của mình cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và không ngừng hoàn thiện bản thân.

Bốn là, tích cực, chủ động rèn luyện tính độc lập, tự tin, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm; giải quyết hài hòa trách nhiệm hai vai việc nước, việc nhà . Trong xã hội hiện đại, tốc độ vận động của cuộc sống ngày càng được đẩy nhanh, đòi hỏi con người phải tích lũy được nhiều kỹ năng ứng phó, nhất là kỹ năng sống với các phương diện cụ thể: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc, kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con cái, kỹ năng nội trợ, kỹ năng làm đẹp, kỹ năng quản lý và đồng thời cũng rất cần quan tâm đến kỹ năng làm mẹ, làm vợ, vì đây chính là bí quyết để làm nên hạnh phúc gia đình. Các nữ quân nhân cần giải quyết hài hòa trách nhiệm hai vai việc nước, việc nhà. Thực tế cho thấy, dưới những tác động của kinh tế thị trường, người phụ nữ đang chuyển dần từ trạng thái ít tham gia hoạt động kinh tế, đến chỗ dành quá nhiều thời gian cho hoạt động kinh tế, bị cuốn theo “nhịp sống nhanh” của xã hội hiện đại. Nếu không biết cách sắp xếp, người phụ nữ có thể sao nhãng trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái, sao nhãng trách nhiệm gắn bó tình cảm của các thành viên trong gia đình. Do vậy, người phụ nữ hiện đại cần biết cách cân bằng trách nhiệm gia đình với việc tham gia các hoạt động kinh tế ngoài xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới trong quan niệm về sự “đảm đang” của người phụ nữ, không nên bó hẹp trong “khuôn khổ” của gia đình. Người phụ nữ hôm nay có tri thức nhiều hơn, được độc lập về kinh tế nhiều hơn, và đồng thời cũng biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các thành viên trong gia đình rõ nét hơn. Và hơn hết, người phụ nữ hiện đại cần biết tổ chức cuộc sống gia đình và biết gắn kết sợi dây tình cảm của các thành viên gia đình; là người biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới làm cho gia đình phát triển hơn và hạnh phúc hơn. Từ đó, tạo điều kiện để bản thân và cho các thành viên khác trong gia đình có thời gian học tập, lao động, được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội.

Đại úy Trần Thị Xuyên - Phòng Chính trị, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng