Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Thúy, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Cảnh báo cho biết: các công cụ PVTM đã xuất hiện từ rất sớm và được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế. Các biện pháp này phát triển song hành cùng với tiến trình tự do hóa thương mại quốc tế. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.
Chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
Nếu giai đoạn 2005 -2010 mới có 21 vụ việc (12 vụ việc CBPG, 1 vụ việc CTC, 5 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh) thì đến giai đoạn 2011 – 2015 là 52 vụ việc và giai đoạn 2016 – tháng 11/2020 là 99 vụ việc (49 vụ việc CBPG, 15 vụ việc CTC, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh).
Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM.
Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM áp dụng với hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng nhanh trong thời gian vừa qua – nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hiệp định FTA. Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.
Cần đánh giá đúng nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA để có các biện pháp phù hợp
Tại hội thảo, các chuyên gia đã thông tin tổng quan các hiệp định thương mại tự do và tác động đối với nền kinh tế Việt Nam; nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA; các biện pháp ứng phó và sử dụng công cụ PVTM. Bên cạnh việc góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công PVTM cho các cơ quan quản lý nhà nước, Hội thảo với những nội dung thiết thực, cung cấp và cấp nhật nhiều thông tin bổ ích, đầy đủ cho các học viên, giảng viên và các đối tượng quan tâm đến lĩnh vực PVTM trong địa bàn thành phố Hà Nội.
Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với neeng kinh tế thế giới. Nổi bật hơn cả là Việt Nam đã tham gia một số FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), và mới đây nhất nước ta đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) Việc thực hiện các cam kết thương mại không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế, mà còn mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cũng như tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực.
Để khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới trước tình hình xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, các thông tin ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) ở nước ngoài đồng thời hạn chế những thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam
Hoài Nam