Phổng Lái – vững vàng đi lên

Thứ tư, 02/05/2018 - 08:59

TNV - Bí thư Huyện ủy Lường Thị Vân Anh cho biết, liên kết bà con nhân dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thu nhập bền vững; phát triển du lịch canh nông gắn với vùng chè, vùng cây ăn quả của xã và du lịch cộng đồng đèo Pha Đin, đây là những trụ cột để xã Phổng Lái vững vàng đi lên.

Xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Phổng Lái là xã vùng I của huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) có tổng diện tích tự nhiên là 9.210 ha, xã gồm 24 bản, với 1.732 hộ và 7.576 khẩu. Có 3 dân tộc chủ yếu cùng chung sống, trong đó dân tộc Thái 969 hộ, với 4.547 khẩu chiếm 60,02%; dân tộc Mông 394 hộ, với 1.708 khẩu chiếm 22,54%; dân tộc Kinh 369 hộ, với 1.321 khẩu chiếm 17,44%. Nhân dân sinh sống tập trung chủ yếu ở dọc Quốc lộ 6 và đường tỉnh lộ nối giữa Quốc lộ 6 với Quốc lộ 279.

Tới đây sẽ đưa vùng chè vào khai thác du lịch sinh thái... Ảnh: Phạm Quỳnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã đã ban hành 47 văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức 05 Hội nghị sơ kết (năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016) , đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của từng năm, kịp thời đưa ra các biện pháp để tháo gỡ khó khăn nảy sinh.

Bên cạnh việc phân công nhiệm vụ cho các cán bộ chuyên môn là thành viên Ban Chỉ đạo, chấp hành tốt chế độ thông tin báo cáo, kiện toàn Ban phát triển xây dựng nông thôn mới của các bản do đồng chí Bí thư Chi bộ các bản làm Trưởng ban và thành viên là những người có uy tín, trách nhiệm và năng lực tổ chức triển khai do cộng đồng bản trực tiếp bầu. Ban Chỉ đạo xã thường xuyên lồng ghép công tác tuyên truyền vào các hội nghị của xã, của bản các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân đóng góp công, góp của, góp thêm ý tưởng để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, 100% các điểm triển khai xây dựng công trình, bà con nhân dân đều tự nguyện giải phóng mặt bằng, ủng hộ vật liệu, ngày công, hiến đất, cây cối hoa màu… để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa bản...; với 5.161 m 2 đất, 150 cây xoan, nhãn...được hiến để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa. Điển hình như các bản Thư Vũ,Tiên Hưng, Lốm Púa, Lốm Pè, Kiến Xương, Mô Cổng, Quỳnh Châu, Pá Chặp,… đã thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình góp công, góp của, góp thêm ý tưởng chung tay xây dựng nông thôn mới của đông đảo bà con.

Ban chỉ đạo, Ban quản lý và Ban phát triển xây dựng NTM của xã tích cực tham gia các lớp tập huấn do tỉnh và huyện tổ chức, đồng thời tổ chức được nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên việc triển khai thực hiện Chương trình từ xã đến bản đạt nhiều kết quả.

...gắn với phát triển du lịch trên đỉnh đèo Pha Đin. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã được triển khai có hiệu quả như: Mô hình chè tại bản Kiến Xương, Thư Vũ, Nặm Giắt, Noong Bổng; mô hình tưới nhỏ giọt cây cà phê, chè tại bản Tiên Hưng, Thư Vũ; mô hình cây sa nhân tại bản Mô Cổng, Phiêng Luông; mô hình trồng chanh leo tại bản Kiến Xương, Tiên Hưng, Pha Lao, Mô Cổng; mô hình trồng cà phê tại bản Quỳnh Châu, Pá Chặp,..

Là xã có xuất phát điểm thấp, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, tình trạng sản xuất tự phát còn khá phổ biến, nên hiệu quả sản xuất còn hạn chế, thu nhập của nhân dân tính bền vững chưa cao, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nguồn lực triển khai các công trình hạ tầng như đường, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế...còn hạn chế. Nhưng nhờ biết quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân, tập trung vào phát triển các mô hình sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nên cuối năm 2017, Phổng Lái trở thành xã đầu tiên của huyện về đích nông thôn mới. Ông Tòng Văn Diện (Phó trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Thuận Châu) cho hay.

Liên kết sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn nông hộ

Theo ông Nguyễn Văn Báu (Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái), hiện nay, xã Phổng Lái có 04 doanh nghiệp và 03 hợp tác xã (HTX) hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả (trong đó 01 hợp tác xã mới thành lập năm 2017 là HTX Chanh Leo Thuận Châu); cùng 04 cơ sở chế biến, thu mua cà phê, ngô, khoai, sắn và 48 cơ sở kinh doanh, nuôi trồng thủy sản đã liên kết gần 1.200 hộ nông dân trong xã (chiếm khoảng 65%) tham gia vào chuỗi sản xuất, tạo ra nguồn thu nhập ổn định.

