Phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền số cấp xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa

Thứ tư, 18/09/2024 - 15:00

Xây dựng chính quyền số cấp xã là là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng tiên phong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời lực lượng này rất nhạy bén, nắm bắt nhanh và kịp thời những thành tựu khoa học và công nghệ nên có vai trò quan trọng trong trong thực hiện chuyển đổi số, tham gia xây dựng chính quyền số.

Thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố Thanh Hóa đang nỗ lực phát huy sự năng động, sáng tạo, khát vọng thịnh vượng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; huy động, sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững để trở thành một trong những trung tâm lớn về thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ, phấn đấu đến năm 2030 trở thành Thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 58-NQ/TU, ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.

Thực hiện chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện mục tiêu trên. Với quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, với quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung khung pháp lý của tỉnh trong xây dựng, phát triển Chính quyền số và chỉ đạo việc đẩy mạnh thực hiện quá trình chuyển đổi số đối với tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; trong thời gian qua, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Đối với cấp xã, ngày 30/5/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1829/QĐ-UBND về tiêu chí chuyển đổi số cấp xã đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Theo đó, các tiêu chí chuyển đổi số cấp xã đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, gồm 04 nhóm với 37 chỉ tiêu thành phần; cụ thể:

(1) Nhóm tiêu chí Chính quyền số, gồm 11 chỉ tiêu thành phần;

(2) Nhóm tiêu chí Kinh tế số, gồm 06 chỉ tiêu thành phần;

(3) Nhóm tiêu chí Xã hội số, gồm 12 chỉ tiêu thành phần;

(4) Nhóm tiêu chí Hạ tầng số, gồm 08 chỉ tiêu thành phần;

Để được công nhận hoàn thành tiêu chí chuyển đổi số, các xã, phường, thị trấn phải đạt toàn bộ các tiêu chí được giao trong năm nêu trên; chỉ số xếp hạng mức độ chuyển đổi số đạt từ 70% tổng số điểm trở lên của Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp xã ban hành kèm theo Quyết định số 3853/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về ban hành Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, tiêu chí về Chính quyền số đặc biệt quan trọng, tạo nền móng cho hoạt động chuyển đổi số ở địa phương.

Việc xây dựng chính quyền số cấp xã trên toàn tỉnh nói chung, thành phố Thanh Hóa nói riêng rất được quan tâm. Việc xây dựng chính quyền số cấp xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ của UBND thành phố, Phòng Văn hóa thông tin – UBND thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí đề ra; Công tác triển khai, phối hợp luôn được lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, công chức quan tâm quán triệt và chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, công tác chuyển đổi số nói chung, xây dựng chính quyền số cấp xã nói riêng được đông đảo người dân ủng hộ do đã nhận thức rõ mục tiêu, lợi ích, tầm quan trọng của việc ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; Cán bộ, công chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt là cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được tham gia tập huấn về thực hiện chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn các phường, xã trên địa bàn thành phố đã được quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế, nhiều thiết bị đã xuống cấp hoặc không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu xử lý công việc. Chưa có công chức phụ trách chuyên môn về công nghệ thông tin của chính quyền cấp xã, chỉ có công chức chuyên môn chưa có nhiều kiến thức chuyên sâu về an toàn thông tin, công nghệ thông tin. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công nghệ thông tin, an toàn thông tin tại chính quyền cấp xã còn nhiều khó khăn. Tổ công nghệ số cộng đồng ở các tổ dân số chưa có trang thiết bị để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số, nhất là đối với các dịch vụ công trực tuyến. Một bộ phận người dân do trình độ dân trí hoặc do tuổi tác nên kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Mặt khác, đời sống sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn nên việc trang bị các thiết bị có ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu.

Xây dựng chính quyền số cấp xã là là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng tiên phong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đồng thời lực lượng này rất nhạy bén, nắm bắt nhanh và kịp thời những thành tựu khoa học và công nghệ nên có vai trò quan trọng trong trong thực hiện chuyển đổi số, tham gia xây dựng chính quyền số. Thực trạng phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong xây dựng chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đã đạt được những kết quả nhất định. Điển hình như công tác tuyên truyền, giáo dục đã được Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chính quyền cấp xã chú trọng đầu tư, triển khai đồng bộ và được đổi mới về cả nội dung, hình thức; chú trọng tổ chức nhiều chương trình quy mô, có ý nghĩa, đi vào chiều sâu để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút đông đảo đoàn viên tham gia thực hiện chuyển đổi số, tạo hiệu ứng xã hội rõ nét; các phong trào hành động có bước chuyển biến mạnh mẽ, được thiết kế và tổ chức phù hợp với nhiệm vụ chính trị của chính quyền cấp xã, tạo sức lan tỏa; xây dựng môi trường để thanh niên phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người quê hương Thanh Hóa; khơi dậy tinh thần xung kích, sáng tạo của thanh niên trong tham gia xây dựng chính quyền số; Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cấp xã đã có nhiều hoạt động thiết thực và phát huy trí tuệ của màu áo xanh, nêu cao tinh thần "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay", tham gia hiệu quả vào quá trình phòng chống dịch bệnh, thành lập các "Tổ hỗ trợ chuyển đổi số" ở các phường, xã, phân công thành viên phụ trách tới từng khu dân cư hướng dẫn trực tiếp người dân thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, mở tài khoản thanh toán điện tử, cũng như hỗ trợ hộ dân mua bán sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền số cấp xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế nhất định như: Quá trình thực hiện những nội dung chuyển đổi số mà các cấp bộ Đoàn triển khai cho đoàn viên thanh niên như: tham gia các cuộc thi trực tuyến thông qua các nền tảng mạng xã hội; sử dụng các ứng dụng, phần mềm có ích cho đoàn viên thanh niên như ứng dụng Thanh niên Việt Nam, cập nhật dữ liệu đoàn viên trên Phần mềm nghiệp vụ Quản lý đoàn viên do Trung ương Đoàn triển khai… còn rất nhiều trở ngại; Hoạt động của "Tổ chuyển đổi số cộng đồng" còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao; Các lớp tập huấn thực hiện chuyển đổi số diễn ra chưa thường xuyên, liên tục; Trang thiết bị cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia xây xựng chính quyền số chưa được trang bị riêng nên ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện.

