Tối 25/6, Phương Mỹ Chi vừa trình làng MV Gối gấm. Đây là ca khúc nằm trong album Vũ trụ Cò bay được ra mắt vào tháng 09/2023. Trước đó, những MV Vũ trụ có anh, Đẩy xe bò đã tạo ra những hiệu ứng nhất định về sự lột xác trong hình ảnh và âm nhạc, giúp cô tạo ra tiếng vang trong năm 2023. Sản phẩm lần này chính là món quà mà nữ ca sĩ muốn gửi tặng khán giả sau sự thành công của album, cũng như “viết tiếp những câu chuyện văn hóa bằng hơi thở của thời đại".
Gối gấm là ca khúc mà Phương Mỹ Chi đảm nhận hoàn toàn phần sáng tác giai điệu. Sau đó được DTAP sản xuất và chắp bút thêm về phần lời. Mượn từ nhiều ý thơ hay của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, Phương Mỹ Chi và DTAP đã tô vẽ thêm sự cô đơn và chờ đợi của người phụ nữ ở trong nhiều ngữ cảnh và thời đại khác nhau.
Tuy vậy, câu chuyện được kể trong Gối gấm không bi lụy hay đau thương mà chỉ tinh tế khắc họa sự đơn côi, nhung nhớ của người phụ nữ dành cho mối tình không thành của mình. Từ đó, cô muốn truyền tải câu chuyện “tình anh lý thuyết" không chỉ tồn tại ở xã hội truyền thống mà còn ở thời hiện đại.
Nói về nguồn cảm hứng tạo nên ca khúc Gối gấm, Phương Mỹ Chi cho biết: “Ban đầu các anh DTAP đưa cho Chi đề bài sáng tác một ca khúc nói về đồ vật bất kỳ. Đây là chủ đề không hề dễ đối với người mới học sáng tác như Chi. Trong lúc nằm ngủ, Chi nảy ra ý tưởng 'hay mình viết về cái gối, rồi chơi vần với chữ rối'. Từ đó ca khúc Gối gấm ra đời”.
Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không hề thấp kém mà được đặt ngang hàng với đấng mày râu. Những tư tưởng dẫu xưa nhưng không cũ của nữ sĩ họ Hồ đã thể hiện bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam vượt thời đại. Vẻ đẹp của người phụ nữ còn được nữ sĩ nhìn nhận toàn diện ở bản lĩnh, tài năng hơn người. Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không nổi bật ở vẻ đẹp tinh thần theo quan điểm phong kiến “tam tòng tứ đức”, mà đó là vẻ đẹp của sự tự tin, mạnh mẽ dám vượt trên mọi rào cản của xã hội phong kiến để được là chính mình.
Khác với những MV mang văn học vào âm nhạc trước đây của các ca sĩ khác, Gối gấm không tái hiện hay thuật lại nội dung câu chuyện văn học nào, thay vào đó MV chỉ tập trung khai thác biểu cảm, ngôn ngữ hình thể cùng màn trình diễn múa chén của Phương Mỹ Chi. Tuy vậy, giá trị văn hóa trong MV lần này được nữ ca sĩ 10X cùng ê-kíp đặt để một cách vô cùng tinh tế qua những hình ảnh ẩn dụ.
Là một người trẻ yêu thích những nét đẹp của văn hóa truyền thống, Phương Mỹ Chi đã từng chia sẻ: “Chi có một khát khao văn học không chỉ có trên sách vở. Với hơi thở của thời đại mới, văn học sẽ là một kho tàng kỳ vĩ mà mỗi chúng ta đều nên có trách nhiệm kế thừa và phát huy”. Và điều đó đã được “bảo chứng” qua album Vũ trụ Cò bay và lần này tiếp tục là MV Gối gấm.
Điểm giao thoa giữa yếu tố dân gian và đương đại, từ âm nhạc đến trang phục, set quay, vẫn tiếp tục gói gọn trong "Gối gấm". Dù lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử như hình tượng vị nữ tướng Bà Triệu, nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay hòn vọng phu, thế nhưng bối cảnh và tạo hình trong MV Gối gấm lại vô cùng hiện đại, gần gũi.
Sự cô đơn, khắc khoải “ngóng chờ” của người phụ nữ lấy cảm hứng từ những chất liệu văn học của Bà chúa thơ Nôm được khắc họa qua khung cảnh Phương Mỹ Chi “trơ trơ thân nhan hồng” trong căn phòng “giường không gối trống” viết chữ Nôm, “tương tư” về kỷ niệm với người mình yêu. Những phút giây hạnh phúc bên nhau của cặp đôi được thể hiện qua hình ảnh “sao Hôm - sao Mai”. Sau khi Chi (nhân vật Phương Định) cùng đồng đội là Nho và Thao đứng trên đỉnh núi, dưới ánh trăng ấy hiện lên kỷ niệm xưa của cặp đôi khi bên nhau khiến cô bồi hồi. Giờ đây chỉ còn là hình ảnh đứng riêng lẻ của sao Hôm và sao Mai vì “giây phút bên nhau chẳng bao lâu” đã phải rơi vào cảnh ly biệt.
Bên cạnh đó, phần hình ảnh MV vẫn còn nhiều yếu tố được lấy cảm hứng từ chất liệu văn học của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có thể kể đến như hình ảnh mâm hoa quả ẩn dụ cho khát khao về một hạnh phúc của người phụ nữ trong câu chuyện. Mâm được thiết kế chia làm 4 tầng với ý nghĩa sâu xa khác nhau: tầng 1 tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi, tầng 2 là sự đủ đầy, tầng 3 với hình ảnh bông gối “chăn ấm nệm êm” ám chỉ cuộc sống sung túc về kinh tế, và tầng cuối cùng là những bông hoa trắng như ôm ấp và vỗ về khi con người ở giai đoạn “gần đất xa trời”.