Phát triển dự án Báo chí - Truyền thông ở Việt Nam hiện nay

Chủ nhật, 02/06/2024 - 15:10

TNV - Sáng 30/5, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội thảo “Phát triển dự án báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay” do Viện Báo chí - Truyền thông tổ chức chính thức diễn ra. Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều nhà báo, phóng viên, các thầy cô giáo cùng đông đảo sinh viên.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có Phó viện trưởng Viện Báo chí - Truyền Thông: PGS. TS Đinh Thị Thu Hằng, TS. Đinh Thị Xuân Hoà, TS. Lê Thu Hà; TS. Nguyễn Thị Minh Hiền - Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo; TS. Đỗ Thị Ngọc Hà - Trưởng văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ; TS. Nguyễn Tuấn Linh - Trưởng phòng Truyền thông nội bộ Tập đoàn giáo dục Edufit; Nhà báo Đỗ Thị Phương Hoa - Trưởng ban Pháp luật - Xã hội Báo Kinh tế Đô thị; Nhà báo Nguyễn Văn Lực - Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Hà Nội; Nhà báo Nguyễn Thế Định - Báo điện tử Vietnamnet.

PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Phó viện trưởng Viện Báo chí - Truyền Thông phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các dự án Báo chí và Truyền thông tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định, các dự án Báo chí - Truyền thông là một phần rất sôi động trong đời sống báo chí, trong đó, hiện nay, có rất nhiều dự án Báo chí - Truyền thông gây được tiếng vang lớn đến từ Báo Lao Động, Báo Dân trí, Báo Tiền Phong… Các quỹ, chương trình, giải chạy do các cơ quan báo chí tổ chức đều phát triển mạnh mẽ, khơi dậy động lực và giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống từ an sinh xã hội đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao…Theo đó, việc phát triển các dự án Báo chí - Truyền thông tại Việt Nam hiện nay là nội dung cần được quan tâm và chú trọng.”

Mục tiêu của hội thảo nhằm tại một diễn đàn để các nhà báo, phóng viên, đơn vị truyền thông, giảng viên có cơ hội được thảo luận, trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển các dự án Báo chí – Truyền thông tại Việt Nam.

Nội dung của các bài tham luận tập trung chủ yếu vào việc phân tích bức tranh tổng thể của các dự án Báo chí - Truyền thông ở Việt Nam hiện nay, nhận diện xu hướng và đánh giá những cơ hội, thách thức của mảng hoạt động này; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, bài học quý báu từ các dự án thành công - đây sẽ là nguồn cảm hứng, chỉ dẫn hữu ích cho các dự án trong tương lai. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thảo luận các giải pháp, chiến lược và chính sách để phát triển các dự án Báo chí - Truyền thông một cách bền vững, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và sự tin cậy của công chúng. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội giúp tạo không gian để các mô hình mới được trình bày nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực dự án Báo chí – Truyền thông. Đặc biệt, hội thảo còn nhấn mạnh công tác đạo tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dự án Báo chí – Truyền thông nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường Báo chí - Truyền thông hiện nay.

TS Lương Thị Phương Diệp trình bày tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, TS Lương Thị Phương Diệp đã cho thấy một cách tiếp cận mới mẻ trong phát triển các dự án Báo chí – Truyền thông thông qua bài tham luận “Xu hướng sử dụng người ảnh hưởng ảo trong các dự án báo chí truyền thông bảo vệ môi trường”. Theo TS, một trong những phương thức truyền thông đạt hiệu quả cao hiện nay là mời những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng để phát ngôn cho dự án. Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là khó kiểm soát được khủng hoảng truyền thông liên quan đến tên tuổi, hoạt động của người phát ngôn. Bởi vậy, trong quá trình nghiên cứu môn phát triển truyền thông sáng tạo và nghiên cứu các xu hướng phát triển truyền thông mới, TS cho biết, nếu các cơ quan báo chí có thể ứng dụng các công nghệ ảo như phát triển AI cùng nhiều công nghệ nổi bật khác… các cơ quan này có thể thử sức trong việc sử dụng những người ảnh hưởng ảo cho các dự án Báo chí – Truyền thông.

Đây có thể là xu hướng hỗ trợ giúp xây dựng hình ảnh riêng của cơ quan báo chí, gắn liền với tôn chỉ hoạt động đặc trưng của cơ quan báo chí; mang tính riêng biệt, cá nhân hóa cao độ và có thể tiếp cận công chúng mục tiêu của mình một cách tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng có thể xảy ra so với mời người đại diện phát ngôn.

ThS, nhà báo Đỗ Thị Ngọc Hà cho biết: “Hiện nay các dự án báo chí truyền thông hiệu quả sẽ không thể thiếu các sự kiện cộng hưởng, thậm chí các sự kiện này trở thành tâm điểm. Báo Tuổi trẻ có dự án “Ngày của Phở” được Bộ Ngoại Giao công nhận là dự án quốc gia. Từ sự kiện này, chúng tôi thấy rằng các dự án ngoài việc làm ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của công chúng thì cần tác động trở lại chính sách của cơ quan quản lý.”

Từ những cơ hội và thách thức ấy, hội thảo đã bàn về giải pháp, chiến lược, chính sách để phát triển các dự án báo chí - truyền thông một cách bền vững, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp và sự tin cậy của công chúng. Đặc biệt, vấn đề tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dự án của lĩnh vực này được nhấn mạnh.

TS. Lê Thu Hà - Viện phó Viện Báo chí - Truyền thông đề xuất các giải pháp phát triển dự án Báo chí – Truyền thông trong giai đoạn hiện nay

TS. Lê Thu Hà - Viện phó Viện Báo chí - Truyền thông đề xuất: “Các cơ quan báo chí cần tăng cường nguồn lực cho đơn vị để phát triển dự án, trong đó sinh viên là đối tượng tiềm năng. Ngoài ra, Viện Báo chí - Truyền thông tích cực sáng tạo các môn học, hình thức giảng dạy lĩnh vực này sao cho sát với thực tế; phát triển hạng mục dự án truyền thông trong hệ thống giải thưởng hàng năm. Sinh viên phải nâng cao việc ứng dụng kinh nghiệm từ sách vở vào thực tế.”

Phát triển các dự án báo chí - truyền thông ở Việt Nam hiện nay là một nội dung cần được quan tâm và chú trọng. Hội thảo đã tạo ra không gian để những người làm trong lĩnh vực này có thể trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm, ý tưởng sáng tạo, từ đó thúc đẩy việc nâng tầm những dự án này trong tương lai.

Các đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Cũng tại hội thảo, TS. Lê Thu Hà – Phó viện trưởng Viện Báo chí – Truyền thông đề xuất các giải pháp phát triển dự án Báo chí - Truyền thông đối với Viện Báo chí - Truyền thông. Đồng thời nhấn mạnh, “để phát triển các dự án Báo chí - Truyền thông, Viện Báo chí - Truyền thông cần nỗ lực đẩy mạnh các môn học và hình thức giảng dạy, đánh giá dự án có hiệu quả tốt. Viện cũng cần phát triển hạng mục giải thưởng Dự án truyền thông cho sinh viên, học sinh trong hệ thống giải báo chí Sóng trẻ hàng năm. Cuối cùng, mỗi sinh viên cũng cần phải tự trang bị cho mình nhiều kiến thức về văn hóa, chính trị, xã hội cũng như nang cao ứng dụng kinh nghiệm từ sách vở vào thực tế.”