Những hạn chế nêu trên là do trong công tác lãnh đạo chỉ đạo phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền số cấp xã của chính quyền còn thiếu tính chủ động và quyết liệt. Năng lực về đổi mới tư duy, cách làm trong quản lý còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc phát huy vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền số cấp xã. Một số đoàn viên thanh niên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập, tham gia thi các cuộc thi và tầm quan trọng của các ứng dụng, phần mềm. Ngoài ra, việc tuyên truyền, giáo dục về tầm quan trọng việc học tập, tham gia thi các cuộc thi, của các ứng dụng, phần mềm chưa hiệu quả, chưa thu hút được sự chú ý của đoàn viên, thanh niên. Việc sử dụng App Thanh niên Việt Nam, phần mềm nghiệp vụ Quản lý đoàn viên còn gặp nhiều khó khăn do lỗi phần mềm, lỗi hệ thống, kết nối mạng không ổn định. Chính sách cho đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở một số phường, xã còn ít được quan tâm.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tuổi trẻ thành phố Thanh Hóa trong xây dựng chính quyền số cấp xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về về vai trò của công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong đó, tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số; thông tin về các câu chuyện, bài học kinh nghiệm, mô hình chuyển đổi số trong nước và ngoài nước; thông tin, định hướng để thanh niên tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ số,…

Lan tỏa những kết quả đạt được trong Tháng Thanh niên năm 2024, để tiếp tục phát huy vai trò của thanh niên tham gia thực hiện xây dựng chính quyền số cấp xã, các Đoàn phường, Đoàn xã trên địa bàn thành phố Thanh Hóa cần đẩy mạnh thực hiện các đề án trọng điểm được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Trọng tâm là Đề án "Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030"; Đề án "Thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng";… Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt, hội nghị tập huấn về chuyển đổi số nói chung, xây dựng chính quyền số nói riêng. Qua đó, nâng cao nhận thức, kiến thức, trình độ cho cán bộ, đoàn viên thanh niên. Đây là yếu tố then chốt trong công cuộc chuyển đổi số của Đoàn hiện nay. Từng đoàn viên thanh niên cần nâng cao nhận thức, tâm thế và phát huy tinh thần tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng thành quả, vận dụng có hiệu quả những yếu tố tích cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, bởi đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2030. Chỉ khi nắm được những kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, áp dụng các kiến thức đó vào học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh,… thì cán bộ, đoàn viên thanh niên mới trở thành động lực, lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số cấp xã.

Thứ hai, Thành Đoàn thành phố Thanh Hóa phối hợp cùng chính quyền cấp xã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tiếp cận nâng cao năng lực số như năng lực sử dụng thiết bị, phần mềm, khai thác dữ liệu, thông tin; năng lực giao tiếp, hợp tác; tổ chức thêm các sân chơi, mô hình mới có tính dẫn dắt xu hướng công nghệ cho đoàn viên thông qua các diễn đàn, hội nghị tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tài khoản thanh toán điện tử; cài đặt, sử dụng ứng dụng định danh điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số... Phối hợp tổ chức các hoạt động tìm hiểu, các cuộc thi về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống và xã hội. Điều đáng lưu ý là các hoạt động cần đi vào thực chất, lấy tính hiệu quả và thanh niên làm trung tâm; tránh các hoạt động, việc làm hình thức, khẩu hiệu suông tạo tâm lý không tích cực, giảm niềm tin của thanh niên vào công cuộc chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số cấp xã.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng trong đó lực lượng đoàn viên giữ vai trò nòng cốt. Đi đến từng hộ gia đình để giúp người dân sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số. Tích cực tham gia hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số. Kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ số, kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng; đưa hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng vào nề nếp, mang lại hiệu quả thực chất, thiết thực.

Thứ tư, tiếp tục định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ các hoạt động của Đoàn, nghiên cứu mở rộng ứng dụng công nghệ số trong các mặt công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi như công tác thi đua khen thưởng, quản lý hồ sơ cán bộ, số hóa dữ liệu văn bản; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện nâng cấp, bổ sung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho Đoàn phường, Đoàn xã; phát huy hơn nữa hiệu quả của phần mềm quản lý đoàn viên và app Thanh niên Việt Nam.

Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện thông điệp 5C – Chuyển đổi, Chủ động, Công nghệ số, Cẩn trọng và Chia sẻ, tương ứng với 5 việc làm, hoạt động mỗi thanh niên, người trẻ cần tích cực thực hiện để phát huy vai trò của tuổi trẻ tiên phong trong chuyển đổi số./.

Ths. Lê Minh Nguyệt

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa