TNV - Trong 95 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn phát huy vai trò là cầu nối giúp “ý Đảng” gặp “lòng dân”. Trong bối cảnh hiện nay, với sự tác động nhiều chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò đó lại càng quan trọng hơn.
Luôn chủ động định hướng dư luận
Vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, báo chí là một trong số ngành nghề hiếm hoi gần như không thu hẹp hoạt động, thậm chí phải tăng cường tối đa để phục vụ cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.
Từ khi Việt Nam có ca nhiễm đầu tiên, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt về dịch bệnh. Các sự việc liên quan được một số người dùng bóp méo, phóng đại, thậm chí còn cắt ghép, giả mạo các thông tin, hình ảnh về các ca nhiễm với nhiều dụng ý xấu. Có thông tin được lan truyền rộng, ít nhiều gây nên sự xáo trộn trong xã hội, khiến một bộ phận người dân hoang mang.
Trong bối cảnh đó, báo chí đã nhanh chóng khẳng định được vai trò dẫn dắt thông tin của mình. Nhiều nhà báo đã không ngại nguy hiểm, lăn xả vào những điểm nóng của dịch Covid-19 để kịp thời cung cấp những tin bài, phản ánh đúng tình hình diễn biến của dịch bệnh. Các nhà báo cũng đã mạnh dạn chỉ ra những biểu hiện chưa lành mạnh, các hành vi sai trái, đấu tranh với những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Khi báo chí đăng tải nhiều trường hợp tung tin giả về dịch Covid-19 bị cơ quan chức năng xử phạt, đông đảo người dân đặt niềm tin vào báo chí thay vì chỉ quan tâm đến thông tin trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh.
Qua các phương tiện truyền thông chính thức, nhất là báo chí, người dân đã hiểu biết rõ hơn về bản chất của dịch Covid-19, từ đó nâng cao được ý thức phòng dịch cho mình, góp phần ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các địa phương, nhiều tấm gương sáng, những mô hình hay, các giải pháp hiệu quả về phòng chống dịch xuất hiện ngày càng nhiều trên các mặt báo. Nhờ vậy, niềm tin của nhân dân vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến chống dịch được củng cố mạnh mẽ. Sự quan tâm và tin yêu của các tầng lớp nhân dân đối với những người đang ở tuyến đầu trên mặt trận chống “giặc Covid-19” càng được nhân lên.Tất cả đã tạo nên sự đồng thuận cao, một niềm tin to lớn trong bà con nhân dân, để chung tay cùng cả nước quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Có thể nói, khi diễn biến của dịch bệnh càng phức tạp thì càng thấy được vai trò quan trọng của báo chí nói chung và nhà báo trong việc dẫn dắt, định hướng dư luận.
Thời cơ đan xen thách thức
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, mọi thông tin được phát tán rất nhanh chóng và dễ dàng trên mạng xã hội với nhiều luồng đa chiều, khó phân định được tốt, xấu, đúng, sai. Chưa kể, không ít những nội dung mang dụng ý xấu được vô tình hay cố ý lan truyền bằng nhiều cách thức, có thể tác động đến nhận thức, tình cảm của một phận người dân.
Trong khi đó, hệ thống báo chí nước ta vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm cần phải tập trung cải thiện, như các văn bản của Đảng và Nhà nước đã chỉ rõ. Có lúc có nơi, khả năng định hướng, dẫn dắt dư luận, công chúng của báo chí vẫn còn mờ nhạt. Đối với các vấn đề nhạy cảm, bức xúc, một số cơ quan báo chí lại có những thông tin khác biệt, thậm chí mâu thuẫn nhau, làm cho hiệu quả định hướng dư luận của báo chí ít nhiều bị kém phần hiệu quả. Một số tờ báo, nhất là báo điện tử, vì chạy theo lợi nhuận đã cố tình“giật tít”, “câu like”, “câu view”,… gây ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội vào báo chí. Ngoài ra, thỉnh thoảng vẫn còn một số phóng viên vì bị cám dỗ bởi ma lực đồng tiền mà vi phạm quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, làm uy tín của đội ngũ nhà báo bị giảm sút.
Dù vậy, cũng nhờ hệ thống công nghệ thông tin phát triển ngày càng mạnh, mà báo chí nước ta có thể cung cấp cho người dân những thông tin thời sự kịp thời, chuẩn xác. Nhất là những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước cần được phổ biến nhanh trong nhân dân. Nhiều phóng viên có thể tác nghiệp, biên tập và đưa tin bằng điện thoại thông minh của mình ngay tại “hiện trường” để kịp thời phục vụ công chúng. Thông qua hình ảnh của những nhân tố tích cực, những cách làm hay, báo chí đã “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” , cổ vũ mạnh mẽ cho toàn xã hội luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí được thể hiện ngày càng rõ nét. Nhiều vụ án tham nhũng được các nhà báo âm thầm điều tra, phanh phui, nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội được báo chí phát hiện và đấu tranh mạnh mẽ,… Tất cả những điều đó đã góp phần làm cho đất nước và xã hội phát triển lành mạnh, ổn định.
Phát huy vai trò nhà báo trong giai đoạn mới
Thực tế cho thấy, khi một quốc gia càng phát triển thì báo chí càng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng vào sự phát triển đó của đất nước. Để mỗi nhà báo đều trở thành những chiến sĩ cách mạng luôn tiên phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng ta, trước hết, họ phải là người thật sự vững vàng về tư tưởng chính trị. Vì vậy, các cấp ủy đảng trong các cơ quan báo chí cần tăng cường các hoạt động giáo dục, nâng cao lý luận chính trị cho đội ngũ phóng viên bằng nhiều hình thức phong phú. Cần chú trọng công tác phát triển đảng trong đội ngũ nhà báo. Các cơ quan chức năng nên bổ sung thêm quy định về việc đánh giá nhận thức tư tưởng chính trị theo các cách thức phù hợp mới được cấp thẻ hành nghề. Việc tuyển chọn đội ngũ phóng viên cần thực hiện thận trọng, nhằm bảo đảm những người làm báo ngoài phẩm chất chính trị phù hợp, còn có đạo đức, nhân cách tốt để có thể thực hiện tốt công việc của mình. Ban biên tập các báo cần thực hiện tốt công tác kiểm soát kỹ nội dung, không để những thông tin chưa kiểm chứng hoặc phản ánh chưa đúng sự thật xuất hiện trên mặt báo.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, dù tôn trọng sự khác biệt giữa các cơ quan làm báo, vẫn cần có sự định hướng phù hợp để hạn chế tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong hệ thống báo chí, nhất là đối với những vấn đề thời sự nóng bỏng, nhạy cảm, được xã hội đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc động viên, khen thưởng xứng đáng cho những nhà báo có thành tích tốt. Cũng như có cơ chế bảo vệ an toàn cho các phóng viên trước các thế lực xấu. Đồng thời, phải xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành báo.
Báo chí Việt Nam được Đảng ta gọi là “báo chí cách mạng”. Do đó, hơn ai hết, đội ngũ nhà báo cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước thời đại mới. Mỗi người làm báo cần tự trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thần dũng cảm tiến công. Mỗi nhà báo cần có tâm, có trí, có dũng, có liêm, có chính và luôn dùng ngòi bút sắc bén của mình để “đâm mấy thằng gian”,bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích của nhân dân và đất nước.
Trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, mỗi người dân chắc hẳn đều mong mỏi, trên hành trình chinh phục đam mê nghề nghiệp của mình, những nhà báo cách mạng Việt Nam chân chính đừng quên chọn hướng “đi về phía nhân dân”!
Lê Thanh