1. Vai trò của thanh niên trong học tập, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên"1. Thực tế lịch sử cách mạng cho thấy, thanh niên luôn giữ vị trí then chốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước. Ngày nay, thanh niên là lực lượng chủ lực và có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Thanh niên Việt Nam hiện nay sở hữu ưu thế về trình độ học vấn, tư duy sáng tạo và khả năng tiếp cận nhanh với các công nghệ mới, đồng thời không ngừng nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng những thành tựu khoa học vào thực tiễn đời sống và sản xuất. Trong hệ thống giáo dục đại học, viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc, đội ngũ sinh viên, học viên và các nghiên cứu viên trẻ luôn thể hiện vai trò tiên phong trong các hoạt động khoa học công nghệ. Họ là những người tích cực thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng cao, hướng tới giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhằm phát huy tối đa vai trò của thanh niên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ thiết thực. Chương trình "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia" (Techfest) là một trong những nền tảng quan trọng giúp thanh niên khởi nghiệp, giới thiệu sản phẩm công nghệ tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp dành riêng cho thanh niên như Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp hay Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ cũng được thành lập nhằm cung cấp nguồn vốn, đào tạo và tư vấn kỹ thuật cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, trong đó có thanh niên. Nhiều trường đại học đã xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên vừa học vừa nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ gắn liền với thị trường. Ngoài ra, Luật Thanh niên và các văn bản pháp luật liên quan cũng quy định các chính sách ưu đãi cho thanh niên tham gia nghiên cứu khoa học, khuyến khích họ tham gia các cuộc thi quốc tế để nâng cao trình độ và mở rộng mạng lưới hợp tác nghiên cứu. Các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức phong trào sáng tạo trẻ, tạo sân chơi bổ ích, nâng cao kỹ năng và tinh thần sáng tạo của thanh niên.
Chính vì thế, nhiều sản phẩm sáng tạo, đề tài nghiên cứu của thanh niên đã được đánh giá cao, đạt giải thưởng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế, qua đó khẳng định trí tuệ, năng lực và bản lĩnh của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Không chỉ là người sử dụng công nghệ, thanh niên còn là người tạo ra và vận hành công nghệ mới. Họ đang tiên phong trong khởi nghiệp số, phát triển phần mềm, ứng dụng AI, IoT, blockchain trong giáo dục, y tế, nông nghiệp, tài chính, logistics... Nhiều mô hình khởi nghiệp do thanh niên sáng lập đã thành công và trở thành hạt nhân lan tỏa, thúc đẩy cộng đồng và xã hội cùng tham gia chuyển đổi số.
Trong thời gian vừa qua, thanh niên Việt Nam đã khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thể hiện qua "6 dấu ấn" nổi bật như sau:
Thứ nhất, thanh niên tạo ra bước đột phá trong học tập, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Nhiều startup do giới trẻ dẫn dắt đã triển khai các dự án về trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ số với tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục triệu USD, ứng dụng AI trong phân tích dữ liệu y tế và phát triển nông nghiệp thông minh, góp phần tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu chi phí vận hành.
Thứ hai, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo do thanh niên thúc đẩy đã phát triển mạnh mẽ. Một số sản phẩm khởi nghiệp nổi bật như ví điện tử Momo, nền tảng quản trị doanh nghiệp Base.vn, hay nền tảng chia sẻ kiến thức Got It đã đạt được thành công ban đầu. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp công nghệ số do thanh niên làm chủ như Tiki.vn, Be Group, VNG Corporation cũng ghi dấu ấn rõ nét. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình và giải thưởng nhằm tôn vinh các ý tưởng sáng tạo, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. Trong thời gian qua, gần 1.600 hoạt động đã được triển khai, hỗ trợ khoảng 96.000 đoàn viên thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thực hiện thành công gần 59.000 ý tưởng, sáng kiến với tổng kinh phí hỗ trợ gần 111 tỷ đồng. Ứng dụng di động "Thanh niên Việt Nam" hiện có khoảng 11 triệu tài khoản sử dụng.
Thứ ba, thanh niên tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Hàng triệu bạn trẻ đã tham gia các khóa đào tạo kỹ năng số, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới. Hàng trăm nghìn tình nguyện viên trẻ góp sức hỗ trợ triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, thanh niên là lực lượng tiên phong sử dụng các nền tảng trực tuyến cho học tập từ xa, khám chữa bệnh từ xa, khai báo y tế và các hoạt động tình nguyện trực tuyến.
Thứ tư, giới trẻ đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đã số hóa dữ liệu các di sản văn hóa, địa chỉ đỏ và xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến giới thiệu nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương. Các nghệ sĩ trẻ kết hợp âm nhạc dân gian với nhạc đương đại đã thu hút lượng khán giả kỷ lục. Thủ tướng đã nhấn mạnh tác phẩm "Bắc Bling (Bắc Ninh)" như một ví dụ tiêu biểu, góp phần đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới đồng thời đón nhận tinh hoa văn minh nhân loại vào trong nước.
Thứ năm, thanh niên tích cực tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế. Mỗi năm, hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam tham gia các chương trình trao đổi quốc tế, thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác học thuật và du học. Nhiều nhà khoa học trẻ đã có những nghiên cứu ứng dụng thực tiễn được cộng đồng quốc tế công nhận.
Thứ sáu, trong các hoạt động tình nguyện, thanh niên đã tận dụng chuyển đổi số một cách hiệu quả. Nhiều mô hình tình nguyện gắn liền với chuyển đổi số được phát triển như Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, Tổ công nghệ số cộng đồng, Mạng lưới trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới, và Đội hình tình nguyện "Bình dân học vụ số".
Năm 2024, hơn 20 triệu lượt đoàn viên, thanh niên đã tham gia các chương trình tình nguyện. Đồng thời, nhiều sáng kiến về năng lượng tái tạo và mô hình kinh tế tuần hoàn do thanh niên khởi xướng đang được nhân rộng và phát huy hiệu quả.
Những sáng kiến, sản phẩm khoa học công nghệ của thanh niên không chỉ nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện đời sống mà còn góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Từ những ý tưởng xuất phát ban đầu, với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa, tạo ra giá trị kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
2. Vượt qua thách thức, kiến tạo tương lai
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang gặp những trở ngại lớn mà trong Nghị quyết Nghị quyết 57-NQ/TW đã chỉ rõ: "tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức"2. Đây là trở ngại, bất cập chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Riêng đối với thanh niên Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, "lực cản" lớn trong bối cảnh quốc tế, trong nước dưới tác động của quá trình số hoá và cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính 5 thách thức chủ yếu đó là:
"(1) Nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chưa nhiều, một bộ phận chất lượng chưa cao;
(2) Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động khi khoa học công nghệ hiện đại dần thay thế con người trong một số lĩnh vực;
(3) Sự chuyển dịch về lực lượng lao động toàn cầu;
(4) Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam vẫn đối diện nhiều rào cản, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số còn chưa được đầu tư đúng mức;
(5) Hạn chế, bất cập về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu cá nhân và bảo vệ chủ quyền trên không gian số…"3. Để vượt qua những thách thức, trở ngại trên; đồng thời phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cần tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần trách nhiệm của thanh niên trong thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW
Theo đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị quyết 57-NQ/TW đến thanh niên bằng các hình thức phù hợp, hiện đại, hiệu quả. Cần nhấn mạnh rằng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là trách nhiệm và cơ hội để thanh niên thể hiện vai trò, trí tuệ, bản lĩnh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức Đoàn, Hội, cơ sở giáo dục, đơn vị quân đội, doanh nghiệp… cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền Nghị quyết thông qua các hình thức phong phú như diễn đàn thanh niên, tọa đàm, hội thi tìm hiểu nghị quyết, các chiến dịch truyền thông số, video ngắn trên mạng xã hội… Hơn nữa, chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi dưỡng ý thức công dân, tinh thần trách nhiệm với đất nước cho thanh niên gắn với định hướng phát triển khoa học - công nghệ. Cần khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, năng lực tư duy sáng tạo và niềm tin chính trị vững vàng trong thanh niên. Qua đó, giúp họ xác định rõ vai trò tiên phong của mình trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu lớn của Đảng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tạo môi trường để thanh niên rèn luyện và hành động. Từ các mô hình thanh niên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia mạng lưới công nghệ số cộng đồng, đến các sân chơi đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data… đều phải được triển khai sâu rộng. Đồng thời, phát hiện và tuyên dương những điển hình tiên tiến để tạo động lực thi đua, lan tỏa tinh thần trách nhiệm và ý chí chính trị trong giới trẻ.
Hai là, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao
Do đó, cần đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng gắn lý thuyết với thực hành, tăng cường tính ứng dụng và trải nghiệm thực tiễn cho người học. Các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cần được cập nhật sát với nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, tự động hóa, fintech, an ninh mạng, dữ liệu lớn… Từ đó giúp thanh niên vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Thúc đẩy mô hình hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo sự kết nối giữa đào tạo và nhu cầu thực tế. Các chương trình đào tạo thực tập, thực tế, liên kết sản xuất, đào tạo , nghiên cứu cần được mở rộng quy mô, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chủ động tham gia quá trình đào tạo nhân lực trẻ. Qua đó, thanh niên có điều kiện tiếp cận môi trường làm việc thực tế, tích lũy kinh nghiệm, hiểu rõ yêu cầu chuyên môn và văn hóa doanh nghiệp. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các trung tâm đào tạo chuyên sâu, học viện công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho thanh niên. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, cần tập trung bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, chuyên gia đầu ngành có trình độ quốc tế, sẵn sàng đồng hành cùng thanh niên trong hành trình khám phá và làm chủ công nghệ mới. Đặc biệt, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, thông qua các chương trình trao đổi học thuật, cấp học bổng cho thanh niên tài năng, cử nhân lực trẻ đi đào tạo ở các trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới là một hướng đi thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho trí thức trẻ Việt Nam.
Ba là, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên
Đây là giải pháp mang tính chiến lược để phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo của thanh niên trong công cuộc phát triển kinh tế tri thức và hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường. Theo đó, cần xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo dành riêng cho lực lượng trẻ. Hệ sinh thái này phải có sự hiện diện đầy đủ của các thành phần như: trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, mạng lưới cố vấn - huấn luyện viên (mentor) và các nền tảng kết nối cộng đồng khởi nghiệp. Cùng với đó, cần triển khai các chương trình truyền thông, truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên, đặc biệt trong các trường đại học, cao đẳng và khu vực nông thôn, miền núi. Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các cấp cần chủ động giữ vai trò dẫn dắt, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp bằng những hành động thiết thực, như: tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, diễn đàn kết nối thanh niên với nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp; tư vấn thủ tục pháp lý; hỗ trợ kỹ năng quản trị và phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về miễn, giảm thuế; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính... dành cho các dự án khởi nghiệp do thanh niên làm chủ, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo. Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo chính là đầu tư cho tương lai của đất nước.
Bốn là, bồi dưỡng kỹ năng số và kỹ năng mềm cho thanh niên
Bồi dưỡng kỹ năng số và kỹ năng mềm cho thanh niên không chỉ giúp họ nắm bắt cơ hội trong thời đại số, mà còn là bước chuẩn bị căn cơ để hình thành lớp thanh niên Việt Nam bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng làm chủ tương lai và đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển đất nước. Vì vậy, cần xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số một cách toàn diện, linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng vùng, miền và nhóm đối tượng thanh niên. Nội dung đào tạo cần bao gồm kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các công cụ số, an toàn an ninh mạng, kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu, cũng như khả năng ứng dụng công nghệ trong công việc, học tập và đời sống. Song song với đó, cần đặc biệt chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm như: tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, khả năng thích ứng và đổi mới sáng tạo. Việc ứng dụng các nền tảng đào tạo trực tuyến, xây dựng thư viện số, học liệu mở và tài nguyên học tập số hóa là giải pháp hiệu quả nhằm mở rộng cơ hội học tập, nâng cao năng lực tự học, tự đào tạo của thanh niên. Ngoài ra, việc tổ chức các cuộc thi, sân chơi học thuật, diễn đàn công nghệ cũng góp phần tạo môi trường rèn luyện kỹ năng thực tiễn và khơi dậy tinh thần học hỏi không ngừng.
Kết luận
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam cho Việt Nam trong việc tạo ra bước đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc phát huy vai trò của thanh niên chính là yếu tố mang tính quyết định để hiện thực hóa mục tiêu đó. Với niềm tin vào thế hệ trẻ cùng sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, thanh niên Việt Nam sẽ là lực lượng tiên phong đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, sánh vai với các cường quốc năm châu trong kỷ nguyên mới.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr.216.
2. Xem toàn văn: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn.
3. Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Thanh niên phải sáng tạo, chủ động triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, https://vneconomy.vn.
Th.s Hoàng Thanh Dương, Trường Đại học Nguyễn Huệ