Phim Việt đề tài gia đình-“vua không ngai” trên màn ảnh nhỏ
Giữ vị trí “vua không ngai” của phim truyền hình Việt những năm gần đây có lẽ là những bộ phim mang chủ đề tình cảm gia đình. Trong 3 năm liên tiếp, “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ” và “Về nhà đi con” gần như chiếm trọn sóng giờ vàng, xô đổ mọi kỷ lục về rating, chi phí quảng cáo, là bệ phóng giúp nhiều diễn viên vụt thành sao. Các câu chuyện, nhân vật, tình tiết phim trở thành những đề tài bất tận của khán giả từ trong nhà ra ngoài phố.
"Về nhà đi con" với đề tài gia đình được gọi là "bộ phim quốc dân".
Thực ra đề tài phim gia đình không mới, vốn dĩ nó đã được khai thác bền bỉ từ nhiều năm qua. Trước đây, phim đề tài gia đình của Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Ấn Độ nhận được sự quan tâm lớn của khán giả Việt, đặc biệt là tầng lớp nội trợ. Trong khi phim Việt chỉ “loé” lên với một vài hiện tượng như “Chuyện nhà Mộc”, "Cuộc phiêu lưu của ông Hai Lúa", “Blog nàng dâu”… rồi nhanh chóng đi xuống bởi nhiều phim kém chất lượng. Khán giả thờ ơ, quay lưng, bởi vậy phim ngoại với nội dung phong phú đa dạng, tình tiết gay cấn, dàn diễn viên đẹp gần như thắng thế và áp đảo phim truyền hình Việt ngay trên sân nhà.
Song “gió đảo chiều”, những năm gần đây, phim Việt chủ đề tình cảm gia đình khởi sắc trở lại. Chỉ sau 2 giờ đăng tải, đoạn phim 5 phút "Về nhà đi con" tập 71 đã thu hút hơn 22 nghìn lượt like (thích), 1,2 nghìn bình luận và 3,7 nghìn lượt chia sẻ đủ để thấy sức nóng của bộ phim. Con số tương tác trên mạng xã hội của “Về nhà đi con” có thể nói là niềm mơ ước của bất cứ nhà sản xuất truyền hình-truyền thông nào trong bối cảnh bão hoà thực đơn giải trí như hiện nay.
Không khó để chỉ ra thành công của “Về nhà đi con”. Các diễn viên trong bộ phim hầu hết đều là những gương mặt gạo cội, nhưng đều thống nhất trong cách diễn không sử dụng nhiều kỹ thuật, diễn mà như không diễn. Thoại phim hay, tự nhiên. Chuyện phim rất “đời”, chân thật ; đặc biệt phim vừa quay vừa phát sóng nên tuy nhiều áp lực hơn với nhà sản xuất, diễn viên song nhanh chóng đón đầu được tâm lý khán giả, đưa đẩy các nút thắt, khiến bộ phim càng hấp dẫn hơn nữa.
Bảo Thanh trong "Sống chung với mẹ chồng".
Bảo Thanh, nữ chính gặt hái thành công với cả “Sống chung với mẹ chồng” và “Về nhà đi con” cho biết: “Đề tài phim gia đình có đặc điểm là gần gũi, đôi khi chỉ là những câu chuyện bình thường, vặt vãnh xảy ra trong cuộc sống. Ai cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng khó có thể chia sẻ với nhau, mà thường chọn cách im lặng. Cho nên những mối quan hệ trong gia đình cứ nhạt dần đi, trở nên xa cách, mọi người không hiểu nhau, ít chia sẻ đồng cảm với nhau. Bởi vậy, đề tài gia đình tưởng cũ nhưng lại mới, bởi có nhiều góc cạnh chúng ta chưa khai thác được hết.
Ví dụ trong bộ phim “Sống chung với mẹ chồng”, đề tài mẹ chồng-nàng dâu luôn là những câu chuyện không hồi kết, có rất nhiều khúc mắc, trăn trở mà không phải mẹ chồng, nàng dâu cũng có thể chia sẻ thẳng thắn với nhau. Vì vậy khi lên phim, thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là những chị em đã lập gia đình. Sang đến “Về nhà đi con” lại là chuyện tình yêu, hôn nhân, ngoại tình, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”...
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã khẳng định đề tài phim gia đình luôn giàu sức sống và sẽ luôn giàu sức sống với khán giả đại chúng. Nó cũng cho thấy sự chú trọng ngày càng nhiều của xã hội đối với sự bền vững của gia đình – tế bào xã hội. Đời sống xã hội càng hối hả xô bồ, hối hả thì tự khắc, càng nhiều khán giả sẽ tìm về những khoảnh khắc bình yên trong những bộ phim gia đình.
Quốc Trường trong "Gạo nếp, gạo tẻ".
Và những thách thức…
Ra mắt gần như cùng thời điểm, song “Nàng dâu order” hoàn toàn lép vế so với “Về nhà đi con” và “Mê cung”. Dù đạo diễn đã cố công cho cả 2 nhân vật “tiểu tam” xuất hiện, cùng những mâu thuẫn của nàng dâu Yến trong hoàn cảnh “sống chung với bà nội chồng” song cũng không cứu vãn được rating của bộ phim. Phim nhận được nhiều ý kiến trái chiếu: nhạt, thiếu cao trào, tình tiết khiên cưỡng, gượng ép, vô lý…
Như vậy, có thể thấy dù theo đề tài được ưa chuộng song không phải bộ phim nào cũng thành công. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá: “Sự hay dở của bộ phim phụ thuộc vào nhiều thứ. Trong đó kịch bản gần như đóng vai trò quyết định. Ngoài ra các mảng miếng do đạo diễn thực hiện cũng phải phù hợp với tinh thần kịch bản, mà việc lựa chọn diễn viên cho phim là một trong những nghiệp vụ đạo diễn quan trọng”.
Đạo diễn Danh Dũng, người vốn nổi tiếng mát tay với phim truyền hình Việt chỉ ra cái khó của phim đề tài này: “Cái khó là mình phải tạo ra được sự gần gũi, ấm áp để mỗi khán giả có thể thấy bóng dáng họ trong phim. Cái khó thứ 2 là “Về nhà đi con” vừa làm vừa phát sóng, và câu hỏi là sự chào đón của khán giả qua từng tập phim như thế nào? Nếu được khán giả đón nhận thì áp lực là phải làm tốt hơn nữa. Còn nếu khán giả phản đối, mình lại càng cần phải gắng hơn nữa”.
Diễn viên Bảo Thanh chia sẻ khi nhiều người tưởng cô không thể thoát khỏi cái bóng của ‘Sống chung với mẹ chồng”: “Vốn dĩ ở ngoài đời tôi lập gia đình rồi, nên các câu chuyện xoay quanh mối quan hệ gia đình mình cũng đã trải qua, hoặc được mọi người chia sẻ, hoặc cóp nhặt từ nhiều nguồn khác nhau, nên cũng có kinh nghiệm. Khi lên phim, mình thể hiện bản thân mình đâu đó vào nhân vật, cũng có thể áp những câu chuyện mình từng được nghe, chia sẻ... vào vai diễn. Bản thân tôi không quá áp lực, vì những câu chuyện xảy ra trong phim rất gần gũi với đời sống. Cái khó nhất là mình thể hiện sao cho chân thực nhất và đời nhất mà thôi”.
Series phim ngắn: “Xin chào hạnh phúc” trên VTV3 kéo dài hơn 265 tập, thời lượng chỉ hơn 20 phút. Phát sóng tập đầu tiên vào ngày 10/07/2017, đến nay bộ phim đã ra mắt hai phần, mỗi phần 100 tập và đưa đến cho khán giả hơn 200 câu chuyện về đời sống gia đình Việt. Bộ phim chưa có dấu hiệu dừng lại, bởi dự kiến trong thời gian tới, các tập tiếp theo của phần ba sẽ tiếp tục được ra mắt khán giả.
Series phim ngắn “Xin chào hạnh phúc” ngày càng được lòng khán giả.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã chỉ ra bất cập của việc phim truyền hình Việt mải miết bám theo đề tài gia đình: “Nếu trên một khung phát sóng cố định mà cứ chạy mãi theo một đề tài thì dù đó là gì, khán giả cũng sẽ mau chóng thấy buồn chán. Cuộc sống muôn hình muôn vẻ thì những câu truyện trên phim cũng nên phong phú như thế. Chưa kể khác với Hàn quốc, nơi những vấn đề an sinh xã hội đã được giải quyết hầu như rốt ráo, thì ở Việt Nam, việc người dân phải đối phó với những vấn đề xã hội là khá nóng bỏng. Nếu coi phim ảnh là nơi khán giả có thể đi tìm chính mình thì các nhà làm phim cũng nên hiểu đời sống đa cực, và họ chớ nên buộc mình vào bất cứ đề tài nào cả”./.
Tố Uyên/VOV