Từ khóa : Phát huy, nhận diện, luận điệu, xuyên tạc, di sản, Hồ Chí Minh, thanh niên.
1. Một số chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Để chống phá cách mạng Việt Nam, một trong những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch là ra sức xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh . Nhất là khi Đảng ta khẳng định, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì các thế lực thù địch càng ra sức chống phá. M ục đích chính của chúng là để chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đưa Việt Nam đi theo con đường khác con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính lịch sử dân tộc ta đã lựa chọn.
Có thể nói, trong nhiều thủ đoạn chống phá, là chúng tập trung “đánh” vào vào nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và vào giá trị tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, đó là “thần tượng” Hồ Chí Minh, với một hệ thống tư tưởng sâu sắc và toàn diện về con đường cách mạng Việt Nam và một nhân cách vĩ đại của dân tộc. Đây là một âm mưu, thủ đoạn rất thâm hiểm .
Mục đích của của các thế lực thù địch là nhằm phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh và những giá trị trong di sản của Người đối với cách mạng Việt Nam, mà chủ thể xuyên tạc chính là các đối tượng, đặc biệt là những phần tử cơ hội, thoái hóa chính trị ở trong nước, với những luận điệu xuyên tạc sau đây:
Thứ nhất, các thế lực thù địch cho rằng, Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng.Họ khẳng định rằng, chính Hồ Chí Minh không nhận mình là một nhà tư tưởng, mà chỉ thừa nhận là nhà tổ chức, hoạt động thực tiễn; hay Đảng Cộng sản Việt Nam trong ba bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 đều không đề cập đến “tư tưởng Hồ Chí Minh”, mà cụm từ này chỉ xuất hiện ở Đại hội VII (1991) của Đảng và Hiến pháp 1992 khi chủ nghĩa Mác-Lênin không còn phù hợp và Đảng “lúng túng, không biết làm sao tiếp tục tuyên truyền với đảng viên và dân chúng, liền vội quay qua cầu cứu Hồ Chí Minh lần nữa, đưa thêm “tư tưởng Hồ Chí Minh” tiếp theo sau chủ nghĩa Mác-Lênin” [1] . Một số người thì viện dẫn Hồ Chí Minh không có tác phẩm lý luận, mà Người chỉ ở những bài huấn thị, diễn văn, những lời kêu gọi... nhưng đều được trích đoạn, vay, mượn của người khác...
Thứ hai, họ cho rằng “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc”, nhằm tách rời với bản chất, cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Họ cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ nhấn mạnh đến đấu tranh dân tộc còn chủ nghĩa Mác - Lênin nhấn mạnh đến đấu tranh giai cấp, do vậy tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có giá trị trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, chứ không có giá trị đối với sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay. Thực chất là họ xuyên tạc, phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm tách tư tưởng Hồ Chí Minh với bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Mặt khác, việckhẳng định “tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc”, các thế lực thù địch muốn đồng nhất “chủ nghĩa dân tộc” trong tư tưởng của Người là chủ nghĩa dân tộc sô vanh, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mang bản chất của giai cấp tư sản. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Một thủ đoạn nữa là cùng với việc đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, lợi dụng sự sụp đổ ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các thế lực thù địch cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không còn phù hợp. Chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá, ở Việt Nam hiện nay chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh và đề cao thành chủ nghĩa Hồ Chí Minh. Đây là một luận điểm cũng nhằm tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Mục đích của những luận điểm đó là đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin.
Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm, vì làm như vậy là làm mất đi bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, để cô lập, làm suy yếu tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới là phủ định chính ngay tư tưởng của Người, làm suy yếu nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng, muốn Việt Nam thay đổi chế độ chính trị, thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, các thế lực thù địch cho rằng, không có tư tưởng về cách mạng xã hội chủ nghĩa hoặc nếu có thì cũng chỉ là lý thuyết, giáo điều. Họ gán cho Hồ Chí Minh là “người bị buộc phải gánh vác tư tưởng”. Họ cho rằng, Việt Nam đang “loay hoay không biết chỗ nào trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói rằng Việt Nam nên đi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập với quốc tế”, và “cứ mỗi ngành cụ thể người ta lại cố gán ghép một câu nói hay việc làm nào đó có liên quan của ông Hồ”. Họ kết luận: Chứng tỏ tư tưởng Hồ Chí Minh là “tập hợp những tư duy và cách làm lỗi thời và có nhiều hạn chế, không bắt kịp với đời sống không ngừng biến đổi hiện nay” [2] . Một số người xuyên tạc rằng, trong Di chúc của Hồ Chí Minh không hề nhắc đến con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, họ ngụy biện, vu cáo việc Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội là đi ngược lại ý nguyện của Hồ Chí Minh.
