Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá các ý kiến tại diễn đàn thẳng thắn, có giá trị, nhiều đề xuất, kiến nghị rõ ràng

Thứ tư, 09/10/2024 - 14:05

TNV - Sáng nay 9/10, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá các ý kiến tại diễn đàn thẳng thắn, có giá trị, nhiều đề xuất, kiến nghị rõ ràng- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.

Tham dự, chỉ đạo diễn đàn có các đồng chí: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Cùng tham dự diễn đàn còn có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn; Đỗ Ngọc Huỳnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Võ Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Hồ Anh Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Lê Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; Hoàng Minh Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội; Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính; đại diện các doanh nghiệp cùng dự Diễn đàn.

Cùng dự trực tuyến tại các điểm cầu địa phương, có sự tham gia của gần 3.700 đại biểu, là đại diện lãnh đạo của UBND, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL các địa phương, đại diện các Sở ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

Diễn đàn được chia làm hai phiên thảo luận tập trung vào các vấn đề lớn: Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất; Một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ. 

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá các ý kiến tại diễn đàn thẳng thắn, có giá trị, nhiều đề xuất, kiến nghị rõ ràng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Hải Ninh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng cho biết: Năm 2022, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật lần đầu tiên được tổ chức đã trở thành kênh thông tin quan trọng để các cơ quan nhà nước nắm bắt, nhận diện các vấn đề pháp lý cần được giải quyết để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tại Diễn đàn này, đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành đã có báo cáo rà soát về việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đề cập.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật. Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đã đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 4 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 1/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững. Bộ Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã kịp thời phối hợp, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại trong các quy định về đầu tư, sản xuất kinh doanh, đề xuất xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, đó là: “Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu”. Ông khẳng định, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 là một hoạt động thiết thực mà Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương thực hiện để triển khai chủ trương nhất quán này.

Tại hai phiên thảo luận nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp được lãnh đạo một số cơ quan các ban, bộ, ngành giải đáp hết sức đầy đủ, chi tiết, đúng, trúng và sát thực tế các vấn đề vướng mắc hiện nay.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá các ý kiến tại diễn đàn thẳng thắn, có giá trị, nhiều đề xuất, kiến nghị rõ ràng- Ảnh 3.

 Ở phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu cùng nhau trao đổi giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Phiên thảo luận do ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của quốc hội điều hành.

Phiên thảo luận tập trung hai mục tiêu: Nhìn nhận cụ thể hơn trong triển khai dự án đầu tư sử dụng đất các vấn đề pháp lý vướng mắc là gì, phổ biến ở khâu nào, quy trình nào; kiến nghị các giải pháp để giải quyết các vướng mắc này.

Diễn giả tham gia phiên thảo luận gồm có: Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân; ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam; ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Vũ Sĩ Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ tài nguyên và Môi trường.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá các ý kiến tại diễn đàn thẳng thắn, có giá trị, nhiều đề xuất, kiến nghị rõ ràng- Ảnh 4.

Tại Phiên thảo luận thứ hai, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi giải quyết một số vấn đề pháp lý liên quan đến Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) được rất nhiều doanh nghiệp, hiệp hội quan tâm. Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV điều hành Phiên thảo luận.

Qua nhiều lần sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT), chính sách hoàn thuế GTGT vẫn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước. Nếu các vướng mắc về hoàn thuế GTGT không được xử lý sẽ trở thành một điểm nghẽn trong việc khuyến khích đầu tư, kinh doanh, ảnh hưởng đến tính ổn định, minh bạch và công bằng của môi trường đầu tư, kinh doanh. Chính vì vậy các diễn giả đã giải đáp đầy đủ các nội dung mà các doanh nghiệp đang băn khoăn.

Các diễn giả gồm: Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; ông Mai Xuân Thành, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Bộ Tài chính; bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; ông Nguyễn Văn Phụng, Uỷ viên BCH TW Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế; bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế việt Nam (VTCA), nguyên Phó Tổng cục Tổng cục Thuế tham gia Diễn đàn.

Phát biểu tổng kết diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao sự phát triển của diễn đàn, tăng mạnh sức lan tỏa và khẳng định vai trò quan trọng góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận tinh thần xây dựng qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục quyết tâm đổi mới tư duy trong xây dựng thể chế, chú trọng khơi thông nguồn lực, phân cấp, phân quyền một cách thực chất. Bên cạnh sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cần có cách tiếp cận, thực thi pháp luật một cách thực chất, hiệu quả, phù hợp với thực tế.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp thu thập các ý kiến đóng góp, tham mưu với Chính phủ để đưa ra văn bản chỉ đạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao kiểm soát quyền lực, nâng cao đạo đức công vụ và trình độ chuyên môn tại các cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần nâng cao đạo đức doanh nhân, nghiêm túc tuân thủ pháp luật để cùng nhau phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

 Kết thúc Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và sẽ cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch của Bộ Tư pháp, của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương cũng như trong các định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật thời gian tới.

Đồng chí ghi nhận các ý kiến trao đổi rất thẳng thắn, xác đáng của các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương cũng như ý kiến của các đại biểu nêu tại Diễn đàn. Một số kiến nghị, đề xuất đã cơ bản được xử lý, giải đáp ngay tại Diễn đàn; một số kiến nghị, đề xuất khác sẽ được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nghiêm túc và gửi đến các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, xử lý cũng như tham mưu cấp có thẩm quyền để có phương án, cách thức giải quyết trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, trong bối cảnh mới, trong kỷ nguyên mới của đất nước, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của thực tiễn đều thôi thúc chúng ta phải hành động, cùng chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý để góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp - cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hình thức tiếp nhận ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động chính sách và trách nhiệm giải trình của các cơ quan soạn thảo một cách công khai, minh bạch, thường xuyên hơn, nhất là thông qua các nền tảng số để nhận diện chính sách nhanh hơn, phản ứng chính sách nhanh hơn, giúp đưa cuộc sống vào luật, và qua đó giúp luật thật sự đi vào cuộc sống.

"Khi chúng ta cùng lắng nghe, cùng thấu hiểu, cùng chia sẻ, cùng chung tay tháo gỡ các vấn đề pháp lý thì chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh sẽ ngày càng thuận lợi hơn, vừa thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, vừa đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Và ý nghĩa hơn, Diễn đàn này là một trong những hành động cụ thể hóa chủ trương chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật có phần thiên về “quản lý” như hiện nay sang “khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh.


Văn Việt