1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực là yếu tố giữ vai trò quyết định đối với quá trình hoạt động, cũng như kết quả của mọi ngành kinh tế - dịch vụ. Với lĩnh vực du lịch cũng không phải là ngoại lệ, nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực quan trọng và nhân tố chủ yếu tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc để đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu của du khách. Ngành du lịch ở tỉnh Tiền Giang hiện đang trong tình trạng thiếu hụt khá nghiêm trọng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chuyên môn – nghiệp vụ cao. Qua khảo sát hàng năm cho thấy, tỷ lệ lao động phổ thông trong nguồn nhân lực của ngành du lịch chiếm tỷ lệ cao; số lượng có tăng lên hàng năm song chất lượng chuyên môn lại chậm được cải thiện; chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, trong quá trình phục vụ vẫn còn những sai sót, hạn chế nhất định, bị du khách phàn nàn về chất lượng. Đồng thời, sự ổn định về đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ cho các hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng chưa cao; tồn tại tình trạng chênh lệch khá lớn về ý thức, thái độ làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước, hay các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Chính vì vậy, để phát triển nguồn lực du lịch của tỉnh Tiền Giang trong tương lai thì vấn đề từng bước nâng tầm chất lượng dịch vụ du lịch nói chung, nhất là cải thiện và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay là rất cần thiết và cấp bách.
2. Về vai trò của nguồn nhân lực du lịch và phát triển nguồn nhân lực du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Vai trò quan trọng này được thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu như: góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mang lại nguồn thu ngân sách quốc gia, thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tác động tích cực đối với phát triển các ngành kinh tế có liên quan. Tại Việt Nam, du lịch được xem như là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn, được chú trọng đầu tư, không ngừng phát triển và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế của quốc gia. Trước năm 2020 (thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát), số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng cao liên tục, với số lượng khách du lịch đạt trên 18 triệu người, tương đương với nhiều quốc gia có ngành du lịch phát triển ở Đông Nam Á, trong đó du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam. Ngành du lịch đã đóng góp tới 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch.
Nguồn nhân lực, và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò vô cùng quan trọng, không những đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng, mà còn đối với sự phát triển nền kinh tế - xã hội đất nước nói chung. Những người lao động có trình độ và động lực có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao và đạt được lợi thế cạnh tranh cho các công ty và điểm đến để nâng cao năng suất, chất lượng ở tất cả các cấp trong các tổ chức và quốc gia.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức, tay nghề, tính năng động của xã hội và sức sáng tạo của con người; nền văn hóa; truyền thống lịch sử… Do đó, phát triển nguồn nhân lực du lịch đồng nghĩa với nâng cao năng lực xã hội và tính năng động xã hội của nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch về mọi mặt: thể lực, trí lực, nhân cách, đồng thời phân bố, sử dụng và phát huy có hiệu quả nhất những năng lực và phẩm chất đó để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Đó là việc tạo dựng một môi trường xã hội thuận lợi, môi trường sinh thái bền vững, đặc biệt là môi trường lao động để những cá nhân người làm việc trong lĩnh vực du lịch có thể phát huy được sở trường, tiềm năng của mình và từ đó có thể cống hiến được nhiều cho xã hội.
3. Một số thuận lợi và khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực du lịch ở tỉnh Tiền Giang thời gian qua
Về mặt thuận lợi:
Tiền Giang là một trong 13 tỉnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có dòng sông Tiền - một nhánh của sông Cửu Long nằm ở cuối nguồn sông Mekong chạy dài từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh và tiếp giáp với biển Đông, làm cho tỉnh Tiền Giang có một vị thế khác biệt.
