Ngày 22/11 tại Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng các bên liên quan chủ trì tổ chức “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công thương), các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Viện Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Dầu khí Việt Nam, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… Diễn đàn còn có sự hiện diện của các đại biểu là chuyên gia kinh tế hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại diện các trường đại học.
Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Tăng Hữu Phong - Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụngkhí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 đến 573.000 MW.
Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện 8 để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống, ông Tăng Hữu Phong nhấn mạnh.
Quang cảnh Diễn đàn
Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng đến năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện cần đạt 490.529 - 573.129MW. Trong đó, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện (nhiệt điện khí trong nước chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG chiếm 14,9%) - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong khi, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chỉ còn chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.
Với cơ cấu nguồn điện như trên, cùng với định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện, thì vai trò chạy nền của các nhà máy điện khí trong hệ thống điện là tất yếu. Lợi thế của điện khí là tính sẵn sàng cao (nguồn điện không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, điện mặt trời), công suất lớn, thời gian đáp ứng nhanh… Việc đưa LNG vào sử dụng còn để phù hợp với cam kết của Chính phủ tại COP26 về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải.
Theo Quy hoạch điện VIII, sẽ có 15 dự án nhà máy nhiệt điện LNG nằm phân bố rải rác trên cả nước. Trong đó, chỉ tính đến năm 2030, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất 22.400MW, mỗi năm cần tổng công suất kho chứa đạt khoảng 15 - 18 triệu tấn LNG. Trong khi, hiện nay, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 dự án kho chứa LNG tại Thị Vải với công suất 1 triệu tấn LNG/năm.
Điều này cho thấy, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện là xu hướng tất yếu không chỉ để cung cấp cho các dự án điện khí LNG mới, mà còn cấp thiết bù đắp nguồn khí cho các nhà máy điện khí hiện hữu có nguy cơ bị thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai, khi các mỏ khí khai thác trong nước đang suy giảm nhanh qua từng năm.
Tuy nhiên, cơ chế nhập khẩu thế nào, sự biến động liên tục của giá khí thế giới và chi phí sản xuất điện, việc bố trí (phân bổ, quy hoạch) các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước làm sao để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của các nhà máy điện, cùng các vấn đề liên quan như công nghệ khí hóa lỏng, hệ thống kho chứa; cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tháo gỡ những tồn tại, khó khăn cho doanh nghiệp… vẫn đang là những
câu hỏi, bài toán cần lời giải đáp của cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu chính sách, các hiệp hội, chuyên gia và của chính doanh nghiệp.
Những vấn đề nóng và giải pháp quan trọng về điện khí LNG sẽ được các cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp nêu ra, phân tích, mổ xẻ và đề xuất, kiến nghị tại phần thảo luận của chương trình.
PV