Tại lớp học, Ba Mẹ đã có cơ hội được lắng nghe những thông tin hữu ích, giao lưu đặt câu hỏi trực tiếp với CNHS. Trần Thị Nguyệt – Trưởng phòng Điều dưỡng xoay quanh những kiến thức quan trọng về cách nhận biết, phòng ngừa và xử trí các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV/AIDS, viêm gan B, giang mai….
CNHS Trần Thị Nguyệt – Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản MÊKÔNG trình bày
Mong muốn lớn nhất của các bậc cha mẹ là: Trẻ em của chúng ta sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, không bị mắc các bệnh có thể phòng tránh được, trong đó có các bệnh lây truyền từ mẹ sang con!.
Theo CNHS Trần Thị Nguyệt – Trưởng phòng Điều dưỡng Bv ps MêKông: Chúng ta đã biết gì về các bệnh lây truyền từ cha mẹ sang con? Cần phải hiểu rõ rằng: Đó không phải là những bệnh di truyền (truyền từ đời này sang đời khác) mà đó là các bệnh cha mẹ mắc phải trong cuộc sống và có nguy cơ lây truyền sang con, đặc biệt là người mẹ.
Có nhiều bệnh lây truyền từ mẹ sang con: Đường lây truyền có thể là qua nhau thai hoặc qua đường máu khi thai còn trong bụng mẹ, có thể qua tiếp xúc dịch cơ thể mẹ trong chuyển dạ hoặc qua sữa mẹ sau sinh. Hàng năm, trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn còn số lượng không nhỏ trẻ sinh ra bị nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai bị nhiễm bệnh và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
Hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140- 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Can thiệp bằng xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ, điều trị thuốc dự phòng kịp thời, đầy đủ có thể giảm tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con xuống dưới 2%.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10-20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có HBeAg dương tính có thể bị nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ. Trong số những trẻ nhiễm HBV do lây truyền từ mẹ sang thì 90% có nguy cơ chuyển thành viêm gan B mạn tính, nhiều nguy cơ diễn biến xơ gan và ung thư gan khi trưởng thành. Có nhiều biện pháp có thể làm giảm nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con. Xét nghiệm HBsAg cho tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỷ lệ bảo vệ >90%).
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị nhiễm bệnh giang mai nếu không điều trị kịp thời sẽ lây truyền cho thai nhi qua đường máu, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như tính mạng của thai nhi. Sức đề kháng và các bộ phận của thai nhi chưa phát triển toàn diện nên đây chính là nguyên nhân gây nên bệnh giang mai bẩm sinh của trẻ. Theo thống kê, tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm khoảng 40-70%. Can thiệp quan trọng nhất trong phòng bệnh là phụ nữ mang thai phải được xét nghiệm sàng lọc khi có thai càng sớm càng tốt để được tiếp cận điều trị sớm, giảm thiểu lây truyền cho con.
Vậy chúng ta bảo vệ con yêu khỏi các bệnh lây truyền từ mẹ sang con bằng cách nào? Đây là khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế dành cho các bà mẹ và gia đình: Xét nghiệm sàng lọc sớm trong thai kỳ là quan trọng nhất .
Cả 3 bệnh kể trên đều cần sàng lọc phát hiện mẹ mắc bệnh sớm trong khi có thai, tốt nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Có sàng lọc mới phát hiện sớm bệnh để áp dụng các can thiệp điều trị dự phòng đem lại hiệu quả cao nhất là giảm lây truyền cho con. Chẳng hạn: Mẹ nhiễm HIV: bắt đầu điều trị từ tháng thứ 4 của thai kỳ bằng thuốc kháng vi-rút đặc hiệu.
Mẹ nhiễm vi-rút viêm gan B: tùy tải lượng vi-rút trong máu, thầy thuốc chỉ định điều trị thuốc kháng vi-rút ngay hay trì hoãn, theo dõi. Đồng thời thầy thuốc hướng dẫn lựa chọn cơ sở y tế thích hợp để sinh, đảm bảo cho con được tiêm ngay kháng huyết thanh virut trong vòng 24 giờ sau sinh đồng thời tiêm vắc-xin viêm gan B (Nên nhớ rằng kháng huyết thanh vi-rút viêm gan B không phải có sẵn tại các cơ sở y tế).
Mẹ nhiễm giang mai: điều trị ngay để phòng các biến chứng sớm như: sẩy thai, thai tử lưu có thể xảy ra từ tháng thứ 5 của thai kỳ hoặc trẻ mắc giang mai bẩm sinh. Chăm sóc, theo dõi trẻ sau sinh hợp lý từ mẹ có bệnh.
Mẹ nhiễm HIV: Khuyến cáo không nuôi con bằng sữa mẹ, trừ trường hợp không đủ điều kiện nuôi trẻ bằng sữa nhân tạo, những trường hợp đặc biệt cần cân nhắc giữa nguy cơ nhiễm HIV cho trẻ và lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu nuôi con bằng sữa thay thế sữa mẹ: cần cung cấp đủ sữa thay thế trong 6 tháng đầu, có nước sạch, chuẩn bị được bữa ăn thay thế đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Nếu nuôi con bằng sữa mẹ: Mẹ phải được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và tuân thủ điều trị tốt để tải lượng vi-rút đạt dưới ngưỡng ức chế, tốt nhất dưới ngưỡng phát hiện. Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú sữa mẹ vừa bú sữa thay thế!
Mẹ nhiễm vi-rút viêm gan B: - Tiêm kháng huyết thanh virut Viêm gan B và vắc-xin Viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh, tiêm cùng thời điểm ở 2 vị trí khác nhau. - Cho trẻ bú sữa mẹ. - Cho trẻ xét nghiệm HBsAg và anti-HBs từ 12 tháng tuổi để xác định tình trạng nhiễm viêm gan B và đáp ứng kháng thể.
Mẹ nhiễm giang mai: - Cho trẻ bú mẹ. Khám sàng lọc triệu chứng giang mai bẩm sinh ở trẻ. Nếu trẻ sinh ra bình thường, tùy tiền sử điều trị giang mai của mẹ, thầy thuốc sẽ tư vấn theo dõi và điều trị dự phòng cho trẻ, tuy nhiên trẻ vẫn phải được khám theo dõi nhiều lần cho đến 9 tháng tuổi.
Tấn Tài