Tiền Giang còn là nơi hội tụ của 3 vùng sinh thái: sông nước miệt vườn, rừng ngập mặn và Đồng Tháp Mười. Cùng với bề dày lịch sử - văn hóa, Tiền Giang được xem là cầu nối kết nối du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ và trở thành điểm hẹn đầy hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tỉnh có 3 vùng du lịch trọng điểm gồm: vùng trung tâm, phía Tây và phía Đông của tỉnh, khai thác nhiều tour/tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như: di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm - Xoài Mút, Lăng Hoàng Gia, khu di tích Lăng, mộ và Đền thờ Trương Định; tham quan cù lao Thới Sơn, cù lao Tân Phong, khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, biển Gò Công; chùa Vĩnh Tràng, thiền viện Trúc Lâm; trải nghiệm các ngôi nhà cổ tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp…
Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang đạt 1,4 triệu lượt khách; trong đó, khách quốc tế 465.000 lượt; doanh thu từ khách du lịch đạt 970 tỉ đồng. Nhiều năm qua, Tiền Giang luôn quan tâm thực hiện các cam kết triển khai liên kết, hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có việc triển khai phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch, tạo nên những sản phẩm liên kết vùng mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Đồng thời, tỉnh cũng luôn quan tâm đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nói chung và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch bền vững. Đến nay, gần 100 đơn vị lữ hành, du lịch tổ chức các tour tuyến trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả và ngày càng mở rộng, gắn bó lâu dài với ngành du lịch tỉnh Tiền Giang.
Về mặt khó khăn:
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển du lịch ở tỉnh Tiền Giang cũng còn những khó khăn, hạn chế cần được quan tâm đầu tư và khắc phục trong thời gian tới như: hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng; sản phẩm du lịch còn trùng lắp, đơn điệu, chưa mang tính đặc thù; còn hạn chế trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, hình ảnh; doanh nghiệp kinh doanh du lịch có quy mô vừa và nhỏ chiếm đa số; chưa có sự đầu tư lâu dài, chủ yếu khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch chưa bảo đảm tính bền vững; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế, chưa có sự phối hợp tốt để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch lâu dài với quy mô rộng lớn.
4. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch ở Tiền Giang hiện nay
Công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa đủ đáp ứng yêu cầu xã hội:
Cả tỉnh Tiền Giang hiện có 03 cở sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch gồm Trường Đại học Tiền Giang, Trường Cao đẳng Tiền Giang và trường Trung cấp Gò Công. Các cơ sở đào tạo du lịch đều trực thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và xã hội. Tổng số đội ngũ cán bộ tham gia công tác đào tạo ngành chỉ có 15 giáo viên, giảng viên giảng dạy đào tạo về ngành du lịch và nhà hàng khách sạn. Trong đó có: 01 giảng viên là nghiên cứu sinh, 06 giảng viên trình độ thạc sỹ, 03 giảng viên đang học cao học, và 5 cử nhân. Hàng năm, 03 trường này đào tạo nguồn nhân lực du lịch với số lượng tốt nghiệp ra trường được khoảng 200 học sinh, sinh viên, trong đó có hơn một nửa trình độ trung cấp.
Chương trình đào tạo ngành du lịch chưa có sự thống nhất cao về chương trình khung giữa các cơ sở đào tạo. Ở Tiền Giang hiện nay chưa có đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch trình độ trên đại học. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo về nguồn lực du lịch của tỉnh Tiền Giang còn thiếu rất nhiều về cơ sở vật chất, chưa đáp ứng tốt cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề còn có sự chênh lệch về trình độ giữa các giảng viên, giáo viên, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện thực hành, thực tập nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khắn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm hạn chế chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua.
Với thực trạng về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở tỉnh Tiền Giang hiện nay cho thấy, ngành mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về số lượng và còn khoảng cách khá xa về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch so với yêu cầu thực tế của ngành, của doanh nghiệp và xã hội của tỉnh đang đặt ra.
