New York Times ngày 5/3 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho rằng, Chính phủ nên xem xét lại hiệp ước đã có hàng thập kỷ với Mỹ - đồng minh lâu năm của Philippines để tránh gây ra xung đột vũ trang tiềm tàng với Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: AFP/Getty.
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Mỹ đã tiến hành các cuộc tuần tra quân sự thường xuyên hơn quanh vùng biển được cho là có tranh chấp ở Biển Đông. Động thái này là một trong những nỗ lực chống lại việc Trung Quốc ngang nhiên quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Philippines không muốn bị kéo vào cuộc đấu Mỹ-Trung
Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nói rằng, với việc gia tăng sự hiện diện thường xuyên của các tàu hải quân Mỹ ở Biển Đông nhiều khả năng có thể gây ra xung đột và vì Hiệp ước đã có, Philippines đương nhiên trở thành “kẻ trong cuộc”.
Tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Philippines. Đích thân ông Pompeo đã đảm bảo với Tổng thống Rodrigo Duterte rằng Washington sẽ ủng hộ Manila trong vấn đề Biển Đông.
Trong một cuộc họp khác với người đồng cấp phía Philippines ngày 1/3, ông Pompeo một lần nữa khẳng định Mỹ luôn đảm bảo cam kết không lay chuyển, đó là giữ Biển Đông luôn là vùng biển mở cho giao thương hàng hải quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc không giấu giếm ý định kiểm soát toàn bộ tuyến đường biển huyết mạch này.
“Vì Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào các lực lượng của Philippines, tàu hay máy bay trong vùng biển này cũng sẽ kích hoạt nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau theo điều khoản của Hiệp ước”, ông Pompeo lưu ý.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ chắc chắn sẽ xoa dịu những lo ngại của Philippines trước sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông – nơi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích.
Mặc dù vậy, ông Lorenzana – một cựu tướng giàu kinh nghiệm đã đặt câu hỏi về cam kết của Mỹ đối với Philippines và cảnh báo về những hậu quả không thể lường trước được.
Năm 1992, quân đội Mỹ đã rút khỏi Philippines sau khi Thượng viện nước này bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho thuê hai căn cứ của Mỹ trên đất Philippines. Ông Lorenzana cho biết, ngay sau đó người Trung Quốc bắt đầu các hành động coi thường luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Đá Vành Khăn bị Trung Quốc bồi đắp và cải tạo trái phép. Ảnh: Reuters.
“Mỹ đã không ngăn chặn”, ông Lorenzana nói về âm mưu của Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn. Ban đầu, Bắc Kinh nói rằng họ xây dựng trên đó nơi trú ẩn cho ngư dân. Tuy nhiên, theo thông tin tình báo quân đội Mỹ, hiện trên Đá Vành Khăn có cả các cơ sở quân sự và một đường băng.“Không phải vì thiếu sự trấn an làm tôi lo lắng. Mà đó là bởi vì nó có thể liên quan đến một cuộc chiến tranh mà chúng tôi không kiếm tìm và cũng chẳng mong đợi”, Bộ trưởng Lorenzana chia sẻ.
Philippines có thay đổi thế nào, Trung Quốc vẫn vậy
Không giống ông Lorenzana, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin lại có cách tiếp nhận thông điệp của ông Pompeo theo hướng tích cực hơn và nói rằng Manila sẽ luôn là đồng minh vững chắc nhất của Washington.Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định, mặc dù những lo ngại mà Bộ trưởng Lorenzana là hoàn toàn có cơ sở nhưng hiệp ước bảo vệ lẫn nhau sẽ không tự động “kéo” Philippines vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo ông Batongbacal, bất kỳ một quyết định nào tham gia vào một cuộc chiến như vậy sẽ phải tuân thủ Hiến pháp của Philippines, ngay cả khi hiệp ước với Mỹ yêu cầu điều đó.“Nếu Philippines không muốn liên quan đến một cuộc chiến thì có thể từ chối tham gia dựa trên cơ sở Hiến pháp. Tôi nghĩ vấn đề tự động kích hoạt hiệp ước bảo vệ lẫn nhau thường được cường điệu hóa và hiểu lầm”, ông Batongbacal nói.
Theo ông Batongbacal, đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng xem xét lại Hiệp ước với Mỹ là không cần thiết.Kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Philippines Duterte áp dụng cách tiếp cận hòa giải với Trung Quốc, một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Philippines. Chính quyền tiền nhiệm đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài Quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và giành được chiến thắng.Mặc dù vậy, ông Duterte lại nói rằng, dùng phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế để đối đầu với Trung Quốc cũng đồng nghĩa với một cuộc chiến mà trong đó Philippines sẽ không thắng.Hôm qua (4/3), hàng chục người biểu tình chống Trung Quốc tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila để tố cáo những gì mà họ cho là Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines ở Biển Đông. Theo đó, hàng chục tàu Trung Quốc đã chặn lối đi tới ba bãi cạn vốn là ngư trường truyền thống gần một hòn đảo do Philippines kiểm soát mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Chính phủ Philippines cho biết họ đang tiến hành điều tra và sẽ có khiếu nại với Trung Quốc nếu những thông tin này được chứng minh là đúng.Theo nhận định của ông Batongbacal, động thái này của Trung Quốc là chiến lược để ngăn chặn các tàu của Philippines có thể tiến vào khu vực tranh chấp. Để đạt được mục đích, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật dùng số đông các tàu đánh cá dân sự quây kín một khu vực, ngăn cản các tàu khác tiếp cận./.
Nguồn: New York Times