Ông Doanh (bên trái) giới thiệu với tác giả các sản phẩm trà do công ty chế biến. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Bà con nhân dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đầu tư vào chăn nuôi tập trung bò, lợn; trồng cây công nghiệp chè, cà phê; cây ăn quả chủ yếu là cây chanh leo, nhãn ghép, xoài ghép, bơ; cây dược liệu là cây sa nhân. Từ đây, đời sống của bà con nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân năm 2017 đạt 26,11 triệu đồng/người/năm, so với năm 2010 là 10 triệu đồng/người/năm (tăng 161,1%); số hộ nghèo giảm từ 40% vào năm 2009 xuống còn 8% vào năm 2017. Ông Báu nói tiếp.

Công ty TNHH trà Thu Đan của ông Phạm Văn Doanh ở bản Thư Vũ thành lập năm 2012 đã liên kết với 200 hộ ở 02 bản trong xã là Mường Chiên, Lốm Púa và bản Noong Lào (xã Chiềng Pha) cùng tham gia sản xuất, tạo thành vùng nguyên liệu 200ha. Với phương thức hỗ trợ (cho không) giống, phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư ứng trước (bán chịu) phân bón gốc; mỗi năm công ty ứng vốn khoảng 6 tỷ đồng (tương đương 30% doanh thu/năm) cho bà con tham gia liên kết sản xuất, duy trì vùng nguyên liệu phát triển bền vững.

Ông Phạm Văn Doanh chậm rãi kể, từ năm 2013 đến nay, mỗi năm công ty xuất sang Đài Loan trung bình 200 tấn sản phẩm trà khô, trong đó sản phẩm trà ô long chiếm 70% sản lượng, còn lại là trà xanh và trà đen; đưa doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho 200 hộ dân tham gia vào vùng nguyên liệu, công ty còn tạo thu nhập cho 60 lao động thường xuyên tại nhà máy, cũng như thu hút thêm khoảng 40 – 50 lao động địa phương vào thời vụ chăm sóc và thu hái chè.

Câu chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng bị ngắt quãng, tôi thấy ông nghe điện thoại và vui vẻ nhận lời. Thì ra, chị Lường Thị Thiêm ở bản Noong Lào hỏi ứng trước 05 triệu đồng đưa ông nội đi bệnh viện và ông Lò Văn Hoan (bản Noong Lào) cũng đề nghị ứng 04 triệu đồng để mua bê phát triển chăn nuôi. Được biết, những hộ thành viên liên kết với công ty mà gặp khó khăn, hoặc muốn đầu tư cải thiện kinh tế đều được ông Doanh nhiệt tình, giúp đỡ; nhờ đó, nhiều hộ thoát được nguy cơ tái nghèo do không phải đi vay nặng lãi.

Khu chăn nuôi tập trung của gia đình ông Nghĩa. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Chia tay ông Doanh, chúng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi trâu bò tập trung của ông Lò Văn Nghĩa ở bản Kiến Xương và mô hình phát triển du lịch cộng đồng của ông Bùi Văn Thiệp ở trên đỉnh đèo Pha Đin.

Năm 2015, ông Nghĩa mạnh dạn thuê 1,5ha đất ở bản Kiến Xương và vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu (NHCSXH) đầu tư vào chăn nuôi. Ngoài gần 300m 2 chuồng trại, diện tích còn lại được trồng cỏ để phục vụ 33 con bò và 02 con trâu hiện có đang được nuôi nhốt tập trung. Đến nay gia đình ông đã bán được 20 con, trừ mọi chí phí thu về hơn 100 triệu đồng, trả NHCSXH được một nửa.

Nhận thấy tiềm năng du lịch ở đỉnh đèo Pha Đin, tháng 10/2016, ông Thiệp đã bắt tay vào làm du lịch, biến 2,1ha đất đồi trồng ngô nằm sát quốc lộ 6 ở ngay đỉnh đèo để trồng các loài hoa, dựng chòi ngắm cảnh và các hạng mục phụ trợ cho du khách dừng chân, thưởng ngoạn. Mô hình của ông Thiệp đã kết nối tiêu thụ nông sản (gà, vịt, gạo nương, rau, trái cây...) cho nhiều hộ bà con trong xã; trở thành mô hình đi tiên phong không chỉ của xã Phổng Lái mà còn của huyện Thuận Châu, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi qua đèo Pha Đin.

Bí thư Huyện ủy Lường Thị Vân Anh cho biết, liên kết bà con nhân dân tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo thu nhập bền vững; phát triển du lịch canh nông gắn với vùng chè, vùng cây ăn quả của xã và du lịch cộng đồng đèo Pha Đin, đây là những trụ cột để xã Phổng Lái vững vàng đi lên.

Phạm Quỳnh