TNV - Hội thảo trực tuyến “Phục hồi – Tăng tốc – Bứt phá – Phát triển - Bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” do Tổ chức Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… phối hợp tổ chức đã diễn ra chiều 28/4.
Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD trị giá kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 2,58 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 21,5% kế hoạch năm.
Tuy nhiên tại Hội thảo, các đại biểu nhận định dođại dịch Covid-19 đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến ngành gỗ và dự báo tăng trưởng xuất khẩu của ngành Gỗ Việt Nam năm 2020 có thể bằng 0%.
Cũng tại đây, Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam đã chia sẻ Kết quả khảo sát tác động của đại dịch Covid- 19 đối với ngành gỗ. Theo đó, khảo sát tại 124 doanh nghiệp vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, về tác động tài chính, 75% số doanh nghiệp phản hồi cho biết thiệt hại ban đầu đối với các doanh nghiệp này ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng. Trên một nửa (51%) số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng phải sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Thông qua tác động của Covid-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam hiện nay chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua khó khăn, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Ngành gỗ Việt Nam cần phải thay đổi tư duy, hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ…
Đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), hiệp hội gỗ ở địa phương đã tổ chức nhiều kênh họp trực tuyến với đối tác thương mại quốc tế để tìm hiểu diễn biến thị trường, từ đó dự báo và thông tin đến doanh nghiệp thời điểm phục hồi thị trường, dự đoán xu hướng tiêu dùng mới.
Có câu nói trong “Nguy” có “Cơ”, Ngành Gỗ Việt Nam cũng cần tìm ra các cơ hội thông qua các hiệp định thương mại được Việt Nam ký kết trong những năm qua như EVFTA/VKFTA/AEC… Từ đó, ngành gỗ có thể chuyển dịch sản xuất, đơn hàng, đầu tư, tái cấu trúc chuỗi cung ứng từ các quốc gia châu Âu và Mỹ, Nhật Bản, ... giảm đi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Có như thế mới tạo được sự phát triển mới trong tương lai.
Phương Thanh