Nhận diện luận điệu sai trái, xuyên tạc về chuyển đổi số trong Quân đội
Trong quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS trong giáo dục đào tạo ở các NTQĐ, các thế lực thù địch, phản động đã và đang lợi dụng nhiều chiêu bài tuyên truyền nhằm xuyên tạc chủ trương của Đảng, gây hoang mang trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Những luận điệu sai trái này được ngụy trang dưới các hình thức "góp ý", "phê phán mang tính xây dựng", nhưng thực chất là nhằm phủ nhận vai trò của công nghệ, hạ thấp hiệu quả của CĐS, từ đó kích động tâm lý chống đối, nghi ngờ trong nội bộ quân đội. Có thể nhận diện một số luận điệu sai trái chủ yếu như sau:
Thứ nhất, luận điệu cho rằng "CĐS trong Quân đội là hình thức, xa rời thực tiễn, làm tăng gánh nặng hành chính cho cán bộ, chiến sĩ". Luận điệu này cố tình bóp méo thực trạng CĐS bằng cách đánh đồng những khó khăn ban đầu về hạ tầng kỹ thuật, thao tác kỹ năng công nghệ của một bộ phận cán bộ với bản chất của cả tiến trình chuyển đổi. Họ cố tình bỏ qua hiệu quả tích cực mà CĐS mang lại trong quản lý huấn luyện, tổ chức dạy học, lưu trữ dữ liệu và nâng cao hiệu quả công việc.
Thứ hai, luận điệu xuyên tạc rằng "CĐS làm lu mờ bản chất chính trị, quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn đến nguy cơ "phi chính trị hóa" giáo dục quân sự". Đây là thủ đoạn cực kỳ nguy hiểm, đánh vào nền tảng tư tưởng, chính trị của quân đội. Chúng lập luận rằng ứng dụng công nghệ, thay đổi phương pháp dạy học sẽ khiến giảm sút việc giáo dục lý tưởng cách mạng, làm lệch lạc bản chất "cách mạng - chính quy - tinh nhuệ". Trên thực tế, đây là sự ngụy biện nhằm phủ nhận quá trình hiện đại hóa trên nền tảng giữ vững tính Đảng, tính nhân dân, tính kỷ luật của quân đội.
Thứ ba, luận điệu phủ định hiệu quả của CĐS với luận điểm rằng "CĐS trong NTQĐ chỉ mang tính phong trào, làm để tuyên truyền, không có hiệu quả thực tế". Thủ đoạn này khai thác những tồn tại khách quan trong quá trình triển khai như hạ tầng chưa đồng bộ, kỹ năng công nghệ chưa cao, nhằm kết luận sai lệch rằng CĐS là hình thức, không có giá trị thực tiễn. Thực chất, đây là sự đánh tráo bản chất, đánh đồng giữa khó khăn ban đầu với cả tiến trình dài hạn.
Thứ tư, một số luận điệu còn lợi dụng tâm lý ngại thay đổi, thiếu tự tin về công nghệ của một bộ phận cán bộ, giảng viên để gieo rắc tư tưởng bảo thủ như: "giáo dục quân sự chỉ cần bám chắc truyền thống, không cần công nghệ"; hoặc "công nghệ làm phai nhạt tính kỷ luật, tính chiến đấu trong NTQĐ". Những quan điểm này tỏ rõ sự xuyên tạc chủ trương giáo dục hiện đại, cố tình chia tách giữa truyền thống và công nghệ, giữa chính trị và kỹ thuật, trong khi thực tế hai yếu tố này phải được kết hợp hài hòa để phát triển bền vững.
Thứ năm, các thế lực thù địch còn sử dụng mạng xã hội để lan truyền các thông tin bóp méo sự thật, cắt ghép các hình ảnh, phát ngôn sai lệch nhằm bôi nhọ những mô hình thí điểm CĐS trong quân đội. Chúng hướng đến mục tiêu tạo dư luận tiêu cực, kích động nghi ngờ và chống phá từ bên trong.
Tất cả những luận điệu sai trái nêu trên đều nhằm mục tiêu chung là phá hoại quá trình hiện đại hóa giáo dục quân sự, hạ thấp uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực này, đồng thời làm suy giảm niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vào năng lực tự chủ, tự cường công nghệ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do đó, việc nhận diện, vạch rõ bản chất và phản bác các luận điệu này là yêu cầu cấp thiết trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong NTQĐ hiện nay.
Phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và yêu cầu cấp bách của hiện đại hóa giáo dục quân sự, CĐS trong NTQĐ là xu thế tất yếu, đã được xác định rõ trong các văn kiện chiến lược của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Những luận điệu xuyên tạc, sai trái không chỉ phủ nhận tính đúng đắn của chủ trương CĐS, mà còn đi ngược lại xu hướng phát triển của thời đại. Do đó, cần phản bác một cách toàn diện các luận điệu này trên cơ sở lý luận, thực tiễn và pháp lý.
Thứ nhất, đối với luận điệu cho rằng CĐS là hình thức, xa rời thực tiễn, làm tăng gánh nặng hành chính, cần khẳng định rằng CĐS không làm phức tạp hóa mà đang từng bước giảm tải cho giảng viên, cán bộ quản lý. Việc ứng dụng hệ thống quản lý học tập (LMS), xây dựng ngân hàng câu hỏi điện tử, triển khai thi trực tuyến và thiết lập hệ thống báo cáo tự động… đã giúp rút ngắn quy trình quản lý, minh bạch hóa đánh giá, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian và nguồn lực. Theo thống kê từ một số NTQĐ, sau khi triển khai LMS, thời gian quản lý lớp học giảm từ 30% - 50% so với mô hình truyền thống. Những đánh giá chủ quan về sự "tăng gánh nặng" thực chất phản ánh sự lúng túng ban đầu về kỹ năng sử dụng công nghệ, không phải là khuyết điểm cố hữu của quá trình CĐS.
Thứ hai, phản bác luận điệu cho rằng CĐS sẽ dẫn đến "phi chính trị hóa" giáo dục quân sự, cần nhấn mạnh rằng CĐS trong Quân đội luôn gắn chặt với nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự của Đảng, tính Đảng - tính nhân dân - tính kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam. CĐS không thay thế nội dung chính trị tư tưởng mà chính là phương tiện để truyền tải sâu sắc, sinh động, hiệu quả hơn các giá trị chính trị. Các mô hình lớp học trực tuyến có thể lồng ghép giáo dục chính trị qua video, podcast, bài giảng tương tác; các hệ thống LMS giúp quản lý chặt chẽ việc học tập lý luận chính trị; thư viện số phục vụ học tập tài liệu Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh… là minh chứng cho việc CĐS tăng cường chứ không làm suy giảm nội dung chính trị tư tưởng trong quân đội.
Thứ ba, đối với quan điểm phủ định hiệu quả thực tiễn của CĐS, cần nhấn mạnh rằng CĐS đã và đang mang lại kết quả rõ nét trong công tác đào tạo. Nhiều NTQĐ đã triển khai mô hình lớp học kết hợp (blended learning), tổ chức thành công các kỳ thi trực tuyến, xây dựng kho học liệu số phục vụ tự học. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, CĐS đã giúp bảo đảm việc dạy và học không bị gián đoạn, một bằng chứng sinh động về tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao của mô hình giáo dục số. Việc phủ định toàn bộ hiệu quả của CĐS chính là sự phủ nhận thành quả đổi mới, đồng thời cản trở quá trình hiện đại hóa giáo dục quốc phòng an ninh.
Thứ tư, về luận điệu cho rằng công nghệ làm phai nhạt truyền thống quân sự, cần phân biệt rõ giá trị truyền thống và phương pháp truyền tải. Truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam là tài sản vô giá, nhưng cách tiếp cận, giảng dạy cần đổi mới để phù hợp với tư duy thế hệ trẻ. Việc sử dụng các công cụ số như video, bài giảng tương tác, trò chơi hóa (gamification), mô phỏng chiến thuật (simulation)… không làm mất đi truyền thống, mà giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn trong môi trường số hóa. Vấn đề là dùng công nghệ để truyền thống sống động hơn thay vì duy trì cách dạy học thụ động, khô cứng, không phù hợp với đặc điểm người học hiện nay.
Thứ năm, cần chỉ rõ rằng các chiêu trò cắt ghép hình ảnh, xuyên tạc phát ngôn về CĐS trên mạng xã hội là hành vi cố ý gây nhiễu loạn thông tin, phục vụ mục đích chống phá lâu dài. Các nội dung sai lệch này không chỉ thiếu cơ sở, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức thông tin, cần được kịp thời phản bác bằng các thông tin chính thống, minh chứng thực tiễn và tuyên truyền giáo dục có định hướng trong NTQĐ.
Tóm lại, những luận điệu sai trái về CĐS trong quân đội là sản phẩm của sự bóp méo thông tin, suy diễn phiến diện hoặc cố tình xuyên tạc nhằm mục đích chống phá. Việc nhận diện và phản bác các quan điểm này phải dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn giáo dục quân sự và định hướng chính trị rõ ràng. Cần phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, cán bộ chính trị trong đấu tranh bảo vệ tư tưởng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả CĐS để tăng "miễn dịch nhận thức" trong NTQĐ hiện nay.
Phát huy vai trò của nhà trường Quân đội
Nhà trường Quân đội là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quân đội có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và tư duy hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trong bối cảnh toàn quân đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS, nhà trường trở thành lực lượng đi đầu trong thử nghiệm, triển khai và lan tỏa mô hình giáo dục số. Việc vận dụng chủ trương CĐS trong giáo dục đào tạo không chỉ là yêu cầu tất yếu về chuyên môn, mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng cho cán bộ, giảng viên, học viên về bản chất, vai trò và ý nghĩa của CĐS. Trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái, NTQĐ cần chủ động tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, toạ đàm, hội thảo chuyên đề để nhận diện đúng bản chất của những quan điểm thù địch; đồng thời cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn nhằm củng cố niềm tin và ý thức cảnh giác cách mạng cho đội ngũ giảng viên trẻ. Các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân… cần tích cực tham gia định hướng nhận thức cho học viên, góp phần "miễn dịch tư tưởng" trước âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Hai là, tổ chức lồng ghép hiệu quả nội dung giáo dục chính trị tư tưởng trong tiến trình CĐS, bảo đảm không tách rời giữa nội dung và phương pháp giáo dục. Cần phát huy tính tích hợp giữa công nghệ và tư tưởng: sử dụng công cụ số (video tư liệu, hình ảnh tư tưởng Hồ Chí Minh, mô phỏng lịch sử quân sự) để truyền tải nội dung giáo dục truyền thống một cách sinh động, hiệu quả hơn. Việc triển khai các học phần lý luận chính trị, tư tưởng quân sự, lịch sử Đảng trong LMS cần bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ, tránh rập khuôn, hình thức, từ đó lan tỏa tư tưởng chính trị cốt lõi trong không gian mạng có kiểm soát.
Ba là, triển khai thực chất các mô hình dạy học kết hợp (blended learning), lớp học đảo ngược (flipped classroom), thi - kiểm tra đánh giá trực tuyến… theo hướng phù hợp với điều kiện, đặc thù của NTQĐ. Các mô hình này cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, có đánh giá thực nghiệm, lấy người học làm trung tâm, đồng thời vẫn giữ được nguyên tắc "chính quy trong tổ chức - chặt chẽ trong thực hiện". Thay vì triển khai dàn trải, NTQĐ cần lựa chọn ngành, môn học phù hợp để thí điểm trước, đánh giá hiệu quả rồi nhân rộng dần.
Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt và hệ thống hỗ trợ kỹ thuật làm lực lượng đầu tàu trong CĐS. Đây là lực lượng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn am hiểu công nghệ, có năng lực tổ chức mô hình dạy học số mẫu, tư vấn thiết kế bài giảng điện tử và đào tạo lại cho đồng nghiệp. Cần có chính sách bồi dưỡng chuyên sâu, giao nhiệm vụ cụ thể (xây dựng khóa học trên LMS, tổ chức hội thảo, hỗ trợ học thuật cho đồng nghiệp), đồng thời áp dụng cơ chế đãi ngộ phù hợp để khuyến khích đội ngũ này phát huy vai trò dẫn dắt.
Năm là, tiếp tục đầu tư và hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống học liệu số đồng bộ, thống nhất. Mỗi NTQĐ cần xây dựng kho học liệu điện tử riêng, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm chuẩn hóa, thư viện số có khả năng tích hợp vào hệ thống LMS. Ngoài ra, cần chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phòng chống rò rỉ thông tin và chống xâm nhập hệ thống, bảo vệ dữ liệu số trong môi trường quân sự.
Sáu là, đổi mới cơ chế đánh giá, thi đua và khen thưởng gắn với kết quả CĐS. Việc đánh giá năng lực giảng viên không chỉ dựa trên giờ giảng trực tiếp mà cần tính đến đóng góp vào hệ thống bài giảng số, sản phẩm công nghệ, sáng kiến cải tiến mô hình LMS hoặc hoạt động hỗ trợ đào tạo trực tuyến. Có thể xây dựng bộ tiêu chí đánh giá giảng viên theo hướng tích hợp công nghệ - sư phạm - chính trị, từ đó tạo động lực thúc đẩy giảng viên trẻ đổi mới phương pháp, tư duy và năng lực dạy học.
Bảy là, tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm giữa các NTQĐ. Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo xây dựng các mô hình điển hình, từ đó rút kinh nghiệm chung, ban hành hướng dẫn chuẩn về CĐS trong giáo dục quân sự. Các NTQĐ có thể phối hợp chia sẻ tài nguyên học liệu số, đồng tổ chức hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn và khai thác chung hệ thống công nghệ, một bước đi cần thiết để hình thành hệ thống số dùng chung trong toàn quân.
Chuyển đổi số trong giáo dục quân sự là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm hiện đại hóa NTQĐ. Trong quá trình triển khai, các thế lực thù địch đã tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc nhằm phủ nhận hiệu quả, bóp méo bản chất chính trị và gây hoài nghi trong cán bộ, giảng viên, học viên.Trên cơ sở nhận diện rõ bản chất và thủ đoạn của các luận điệu sai trái, việc phản bác cần dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc, đồng thời khẳng định: CĐS không làm phai nhạt bản chất cách mạng mà ngược lại, giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng trong môi trường hiện đại.Trong điều kiện hiện nay, các NTQĐ cần chủ động vận dụng CĐS gắn với nhiệm vụ chính trị trung tâm, nâng cao nhận thức, hoàn thiện hạ tầng, phát triển đội ngũ, kết hợp chặt chẽ giữa nội dung giáo dục chính trị và phương pháp công nghệ hiện đại. Đây cũng là một hình thức đấu tranh tư tưởng sắc bén, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong môi trường số, xây dựng Quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Thái Phi
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Tài liệu tham khảo
- 1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia,số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024, Hà Nội, 2024.
2. Bộ Chính trị, Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019,Hà Nội, 2019.
3. Bộ Quốc phòng, Quyết định phê duyệt "Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025", số 1676/QĐ-BQP,ngày 27/4/2019, Hà Nội, 2019.
4. Bộ Quốc Phòng, Kế hoạch về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030, số 4396/KH-BQP, ngày 04/11/2021, Hà Nội, 2021.
5. Bộ Tổng tham mưu, Kế hoạch CĐS trong giáo dục, đào tạo ở các NTQĐ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, số 588/KH-BTTM, ngày 04/3/2022, Hà Nội, 2022.
- 6. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, II, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
- 7. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS trong Quân đội, số 3488-NQ/QUTW, ngày 29/01/2025, Hà Nội, 2025.
- 8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định ban hành "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030", số 569/QĐ-TTg, ngày 11/5/2022, Hà Nội, 2022.