Thứ tư, các thế lực thù địch tập trung vào phê phán đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh nhằm mục đích “hạ bệ thần tượng”. Họ cho rằng: “Hồ Chí Minh là tội đồ của dân tộc”, “xét về đạo lý phổ cập Đông Tây thì suốt đời Hồ Chí Minh hành động phi đạo đức” (Đại Dương). Một số người đưa ra tuyên bố: “Mười đại tội ác của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam” (Le Duy San), “Tên phản quốc số một của thời đại” (Nguyễn Minh Phương), ““Bác” và đảng - cơn ác mộng của dân tộc Việt Nam” (danlambao), ... Ở đó, họ bịa ra sự kiện, con số, thời gian với những tình tiết “ghê sợ”, “rùng rợn” và trắng trợn quy kết cho đó là những việc làm của Hồ Chí Minh là phi đạo đức. Họ “quy chụp” Hồ Chí Minh với đủ thứ xấu xa như chủ mưu chỉ đạo các thuộc hạ bắt bớ giam cầm, tra tấn, đánh đập các đảng phái không cộng sản, những người nông dân, trí thức và đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh cơ cực, đói khổ, nghèo nàn, cùng quẫn. Họ ví “tai họa” của Xô viết Nghệ Tĩnh “gây cho xã hội nông thôn gấp nhiều lần và dai dẳng gấp bội sự đàn áp của thực dân”. Tai họa đó nhân lên qui mô cả nước với thời gian 60 năm và do đó Hồ Chí Minh phạm trọng tội “mang tính chất tội ác dai dẳng và có ý thức” [3] . Họ không từ những câu, chữ nào để thóa mạ Hồ Chí Minh như “sáu đức tính vĩ đại”: kẻ bán nước, dâm tặc, đạo văn, xảo quyệt, hỗn láo với tổ tiên - vô giáo dục, sát nhân (Kiêm Ái); “sáu bài học tập đạo đức”: đạo đức láo, xấc; đạo đức “tam vô”; đạo đức bịp; đạo đức giết người hàng loạt; đạo đức cắt nước và bán nước; đạo đức suy đồi; đạo đức “ngôn hành bất nhất” (Hồ Không); “mười sáu vụ lừa đảo lịch sử” (Cao Đắc Tuấn), v.v... Ở điểm khác, họ cực lực phủ nhận UNESCO có Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất. Họ gọi đó là “vụ nói dối lớn” về Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với đó, họ vu cáo đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh khi cho rằng, Người “mượn” tư tưởng vĩ nhân thế giới làm tư tưởng của mình, cóp sách, sửa thơ của người khác làm sách, thơ của mình, nhất là ở tập thơ Nhật ký trong tù. Vì thế, họ đi đến xuyên tạc khi cho rằng, đạo đức Hồ Chí Minh là gian xảo, láu cá hơn là lương thiện; làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một thất bại, khiến Việt Nam vẫn lạc hậu và sự nghiệp Hồ Chí Minh là “nhốt cả dân tộc vào cái rọ chuyên chính vô sản về mặt chính trị, và đem lại nghèo đói, lạc hậu, nhân tâm ly tán, xã hội băng hoại, đạo lý suy đồi, về mặt kinh tế xã hội” (Lữ Phương, Nguyễn Văn Trần).
Một chiều hướng khác, các thế lực thù địch lại chuyển sang xuyên tạc chủ trương học tập và làm theo Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam “chỉ muốn lợi dụng” Hồ Chí Minh để “làm bung xung cho ý muốn tham quyền cố vị và đi ngược lại quyền lợi của đất nước” (Tiến Hồng). Nhiều người lập luận: “Bản thân tấm gương đạo đức của Cụ Hồ cao đẹp, hấp dẫn đến như thế mà vẫn không đủ sức ảnh hưởng, thấm sâu vào ngay các đồng chí, học trò gần gũi chung quanh mình, thì làm sao ảnh hưởng tới được đông đảo cán bộ và nhân dân bên dưới?” hay trong bối cảnh thực trạng suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên mà cứ “kêu gọi “đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách hình thức và nhàm chán, một khi “trái núi chỉ đẻ ra những con chuột” tham nhũng thì dễ biến thành một trò hề, hơn nữa còn là một sự nhạo báng đối với Cụ” (Lê Kỳ Sơn).
