Phê phán quan điểm "Đòi tách rời Chủ nghĩa Mác- Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh"

Thứ hai, 17/06/2024 - 09:17

TNV - Bất cứ một tư tưởng, một quan điểm hay một học thuyết khi xuất hiện, tồn tại và phát triển, không có con đường nào khác ngoài việc đấu tranh để tự khẳng định. Ở Việt Nam việc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không nằm ngoài quy luật đó. 

Hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Bởi, các lực lượng thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam, trong đó chống phá quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Số đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị dùng đủ mọi phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt hòng “bóc tách”, “tháo gỡ” từng bộ phận cấu thành nên nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Do đó, kiên định, đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là “vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta”. 

Nhận diện luận điệu sai trái, xuyên tạc

Các lực lượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang tập trung chống phá là tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ phù hợp ở thế kỷ XIX, cùng lắm là sang đầu thế kỷ XX, còn bây giờ sang thế kỷ XXI, thời đại văn minh tin học, kinh tế tri thức,... nên học thuyết đó đã lỗi thời, lạc hậu, không còn giá trị; mặt khác, họ cho rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”, từ đó “li sự” rằng: ở Việt Nam chỉ cần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là đủ, không cần đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Giọng điệu thổi phồng hay hạ bệ hai thành tố cấu thành nên nền tảng tư tưởng của Đảng nhằm tách rời mối quan hệ thống nhất biên chứng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ những vấn đề trên, cho thấy: thực chất luận điệu mà các lực lượng thù địch, cơ hội chính trị đưa ra không phải là sự ca ngợi theo đúng giá trị đích thực của tư tưởng Hồ Chí Minh. Mà trái lại, họ muốn cô lập, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu nhất, quyết định nhất, làm suy yếu và tiến tới phủ định chính tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, cùng một lúc họ thực hiện các mục tiêu: phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, họ loại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi “nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam” cho hành động của Đảng và dân tộc ta, làm suy yếu và đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam, hòng thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn tìm cách làm lung lay, suy giảm niềm tin, hoài nghi về nội dung, giá trị, sức sống chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm tăng nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì vậy, nhận diện, đưa ra những luận cứ, luận chứng bác bỏ luận điệu sai trái trên của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là việc làm vô cùng cấp thiết, quan trọng.

Chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ đạo, quyết định nội dung, bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong hành trình tìm đường cứu nước Hồ Chí Minh đã tiếp cận, nghiên cứu nhiều học thuyết trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị - xã hội, quân sự của nhân loại. Trong các học thuyết ấy Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin một cách rất tự nhiên; bởi, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cách mạng Việt Nam, “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[1]. Trong buổi trả lời các nhà báo tại biệt thự Roayan Môngxô, ngày 12 tháng 7 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”[2]. Người luôn đánh giá một cách khách quan, toàn diện và sâu sắc về vị trí, giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam và đối với chính bản thân mình.

Thực tiễn Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp xâm lược, hàng loạt các phong trào đấu tranh của nhân dân theo các hệ tư tưởng nổ ra nhưng đều thất bại; sự thất bại ấy chứng tỏ hệ tư tưởng phong kiến hay tư sản dân tộc đã lỗi thời trước các nhiệm vụ của lịch sử dân tộc và cách mạng Việt Nam muốn giành thắng lợi đòi hỏi phải có một hệ tư tưởng mới dẫn đường. Đến năm 1927 trong Tác phẩm “Đường cách mệnh” Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cách mệnh “Trước hết phải có đảng cách mệnh… Đảng có vững cách mệnh mới thành công… Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt... Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” và Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3]. Hay, tại buổi trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô, phóng viên Báo L'humanité (Pháp) ngày 15 tháng 7 năm 1969, Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn... Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng - mà không phải chỉ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lênin - chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”[4]. Hồ Chí Minh không bao giờ “tách mình” ra khỏi C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lênin để đưa ra những nhận định, những đánh giá của riêng mình, mà theo Người là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà kinh điển Mác - Lênin, “là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”[5].

Nghiên cứu các điều kiện hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh thấy rằng: chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu và quyết định nhất. Chính chủ nghĩa Mác - Lênin quyết định việc xác lập thế giới quan và phương pháp luận khoa học, định hướng và chỉ đạo hoạt động nhận thức của Người.Nhờ có thế giới quan, phương pháp luận Mác - Lênin mà Hồ Chí Minh đã xem xét, đánh giá đúng các vấn đề trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chính trị - xã hội, lọc bỏ những yếu tố lỗi thời, lạc hậu, kế thừa và phát triển những nhân tố tích cực, tiến bộ của truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hoá phương Đông và phương Tây để hình thành nên hệ thống quan điểm, tư tưởng của mình; đồng thời, thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin đã giúp Hồ Chí Minh tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm xác định đúng con đường của cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin quyết định đến bản chất giai cấp, tính cách mạng, khoa học và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như việc xác định những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam.Hồ Chí Minh đã tiếp thu tinh hoa trong nhiều học thuyết của nhân loại. Trong đó có học thuyết thuộc hệ tư tưởng phong kiến, hệ tư tưởng tư sản và có học thuyết thuộc hệ tư tưởng vô sản. Song, trước khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh chỉ là một người yêu nước, mang trong mình tinh thần yêu nước, chưa có hệ tư tưởng nào rõ ràng. Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh đã nói rằng: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết. Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”[6]. Nhưng “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[7]. Nhờ tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin gắn liền với việc tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã giúp Người trở thành người cộng sản chân chính, trở thành người yêu nước theo lập trường vô sản. Tư tưởng Hồ Chí Minh vì thế thuộc hệ tư tưởng Mác - Lênin, hệ tư tưởng của giai cấp vô sản, mang bản chất cách mạng và khoa học.

Kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác

Thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn trong tư duy và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh đã quyết định việc xác định mục tiêu, lý tưởng, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, biểu hiện tập trung bản chất giai cấp công nhân của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là “bản sao” của chủ nghĩa Mác - Lênin như một số người vẫn rêu rao mà là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hồ Chí Minh luôn quan niệm “Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam”[8] và “chúng ta phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”[9]. Do vậy, từng quan điểm, từng tư tưởng của Hồ Chí Minh đều là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã có nhiều cống hiến đặc sắc góp phần bổ sung, phát triển và làm phong phú thêm kho tàng lý luận Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới.

Mặc dù Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[10] và “Chủ nghĩa Lênin cũng gần như cái cẩm nang thần kỳ”[11] nhưng không bao giờ coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là đơn thuốc vạn năng, mà cần phải thường xuyên nghiên cứu, bổ sung và phát triển. Hồ Chí Minh cho rằng “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”[12]. Điều này được Người nêu rõ trong bài viết cho Báo Sự thật (Liên Xô), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 92 năm ngày sinh của V.I. Lênin (22/4/1870 - 22/4/1962), “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin”[13].

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo đến nay, đặc biệt là những thành tựu đã đạt được qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[14]. Đây chính là minh chứng khẳng định tính đúng đắn khi Đảng ta luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Do vậy, những luận điệu cố tình tách rời, cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, hoặc chú tâm đi tìm sự khác biệt, sự đối lập nào đó giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin đều sẽ dẫn đến sai lầm và hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vì vậy, trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng càng “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng… Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đốí với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[15].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.562.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.315.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.589-590.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.561.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.368.  

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.96.  

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.588.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.509 - 510.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.381.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội 2021, tr.25.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.33.

Lê Xuân Thanh -  Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng