Thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay đã và đang tác động mạnh mẽ làm thay đổi toàn bộ các hoạt động lao động sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội con người. Bên cạnh những thời cơ, điều kiện thuận lợi mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, những khó khăn, thách thức đặt ra để thích ứng và phát triển cũng rất lớn nếu không có quá trình tiếp cận thông minh, sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Để đón đầu và vận dụng thành công những lợi thế của cuộc CMCN 4.0 vào phát triển đất nước, cần có quá trình chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ và có trọng điểm; trong đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 được xem là vấn đề trọng tâm mang tính chiến lược. Nói cách khác, giáo dục chính là chìa khóa để xây dựng và hình thành nên đội ngũ lao động có trình độ, có chất lượng cao đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để có được nguồn nhân lực có năng lực đổi mới, có khả năng thích ứng, sáng tạo, phù hợp với cuộc CMCN 4.0 phải chú trọng đầu tư và có chiến lược trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng. Các nhà trường phải xây dựng chiến lược giáo dục mang tính hệ thống, gắn sát với yêu cầu thực tiễn; tập trung rèn luyện tay nghề, phát triển kỹ năng cho người học, nhất là các kỹ năng cần thiết của thời hội nhập (ngoại ngữ, tin học) để đáp ứng yêu cầu mới. Hiện nay, các nhà trường vẫn còn nặng về trang bị kiến thức lý thuyết, chưa thực sự chú trọng đúng mức tới đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người học; đặc biệt, khả năng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin của lao động nước ta, kể cả lao động trẻ hiện nay rất hạn chế, làm giảm cơ hội tìm kiếm việc làm và nâng cao thu nhập.
Thời đại giáo dục 4.0 với đặc trưng cơ bản là sự liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đồng thời, tạo cơ hội thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nguồn lao động. Hiện nay, vấn đề việc làm sau khi ra trường luôn là chủ đề mà giới trẻ quan tâm, đây cũng là vấn đề nan giải của xã hội chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Trước tác động của cuộc CMCN 4.0, các nhà trường cần chủ động có biện pháp trong phân luồng học sinh từ sớm, tập trung làm tốt công tác hướng nghiệp ngay từ cấp phổ thông. Phải giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ xu thế của thời đại và bối cảnh thực tế đất nước để có lựa chọn việc học, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, thiết thực. Muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN 4.0 nhất thiết phải tập trung phát triển đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất xứng tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong tình hình mới. Chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng, thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, có cơ chế, chính sách thỏa đáng để đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý yên tâm công tác, gắn bó và tâm huyết với nghề,…
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là trước tác động của cuộc CMCN 4.0, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số vấn đề cốt lõi sau:
Trước tiên, phải xác định nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất để phát triển đất nước. Trước công cuộc đổi mới và phát triển đất nước cần xác định nguồn nhân lực là tài nguyên gốc thay thế việc dựa vào tài nguyên thiên nhiên. Do đó, phải có chiến lược trong nâng cao chất lượng con người, nâng cao chất lượng sống để có nguồn nhân lực đủ sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập. Đặc biệt, có biện pháp thiết thực lâu dài trong phát triển nguồn nhân lực, như: Phát hiện, đào tạo, sử dụng, cơ chế, chính sách đãi ngộ,…
Cùng với đó, tập trung nâng cao trình độ học vấn cho nguồn nhân lực. Tăng cường thông tin học vấn và tác dụng của học vấn trong đời sống kinh tế, xã hội và phát triển trong các tầng lớp nhân dân cả nước. Đổi mới tư duy, có cái nhìn mới về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các chính sách đối với người sử dụng lao động và người lao động, tạo môi trường bình đẳng, dân chủ, quan tâm tới những người trực tiếp tham gia lao động.
Đẩy mạnh cải cách giáo dục, phải xem đây là quốc sách hàng đầu để phát triển nhân lực trong giai đoạn từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập, khuyến khích học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong cả nước. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, sách giáo khoa phổ thông, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp theo hướng phát huy tư duy sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu, tăng thời gian thực hành, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, tin học. Đổi mới chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào giáo dục và đào tạo. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực đại học và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Đỗ Thị Thanh Thủy