Những luận điệu của các thế lực thù địch là để đả kích, xuyên tạc di sản tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức cách mạng của Người để “hạ bệ thần tượng”; lung lạc những người nhẹ dạ, cả tin và phủ nhận những giá trị cơ đúng đắn và sáng tạo trong di sản của Người, nhằm phá hoại và làm thay đổi nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam… Những quan niệm sai lầm này cho thấy sự thiển cận của những người không hiểu và cố tình không hiểu rằng, chỉ khi tìm thấy và lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh mới tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại, để lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh. Hệ thống quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về mục tiêu, con đường, phương pháp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới ở Việt Nam là cơ sở cho đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suôt quá trình xây dựng và phát triển. Hồ Chí Minh đã nêu bật tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với Đảng: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [4] . Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác - Lênin là “cẩm nang thần kỳ”, “trí khôn” của Đảng ta. Nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin “làm cốt” là sự khái quát cô đọng, súc tích và đặc sắc của Hồ Chí Minh về giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin với vai trò là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng.
Một điều có thể khẳng định, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã thực hành trọn vẹn năm điều cao cả, lớn lao: Thực hành lý luận; thực hành dân chủ; thực hành dân vận; thực hành đại đoàn kết và thực hành đạo đức. Ở Hồ Chí Minh, nói đạo đức gắn liền với thực hành đạo đức, các nguyên lý đạo đức thống nhất chặt chẽ với đạo đức đời thường, làm cho Người trở thành một tấm gương đạo đức trong sáng, không gợn một vết bụi, kết đọng lại thành giá trị ổn định, bền vững mang dấu ấn phong cách tư tưởng điển hình – tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn lớn lao trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam và vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay.
2. Vai trò của thanh niên trong đấu tranh phản bác lại chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay
Thanh niên Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử luôn giữ vai trò quan trọng, luôn thể hiện tinh thần xả thân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và luôn là lực lượng quan trọng trong thời kỳ kiến thiết đất nước. Thanh niên Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc luôn phát huy truyền thống của dân tộc, luôn nêu cao tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích, đi đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng và đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, Người cho rằng, thanh niên là những người “xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” và “trong mọi công việc, thanh niên thi đua thực hiện khẩu hiệu “Đâu cần, thanh niên có; việc gì khó, thanh niên làm”.
Người cho rằng, đoàn viên, thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến thanh niên, Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, phần lớn là do thanh niên, thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cho cái tương lai đó” [5] . Người cho rằng thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già; là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai - tức là các cháu nhi đồng, vai trò này vô cùng quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc và của giai cấp công nhân. Thanh niên Việt Nam với đặc tính trẻ trung, năng động, sáng tạo, nhạy bén ngày càng chứng tỏ vai trò của mình, luôn là lực lượng xung phong trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử đã làm cho đất nước ta có được cơ đồ và tiềm lực uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay, không thể không nói đến sự đóng góp to lớn của lực lượng thanh niên.
