Phù Yên: Xã nghèo vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ ba, 15/12/2020 - 16:10

TNV - Trong 2 ngày 13 và 14 tháng 12 năm 2020, UBND tỉnh Sơn La đã công bố quyết định công nhận xã Tân Lang và Tường Phù, huyện Phù Yên đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Đây là 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới; năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo xã Tân Lang là 44,7% với 5/16 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo xã Tường Phù chiếm trên 70% và là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cao được nhân rộng

Theo bà Tráng Thị Xuân (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La), đến thời điểm này (14/12), huyện Phù Yên có 7/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới và tỉnh Sơn La có 44 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2020 tỉnh Sơn La sẽ có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Tân Lang đón Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới

Được biết, từ một huyện thuộc diện 30a – một trong 61 huyện nghèo nhất cả nước, huyện Phù Yên đã tập trung phát triển các cụm công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặc biệt chú ý phát triển nông, lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung; khuyến khích các hợp tác xã (HTX), nhóm hộ, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được thành lập; xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với chuỗi sản phẩm OCOP; giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả để phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế; cải tạo vườn tạp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng thời, huyện đã hoàn thành đầu tư nhà máy may Tâm Việt, nhà máy gạch Tuynel, xây dựng Nhà máy thủy điện Mường Bang, Nhà máy thủy điện Háng Đồng - Suối Tọ; mở rộng xí nghiệp giày da Ngọc Hà và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, giải quyết việc làm mới ổn định cho trên 3.000 lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con các xã trong huyện.

Trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Phù Yên đẩy mạnh phong trào giúp nhau làm kinh tế; hỗ trợ kỹ thuật, cây, con giống, vốn vay ưu đãi,... Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015 – 2020, huyện Phù Yên giải quyết việc làm cho 14.707 người, 2.347 lao động được vay vốn tạo việc làm; 14.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,91% năm 2015 xuống còn 15,5% năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra. Nhờ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện, tháng 3/2018, huyện Phù Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là huyện thoát nghèo.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng Nông thôn mới

Xã Tân Lang, năm 2011 với xuất phát điểm thấp khi thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM): mới đạt 5/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 7,8 triệu đồng/người/năm đến năm, tỷ lệ hộ nghèo 44,7%, có 5 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,73% và chỉ còn 2 bản đặc biệt khó khăn, cả xã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều vượt từ 10% trở lên so với kế hoạch huyện giao.

Kết cấu cơ sở hạ tầng của toàn xã được cải thiện rõ rệt, các tuyến đường trục xã, liên xã được đổ nhựa và bê tông hóa đạt 100%; các tuyến đường trục bản, liên bản được bê tông hóa đạt 79,3%, đường làng ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp; nhà ở dân cư được sửa chữa, xây mới khang trang, gọn gàng, ăn ở hợp vệ sinh. Nhiều công trình phúc lợi như nhà văn hóa, trường học, hệ thống thủy lợi… được xây dựng mới.

Với tổng kinh phí thực hiện trên 54 tỷ đồng; huy động được trên 58 nghìn ngày công lao động ; vận động nhân dân đóng góp số tiền trên 3,6 tỷ đồng, hiến 6.385 m 2 đất xây dựng hạ tầng, đường giao thông và nhiều công trình dân sinh khác. Tân Lang trở thành điểm sáng trong huy động ngày công Nhân dân tham gia xây dựng NTM , mặt khác một số khu dân cư ở xã còn chủ động toàn bộ kinh phí không đợi nguồn hỗ trợ xi măng của Nhà nước để làm đường giao thông xóm . Điển hình trong hiến đất và vận động bà con làm đường giao thông nông thôn như: ông Nguyễn Văn Viện (Bí thư chi bộ, trưởng bản Bản Diệt), Phạm Văn Tân (chi hội NCT bản Khẻn Tiên); hộ Hoàng Văn Việt (bản Khẻn Tiên), Hà Văn Quynh (bản Tân Hợp).

Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Nông thôn mới được nhận bằng khen.

