Phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống - hướng đi mới của phụ nữ xã Mường Lai

Thứ hai, 03/06/2024 - 14:53

TNV - Vốn chỉ là các sản phẩm tự cung tự cấp được sử dụng tại mỗi gia đình, nhưng nhờ nhanh nhạy nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng của khách du lịch, một nhóm chị em phụ nữ dân tộc Tày ở một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đã biến các sản phẩm đan lát thủ công truyền thống của địa phương thành sản phẩm hàng hóa phục vụ khách hàng gần xa, mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho phụ nữ xã Mường Lai.

Tổ hợp tác đan lát các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày từ nguyên liệu sẵn có tại quê hương. (Ảnh: Phạm Quỳnh)

Chúng tôi đến thăm tổ đan lát các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tày xã Mường Lai vào buổi chiều một ngày trung tuần tháng 5/2024. Ngay dưới chân nhà sàn là một khung cảnh thật rộn ràng và khẩn trương. Sáu người trong tổ hợp tác vừa vui vẻ nói cười, vừa chăm chú nhanh tay đan lát những chiếc làn, vỏ dao, giỏ cá,.. từ những nguyên liệu sẵn có tại quê hương.

Tạo việc làm và thu nhập cho phụ nữ cao tuổi, sức khỏe yếu, không có điều kiện đi làm ăn xa

Chị Ninh Thị Hoa – tổ trưởng và cũng là chủ nhà thay mặt tổ hợp tác đon đả mời chúng tôi nếm những quả roi mới hái trong vườn còn tươi roi rói, cho biết: Tổ hợp tác thành lập tháng 8/2022, ban đầu có 3 thành viên, nay có 10 thành viên, đều là người cùng thôn 4; hôm nay 4 người vắng mặt do bị ốm và bận đi gặt lúa. Tổ hợp tác ra đời nhằm tạo việc làm phù hợp và cải thiện thu nhập cho một số phụ nữ cao tuổi, sức khỏe yếu, không có điều kiện đi làm ăn xa.

Cụ Ninh Thị Bách 85 tuổi là thành viên cao tuổi nhất kể, hàng ngày ngồi nhà buồn lắm, nên tham gia để khuây khỏa tuổi già, vừa có thêm đồng ra đồng vào đỡ đần con cháu, vừa truyền dạy kinh nghiệm đan lát cho các thành viên lớp sau. Ngồi ngay bên trái cụ Bách là bà Hứa Thị Long 57 tuổi, người phụ nữ mặc áo chàm màu xanh lá cây trông có vẻ to béo nhưng sức khỏe rất yếu do bị hở van tim 3 lá và đã trải qua 01 lần mổ ruột thừa và 01 lần mổ cắt u tuyến vú. Hiện bà đang bị u tuyến giáp, nhưng bệnh viện trả về vì sức khỏe yếu không chỉ định phẫu thuật được. Từ cuối năm ngoái, bà đã tham gia tổ hợp tác và cảm thấy tinh thần phấn chấn hơn.

Cũng tương tự như bà Long, bà Ninh Thị Thiệp (59 tuổi) trông có phần khắc khổ hơn bởi đã 4 lần về Hà Nội mổ tắc mật, tuyến giáp và cột sống, do vậy không làm được công việc nặng, may nhờ có tổ hợp tác nên có thêm thu nhập vài triệu đồng mỗi tháng để duy trì thuốc men.

Còn lại 3 chị mặc áo trắng, váy đen – trang phục đẹp của đồng bào Tày, là 3 người bạn cùng tuổi 49, gồm chị Ninh Thị Hoa, Hoàng Thị Dao, Hoàng Thị Tài là 3 thành viên đầu tiên của tổ hợp tác. Do không muốn ly hương nên các chị đã xoay sở làm nhiều việc để tăng thu nhập, và đến nay bên cạnh công việc trồng cấy, chăn nuôi các chị tỏ ra yên tâm với thu nhập tăng thêm bình quân từ 2 – 2,5 triệu đồng/người mỗi tháng từ nghề đan lát.

Chị Hoa giới thiệu sản phẩm làn tế có giá 150 – 200 nghìn/chiếc. (Ảnh: THT cung cấp)

Theo chị Hoa, từ đầu năm nay số lượng hàng xuất tăng lên gấp đôi so với trước, là do cuối năm 2023 chị đem hàng đi giới thiệu tại sự kiện “Du lịch về miền Đất Ngọc” của huyện tổ chức nên được nhiều du khách biết đến các sản phẩm đan lát thủ công của xã Mường Lai và giới thiệu cho nhau đặt mua. Hiện mỗi tuần chị xuất về Hà Nội 80 – 100 sản phẩm các loại, gồm làn tế, vỏ dao, giỏ cá, đôi sọt, cơ trầu, nón mê lá cọ,... với trị giá trung bình 5 - 6 triệu đồng/tuần. “Hôm qua, tổ vừa xuất lô hàng có trị giá 5,5 triệu đồng, mọi người được chia ngay theo sản phẩm làm ra nên rất phấn khởi”, chị Hoa nói.

Đến nay, ngoài luồng hàng xuất chủ yếu về Hà Nội, nhờ sự giúp sức của 2 con trai đang học tập, công tác trong Quân đội và Công an, chị Hoa còn duy trì việc bán hàng online các sản phẩm đan lát truyền thống của tổ hợp tác làm ra trên Tictok, Zalo,.. từ nhiều năm trước, với số lượng 30 – 50 sản phẩm mỗi tháng. Tuy số lượng chưa lớn, nhưng sản phẩm đan lát truyền thống của chị em xã Mường Lai đã có mặt ở một số tỉnh, thành trong cả nước, như: Biên Hòa (Đồng Nai), Thanh Hóa, Hà Nội... mang lại niềm vui để cả tổ hợp tác an tâm sản xuất.

Khai thác được tiềm năng địa phương vào phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới một cách bền vững

Khi được hỏi về lý do thành lập tổ hợp tác, chị Hoa thật thà giãi bày: Đây vốn là những sản phẩm truyền thống của dân tộc Tày, nên hầu như hộ nào cũng làm được để dùng trong sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình. Nhưng dần dà cũng bị mai một. Mình sản xuất ra để sử dụng cho gia đình và bán cho một số bà con trong thôn, xã từ nhiều năm rồi. Qua mấy lần được xã trưng dụng các sản phẩm đan lát của gia đình tham gia gian hàng do xã, huyện và tỉnh tổ chức, nhận thấy khách du lịch thích thú với các sản phẩm đan lát truyền thống, một mình làm không được nên đã mạnh dạn thành lập tổ hợp tác.

Chị Hoa nói thêm, trong huyện có rất ít cơ sở đan lát sản phẩm thủ công truyền thống, nên các chị được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan. Được sự chắp mối của chính quyền xã, có doanh nghiệp ngỏ ý tài trợ cho tổ hợp tác máy móc để sản xuất, nhưng các chị đã từ chối phần vì muốn sản phẩm làm ra hoàn toàn bằng cách thủ công, phần vì hiện đầu ra tiêu thụ sản phẩm là điều các chị cần hơn cả.

Các sản phẩm do chị em phụ nữ dân tộc Tày ở xã vùng sâu, vùng xa làm ra đã có mặt ở một số tỉnh, thành trong nước. (Ảnh: THT cung cấp) A5, A6: Đây đều là những sản phẩm thủ công truyền thống, than thiên môi trường. (Ảnh: THT cung cấp).

Từ đầu năm nay, thấy công việc của tổ hợp tác đều đặn và khởi sắc, nhiều chị em trong thôn ngỏ ý muốn gia nhập tổ hợp tác, song chị chưa dám nhận, bởi băn khoăn lớn nhất của tổ hợp tác lúc này là tìm đầu ra cho sản phẩm. Về phía chính quyền và Hội Phụ nữ xã rất quan tâm, nhưng chỉ biết tạo cơ hội để tổ hợp tác quảng bá giới thiệu sản phẩm, tham gia các hội chợ trong huyện, trong tỉnh. Qua đó, doanh số bán hàng đã tăng lên rõ rệt, tuy nhiên doanh số vẫn ở mức rất thấp (20 – 24 triệu đồng/tháng), rất cần sự giúp sức ở cấp độ cao hơn từ phía các cơ quan trong huyện, trong tỉnh – thay mặt tổ hợp tác chị Hoa bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai Triệu Văn Huấn vui mừng cho hay, trên địa bàn xã hiện có 02 tổ hợp tác đan lát sản phẩm truyền thống, trong đó tổ hợp tác do chị Hoa làm tổ trưởng hoạt động có hiệu quả hơn. Cả 02 tổ hợp tác không chỉ giúp các thành viên cải thiện cuộc sống, mà còn góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, thu hút khách du lịch, bảo vệ môi trường xanh, đặc biệt là khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương vào phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Đây đều là những sản phẩm thủ công truyền thống, than thiên môi trường. (Ảnh: THT cung cấp)

Được biết, xã Mường Lai là địa phương dồi dào nguồn nguyên liệu tre, tế (guột) để phát triển nghề đan lát thủ công truyền thống, nên đa phần nguồn nguyên liệu được các thành viên trong tổ tự đi lấy về, nếu có phải đi mua thì chi phí cũng rất thấp chỉ chiếm từ 10 – 20% so với giá bán các sản phẩm. Nếu giải quyết được bài toán mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm - đây chính hướng đi mới hứa hẹn nhiều triển vọng, để Mường Lai phát huy tiềm năng lợi thế, phát triển nghề đan lát
thủ công truyền thống, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho thanh niên và bà con địa phương trong những lúc nông nhàn.

Phạm Quỳnh