Tuy nhiên hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế sự phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng quá trình phát triển kinh tế thị trường sẽ tạo ra những thách thức đối với thanh niên về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ lẫn, tay nghề, bản lĩnh và tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm, lối sống của thanh niên. Sự chống phá của các thế lực thù địch với âm mưu xóa bỏ những thành quả của chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chia rẻ khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta. Mục tiêu của thế lực thù địch là luôn nhằm vào thanh niên, coi đây là đối tượng dễ lung lạc để dùng các thủ đoạn kinh tế, chính trị và văn hóa tác động làm biến chất, tạo mầm mống chống đối chế độ; ra sức lôi kéo, tha hóa thanh niên, kích động thanh niên tham gia các hoạt động gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị đất nước. Các hình thức chống phá của các thế lực thù địch rất đa dạng, tinh vi, trong đó có việc thâm nhập vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội sinh viên nhằm phá vỡ các tổ chức này; sử dụng internet để phát tán các ấn phẩm, video clip xấu độc xuyên tạc về Hồ Chí Minh, văn hóa đồi trụy, phản động vào trong đời sống tinh thần của thanh niên trên các trang mạng, facebook, tiktok… Vì vậy, để nâng cao vai trò của thanh niên trong nhận diện và chủ động đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc một cách có hiệu quả là góp phần bảo vệ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng của Đảng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn xác định rõ việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh là nội dung công tác cơ bản, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi tổ chức đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Chính vì thế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy vai trò xung kích trong công tác tuyên truyền như: tích cực truyền tải những thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt, những câu truyện nhân văn, giàu ý nghĩa với thanh niên trên các không gian mạng, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; hoặc tích cực đọc và sưu tầm và chia sẻ các bài viết hay, có ý nghĩa về Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mặt khác, tích cực xử lý nhanh các thông tin xấu độc trên không gian mạng, làm tốt vai trò của mỗi đoàn viên thanh niên, nâng cao nhận thức, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trước những thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên mạng xã hội; quán triệt và thực hiện quan điểm gắn “xây” với “chống” trong công tác xây dựng Đoàn và Đoàn tham gia xây dựng Đảng; trong đó, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách. Trên cơ sở đó, các cấp bộ Đoàn tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung, trong nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, đem lại những kết quả tích cực, góp phần thực hiệnNghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới
3. Giải pháp cơ bản phát huy vai trò của thanh niên trong đấu tranh phản bác lại chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh
Để tiếp tục nâng cao vai trò của thanh niên trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về bản chất cách mạng và khoa học, ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục làm rõ những giá trị to lớn, ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc của di sản Hồ Chí Minh.Di sản Hồ Chí Minh thể hiện tầm cao trí tuệ, tấm lòng vì dân vì nước, tầm nhìn sâu rộng về những vấn đề chiến lược của cách mạng, về sự chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng. Do đó, chúng ta cần tiếp tục làm rõ tính khoa học và cách mạng, giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định một cách rõ ràng giá trị lý luận và thực tiễn của những quan điểm khoa học và cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tư tưởng của Người đã được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, minh chứng là hoàn toàn đúng đắn, thực sự là nền tảng tư tưởng của Đảng và nhân dân ta.
Hai là , tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên nâng cao nhận thức cho thanh niên về nhiệm vụ bảo vệ, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh; về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm chống phá Việt Nam, để từ đó thúc đẩy thanh niên tự giác tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh. Tiếp tục phát huy thế mạnh của các kênh thông tin, đặc biệt là tăng cường xây dựng các trang web, diễn đàn trên mạng xã hội để đăng tải các tin, bài viết nhằm tuyên truyền về vị trí, tầm quan trọng của di sản Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ba là , tăng cường giáo dục , bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho sinh viên trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học và ý nghĩa thời đại của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần tăng cường giáo dục cho thanh niên những kiến thức về chủ nghĩa Mác – Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giáo dục để thanh niên thấy rõ những thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của học thuyết Mác - Lênin, di sản Hồ Chí Minh và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng và nhân dân ta trong thực hiện di sản tư tưởng của Người suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta đã từng bước đấu tranh theo hướng này và có hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc khẳng định những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà nhân dân ta thực hiện theo tư tưởng của Người vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa; khẳng định rõ những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có được những thành tựu đó là bởi Đảng và nhân dân ta luôn trung thành, kiên định và vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng. Ngoài ra, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ năng cho thanh niên về việc nhận diện và đấu tranh chống lại những quan điểm xuyên tạc Hồ Chí Minh. Chúng ta cần nhìn nhận và xem xét vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch một cách thực tế, thấu đáo, hiện thực và phù hợp hơn. Cần thực hiện đúng theo phương châm “thêm bạn, bớt thù” mà Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn trong đấu tranh phản bác, phải có sách lược đúng đắn, xem xét từng đối tượng cụ thể trong đấu tranh. Điều quan trọng là, phải biết cách đấu tranh, bác bỏ phù hợp với từng đối tượng, trên từng luận điểm sai trái, trên từng phương tiện truyền thông; nghiên cứu kỹ quan điểm sai trái, thù địch mà bài viết đấu tranh phản bác. Đồng thời, nắm chắc nội dung, ý đồ tư tưởng, dụng ý, mưu đồ, các góc độ ảnh hưởng và tác động của quan điểm sai trái, thù địch, nắm vững hoàn cảnh, bối cảnh và lực lượng cụ thể đưa ra quan điểm đó. Từ đó, sử dụng đúng cả về lý luận, luận cứ và bút pháp đấu tranh, nâng cao chất lượng bài đấu tranh, phản bác; vạch rõ tính chất phản khoa học, phi lịch sử, phản động về chính trị, tính chất sai trái, thù địch và sự nguy hiểm của các quan điểm sai trái, xuyên tạc di sản Hồ Chí Minh. Khắc phục mọi biểu hiện đấu tranh qua loa, chỉ hô hào chung chung, hời hợt. Đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc di sản Hồ Chí Minh không phải chỉ để phản bác, mà điều quan trọng còn phải nhằm trực tiếp phục vụ cho yêu cầu chính trị, tư tưởng cụ thể ở thời điểm viết bài, bảo vệ được những giá trị của di sản của Người. Phải vạch rõ tính chất phản khoa học, vô căn cứ của các quan điểm sai trái, xuyên tạc. Nếu không làm rõ được tính chất phản khoa học của các quan điểm sai trái, xuyên tạc; không chỉ ra được cụ thể quan điểm sai trái về di sản Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng ở chỗ nào hoặc chỉ ra một cách chung chung thì bài đấu tranh thiếu sức thuyết phục, không hiệu quả
Bốn là , Cần có cơ chế, chính sách trong việc huy động thanh niên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học và ý nghĩa thời đại của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, nhìn chung những điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ trên còn nhiều hạn chế như chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu về vật chất, tinh thần thỏa đáng để thu hút đông đảo lực lượng thanh niên tham gia đấu tranh. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong đấu tranh với các thế lực thù địch phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học và ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động thanh niên tham gia, như: đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật để phục vụ việc rà quét, phát hiện, bóc gỡ, xử lý các thông tin xuyên tạc, sai trái; có cơ chế tài chính, cơ chế đảm bảo an toàn cho thanh niên khi thực hiện nhiệm vụ này
Năm là , đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thanh niên.Học tập và làm theo phong cách của Người nhằm mục đích làm thanh niên không ngừng rèn luyện để hoàn thiện về phẩm chất và nhân cách của của mình đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Việc học tập và rèn luyện đó sẽ giúp cho mỗi thanh niên phát huy ưu điểm khắc phục khuyết điểm để không ngừng tiến bộ và phát triển được nhân dân tin yêu, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đây là tình cảm, trách nhiệm của mỗi thanh niên đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đồng thời, việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động này góp phần đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc bản chất cách mạng và khoa học và ý nghĩa thời đại của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. /.
PGS, TS. Doãn Thị Chín
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Gia Phụng (2007), Lại chuyện đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh , tại trang http://www.geocities.ws/xoathantuong/tgp_ddtthcm.htm .
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.
3. Hội đồng lý luận Trung ương: Luận cứ phê phán các quan điểm sai trái thù địch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.13-14.
4.http://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/tang-cuong-ky-nang-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-tren-mang-xa-hoi-o-cac-truong-trong-quan-doi-hien-nay-544443.html.
5. Võ Nguyên Giáp (2015), Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi. Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.97.
6. Nhượng Tống (2009), Người bị buộc phải gánh vác tư tưởng , tại trang http://www.geocities.ws/xoathantuong/nt_nguoibuoc.htm
7. Bùi Tín (2006), Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam , tại trang http://www . geocities.ws/xoathantuong/btttvttvhcm.htm.
[1] Trần Gia Phụng (2007), “Lại chuyện đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh”, tại trang http://www.geocities.ws/xoathantuong/tgp_ddtthcm.htm.
[2] Nhượng Tống (2009), “Người bị buộc phải gánh vác tư tưởng”, tại trang http://www.geocities.ws/xoathantuong/nt_nguoibuoc.htm.
[3] Bùi Tín (2006), “Tâm tình với tuổi trẻ Việt Nam”, tại trang http://www. geocities.ws/xoathantuong/btttvttvhcm.htm.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.289.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2002, tr.185.
Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên tuyền