Ngoài ra, nét nổi bật của Tân Lang là đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; phát triển chăn nuôi lợn, chăn nuôi thỏ, nuôi gà thả vườn; phát triển diện tích trồng cây ăn quả có múi; trồng chè và trồng rừng kinh tế… đem lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng. Tiêu biểu như: chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng của hộ ông Phạm Văn Ánh, (bản Khẻn Tiên), ông Nguyễn Văn Tuyền (bản Thịnh Lang 1); chăn nuôi lợn của hộ ông An Văn Thoại, Lê Văn Bắc, Trần Văn Tuấn, Trần Văn Quân (bản Thịnh Lang 1) cho thu nhập mỗi năm bình quân từ 200-300 triệu đồng; phát triển trồng cây ăn quả có múi của hộ Lê Hồng Tân, Lê Văn Tý, Nguyễn Văn Minh (bản Thịnh Lang 1), ông Trần Văn Tuấn, Trần Văn Hoa (bản Yên Thịnh), cho thu nhập mỗi năm từ 100 – 250 triệu đồng. Cùng nhiều hộ phát triển trồng rừng kinh tế, trồng chè đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện đạt chuẩn Nông thôn mới

Khó khăn hơn nhiều so với xã Tân Lang (vùng II), năm 2011, xã Tường Phù là xã vùng III thuộc diện đặc biệt khó khăn : đạt 1/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người là 6,2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 70%. Hệ thống kết cấu hạ tầng – kinh tế xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ, kinh tế chậm phát triển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa, manh mún phụ thuộc vào thiên nhiên.

Khen thưởng của UBND huyện dành cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Nhưng cũng chính từ khó khăn ấy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã đã quyết tâm, đồng lòng, khơi dậy được tinh thần tự giác trong toàn dân. Kết quả, bà con các dân tộc trong xã đã tự nguyện hiến hơn 88 nghìn m 2 đất xây dựng hạ tầng, đường giao thông; đóng góp trên 17.661 ngày công và trên 2.120 triệu đồng; góp phần tích cực cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước hơn 100 tỷ đồng làm được 12,44 km đường bê tông; 7 nhà văn hóa bản; xây mới 3 nhà lớp học; 2 công trình nước sinh hoạt, 3 công trình đập thủy lợi, 5 trạm biến áp cung cấp điện ổn định cho 1.254 hộ sử dụng điện...

Nhờ vậy, đến nay đường thôn xóm được cứng hóa đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa, hàng ngàn hec-ta hoa màu của bà con đủ nước tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn; số người lao động có việc làm trong độ tuổi lao động là 3.111 lao động (đạt 90,17%); trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, 92,4% nhà đạt chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt, đạt 36,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,9%. Đặc biệt, xã Tường Phù đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã đặc biệt khó khăn đầu tiên của huyện đạt chuẩn Nông thôn mới .

Với nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, xã Tường Phù nổi bật so với các xã trong huyện về các mô hình trồng tỏi, trồng mía; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát triển trồng cây ăn quả ( xoài, bưởi, cam ); phát triển trồng rừng kinh tế. Điển hình như, hộ ông Lò Văn Lợi (bản Bùa Hạ) chăn nuôi đại gia súc và phát triển trồng rừng cho thu nhập mỗi năm bình quân từ 250-300 triệu đồng; hộ ông Hoàng Văn Mây (bản Bùa Thượng 1) chăn nuôi đại gia súc cho thu nhập bình quân từ 200-250 triệu đồng...

Chi cục Kiểm Lâm tỉnh trao tặng xã Tường Phù 50 triệu đồng xây dựng Nông thôn mới.
Trước đó, Chi cục đã hỗ trợ cây giống giúp xã trồng 30 ha cây tếch trên đất rừng và 60 triệu đồng
xây Nhà bia tưởng niệm các AHLS của xã

Cùng với đó, trên địa bàn xã còn có 2 HTX hoạt động hiệu quả và hơn 120 cơ sở dịch vụ thương nghiệp, vận tải, ngày càng phát triển mở rộng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc giao thương hàng hóa. Đặc biệt, TỎI PHÙ YÊN - sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đầu tiên của huyện có công sức lớn của các hộ dân trồng tỏi và HTX sản xuất và kinh doanh TỎI PHÙ YÊN do bà Hà Thị Chưng, cán bộ phụ nữ ở bản Bùa Chung 1 hăng hái đứng ra thành lập.

Thành quả của 2 xã hôm nay là cả quá trình sự nỗ lực phấn đấu trong suốt 10 năm qua của nhiều lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Vui mừng với niềm vui chung của xã Tân Lang và Tường Phù trong quá trình xây dựng, đổi mới quê hương, ông Nguyễn Viết Hưng (Bí thư Huyện ủy Phù Yên) nhấn mạnh: Xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.

Để duy trì và giữ vững danh hiệu này, ông Hưng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Lang, Tường Phù cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia, thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả kinh tế cao và là điểm sáng của xã. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “ Ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở xây dựng nông thôn mới ” của Huyện ủy; nhằm duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt được; quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí./.

Rộn ràng điệu múa chuông của dân tộc Dao xã Tân Lang trong ngày đón Nông thôn mới.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh