Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc giáo dục lý tưởng cách mạng và nuôi dưỡng khát vọng cho thanh niên trong công cuộc xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Người xác định, thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, họ có sức mạnh, tuổi trẻ, trí thông minh, sự sáng tạo, lòng nhiệt tình và hơn thế nữa. Tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” đã hiện rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về sứ mệnh của thanh niên Việt Nam trong mọi thời đại. Có thể khẳng định rằng, chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Trong Thư gửi các em học sinh nhân Ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 09 năm 1945, Người viết: “… ngày nay chúng ta phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nhà nước trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay, vấn đề khởi nghiệp của thanh niên đã và đang trở thành một diễn đàn rộng lớn, thu hút sự quan tâm của các cấp, bộ ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội, nhằm góp phần phát huy cao độ tính tự giác, ý thức trách nhiệm và những ưu thế tiềm năng của tuổi trẻ trong xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm Châu như mong ước của Người.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề phát triển kinh tế đất nước, Người coi giới công thương là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Người đánh giá cao và hết lòng mong mỏi các doanh nghiệp, doanh nhân cùng chung sức để xây dựng một nền kinh tế vững vàng, thịnh vượng. Trong bức thư gửi giới công thương ngày 13 tháng 10 năm 1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác nhau trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”. Với tầm nhìn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự coi trọng sâu sắc với bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế, coi hoạt động công nghiệp, coi thương nghiệp là một nghề, có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhà nước, với quan điểm dân có giàu thì nước mới mạnh.
Cách đây hơn 40 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết với các doanh nghiệp, doanh nhân để đưa nước ta thành một nước có nền kinh tế ổn định, sánh vai với các nước trên thế giới. Hiện nay, tinh thần khởi nghiệp lại một lần nữa được đẩy lên thành phong trào lớn mạnh trên khắp cả nước. Khi thời buổi đất nước còn trong cảnh thuộc địa đã có nhiều tấm gương vươn lên làm giàu, đóng góp cho quê hương đất nước, như Bạch Thái Bước, Lương Văn Can,… Thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay cần tiếp tục học tập và phát huy truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước, vươn lên làm giàu, đóng góp cho quê hương đất nước. Thanh niên Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo và có ý chí vươn lên, vì vậy, Việt Nam được xếp thứ 7 về tinh thần khởi nghiệp trên thế giới.
Trên thực tế, chúng ta đã có chương trình quốc gia về khởi nghiệp, đến nay đã thu hút được hàng ngàn dự án và ý tưởng kinh doanh. Vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ là vô cùng to lớn, nhất là đội ngũ ở các trường đại học trên cả nước trong thời kỳ đổi mới. Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp lần thứ nhất năm 2018 và lần thứ hai vào năm 2020, với không ít các chính sách đã được các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT nêu rõ các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo. Những hỗ trợ này tạo điều kiện, tiền đề quan trọng để thanh niên khởi nghiệp được đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng năng lực và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia đã hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 897/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030, với mong muốn nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước; đồng thời, góp phần kiến tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp có thể đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chương trình đề ra mục tiêu hỗ trợ 12.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 2.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho 200.000 thanh niên mỗi năm và ít nhất 120.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2030.
Để góp phần định hướng và phát huy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vấn đề khởi nghiệp của thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế
Thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước, sự phồn vinh, hạnh phúc của đất nước có sự đóng góp lớn của lực lượng thanh niên, do vậy thanh niên Việt Nam hôm nay phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khởi nghiệp thành công. Trong bối cảnh hiện nay, thanh niên cần nêu cao tinh thần khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và liêm chính. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rằng: Hạnh phúc không nhất thiết là phải thật giàu, nhưng chắc chắn nghèo thì không được. Ngày xưa, các thế hệ cha anh “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “còn cái lai quần cũng đánh” để đất nước được độc lập, thế hệ thanh niên hôm nay phải ra sức lập nghiệp để xây dựng đất nước giàu mạnh. Là thế hệ không ngại thay đổi cũng như có khả năng thích ứng cao với những xu thế mới và tiến bộ công nghệ, thanh niên là nguồn lực trụ cột của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, thanh niên cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng khát khao, mong muốn khởi nghiệp thành công, qua đó đóng góp cho đất nước. Thanh niên cần lấy tinh thần quốc gia khởi nghiệp là khát vọng khởi nghiệp cho mình để đất nước giàu mạnh. Trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, cơ hội để đất nước phát triển rất lớn, do vậy thanh niên cần đi đầu trong chuyển đổi số. Thanh niên phải sử dụng tốt công nghệ thông tin, từ đó lan ra toàn xã hội, phải luôn nêu cao tinh thần “khát vọng” và “sáng tạo” trong khởi nghiệp.
Thứ hai, trang bị kỹ năng thực hành khởi nghiệp cho thanh niên
Đây là nội dung, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tinh thần khởi nghiệp của thanh niên trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Để bước vào con đường khởi nghiệp thuận lợi và gặt hái được thành công, thanh niên cần được trang bị những kỹ năng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nói cách khác, thanh niên cần được quan tâm đào tạo, trang bị những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp từ sớm để có các kiến thức và kỹ năng làm việc trong môi trường hiện đại, tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động hội nhập và kết nối với cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, phát triển kỹ năng nghề nghiệp cần thiết cho thanh niên để tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp hoặc để khởi sự kinh doanh, từ đó có thể thực hiện hiệu quả công việc kinh doanh của chính mình. Hiện nay, công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên mặc dù đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, như: Đội ngũ tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn ít kinh nghiệm; chính sách dành cho đội ngũ hướng dẫn thanh niên khởi nghiệp còn hạn chế; tài liệu hướng dẫn khởi nghiệp cho thanh niên còn ít, chưa sát với thực tiễn; Một bộ phận thanh niên ngại khó khăn, thiếu tính năng động, sáng tạo, chưa chủ động học hỏi, trau dồi kiến thức và tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về khởi nghiệp. Thanh niên khởi nghiệp có nhiều lợi thế, nhất là sức trẻ, sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết, môi trường xã hội thuận lợi,... Hiện nay, các nhà trường cần tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp cho thanh niên nhưng không đòi hỏi chỉ số quá cao về số lượng start-up mà là khởi tạo tâm thế, tư duy khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân, giúp thanh niên sáng tạo những dự án giải quyết các vấn đề tạo ra sự tác động đối với xã hội. Đồng thời, các nhà trường cần tạo lập liên kết trao đổi giữa các trường để thanh niên có thể tham gia vào các dự án khởi nghiệp ở trường khác hoặc ở khu vực tư nhân đang có hoặc mời các start-up tham gia không gian làm việc của mình để làm quen, trải nghiệm và dần dần phát triển các dự án.
Thứ ba, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp
Môi trường có ảnh hưởng lớn tới tinh thần khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới phong trào đổi mới sáng tạo, có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp. Trong phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn (ngày 23/3/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Thanh niên là một trong những lực lượng có vai trò, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, do đó cần tiếp tục nuôi dưỡng, thôi thúc tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đoàn Thanh niên cần xác định chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung thu hút, tập hợp, dẫn dắt thanh niên tích cực khởi nghiệp. Đối với vấn đề đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Đoàn Thanh niên cần quan tâm truyền cảm hứng, dấn thân, tạo môi trường thuận lợi về khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số cho thanh niên bảo đảm thiết thực, Đoàn Thanh niên cần chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp. Thời gian tới, Đoàn cần tập trung triển khai một số đề án, như: Hình thành mạng lưới không gian hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng nền tảng số hóa đầu tư đổi mới sáng tạo; xây dựng nền tản kỹ năng việc làm và khởi nghiệp cho thanh niên; câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho thanh niên,…
Thứ tư, các cấp, ban ngành, đoàn thể luôn đồng hành và hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp
Đồng hành cùng thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn, tạo động lực giúp thanh niên nỗ lực vươn lên khởi nghiệp thành công. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã chủ động đa dạng hóa các nội dung, hình thức hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất giúp thanh niên khởi nghiệp thành công. Thực tiễn cho thấy, quá trình khởi nghiệp của thanh niên thường gặp nhiều khó khăn, nhất là thông tin về các nguồn đầu tư, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp, về nguồn vốn. Thời gian tới, các cấp, ban ngành, đoàn thể, nhất là tổ chức Đoàn các cấp cần tiếp tục “đồng hành” cùng thanh niên trong quá trình khởi nghiệp. Tổ chức Đoàn cần làm tốt vai trò “cầu nối” giữa thanh niên với các cơ quan, tổ chức và lực lượng nhằm hỗ trợ thanh niên toàn diện, phù hợp trong quá trình khởi nghiệp, như: Hỗ trợ, tư vấn khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp; hỗ trợ về vốn vay cho thanh niên để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho thanh niên,… Tổ chức Đoàn cần tiếp tục thành lập và duy trì Văn phòng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo môi trường, không gian cho thanh niên trao đổi ý tưởng, hỗ trợ, tư vấn hoàn thiện các ý tưởng và đề án kinh doanh; kết nối ý tưởng khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn tiếp tục duy trì và thành lập các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, như: Mô hình câu lạc bộ sở thích theo ngành, nghề; câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế,… qua đó chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, góp vốn hoặc huy động từ các nguồn lực khác để phát triển sản xuất kinh doanh.
-----------------------------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[2] Ban Bí thư Trung ương Đoàn (2023), Kế hoạch số 101-KH/TWĐTN-ĐKTHTN, ngày 12/7/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc “Triển khai các hoạt động Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp năm 2023”. [3] Nguyễn Tiến Thành - Lệ Quyên, “Tinh thần khởi nghiệp của thanh niên xuất ngũ”, Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, Số 03/2020
THS. NINH VĂN HÙNG
Khoa Lý luận Chính trị và Pháp luật - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp