Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan trẻ trong quân đội theo tinh thần “7 dám”

Thứ hai, 07/10/2024 - 11:07

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan trẻ là điều vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của Quân đội. Đặc biệt, đối với đội ngũ sĩ quan trẻ hiện nay theo tinh thần “7 dám” thể hiện ở tư duy đổi mới, bứt phá, nhằm khai thông, mở lối để đạt hiệu quả tối ưu trước một vấn đề, công việc nào đó, nhất là cái mới, việc mới. Từ đó, tạo ra cách làm mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, trên cương vị, chức trách. Vì vậy, để phát huy tốt được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan trẻ theo tinh thần “7 dám” cần được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình công tác và từng bước tích lũy kinh nghiệm để có phương pháp làm việc hiệu quả cao nhất

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: "Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám" (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung)". Chỉ đạo của người đứng đầu Đảng và Quân ủy Trung ương về cán bộ quân đội "7 dám", cao hơn một mức so với "6 dám" của đội ngũ cán bộ nói chung là rất đúng đắn, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của quân đội, đồng thời xuất phát từ thực tế đang đòi hỏi. Như cố Tổng Bí thư phân tích và yêu cầu: "Gần đây, chúng ta nói nhiều đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tôi yêu cầu trong quân đội tuyệt đối không để tình trạng này xảy ra, bởi người cán bộ, chỉ huy quân sự mà thiếu quyết đoán, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì sẽ bỏ lỡ thời cơ, dẫn đến thất bại trong xử trí các tình huống. Cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị...". Đây là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa xuyên suốt đối với cán bộ quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Người chỉ rõ: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Cách đây 62 năm, trong "Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên" ngày 13-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm". Người đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: "Khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung". Quán triệt tinh thần đó, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 "Về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", trong đó yêu cầu "cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung".

Đội ngũ sĩ quan trẻ là một bộ phận sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là lực lượng kế cận, kế tiếp đội ngũ sĩ quan cấp chiến dịch, chiến lược trong xây dựng, phát triển Quân đội; có tuổi đời dưới 35, cấp bậc quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá; là lực lượng chính trong tổ chức, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và thực thi nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Vai trò đó đòi hỏi đội ngũ sĩ quan trẻ trong Quân đội phải có trình độ, năng lực toàn diện, phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng. Đặc biệt hơn, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, văn hóa ngoại lai, các tệ nạn xã hội gia tăng rất dễ lôi kéo sĩ quan trẻ tham gia; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch cũng đang có những tác động tiêu cực đến đội ngũ sĩ quan trẻ.

Tuy nhiên, đứng trước những thử thách, va chạm thực tiễn, do tác động từ nhiều yếu tố, một bộ phận cán bộ, sĩ quan trẻ vẫn còn tâm lý "chông chênh", do đó cần tiếp tục hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để từ đó có chủ trương, giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót thật hiệu quả, thời gian qua, bên cạnh những cán bộ có phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đặc biệt là cán bộ, sĩ quan trẻ chưa có đủ "7 dám", nhất là việc dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung - những phẩm chất quan trọng hàng đầu của cán bộ quân đội.

Thời gian qua, vì nhiều lý do, mà đâu đó còn một số ít cán bộ với tuổi đời và cương vị công tác khác nhau có thời điểm trách nhiệm trong công việc còn hạn chế. Biểu hiện như: Còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, nói chưa đi đôi với làm; thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm, tranh công đổ lỗi; đường mòn lối cũ, thiếu linh hoạt, sáng tạo; so bì hơn thiệt, chọn việc, chọn vị trí, ngại khó khăn, gian khổ; sa vào chủ nghĩa cá nhân, thu vén lợi ích cho bản thân... Những biểu hiện tiêu cực trên ảnh hưởng rất lớn đến bản chất, truyền thống, hình ảnh người cán bộ Quân đội. Làm suy giảm sự đoàn kết thống nhất, sức mạnh chiến đấu, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Thực tế hiện nay, công tác quản lý, chỉ huy đơn vị của cán bộ cơ sở chịu rất nhiều áp lực, cường độ công việc lớn, yêu cầu cao, kinh tế gia đình khó khăn, giải quyết các mối quan hệ xã hội, nhất là đối với đội ngũ sĩ quan trẻ trong khi tuổi quân và tuổi đời chưa nhiều, kinh nghiệm còn có sự hạn chế nhất định, phong cách, phương pháp quản lý quân nhân thuộc quyền còn chưa phong phú... tạo ra nhiều lo lắng, áp lực lớn đối với mỗi cá nhân. Nếu không dám đương đầu với khó khăn thử thách, đề cao trách nhiệm của bản thân, dễ dẫn đến chùn bước, nản chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, mỗi cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, học tập nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện, đề cao tinh thần, trách nhiệm đối với công việc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, người cán bộ trong quân đội dù ở cương vị nào cũng cần phải hội tụ đầy đủ bốn phẩm chất, đó là: Đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm. Trong đó đề cao vai trò trách nhiệm, không chỉ để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của bản thân, mà mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm với tập thể, cộng đồng. Trách nhiệm vừa là động lực, vừa là "bánh lái" giúp mỗi cán bộ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan trẻ theo tinh thần "7 dám" cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về tinh thần "7 dám" ở mọi tổ chức cơ sở đảng, nâng cao tinh thần cách mạng, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ sĩ quan trẻ. Quán triệt Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về xây dựng Quân đội "tinh, gọn, mạnh, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Trên cơ sở quan điểm của Đảng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đặc biệt quan điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, đặc biệt, bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân vừa qua. Chính vì vậy, cần xây dựng đội ngũ sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam theo tinh thần "7 dám" hiện nay.

