Từ khóa: Truyền thống; lịch sử; đào tạo, bồi dưỡng.
1. Trường Chính trị Hoàng Văn - 75 năm xây dựng và phát triển
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, tiền thân là Trường Đảng tỉnh Lạng Sơn được thành lập ngày 20 tháng 11 năm 1949, tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ra đời trong những ngày gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trải qua các thời kỳ lịch sử hào hùng, Nhà trường đã không ngừng lớn mạnh cùng với sự phát triển của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Với những bề dày lịch sử và thành tích vẻ vang của một Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh Lạng Sơn, ngày 03/11/1998 Trường chính trị tỉnh Lạng Sơn vinh dự được Tỉnh ủy Lạng Sơn ban hành Quyết định số 316-QĐ/TU, kể từ ngày 04/11/1998 đến nay nhà trường được mang tên đồng chí Hoàng Văn Thụ, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bồi tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh uỷ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ có chức năng, nhiệm vụ là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; cán bộ dự nguồn các chức danh trên; cán bộ công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước...
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn (tiền thân là Trường Đảng tỉnh) được thành lập năm 1949. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển (1949 - 2024), mặc dù nhiều lần chuyển đổi địa điểm, tách, sáp nhập, thay đổi mô hình tổ chức, tên gọi, song ở mỗi thời kỳ, nhà trường luôn đáp ứng nhu cầu khách quan về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Phương thức hoạt động, chương trình đào tạo cũng thay đổi linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng.
2. Kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Những ngày đầu sau khi thành lập, trong điều kiện gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trường phải sơ tán, di chuyển nhiều địa điểm, cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có, tất cả dựa vào dân, cán bộ đi học tự túc và một phần vận động Nhân dân đóng góp. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường từng bước khắc phục khó khăn, tích cực học tập và giảng dạy, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các lớp huấn luyện vẫn được mở liên tục tại hội trường Tỉnh ủy và đình Nà Đồng (xã Tân Văn, huyện Bình Gia). Nội dung huấn luyện chủ yếu là bồi dưỡng những vấn đề về đường lối kháng chiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chính quyền, xây dựng các tổ chức quần chúng... Từ năm 1952, nhà trường được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ truyền đạt và theo dõi các lớp chỉnh Đảng, chỉnh huấn, cán bộ, giảng viên nhà trường đã tích cực tham gia hoàn thành nhiệm vụ truyền đạt, theo dõi tổng hợp.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Trường Đảng tỉnh tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phục vụ công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trước yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, trình độ lý luận và chuyên môn của cán bộ phải được nâng cao, Tỉnh ủy chủ trương mở các lớp bồi dưỡng cho các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và cấp ủy viên của các Đảng bộ, chi bộ xã, thị trấn và đội ngũ cán bộ thoát ly của tỉnh, huyện. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, từ ngày 20/8/1957 đến tháng 3/1959, nhà trường mở được 8 khóa bồi dưỡng cấp ủy với 720 học viên. Năm 1960, Trường Đảng tỉnh mở các lớp theo chương trình lý luận chính trị cơ sở cho cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tháng 5/1981, Tỉnh ủy có nghị quyết đưa Trường Đảng từ đào tạo sơ cấp lý luận chính trị lên đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Khóa đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị đầu tiên gồm 58 học viên khai giảng ngày 21/4/1982. Tiếp đó, nhà trường liên tục mở các lớp trung cấp lý luận chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở, ở huyện, tỉnh... Từ năm 1990, Trường Đảng tỉnh thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, ngoài các lớp đào tạo trung cấp chính trị tập trung tại trường, nhà trường còn phối hợp với các Phân viện mở các lớp lý luận chính trị và cử nhân chuyên ngành nhằm đáp ứng tiêu chuẩn hóa cán bộ các cấp, các ngành của tỉnh. Tính đến năm 2009, nhà trường mở được 67 lớp bồi dưỡng cấp ủy, bồi dưỡng chính trị cơ sở và sơ cấp lý luận chính trị với 4.020 học viên; 62 lớp trung cấp lý luận trung cấp lý luận chính trị, trong đó tập trung 25 lớp, tại chức 37 lớp gồm 3.530 học viên. Từ năm 2009 - 2019, nhà trường đã mở 243 lớp, đào tạo, bồi dưỡng cho 36.353 học viên. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với các sở, ban, ngành mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ với hàng vạn học viên ra trường.
Từ năm 2019 đến tháng 10 năm 2024, nhà trường đã mở 301 lớp, đào tạo, bồi dưỡng cho 22.534 học viên. Trong đó có 08 lớp cao cấp lý luận chính trị với 522 học viên; 57 lớp trung cấp lý luận chính trị và chính trị - hành chính, 3456 học viên; 10 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính và tương đương, 672 học viên; 16 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên và tương đương với 1019 học viên; 17 lớp bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương với 1036 học viên; 95 lớp 7219 bồi dưỡng đối tượng 4 với học viên, BD Chủ tịch; 07 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dành cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã với 522 học viên; 13 lớp BD cán bộ công chức cấp xã với 1060 học viên; 39 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dành cho Trưởng thôn, Phó trưởng thôn, những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố với 3236 học viên. Ngoài ra, nhà trường mở 01 lớp liên kết đào tạo cao học với 37 học viên; mở 03 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện với 354 học viên và 35 lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã với 3401 học viên.
Từ những kết quả trên có thể thấy rằng, quy mô các loại hình đào tạo - bồi dưỡng ngày càng được mở rộng, đặc biệt là đào tạo lý luận chính trị và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch và bồi dưỡng chức danh. Nhà trường chủ động tăng cường mở rộng quy mô các loại hình bồi dưỡng cán bộ như: Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch (chuyên viên, chuyên viên chính), Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh (Đối tượng thuộc Ban thường vụ huyện ủy, thành ủy quản lý); Kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương; Cán bộ chủ chốt cấp xã; Đại biểu HĐND các cấp, với đối tượng theo học rất đa dạng, từ cán bộ của các phòng, ban chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã, viên chức của các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương… Kết quả sau khi tham gia học tập các khóa đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, học viên đã được nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ quản lý nhà nước. Thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng của Nhà trường, học viên còn được trang bị những kỹ năng cần thiết góp phần phục vụ công tác chuyên môn.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng khá toàn diện, gắn với yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, từng bước khẳng định Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ.
Bên cạnh đó, Nhà trường đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, toàn diện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức tốt các khâu từ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức tuyển sinh, giảng dạy, quản lý, đánh giá, cấp bằng, chứng chỉ, chứng nhận tốt nghiệp. Chủ động phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện, thành phố, các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, vượt chỉ tiêu hàng năm.
Hàng năm, nhà trường luôn bảo đảm hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu nhiệm vụ, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh giao. Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh cán bộ trong các tổ chức, cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở xã, huyện, tỉnh. Góp phần đổi mới công tác tổ chức cán bộ, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan, đơn vị, trên địa bàn tỉnh. Đưa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ góp phần quan trọng vào thành tựu đổi mới, phát triển của các địa phương, cơ sở và của tỉnh.
Thực hiện nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới đánh giá kết quả giảng dạy và học tập, nhất là hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến phản hồi của cơ quan sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng và cựu học viên về hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng cho học viên hoàn thành các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường từ năm 2017 đến nay. Kết quả đạt mức Khá. Thực hiện Quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đối với các lớp bồi dưỡng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã được củng cố, bổ sung thêm về kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước... Qua đó đã nâng cao trình độ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị trong tình hình mới.
Suốt 75 năm qua, mỗi đổi thay, mỗi bước đi của nhà trường đều gắn liền với lịch sử đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc, gắn với truyền thống cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Trọng trách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, các ngành trong tỉnh đã trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhà trường. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ vẫn luôn không ngừng tự nâng cấp mình, từng bước trưởng thành và phát triển, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho hàng vạn cán bộ các cấp, góp phần tích cực làm nên những thành tựu phát triển chung của tỉnh.
Với những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2012; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2020; Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu I năm 2013; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về đạt thành tích tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2019 và các năm: 2019, 2022; Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về đạt thành tích tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2019 và năm 2024.
3. Phát huy truyền thống 75 năm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ ngày càng phát triển và đạt chuẩn theo quy định.