Sự đầu tư cho ngành du lịch chưa đủ mạnh và còn chậm đổi mới:
Có thể thấy, ngành du lịch Tiền Giang vốn hình thành và phát triển từ rất sớm, hơn 40 năm qua. Theo đó, Tiền Giang có những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch, tạo sức hấp dẫn và thu hút du khách theo hướng du lịch sinh thái, du lịch tham quan miệt vườn, sông nước, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa - lịch sử. Tuy nhiên, du lịch Tiền Giang vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Thực tế cho thấy, ngành du lịch của tỉnh còn thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và chậm đổi mới trong việc thiết kế, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới. Như khu du lịch Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), một thương hiệu du lịch có tiếng của Tiền Giang, do thiếu đầu tư, quản lý và hoạt động du lịch ở khu du lịch này chủ yếu là tự phát nên hàng chục năm qua sản phẩm du lịch ít có điểm mới, chủ yếu là chèo thuyền, thưởng thức trái cây, nghe đờn ca tài tử...
Về phương diện trang thiết bị phục vụ du lịch: khá nghèo nàn, cũ kỹ, lạc hậu, nhất là xuồng chèo và trang phục của những nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử. Do đó, chưa thật sự hấp dẫn, thu hút được du khách. Về doanh thu và lượng khách đến qua các năm còn rất thấp so với tiềm năng du lịch phong phú của địa phương. Qua đó, cho thấy hiệu quả của việc khai thác nguồn thu của ngành du lịch tỉnh chưa cao. Nguyên nhân cơ bản nhất là do sản phẩm du lịch của Tiền Giang còn quá đơn điệu, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi của du khách; chưa tạo được điều kiện hấp dẫn giữ chân du khách nhằm khai thác nguồn thu.
Ngoài ra, thực trạng lượng khách đến Tiền Giang tuy nhiều, nhưng đa phần là "ăn theo" những tour do các công ty lữ hành từ thành phố Hồ Chí Minh điều phối, và tỉnh Tiền Giang chỉ hưởng phần "ngọn"; hơn nữa, du khách gần như không biết mua sắm, chi tiêu và trải nghiệm gì khi đến địa bàn tỉnh Tiền Giang, nên hiệu quả kinh tế rất hạn chế và không đảm bảo tính bền vững. Đây là bài toán nan giải nhiều năm qua mà ngành du lịch Tiền Giang đang nỗ lực tìm kiếm phương án giải quyết. Vì vậy, thực tế này đặt ra yêu cầu đối với du lịch Tiền Giang trong giai đoạn hiện nay cần có sự đầu tư và đổi mới quyết liệt, nhanh chóng hơn bao giờ hết.
5. Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Tiền Giang trong giai đoạn hiện nay
Thứ nhất, đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang:
Đây là một việc làm rất cấp bách hiện nay đối với các cơ sở đào tạo ngành du lịch của tỉnh Tiền Giang. Để có thể tiến hành khai thác được các tài nguyên du lịch phải tạo ra được hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật tương ứng. Hệ thống này vừa đảm bảo phù hợp với đặc trưng của dịch vụ du lịch, đồng thời phải phù hợp với đặc thù của tài nguyên du lịch tại đó. Một doanh nghiệp muốn phát triển du lịch tốt phải có một hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật tốt. Do đó, có thể nói rằng, trình độ phát triển của cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch là điều kiện, đồng thời cũng là thể hiện trình độ phát triển du lịch của một đất nước.
Thứ hai, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động đào tạo ngành du lịch:
Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã tạo nên những ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực du lịch nói riêng. Đây là nhân tố chủ đạo dẫn đến sự thay đổi về cơ cấu lao động trong xã hội, xuất hiện nhiều nghề mới nhưng bên cạnh đó cũng làm biến mất những công việc không mang hàm lượng tri thức cao. Vì vậy, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo và giảng dạy, xây dựng những chương trình đào tạo ứng dụng thực tiễn ví dụ như công nghệ 3D, 360o,… phục vụ khách tham quan, khách du lịch có thể xem và lựa chọn trước khi đi du lịch là một trong những giải pháp giúp sinh viên thích ứng nhanh với yêu cầu thực tiễn của công việc trong tương lai.
Thứ ba, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển du lịch:
Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, Chương trình phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ (dự án EU) đã sửa đổi bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS).
Thứ tư, tăng cường đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên ngành du lịch:
Du lịch là ngành dịch vụ đặc thù, ngoài kiến thức chuyên môn thì hệ thống kỹ năng mềm là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với nguồn nhân lực du lịch. Thiếu trải nghiệm thực tế và thiếu kỹ năng mềm như kỹ năng xử lý công việc, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp,… là những điều mà hầu hết các nhà tuyển dụng đều nhận thấy ở nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay. Vì vậy, để chuẩn bị cho một thế hệ nguồn nhân lực sẵn sàng hội nhập quốc tế, việc tăng cường trang bị giảng dạy ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng là một trong những yêu cầu tiên quyết trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo.
Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ, giáo viên, giảng viên ngành du lịch:
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên là yêu cầu quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch có thể thực hiện bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tham quan, học tập nâng cao trình độ giảng dạy ở các trường bạn. Chú trọng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin để giáo viên đủ khả năng giảng dạy, tự nghiên cứu, trao dồi chuyên môn trực tiếp với chuyên gia tham dự hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế và học tập, tu nghiệp ở nước ngoài.
Thứ sáu, đổi mới chương trình đào tạo ngành du lịch và phương pháp dạy, học:
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do đó việc xây dựng khung chương trình đào tạo cần được tính đến yếu tố hội nhập để đảm bảo các chương trình khung đào tạo phù hợp với chuẩn mực đào tạo khu vực và quốc tế. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch gắn với nhu cầu của doanh nghiệp phải theo hướng nâng cao kỹ năng thực hành để đạt được sự chuyên nghiệp, tiêu chuẩn mang tầm khu vực và thế giới. Học sinh, sinh viên cần được đào tạo thêm kỹ năng mềm, kỹ năng ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngoại ngữ trong hoạt động kinh doanh.
Thứ bảy, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp:
Cần đẩy mạnh đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tạo điều kiện để học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tại đơn vị, như vậy sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nguồn nhân lực vào thời điểm mùa vụ du lịch. Bên cạnh đó, người học được cọ sát với yêu cầu của công việc thực tế. Thực hiện ký kết hợp đồng đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp sẽ giảm chi phí đào tạo lại của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo.
6. Kết luận
Nhân lực và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển và nhất là đối với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng khách sạn. Mặc dù, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nổ lực trong công tác phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành du lịch nhưng tỉnh Tiền Giang hiện nay vẫn còn thiếu hụt khá lớn về số lượng và cơ cấu, hạn chế về chất lượng nhân lực du lịch. Qua nghiên cứu cho thấy, trong thời gian tới, các cơ sở về kinh doanh du lịch cần một số lượng lớn về nhân lực và các yêu cầu cao hơn về chất lượng nhân lực du lịch. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, tỉnh Tiền Giang khó có khả năng cung ứng đủ nhân lực theo yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp du lịch. Để thực hiện tốt việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch tỉnh Tiền Giang cần có sự chung tay từ nhiều phía: quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và đặc biệt là phải có chính sách thu hút, đãi ngộ đội ngũ giảng viên, giáo viên, việc đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các trường có đào tạo ngành du lịch của tỉnh Tiền Giang.
Phan Thị Anh Thơ
Giảng viên Khoa Kinh tế tổng hợp
Trường Cao đẳng Tiền Giang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-va-giai-phap-dao-tao-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0-87396.htm>.
https://vitea.vn/thuc-trang-va-cac-giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-viet-nam-a7046.html.
http://thinhvuongvietnam.com/Content/phat-trien-du-lich-o-tinh-tien-giang
https://plo.vn/nam-2023-nganh-du-lich-tinh-tien-giang-dat-doanh-thu-970-ti-dong-post771346.html
https://eba.htu.edu.vn/nghien-cuu/152. Những yếu tố cơ bản tác động đến sự phát triển nguồn nhân lực du lịch của một địa phương
https://tuyengiao.vn/du-lich-viet-nam-tiep-tuc-su-menh-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-142712