Thứ hai, khích lệ, tạo điều kiện, động viên để đội ngũ sĩ quan trẻ có thể thực hiện được tinh thần "7 dám". Trước hết, đối với đội ngũ sĩ quan trẻ trong quá trình công tác cần tích lũy kinh nghiệm, có phương pháp làm việc hiệu quả, chịu khó tìm tòi đổi mới sát với thực tiễn của đơn vị. Tất cả nhằm mục đích đưa bản thân và tập thể phát triển đi lên. Đó là "dám nghĩ"; Hai là, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác của bản thân "Dám nói" thể hiện sự chín muồi trong suy nghĩ và thẳng thắn, cương trực của cán bộ. Quân đội là một tổ chức chặt chẽ, hoạt động theo nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Khi cá nhân có ý kiến đóng góp xây dựng đơn vị, cần trình bày trước tập thể để bàn bạc, đi đến thống nhất; Ba là, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ đột xuất, khó khăn, gian khổ cần có những đề xuất kịp thời, cụ thể, biết bảo vệ chính kiến của mình trước tập thể để thực hiện nhiệm vụ được giao "Dám làm" thể hiện tinh thần xung kích, quyết tâm thực hiện bằng được vấn đề mình đề xuất; khi tập thể thống nhất sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể. Khi ý kiến của cá nhân được giải quyết, đơn vị đoàn kết thực hiện đạt kết quả cao, đồng thời tạo mối quan hệ gắn kết giữa tập thể và cá nhân; Bốn là, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đối với đội ngũ sĩ quan trẻ cần "Dám chịu trách nhiệm" thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người "đứng mũi chịu sào" trước mọi "sóng to, gió cả" trên cương vị là người cán bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của cấp trên giao phó; Năm là, tích cực, chịu khó, đề cao sáng tiến cải tiến, cải tạo,"Dám đổi mới sáng tạo": Đổi mới là thay cái cũ hoặc làm cho cái cũ trở nên tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Cán bộ, sĩ quan trẻ trẻ sáng tạo là người đưa ra những ý tưởng, sáng kiến ứng dụng vào thực tế, mang lại lợi ích cho đơn vị. Đổi mới sáng tạo là một chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ giữa 2 thành tố: Đổi mới và sáng tạo. Đổi mới phải sáng tạo và sáng tạo hàm chứa đổi mới phải phù hợp với điều kiện thực tiễn; Sáu là, đội ngũ sĩ quan trẻ có bản lĩnh vững vàng qua quá trình đào tạo, rèn luyện tại các Học viện, Nhà trường trong Quân đội. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ "Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung". Xem xét ở một khía cạnh nhất định, đối với cán bộ, sĩ quan trẻ, đa số vẫn còn sự nóng vội, bồng bột, còn ngại khó khăn, thử thách, đâu đó vẫn còn cái tôi cá nhân rất lớn. Tuy nhiên, môi trường Quân đội là môi trường đặc thù, có tính tập thể cao và luôn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do đó, đứng trước khó khăn, người cán bộ, sĩ quan trẻ phải luôn sáng suốt và tỉnh táo, có chính kiến riêng và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách; Bảy là, bản thân cán bộ, sĩ quan trẻ phải biết hành động vì lợi ích tập thể, không lợi dụng quyền lực, chức trách được giao phó để thu vén, trục lợi cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích chung.

Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh để phát huy được vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan trẻ. Để hiện thực yêu cầu "7 dám" trước hết đòi hỏi phải có sự nỗ lực tự thân của mỗi người, thế nhưng, việc tạo ra môi trường, điều kiện, cơ chế, chính sách thuận lợi để cán bộ, sĩ quan trẻ quyết tâm thực hiện "7 dám" lại là vấn đề cần sự vào cuộc đồng bộ của mọi cấp, mọi ngành, nhất là đối với hệ thống cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quá trình đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta cho thấy, rất nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong Quân đội có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung... đã để lại dấu ấn đặc biệt đối với tổ chức và nhân dân. Không ít cán bộ, sĩ quan trẻ trở thành tấm gương sáng về đức hy sinh cho lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước. Đó là kết quả từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng nói chung, Đảng bộ Quân đội nói riêng; cũng là thành quả giáo dục, rèn luyện cán bộ, sĩ quan trẻ của mỗi tổ chức trong Quân đội. Bên cạnh đó, nhất là ở cấp cơ sở, chính sự thiếu thống nhất trong nhận thức vận hành cơ chế, hay sự khô cứng, áp đặt trong công tác quản lý bộ đội, nhất là các biểu hiện mệnh lệnh hóa, hành chính hóa... đã vô hình trung tạo ra môi trường bất lợi, thậm chí là bó buộc, triệt tiêu sức sáng tạo, bầu nhiệt huyết và lòng can đảm của không ít cán bộ, sĩ quan trẻ. Đó chính là những rào cản gây khó cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ "7 dám" trong thời gian tới. Vì vậy, đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần có những biện pháp thích hợp và những hoạt động mang tính đặc thù đối với đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ, kịp thời, biểu dương, giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi sĩ quan trẻ trong thực hiện tinh thần "7 dám". Phát huy mạnh mẽ tinh thần "7 dám" có nghĩa là mỗi cán bộ, sĩ quan trẻ phải luôn luôn tiên phong trên mọi lĩnh vực hoạt động quân sự; xung kích thực hiện các nhiệm vụ chính trị; cũng như làm chủ khoa học-công nghệ, làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện có của đơn vị, Quân đội; phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đơn vị góp phần xây dựng Quân đội theo hướng "tinh, gọn, mạnh"; bảo đảm xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra. Đồng thời, cá nhân mỗi sĩ quan trẻ phải phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ; luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng sự nghiệp cách mạng của Đảng, Tổ quốc và nhân dân đã lựa chọn. Trong bất luận trường hợp nào cũng cương quyết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho với tinh thần giương cao truyền thống anh hùng và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không ngại khó khăn, gian khổ để hoàn thành các nhiệm vụ.

Tóm lại, để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ sĩ quan trẻ theo tinh thần "7 dám", trước hết phải có một môi trường cởi mở, gắn bó, đoàn kết, trên dưới đồng lòng là điều kiện quan trọng để giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, sĩ quan trẻ. Đây là một bước trong hành trình rèn luyện đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ giúp cho sĩ quan trẻ thêm tự tin, khơi dậy nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhận rõ niềm vinh dự, tự hào để từ đó, phát huy sức trẻ, tính năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cấp trên quan tâm cấp dưới, động viên, chia sẻ từ những việc nhỏ nhất sẽ không chỉ rèn luyện cán bộ, sĩ quan trẻ mà còn tạo nên sức mạnh của cả tập thể trong thực hiện "dám nghĩ, dám nói, dám làm". Mỗi người cán bộ đều "dám nghĩ, dám nói, dám làm" sẽ tạo nên tập thể luôn khắc phục được mọi khó khăn, luôn tìm tòi ra những giải pháp tiết kiệm nhất nhưng hiệu quả nhất trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó sẽ góp phần thiết thực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2023), Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Hà Nội, ngày 29/9/2023.

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, tập 5, tr.309, Hà Nội.

3. Nguyễn Phú Trọng (2023), Phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025, (ngày 03/7/2023). https://baochinhphu.vn, ngày 03/7/2023.

4. Tổng cục Chính trị (2020), Tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Hà Nội, 2020.

Đại úy, ThS Đỗ Đức Hiếu, Khoa Ngoại ngữ-Ngữ văn, Học viện PK-KQ.