Từ những kết quả đạt được trong quá trình 75 xây dựng và phát triển, để thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 15/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn, Đề án Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 của Ban Thường vị Tỉnh ủy Lạng Sươn về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023-2031, gắn với việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tác giả xin đề xuất một số giải pháp thực hiện như sau:
Thứ nhất, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở bám sát nội dung, chương trình do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ và cấp có thẩm quyền ban hành. Hàng năm trường thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo quy định trong đó tăng cường thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn ngạch công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; chức vụ, chức danh vị trí việc làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến mới, các loại hình bồi dưỡng khác theo nhu cầu đăng ký thực tế của các cơ quan, đơn vị hoặc cơ quan có thẩm quyền giao.
Chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm gắn với yêu cầu nhiệm vụ của các ngành, địa phương; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực và hiệu quả.
Thứ hai, duy trì quy mô các lớp đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đảm bảo đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Chủ động, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng do Trường được chủ trì thực hiện, đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tỉnh giao và theo nhu cầu của các đơn vị nhằm phát huy và sử dụng hiệu quả các nguồn lực và điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị theo tinh thần của Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025 và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030";
Thứ ba, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025, 100% giảng viên sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm, đẩy mạnh quá trình tự đào tạo. Tăng cường đổi mới phường pháp gỉảng dạy theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành; lấy người học làm trung tâm, tăng cường sự tương tác, phát huy tính tích cực trong học tập; kết hợp chặt chẽ, hiệu quầ phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công: nghệ thông tin trong giảng dạy... Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, như: thực hiện quản lý thông qua văn phòng điện thử ioffice; triển khai ứng dụng phần mềm quản lý đào tạo, bồi dưỡng; hệ thống số hóa tài liệu; quản lý học viên qua camera. Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong giảng dạy và học tập; thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, hiệu quả sau khóa học.
Thứ tư, đổi mới hình thức đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy năng lực tổng hợp và sự vận dụng lý luận của học viên trong việc phân tích, lý giải các vấn đề của cuộc sống. Tổ chức ứng dụng phần mềm thi - kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính trong thi, kiểm tra hết phần học cá lớp đào tạo, bồi dưỡng. Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chương trình, học viên, giảng viên, cơ sở vật chất, khoá bồi dưỡng, hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng. Kết quả đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng đạt từ mức khá trở lên. Thường xuyên hoặc định kỳ đánh giá chất lượng giờ giảng, bài giảng của giảng viên thông qua phiếu phản hồi của học viên. Đổi mới nội dung, hình thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng tăng cường viết bài thu hoạch, bài tự nghiên cứu, thi vấn đáp, xây dựng đề cương bài học trước khi lên lớp nhằm phát huy tính tự học, tự nghiên cứu của học viên. Tiến hành khảo sát chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng để chính sách phù hợp. Duy trì hội thi giảng viên dạy giỏi, Hội thi học viên học giỏi lý luận chính trị theo đúng quy định, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Thứ năm, Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt các bước quy trình từ khâu nắm bắt nhu cầu, tuyển sinh, thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn tổ chức các lớp, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng... theo đúng quy chế, quy định; hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh giao hằng năm.
Thứ sáu, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh giai đoạn và hằng năm trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt, giao cho Trường Chính trị Hàng Văn Thụ là cơ sở đầu mối đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở cấp tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo sử dụng hết các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất của tiêu chí trường chuẩn, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ.
Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính nhà nước theo giai đoạn và hằng năm; phối hợp Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tổ chức đánh giá chất lượng các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ chủ trì tổ chức mở lớp theo quy định.
Những bài học kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng được rút ra suốt chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển là động lực thúc đẩy cán bộ, viên chức Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới, tiến tới xây dựng trường đạt trường chính trị chuẩn theo Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031, góp phần quan trọng cùng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn và cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ThS.GVC. Nguyễn Trung Thành
Trưởng phòng Quản lý ĐT&NCKH
Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 15/9/2021 về trường chính trị chuẩn.
2.Tỉnh ủy Lạng Sơn, Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 29/4/2021 về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021- 2025.
3. Tỉnh ủy Lạng Sơn, Đề án số 09-ĐA/TU, ngày 18/7/2023 về xây dựng Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ đạt chuẩn giai đoạn 2023 - 2031.
4. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Báo cáo số 05-BC/TCT, ngày 11/01/2025, Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
5. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Báo cáo số 112-BC/TCT, ngày 14/9/2025, Kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm 2024, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024.
6. Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Lịch sử Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ (1949 - 2019), Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2020.